Đại hội Thư viện và Thông tin thế giới lần thứ 88 tại Rotterdam, Hà Lan

Print

Từ ngày 21-25/8/2023, Đại hội Thư viện và Thông tin thế giới (IFLA WLIC) lần thứ 88 do Liên đoàn quốc tế các hội và cơ quan thư viện thế giới (IFLA) tổ chức đã diễn ra tại thành phố Rotterdam, Hà Lan. Đại hội quy tụ hơn 3.000 đại biểu đại diện ngành thư viện, thông tin của hơn 100 quốc gia tham dự. Đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Xuân Dũng, Quyền Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQG) làm Trưởng đoàn đã tham dự tích cực Đại hội.

Với chủ đề “Hãy làm việc cùng nhau, cùng nhau làm thư viện”, hơn 230 phiên họp chính thức với hơn 500 bài thuyết trình đã chia sẻ các nội dung về thư viện và tầm nhìn toàn cầu, thư viện với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, vận động cho hoạt động thư viện, vấn đề bản quyền, trí tuệ nhân tạo và thư viện, các biện pháp thúc đẩy việc đọc và thu hút bạn đọc trở lại thư viện, phát triển ngôn ngữ và kỹ năng số, tự do tiếp cận văn hóa, kiến thức kỹ thuật số, marketing thư viện, dịch vụ thư viện dành cho người khuyết tật, giáo dục khoa học thư viện, thông tin… Bên cạnh các phiên họp diễn ra tại Trung tâm hội nghị Rotterdam Ahoy, Ban Tổ chức cũng phát trực tuyến các phiên họp chính để kịp thời truyền tải thông tin tới hàng nghìn người quan tâm trên toàn cầu.

Bên lề Đại hội, 22 hội nghị vệ tinh, hàng chục diễn đàn mở, hàng trăm gian hàng giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ thư viện mới và trưng bày poster về chủ đề “Xây dựng một tương lai bền vững thông qua các mục tiêu phát triển bền vững” đã được tổ chức rất thành công, làm nổi bật vai trò của thư viện là tấm gương phản chiếu, là trái tim, là chất xúc tác cho tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững. Các hoạt động truyền thông vận động sôi nổi diễn ra song song cùng thời gian Đại hội cũng thu hút được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của các đại biểu như đêm giao lưu văn hóa tại vườn thú Rotterdam, chạy bộ 5 km, đồng diễn Yoga và Bootcampt ngoài trời vào các buổi sáng sớm trước giờ Hội nghị tại các điểm danh thắng của thành phố, đặc biệt màn Flashmob của cán bộ thư viện được tổ chức tại Nhà ga trung tâm với các đại biểu cùng nhau đọc thành tiếng truyện thiếu nhi bằng các ngôn ngữ đã thu hút được sự quan tâm, chú ý và tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng tại thành phố Rotterdam.

Trong khuôn khổ Đại hội IFLA WLIC 2023, đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực và đầy đủ các phiên họp như:

- Phiên khai mạc Đại hội với các phát biểu quan trọng của Phó Thị trưởng Tp. Rotterdam Alderman Said Kasmi, Chủ tịch IFLA đương nhiệm Barbara Lison, Quốc vụ khanh về Văn hóa và Truyền thông Hà Lan Gunay Uslu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Hà Lan Robbert Dijkgraaf, Trưởng ban Tổ chức Quốc gia Hà Lan Theo Kamperman, Tổng Thư ký IFLA Sharon Memis và Công chúa Hà Lan Laurentien. Các phát biểu đều nhấn mạnh vai trò, vị trí của thư viện là trung tâm của tri thức và kết nối cộng đồng, nơi mỗi cá nhân được tiếp nhận tri thức một cách dân chủ và bình đẳng, được sáng tạo, phát huy sự tưởng tượng để phát triển bản thân; luôn hiện diện trong tâm trí người dân với không gian văn hóa thân thiện, thoải mái, điểm đến khiến mỗi người cảm thấy hào hứng học tập và mong muốn tiếp nhận kiến thức, cảm nhận mình là một phần của xã hội rộng lớn, thuộc về cộng đồng, được đối thoại, kết nối với cộng đồng. Mỗi cán bộ thư viện và các thư viện cần có sự kết nối chặt chẽ với nhau, cùng nhau tạo các năng lượng tích cực, cùng nhau đồng hành để tạo nên sức mạnh tổng thể để làm thư viện, khiến ngành thư viện trở nên mạnh mẽ và phục vụ tốt hơn cho sự phát triển bền vững.

- Hội nghị Giám đốc thư viện quốc gia các nước trên thế giới (CDNL) với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện hơn 60 thư viện quốc gia các nước trên thế giới. Hội nghị được nghe báo cáo hoạt động của Hiệp hội các quốc gia Ibero - Mỹ vì sự phát triển của các thư viện quốc gia, Hội nghị Giám đốc Thư viện Quốc gia các nước khu vực châu Á - châu Đại dương, Hội nghị Thư viện Quốc gia các nước châu Âu, Hiệp hội Thông tin và Cơ quan Thư viện Quốc gia các nước châu Phi; thuyết trình của chuyên gia về vấn đề Trí tuệ nhân tạo - Cơ hội, thách thức và rủi ro đối với các cơ quan tri thức nói chung và thư viện quốc gia nói riêng; thảo luận bàn tròn nhận diện các vấn đề và thách thức của thư viện quốc gia trong bối cảnh hiện tại; thông qua điều lệ CDNL sửa đổi, bàn kế hoạch cho các Hội nghị tiếp theo.

- Phiên của Chủ tịch IFLA đương nhiệm và Chủ tịch IFLA (kế nhiệm) với chủ đề “Hãy cùng nhau mạnh mẽ trở lại” thảo luận 3 luận điểm chính: Thư viện không chỉ là hạ tầng quốc gia, cần là hạ tầng toàn cầu, nơi mọi người có thể đến để học hỏi lẫn nhau, được tự do tiếp cận thông tin, tự do thể hiện, có tiếng nói và trở nên tự tin; Thư viện được lựa chọn để hợp tác bởi là nơi an toàn để mọi người gặp gỡ, được đào tạo kiến thức thông tin và được tham gia vào các hoạt động xã hội, với niềm tin nếu đồng hành cùng cán bộ thư viện có thể thay đổi thế giới; Hợp tác với các đối tác ngoài ngành là quan trọng, thư viện có thể và nên nhìn xa hơn, rộng hơn, cần cộng tác chân thành, biết kết nối và lắng nghe, không ngừng học hỏi từ trong và ngoài ngành, nắm bắt các cơ hội.

- Phiên họp đối thoại với Ban Lãnh đạo IFLA và các thành viên về các chương trình hoạt động của IFLA và ngành thư viện toàn cầu, các vấn đề chuyên môn sâu và những vấn đề mới nổi, công bố các văn phòng đại diện của IFLA tại 4 khu vực châu Á - châu Đại dương, châu Mỹ-La tinh và vùng Caribe, Trung Đông và Bắc Phi, châu Phi và cận Sahara, trong đó Hội đồng Thư viện Quốc gia Singapore tiếp tục được lựa chọn là văn phòng đại diện của IFLA khu vực châu Á - châu Đại dương.

- Các phiên họp chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về vấn đề bản quyền sau đại dịch, kiến thức và kỹ năng số hóa, trí tuệ nhân tạo và các vấn đề mới nổi, dữ liệu thư viện trong kỷ nguyên học máy, các phương thức ứng phó với những thách thức về môi trường đối với tính bền vững của các dịch vụ thư viện, thu hút bạn đọc trở lại thư viện thông qua thúc đẩy các chương trình cộng đồng và lập trình cá nhân hóa trong môi trường kỹ thuật số, phương thức thúc đẩy các xã hội toàn diện, công bằng và hòa bình thông qua các bộ sưu tập di sản tư liệu của thư viện, các tiêu chuẩn quốc tế trong bối cảnh thông tin số, các tiêu chuẩn và bộ công cụ chỉ dẫn hoạt động chuyên môn thư viện, cập nhật Báo cáo xu hướng ngành thư viện thông tin toàn cầu, Tuyên ngôn thư viện trường học, Bộ công cụ chỉ dẫn vận động bản quyền thư viện hiệu quả…

Song song với các hoạt động Hội nghị, đoàn TVQG Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc và làm việc hiệu quả với các thư viện và tổ chức quốc tế có quan hệ hợp tác với đơn vị như Thư viện Quốc gia Pháp, Thư viện Quốc gia Hàn Quốc, Thư viện Quốc gia Singapore, Thư viện Quốc gia Indonesia, Thư viện Quốc hội Nhật Bản, tích cực tham gia các chuyến tham quan thực tế thư viện và các hoạt động mang tính chất tạo điểm kết nối cho cộng đồng cán bộ thư viện trong suốt thời gian diễn ra Đại hội; tham dự triển lãm trang thiết bị và sản phẩm thư viện để tìm hiểu các giải pháp phát triển thư viện mới.

Tại Phiên bế mạc Đại hội, nhiều danh hiệu và giải thưởng của IFLA đã được trao tặng cho các cá nhân và tổ chức có những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp thư viện toàn cầu. Trong đó, các danh hiệu và giải thưởng tiêu biểu là: Huân chương IFLA vì những đóng góp đặc biệt cho IFLA và ngành thư viện toàn cầu, đặc biệt trên lĩnh vực bảo tồn và thiết kế các tòa nhà thư viện sáng tạo, cố vấn và biên tập các ấn phẩm của IFLA; Bằng khen của IFLA vì những đóng góp nổi bật trên lĩnh vực phát triển mạng lưới kết nối cán bộ thư viện, nỗ lực cải tiến luật bản quyền, cố vấn đào tạo chuyên gia khu vực Mỹ Latinh; trong việc nâng cao nhận thức và mở rộng phong trào thư viện xanh, phát triển bền vững và môi trường thư viện; Giải thư viện công cộng của năm thuộc về Thư viện Gabriel García Márquez ở Barcelona, Tây Ban Nha - thư viện có tuyệt tác kiến trúc và chức năng phục vụ cộng đồng dân lao động gồm 240.000 người dân trên địa bàn với những không gian độc đáo, riêng biệt phục vụ nhiều sở thích và trải nghiệm khác nhau hướng đến trọng tâm là học tập và kết nối xã hội; Giải thưởng Thư viện xanh thuộc về Thư viện EPM của Colombia do kết hợp các khía cạnh công nghệ và giáo dục, giảm sử dụng năng lượng thông qua các tấm pin mặt trời, thành lập nhiều nhóm cộng đồng đọc sách; Giải poster xuất sắc nhất thuộc về poster có tiêu đề “Hãy mở cánh cửa thư viện số” đến từ Hà Lan... Trong bài phát biểu bế mạc, Chủ tịch và Tổng thư ký IFLA nhấn mạnh vào tính minh bạch, tinh thần cùng nhau làm việc chăm chỉ, sự gắn kết để đảm bảo một IFLA mạnh mẽ, bền vững và hướng tới tương lai.

Đại hội Thư viện – Thông tin thế giới lần thứ 89 (IFLA WLIC 2024) sẽ được tổ chức tại Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất.

Một số hình ảnh Đại hội IFLA 88 và các hoạt động của đoàn Việt Nam tại Đại hội:

2023-08-30-ifla- 10

Toàn cảnh Lễ khai mạc Đại hội IFLA WLIC 88

2023-08-30-ifla- 2

Chủ tịch IFLA Barbara Lison phát biểu khai mạc Đại hội IFLA WLIC 88

2023-08-30-ifla- 3

Công chúa Hà Lan Laurentien phát biểu tại Lễ khai mạc Đại hội

2023-08-30-ifla- 4

Tuyên bố khai mạc Đại hội Thư viện Thông tin thế giới lần thứ 88

2023-08-30-ifla- 1

2023-08-30-ifla- 3

2023-08-30-ifla- 5

Hội nghị Giám đốc Thư viện Quốc gia các nước trên thế giới tại Bảo tàng Wereldmuseum

2023-08-30-ifla- 6

2023-08-30-ifla- 7

2023-08-30-ifla- 8

2023-08-30-ifla- 9

2023-08-30-ifla- 11

Tiếp xúc, trao đổi với các đồng nghiệp thư viện quốc tế

2023-08-30-ifla- 2

2023-08-30-ifla- 12

2023-08-30-ifla- 13

2023-08-30-ifla- 14

2023-08-30-ifla- 15

2023-08-30-ifla- 16

2023-08-30-ifla- 17

Một số phiên họp tại Đại hội IFLA WLIC 88

2023-08-30-ifla- 18

Flashmob đọc sách của các đại biểu tại Nhà ga trung tâm Tp. Rotterdam

2023-08-30-ifla- 19

2023-08-30-ifla- 20

Một số danh hiệu và giải thưởng của IFLA đã được trao tặng cho các cá nhân và tổ chức có những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp thư viện toàn cầu

2023-08-30-ifla- 21

Bàn giao vị trí Chủ tịch IFLA nhiệm kỳ 2023-2025 cho bà Vicki McDonald

2023-08-30-ifla- 4

Ban Quản trị IFLA nhiệm kỳ 2023-2025 ra mắt Đại hội

_____________

Tin và ảnh: Bùi Thị Thủy


Đọc thêm cùng chuyên mục: