Xây dựng và phát triển thư viện số tại Thư viện Quốc gia Việt Nam và thư viện thành phố trực thuộc Trung ương

Print

Máy tính bắt đầu được sử dụng trong hoạt động thư viện vào cuối những năm 1950, ban đầu là để giải quyết các nhiệm vụ đơn lẻ của từng thư viện sau đó dần dần phát triển tới giải quyết các vấn đề hệ thống. Từ cuối thế kỷ 20, trên thế giới đã xuất hiện một dạng thư viện mới – thư viện số mà có lúc được gọi là thư viện điện tử. Ngay tại thời điểm đó, nhiều chuyên gia đã nhận định: thư viện số là thư viện của thế kỷ 21. Quả đúng như vậy, trong thập niên đầu thế kỷ 21, thư viện số đã được phát triển ở hầu hết các quốc gia trên thế giới không phân biệt phát triển hay kém phát triển, giàu hay nghèo.

Có rất nhiều định nghĩa về thư viện số nhưng tựu chung đều thống nhất ở một điểm, thư viện số là thư viện trong đó phần quan trọng của nguồn lực được tồn tại dưới dạng máy tính có thể đọc được, có thể truy cập cục bộ hoặc từ xa qua mạng máy tính.

Và như vậy, một thư viện số có thể là:

- Một bộ sưu tập được tổ chức của các tài nguyên đa phương tiện và các định dạng khác.

- Các tài nguyên tồn tại ở dạng mà máy tính có thể xử lý được.

- Các chức năng thu thập, cất giữ, bảo quản và khai thác thông tin được thực hiện bằng công nghệ số.

- Việc truy xuất bộ sưu tập số ở quy mô toàn cầu có thể được thực hiện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua mạng.

- Hỗ trợ người sử dụng thao tác trên các đối tượng thông tin.

- Trợ giúp việc tổ chức và giới thiệu các đối tượng trên thông qua phương thức kỹ thuật số...

Ngày nay, thư viện số đã phát triển không chỉ ở các thư viện và quốc gia riêng biệt. Vào tháng 11/2006, Thư viện Quốc hội (Hoa Kỳ) đã khởi đầu một dự án mang tên World Digital Library (WDL)

- Thư viện số thế giới. Thư viện số thế giới đã có sự tham gia của thư viện và cơ quan liên quan của nhiều quốc gia trên thế giới trong số đó có Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQG). Truy cập miễn phí thư viện này tại trang web http://www.wdl.org/en/.

Không nằm ngoài xu thế của sự hội nhập và phát triển, nhiều cơ quan thông tin – thư viện Việt Nam, trong đó có TVQG, các thư viện công cộng đang từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nguồn lực số hoá và từng bước xây dựng thư viện số bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Công việc này bắt nguồn từ chủ trương của Đảng và Nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển nội dung số.

Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, trong đó nhấn mạnh “Mọi hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng đều phải ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển”.

Ngày 8/5/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 56/2007/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình phát triển nội dung số Việt Nam đến năm 2010. Trong đó đã nêu quan điểm là: “Công nghiệp nội dung số là một ngành kinh tế mới, có nhiều tiềm năng phát triển, đem lại giá trị gia tăng cao, thúc đẩy sự phát triển của xã hội thông tin và kinh tế tri thức, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhà nước đặc biệt khuyến khích, ưu đãi đầu tư và hỗ trợ phát triển ngành công nghiệpnày thành một ngành kinh tế trọng điểm. Nhà nước dành một phần ngân sách đầu tư đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp nội dung số, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, truyền thông hiện đại, hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nội dung thông tin số phát triển...”. Trong mục Phát triển các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu chung của xã hội, Quyết định này cũng đưa ra giải pháp “Đầu tư cho Thư viện Quốc gia và một số thư viện lớn ở các thành phố trực thuộc Trung ương và các trường đại học xây dựng giải pháp thư viện số trực tuyến, số hoá sách, báo, tài liệu để hình thành hệ thống thư viện số Việt Nam”.

Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ngành thư viện Việt Nam nói chung và hệ thống thư viện công cộng nói riêng bắt đầu hiện đại hoá, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện. Riêng TVQG việc ứng dụng đã được thực hiện khá sớm, ngay từ năm 1986.

Bước đột phá mạnh mẽ của quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện bắt đầu từ năm 2001, với các dự án về công nghệ thông tin được nhà nước đầu tư cho TVQG và hệ thống thư viện công cộng trong những năm 2001, 2003, 2005, 2006, 2007 và gần đây nhất là Dự án “Tăng cường năng lực thư viện số và bảo quản số tại Thư viện Quốc gia Việt Nam” được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đầu tư cuối năm 2012.

Về xây dựng CSDL thư mục, các thư viện thuộc hệ thống thư viện công cộng đã thực hiện tương đối tốt, đảm bảo được công tác quản lý tài liệu, phục vụ bạn đọc khai thác, sử dụng tài nguyên nhanh chóng, thuận lợi, tuy nhiên theo xu thế phát triển chung của ngành thư viện Việt Nam cũng như trên thế giới, việc tạo lập, xây dựng, bảo quản và phổ biến các bộ sưu tập số hoá tài liệu giúp bạn đọc tiếp cận toàn văn tài liệu dễ dàng hơn đang là nhu cầu cấp thiết, cần đáp ứng càng sớm càng tốt.

Hiện tại, không riêng gì TVQG, các thư viện thuộc hệ thống thư viện công cộng, mà gần như toàn bộ các thư viện ở nước ta đều đang tiến hành số hoá, xây dựng các bộ sưu tập số, ứng dụng phần mềm quản trị các bộ sưu tập số. Tuy nhiên, việc thực hiện đang được tiến hành một cách khá tự phát, tuỳ theo điều kiện của mỗi đơn vị, chưa có định hướng chung về nội dung cũng như công nghệ áp dụng. Điều đó dẫn đến việc trùng lặp, lãng phí, chất lượng không đồng đều, quy trình thực hiện không đảm bảo, hiệu quả không phù hợp, công tác chia sẻ, phổ biến, phục vụ gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các bộ sưu tập số ở Việt Nam hiện nay cần giải quyết nhiều vấn đề trong số đó nổi bật là vấn đề bản quyền. Vấn đề này không chỉ là vấn đề ở nước ta mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Tại kỳ họp 23 (tháng 12 năm 2011) của Uỷ ban thường trực về bản quyền và quyền có liên quan thuộc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), nhiều quốc gia và nhóm quốc gia đã trình văn bản hoặc nêu ý kiến về vấn đề trên và kiến nghị nên có các ngoại lệ cho thư viện. Dưới đây, chúng tôi trích dẫn ý kiến của đoàn đại biểu Hoa Kỳ:

Hoa Kỳ nhận thấy rằng thư viện và lưu trữ là trung tâm của hệ sinh thái tri thức của chúng ta.

Thư viện và lưu trữ đẩy mạnh tri thức bằng cách cung cấp truy cập tới các tác phẩm nâng cao tri thức tích luỹ, di sản văn hoá, và ký ức tập hợp của các quốc gia và dân tộc trên thế giới…

Phần lớn các quốc gia có nhiều điều khoản do luật pháp quy định. Ngoại lệ và hạn chế đó hỗ trợ nghiên cứu và học tập cá nhân, bảo quản và thay thế tài liệu và truy cập tới tài liệu, bao gồm cả cung cấp tài liệu và mượn giữa các thư viện.

Tại Hoa Kỳ, ngoại lệ thư viện cơ bản trong Điều 108 của Luật Bản quyền. Một thư viện hoặc lưu trữ được phép sử dụng ngoại lệ nếu bộ sưu tập của mình được mở cho công chúng hoặc cho phép các nhà nghiên cứu không thuộc cơ quan đó nhưng đang nghiên cứu trong một lĩnh vực cụ thể được dùng. Thêm vào đó nhân sao được thực hiện - không có mục đích thương mại trực tiếp hoặc gián tiếp, và phải có ghi chú về bản quyền hoặc bảo vệ bản quyền hợp lý.

Thư viện có thể tạo bản sao tài liệu cho mục đích bảo quản trong bộ sưu tập hoặc thế chỗ cho tài liệu bị hư hại, bị hỏng, bị mất, hoặc bị ăn cắp, hoặc lưu giữ ở hình thái đã lỗi thời. Điều 108 còn cho phép thư viện tạo một bản sao của loại tài liệu nhất định để chuyển cho nhà nghiên cứu hoặc người sử dụng khác sử dụng bộ sưu tập của thư viện đó hoặc qua mượn giữa các thư viện, trong những điều kiện nhất định.

Hạn chế và ngoại lệ khác trong luật bản quyền của chúng tôi hỗ trợ dịch vụ thư viện, như thuyết của Mỹ về sử dụng đúng, được nêu ra trong điều 107 của luật đó, và một hạn chế về hư hại do luật pháp quy định đối với nhân viên hoặc đại lý của thư viện và lưu trữ, hành động trong khuôn khổ thuê mướn, người - tin hoặc có nguyên cớ hợp lý để tin rằng họ cung cấp bản sao tài liệu phù hợp với thuyết sử dụng đúng.

Thư viện Quốc hội, Chương trình bảo quản và hạ tầng thông tin số (NDIIPP), phối hợp bởi Cơ quan bản quyền Hoa Kỳ, đã lập một nhóm nghiên cứu điều 108, bao gồm cả đại diện của nhóm người giữ bản quyền. Nhóm nghiên cứu có nhiệm vụ cung cấp các tìm kiếm và khuyến nghị về sửa đổi luật bản quyền dưới góc nhìn của những thay đổi do phương tiện số tạo ra để đảm bảo một sự cân bằng hợp lý về lợi ích của người sáng tạo và người giữ bản quyền khác, thư viện và lưu trữ với sự phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia…

Khi xem xét các mục tiêu và nguyên tắc mà các nhà nước thành viên đồng ý, chúng tôi cho rằng: Chúng ta có thể nhận ra, ví dụ, tầm quan trọng của hạn chế và ngoại lệ đối với thư viện và lưu trữ và khuyến khích tất cả nhà nước thành viên thông qua.

Chúng ta nhận ra hạn chế và ngoại lệ có thể, phải tạo điều kiện cho thư viện và lưu trữ thực hiện vai trò phục vụ công cộng của mình, về bảo quản các tác phẩm nâng cao tri thức tích luỹ của các quốc gia và dân tộc trên thế giới. Về mặt này, ngoại trừ có thể tạo điều kiện cho thư viện và lưu trữ, tạo bản sao tác phẩm xuất bản hoặc không xuất bản vì mục đích bảo quản và thay thế, trong hoàn cảnh cụ thể. Tương tự, ngoại lệ có thể tạo điều kiện cho thư viện và lưu trữ bảo quản tài liệu bằng nhiều phương tiện và hình thái - với nguy cơ hư hỏng, hư hại, hoặc mất mát, trong đó có thể bao gồm cả việc chuyển nội dung từ các hình thái lưu giữ đã lỗi thời. Chúng tôi lưu ý rằng, hệ thống lưu chiểu giúp phát triển các bộ sưu tập quốc gia và có thể giúp những cố gắng về bảo quản, đặc biệt là nếu bao gồm nhiều loại tác phẩm được xuất bản dưới nhiều hình thái.

Chúng ta cũng có thể nhận ra mục tiêu tạo điều kiện cho thư viện và lưu trữ thực hiện vai trò phục vụ công cộng của mình trong thúc đẩy nghiên cứu và tri thức. Ngoại lệ hợp lý có thể thiết lập bộ khung tạo điều kiện cho thư viện và lưu trữ cung cấp bản sao tài liệu nào đó cho nhà nghiên cứu và người dùng khác trực tiếp hoặc qua mượn giữa các thư viện. Thêm vào đó, luật bản quyền có thể nhận ra hạn chế về khả năng các loại phá hỏng nào đó áp dụng cho thư viện và lưu trữ cũng như nhân viên của các cơ quan này, hành động theo thiện ý, tin hoặc có nguyên cớ hợp lý để tin họ đã hành động theo đúng luật bản quyền. Tất nhiên, an toàn tương xứng phải đặt ra để đảm bảo tuân theo các điều khoản đó.

Quyền sở hữu trí tuệ phải được cân nhắc từ một số góc nhìn:

- Những quyền nào của chủ sở hữu những nguồn tư liệu gốc vẫn được duy trì trên nội dung tư liệu của họ;

- Những quyền nào mà những người xâydựng thư viện số cần phải có để số hoá nội dung và / hoặc đưa nó ra công chúng; và.

- Những quyền nào mà những người dùng thư viện số cần có để có thể sử dụng những tư liệu này.

Phát triển thư viện số ở Việt Nam trải qua một giai đoạn hơn hai mươi năm, bài viết đã phác hoạ: những thách thức; các vấn đề tồn tại trong việc xây dựng và phát triển thư viện số; các giải pháp trong việc vận hành duy trì, phát triển thư viện số; chính sách xây dựng và phát triển Thư viện số nói chung và của hệ thống thư viện công cộng nói riêng; tổ chức xây dựng và quản lý bộ sưu tập số, bảo quản số, bảo mật nội dung số; các chuẩn trong thư viện số, vấn đề bản quyền; vấn đề quản lý thư viện số; xây dựng mô hình thư viện số phù hợp với TVQG và thư viện thành phố trực thuộc Trung ương. Đã đến lúc cần phải có sự đánh giá lại thực trạng hoạt động, tìm ra những khó khăn, vướng mắc, phát huy những kinh nghiệm hay, cổ vũ những giải pháp sáng tạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện số tại TVQG và các thư viện thành phố trực thuộc Trung ương - những đơn vị đại diện cho các vùng / miền có chung các đặc điểm về văn hoá, lịch sử, dân trí, dân cư, thói quen… Góp phần tìm ra một cách đi đúng hướng, một mô hình thư viện số phù hợp với đặc điểm riêng của các thư viện trong hệ thống thư viện công cộng, mà trực tiếp là TVQG và các thư viện thành phố trực thuộc Trung ương, giúp các thư viện hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của bạn đọc, hội nhập với các thư viện thế giới và đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.

2. Quyết định số 56/2007/QĐ-TTg ngày 8/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển nội dung số Việt Nam đến năm 2010.

3. SCCR23/4. Objectives and principles for excep- tions and limitations for libraries and archives : Document presented by the United States of America.

_______________

ThS. Phan Thị Kim Dung

Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. -2014. - Số 1. - Tr. 3-7.


Đọc thêm cùng chuyên mục: