10 năm giảng dạy và quảng bá DDC (1998-2008)

Print

DDC lần đầu tiên được giảng dạy trong một khóa tập huấn “Nghiệp vụ Thư viện hiện đại” vào tháng 10 năm 1998 tại Thư viện ĐH Khoa học Tự nhiên TP. HCM. Đây là một việc làm đầy khó khăn tại thời điểm đó, nhưng đã mang lại một ý nghĩa hết sức to lớn - đã đặt nền móng cho một chương trình hoạt động nhằm đổi mới công tác thư viện trong toàn bộ các thư viện đại học phía Nam trong một thập niên dưới hình thức hoạt động từ Câu lạc bộ Thư viện do Thư viện ĐH Khoa học Tự nhiên khởi xướng đến Liên hiệp Thư viện đại học phía Nam (FESAL), và nay là Liên Chi hội Thư viện đại học phía Nam (VILASAL). Hệ quả là từ những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, những thư viện đại học phía Nam đã mạnh dạn đổi mới nghiệp vụ và phương thức hoạt động theo hướng chuẩn hóa trong đó Khung phân loại DDC đã được áp dụng đồng loạt thay thế cho Khung phân loại thập tiến 19 dãy và Khung BBK. Điều này cũng tác động mạnh mẽ đến việc đổi mới tư duy về nghiệp vụ chuẩn hóa cho đồng nghiệp trong cả nước. Riêng về DDC, điều này có thể được minh chứng tại cuộc Hội thảo quốc gia đầu tiên về biên dịch và áp dụng DDC vào ngày 17/3/2000 tại Bộ Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, tại đó đại biểu của Câu lạc bộ Thư viện được mời để giới thiệu về DDC và kinh nghiệm triển khai DDC trong hai năm (từ 1998-2000) tại các thư viện đại học Phía Nam. Đây là cuộc hội thảo đặt nền móng tiến đến việc biên dịch và áp dụng DDC rộng rãi trong cả nước sau này.

Ngày nay việc giảng dạy và quảng bá DDC có rất nhiều thuận lợi, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một ít khó khăn cần phải được khắc phục. Với tư cách là những người tiên phong trong việc quảng bá DDC tại Việt Nam chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn và nhiều điều nghịch lý. Trong bài viết  này, chúng tôi xin chia sẻ với đồng nghiệp một số kinh nghiệm trong việc khắc phục khó khăn; cũng như một ít kinh nghiệm trong giảng dạy để có được thành quả của quá trình 10 năm giảng dạy và quảng bá DDC.

Khó khăn về mặt nhận thức việc sử dụng khung phân loại

Phải thừa nhận rằng, ngành thư viện học “chính thống” của chúng ta chịu nhiều ảnh hưởng nền thư viện học của Liên Xô cũ. Điều này tác động rất lớn đến vấn đề nhận thức việc sử dụng khung phân loại. Người ta thường khó chấp nhận một khung phân loại hoàn toàn theo Mỹ trong khi BBK vẫn được đánh giá là một khung phân loại có giá trị cao không những về mặt tư tưởng mà còn về khía cạnh khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội; những nhãn hiệu quốc tế như là Khung phân loại thập phân quốc tế (UDC) dễ tác động đến vấn đề tâm lý của học viên về việc chuẩn hóa; ngoài ra không ít người cảm thấy hết sức hài lòng với một khung khá gần gũi với mọi người đó là khung phân loại thập tiến 19 dãy (được dịch từ ấn bảng tiếng Nga và được Việt Nam cải biên). Đó là lý do trong suốt 10 năm qua, các cơ sở đào tạo chính quy trong cả nước đều giảng dạy chính thức các khung phân loại trên; trong khi đó, chúng tôi lại giảng dạy và quảng bá DDC với ý thức rằng “bổ sung những điều mà trường lớp chính quy chưa dạy” nhằm mục tiêu “không những đáp ứng mà còn thay đổi nhu cầu” học tập và sử dụng thư viện hiện đại.

Tất nhiên là phải khắc phục những khó khăn trên về mặt nhận thức trước khi bắt tay vào giảng dạy DDC, chúng tôi đã giúp học viên thay đổi nhận thức bằng phương châm “Thay đổi không phải là dễ dàng, nhưng nó là chìa khóa cho tương lai”. Những bước thực hiện:

1. Nhận thức đúng về nền thư viện học hiện đại. Chúng tôi bắt đầu bằng chính quan điểm của những đồng nghiệp người Nga khi giới thiệu những ý tưởng trong một tác phẩm nổi tiếng “Thư viện học đại cương” của nhà thư viện học người Nga danh tiếng V.V. Xcvortxov được minh họa trong sơ đồ dưới đây (Hình 1). Khi xét về mặt tư tưởng và quan điểm, tác giả đã nhận định rằng thư viện học thế giới đã chịu ảnh hưởng của những biến động lịch sử để hình thành những hệ tư tưởng thư viện học cổ đại đã tạo nên những quan niệm cơ bản ban đầu về nghề thư viện và tư tưởng thư viện học trung cổ để lại dấu ấn về sự độc quyền của giáo hội trong công tác thư viện để phục vụ xu hướng tôn giáo (1) và (2). Trong thời cận đại (thế kỷ XIX) là giai đoạn tư sản thống nhất toàn thế giới (3); bước sang thế kỷ XX hình thành một sự phân đôi giữa thư viện học xã hội chủ nghĩa nặng về lý thuyết và thư viện học tư bản chủ nghĩa thiên về thực hành (4); đến nay (thế kỷ XXI) là giai đoạn hợp nhất (5) - Giai đoạn của sự phát triển thư viện như một môn khoa học thống nhất gắn liền với công nghệ thông tin.

Tác giả V.V. Xcvortxov đã trình bày một sơ đồ minh họa như sau:

10-nam-DDC 

         

Chúng tôi nhấn mạnh đến sự đổi mới nhanh chóng của nền thư viện học Nga nhằm tác động đến việc đổi mới tư duy học viên; đồng thời giới thiệu hình ảnh thư viện của cộng đồng thế giới phát triển qua những đúc kết của những hội nghị quốc tế như là “Thư viện thế giới ngày nay nói chung và thư viện đại học nói riêng đang phát triển với một tốc độ nhanh chưa từng có”. (Hội nghị quốc tế tại Đại học Malaya, Malaysia năm 1997 và tại Đại học East Anglia, Anh Quốc năm 1998).

2. Cổ súy quan điểm CHUẨN HÓA – HỘI NHẬP – PHÁT TRIỂN. Đó là châm ngôn đồng thời là hành động của Câu lạc bộ thư viện phản ánh một quan điểm biện chứng “Chuẩn hóa để hội nhập nhằm mục đích phát triển thư viện; hay muốn phát triển thư viện thì phải hội nhập, muốn hội nhập thì phải chuẩn hóa”.

Trong chương dẫn nhập của giáo trình giảng dạy DDC, chúng  tôi lưu ý học viên trước tiên về “Quan điểm sử dụng khung phân loại”. Trong phần này chúng tôi trình bày rõ ràng “Thế nào là chuẩn hóa?” và cùng thống nhất với học viên trong tiến trình giảng dạy “Chuẩn hóa như thế nào?”.

Chuẩn hóa là một bước quá độ từ ý tưởng cá nhân đến ý tưởng chung, từ lộn xộn đến một trật tự, và từ tùy hứng đến quy luật. Có nhiều tiêu chuẩn quốc tế được cộng đồng thế giới công nhận một cách chính thức; ngoài ra cần lưu ý một vài tiêu chuẩn mang tính quốc tế nhưng giá trị sử dụng không cao và không phổ biến bằng những tiêu chuẩn khác, chẳng hạn như chúng ta có thể so sánh giữa Quốc tế ngữ (Esperanto) với Tiếng Anh. Trong ngành thông tin thư viện chúng ta nên dùng lưu ý này để giải thích tại sao MARC21 (Gốc USMARC) lại phổ biến hơn UNIMARC và DDC lại phổ biến hơn UDC.

Ngoài ra để giải thích tại sao chọn DDC, chúng ta nên nhấn mạnh đến sự phát triển tất yếu của thư viện ngày nay là sự liên thông-liên kết thư viện để tạo nên những hệ thống thư viện (library systems) và những liên hiệp thư viện (consortium). Đặc biệt ngày nay, những sự liên kết đó dựa trên cơ sở toàn cầu.

Khi thư viện chưa liên thông với nhau, mỗi quốc gia, thậm chí mỗi thư viện chọn cho mình một khung phân loại thích hợp cho riêng sưu tập của thư viện mình. Nhiều quốc gia tự viết riêng khung phân loại hay cải biên các khung phân loại có sẵn - ví dụ: Bảng phân loại thập tiến 19 dãy. Khi thư viện bắt đầu có nhu cầu liên thông, nhiều thư viện bắt đầu dùng chung một khung phân loại. Những khung phân loại mang tính quốc tế cao và được dịch nhiều ngôn ngữ là:

+  Phân loại Thập phân Dewey (DDC)

+  Phân loại Thập phân Quốc tế (UDC)

+  Phân loại Thư viện-Thư mục (BBK)

+  Phân loại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ (LLC)

Khi quá trình liên thông thư viện đã đạt đến phạm vi toàn cầu như hiện nay, một số  khung phân loại nổi trội như DDC, LLC đã trở thành tiêu chuẩn chung cho nhiều kho tin và cơ sở dữ liệu chính tại thư viện các trường đại học.

Khi chúng ta thống nhất được quan điểm sử dụng khung phân loại. Việc học tập và giảng dạy DDC trở nên thuận tiện và có hiệu quả cao.

Kinh nghiệm giảng dạy DDC

Thông thường tâm lý của người học và sử dụng một khung phân loại nào thì người ta muốn nắm được triết lý của khung phân loại đó, chẳng hạn như khung phân loại BBK là dựa vào nền tảng triết học Mác-Lênin. Còn khung phân loại DDC thì sao?. Trong giáo trình giảng dạy DDC “Hướng dẫn thực hành phân loại thập phân Dewey” chúng tôi có giải thích rõ cấu trúc nền tảng của DDC nhằm giúp học viên nắm rõ ý nghĩa cấu trúc của khung DDC qua mối liên kết lôgích của tri thức thể hiện qua ngành học và chuyên ngành của từng chủ đề hay đề tài.

Ngoài ra, trước khi tập huấn thực hành ấn định số phân loại thập phân Dewey, chúng ta cần lưu ý học viên những kiến thức cơ bản đặc thù của DDC như sau:

1. DDC là một khung phân loại gồm đủ ba tính chất liệt kê, tổng hợp, và phân cấp; tuy nhiên tính phân cấp là đặc trưng tiêu biểu của DDC; trong khi tổng hợp là tính chất phụ do đó việc tổng hợp số phân loại trong DDC đều phải tuân theo sự chỉ dẫn. Điều này khiến người phân loại phải có ý thức tôn trọng kỉ luật trong lúc thiết lập số phân loại Dewey, chính là luôn luôn thực hiện công việc phân loại theo sự chỉ dẫn trong DDC.

2. Tính phân cấp trong DDC được tính theo độ dài của chữ số Dewey và luôn luôn được đọc trong ngữ cảnh chủ đề cấp trên – được thể hiện trong các mục từ trong Bảng chính và đặc biệt trong Bảng chỉ mục quan hệ. Điều này giúp cho người phân loại dễ dàng chọn số phân loại Dewey cũng như học để nắm vững cấu trúc và cơ chế của DDC.

Trong quá trình tập huấn DDC, chúng tôi đã giúp đồng nghiệp thực hiện hai công việc cụ thể mang đến một sự thay đổi sâu sắc. Đó là:

Chuyển đổi kho sách từ xếp theo kích cỡ sang xếp theo môn loại. Đây là những kho sách được xếp theo số cá biệt và phân chia theo ngôn ngữ và kích cỡ. Trong quá trình tập huấn sử dụng DDC, chúng tôi đã đề xuất phương án cải tạo kho và hướng dẫn từng bước như sau:

+ Không gián đoạn công việc lưu hành;

+ Sử dụng Bảng tóm lược số ba – chỉ gồm ba chữ số phân loại Dewey, để phân loại và sắp xếp nhanh từng kệ sách. Với cách này, trong một thời gian ngắn, cơ bản đã chuyển đổi kho sách từ xếp theo số đăng ký cá biệt và kích cỡ sang xếp theo môn loại;

+ Phân loại lại toàn bộ kho sách và làm nhãn sách chính thức.

Hầu hết các thư viện Đại học phía Nam đã áp dụng phương pháp này để nhanh chóng cải tạo kho sách theo phân loại DDC

Khôi phục kho sách trước 1975 và tổ chức lại toàn bộ kho sách theo DDC. Một số thư viện còn giữ nguyên những kho sách đã được xếp theo môn loại và sử dụng DDC từ trước năm 1975 (Chẳng hạn như Thư viện ĐH Sư phạm Tp. HCM, Thư viện ĐH Kinh tế, Thư viện ĐH Nông lâm, Thư viện ĐH Đà Lạt, vv...). Sau khi tập huấn DDC, các thư viện này đã sử dụng những kho sách này như là hạt nhân để xây dựng kho sách theo DDC.

Ngoài việc tổ chức tập huấn DDC thường xuyên tại Thư viện ĐH Khoa học Tự nhiên Tp. HCM, chúng tôi còn đến tập huấn tận nơi với phương thức “cầm tay chỉ việc” và hỗ trợ công tác biên mục, tổ chức kho cho nhiều thư viện ở khu vực phía Nam, chẳng hạn như Thư viện ĐH Sư phạm, Thư viện ĐH Nông Lâm, Thư viện ĐH Công nghệ Sài Gòn, Thư viện ĐH Đà Lạt, Thư viện ĐH Nha Trang, vv...

Kết luận

DDC đã được giảng dạy và quảng bá trong 10 năm nay ở khu vực phía Nam. Hơn ngàn lượt học viên đã tham gia nhiều lớp tập huấn và hàng loạt thư viện đại học phía Nam đã đổi mới và sử dụng DDC từ đó. Nhiều năm sau, khi Bộ Văn hóa-Thông tin chính thức khuyến cáo cả nước dùng DDC thì hệ thống thư viện đại học phía Nam đã ổn định về mặt sử dụng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi đã cố gắng khắc phục, để đóng góp một phần vào sự nghiệp chung. Kể từ năm học 2006-2007 đến nay, DDC được chính thức giảng dạy một cách bài bản và có chất lượng cao tại vài cơ sở đào tạo chính quy ngành thư viện thông tin có uy tín ở khu vực phía Nam. Theo chúng tôi, DDC cần phải được giảng dạy bài bản như thế trong các cở sở đào tạo chính quy trong cả nước. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy nhanh chóng tiến trình chuẩn hóa – hội nhập của ngành thư viện Việt Nam.

THAM KHẢO

  1. Hướng dẫn thực hành phân loại thập phân Dewey: Tài liệu hướng dẫn sử dụng Dewey Decimal Classification, 22nd edition và Khung Phân loại Thập phân Dewey rút gọn, ấn bản 14
  2. Sổ tay quản lý thông tin thư viện
  3. Thư viện học đại cương: Phần1: Những cơ sở lý thuyết của thư viện học
  4. Tổng quan khoa học thông tin và thư viện

__________

Nguyễn Minh Hiệp, BA, MS.: GĐ. Thư viện ĐH Khoa học Tự nhiên TP. HCM

(Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam)


Đọc thêm cùng chuyên mục: