Xây dựng mô hình tổ chức quản lý và phương thức hoạt động thư viện Việt Nam

Print

Hoạt động thư viện ở nước ta có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục của đất nước. Với những nỗ lực của mình, ngành Thư viện Việt Nam đã cố gắng phát huy vai trò để hoạt động thư viện ngày càng khởi sắc đạt kết quả tích cực và thiết thực.

Trong những năm gần đây, hoạt động thư viện ở nước ta chịu nhiều tác động mạnh mẽ bởi những thành tựu của khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông, cùng với xu thế hội nhập quốc tế, đã khiến các thư viện Việt Nam có thêm nhiều cơ hội, nhưng đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Điều đó đã đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác tổ chức quản lý và phương thức hoạt động trong các thư viện.

Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách định hướng cũng như chỉ đạo thực hiện đối với tổ chức, quản lý và hoạt động thư viện như:

- Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTV QH10 ban hành ngày 28/12/2000 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; kèm theo đó là Nghị định 72/2002/NĐ-CP về Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện.

- Đối với hệ thống thư viện trường học có Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT ban hành ngày 02/01/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông.

- Một số Quy chế mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) ban hành như: Quyết định số 16/2005/BVHTT, ban hành ngày 4/5/2005 về Quy chế mẫu tổ chức và hoạt động của thư viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quyết định số 49/2006/QĐ-BVHTT ban hành ngày 5/5/2006 về Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của thư viện huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; Quyết định số 77/2008/QĐ-BVHTTDL ban hành ngày 28/8/2008 về Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của thư viện xã, phường, thị trấn; và Quyết định số 13/2008/QĐ-BVHTTDL ban hành ngày 10/3/2008 về Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của thư viện trường đại học.

Ngày 4/5/2007, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin đã ban hành Quyết định số 10/2007/QĐ-BVHTT “Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thư viện Việt Nam đến 2010 và định hướng đến năm 2020”, trong đó đã xác định đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao nhằm tự động hoá, hiện đại hoá trong các khâu hoạt động của thư viện. Phát triển thư viện điện tử và thư viện kỹ thuật số.

Tại Quyết định số 581/QĐ-TTg ban hành ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020” xác định “Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của thư viện nước ta là kết hợp giữa thư viện truyền thống và thư viện điện tử/ thư viện số, trong đó, việc sử dụng mạng máy tính để lưu giữ, khai thác thông tin và xây dựng thư viện số là xu hướng quan trọng nhất trong việc phát triển tự động hoá các thư viện” và “Đổi mới phương thức hoạt động phục vụ bạn đọc ở các thư viện theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tự động hoá, hiện đại hoá trong các khâu hoạt động của thư viện, tạo sự liên thông giữa các thư viện trong môi trường mạng nhằm khai thác vốn tài liệu phong phú, đa dạng ở các thư viện”.

Tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, chỉ rõ “Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hoá trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông”.

Với định hướng này, các thư viện Việt Nam đã đẩy mạnh hiện đại hoá thư viện và từng bước thực hiện xây dựng các thư viện số để đáp ứng nhu cầu đọc mới của người dân hiện nay.

Trong tiến trình 70 năm xây dựng và phát triển, ngành thư viện Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, đã có những đóng góp tích cực, quan trọng vào sự phát triển chính trị, kinh tế - xã hội, giáo dục - khoa học, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Cụ thể đã đạt được những thành tựu quan trọng như:

- Xây dựng được hệ thống văn bản pháp quy cho ngành. Làm căn cứ cho hoạt động thực tiễn.

- Tổ chức xây dựng được mạng lưới thư viện rộng khắp cả nước, từ Trung ương tới cơ sở với 2 loại hình thư viện cơ bản, được chia thành nhiều hệ thống: Thư viện công cộng (bao gồm Thư viện Quốc gia Việt Nam, 63 thư viện cấp tỉnh, gần 700 thư viện cấp huyện, hàng nghìn thư viện/ phòng đọc xã/ phường, thôn/ bản...) và thư viện chuyên ngành, đa ngành (bao gồm trên 300 thư viện các trường đại học, cao đẳng; gần 25.000 thư viện trường phổ thông các cấp; gần 80 thư viện Bộ, Ngành, Viện nghiên cứu; hàng nghìn thư viện, phòng đọc sách, báo thuộc hệ thống thư viện quân đội. Bên cạnh mạng lưới thư viện thuộc sự quản lý, đầu tư của Nhà nước, những năm gần đây với chủ trương xã hội hoá trong lĩnh vực văn hoá đã xuất hiện mô hình thư viện tư nhân, tủ sách cộng đồng, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình, tủ sách trực tuyến… hoạt động khá sôi nổi, đã góp phần đáp ứng nhu cầu đọc, nhu cầu tiếp cận tri thức của người dân.

- Xây dựng được đội ngũ người làm công tác thư viện - thông tin ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng cao. Nhiều viên chức thư viện được đào tạo chuyên môn ở nước ngoài.

- Việc đầu tư trụ sở, cơ sở vật chất, hạ tầng trang thiết bị, bổ sung vốn tài liệu ngày càng được chú trọng, nhiều thư viện trong cả nước có trụ sở khang trang, thiết bị hiện đại.

- Công nghệ thông tin được áp dụng mạnh mẽ vào hoạt động thư viện. Chất lượng hoạt động thư viện ngày càng được nâng cao, có chiều sâu.

- Công tác tổ chức quản lý thư viện đã có những chuyển biến tích cực theo hướng chuẩn hoá, hội nhập quốc tế, nhiều chuẩn quốc tế được áp dụng vào hoạt động.

- Hình thành các Liên hợp thư viện, bước đầu đạt được kết quả khả quan trong việc liên kết, phối hợp hoạt động.

Tuy nhiên, những kết quả này chưa tương xứng với vị trí, vai trò của thư viện trong xã hội. Ngày nay, thư viện không chỉ làm chức năng bảo tồn và cung cấp tài liệu mà còn cung cấp thông tin tới người sử dụng. Bạn đọc có thể không đến thư viện nhưng vẫn cần đọc thông tin, do đó hoạt động thư viện vẫn cần tồn tại. Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế, diện mạo của thư viện đã thay đổi rõ rệt, bên cạnh loại hình thư viện truyền thống đã xuất hiện thư viện số, thư viện ảo... Việc ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin đã làm thay đổi căn bản nhiều quy trình nghiệp vụ, quy trình xử lý công việc trong hoạt động thư viện theo hướng tự động hoá.

Tuy nhiên, phạm vi áp dụng các công nghệ mới này chưa được thực hiện đồng khắp tại các thư viện, hiệu quả mang lại cho hoạt động của thư viện chưa cao, ảnh hưởng của thư viện đến xã hội chưa lớn... Sự phối hợp, hợp tác giữa các thư viện chưa được tổ chức tốt nên chưa lôi cuốn được nhiều thư viện tham gia, vì thế gây nên những lãng phí do trùng lặp trong bổ sung tài liệu, xử lý tài liệu, trong tạo lập các sản phẩm thư viện - thông tin. Chưa có định mức, cơ chế kiểm tra đầu tư của các cấp cho thư viện, tạo nên một thực trạng là việc đầu tư cho thư viện vẫn tồn tại sự khác biệt trong các địa phương và các ngành, do đó người dân có những cơ hội khác nhau trong tiếp cận tới thông tin, tri thức để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của mình. Mặt khác, trên bình diện quản lý Nhà nước chưa hình thành cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, Ngành, địa phương trong quản lý thư viện dẫn tới tình trạng phân tán, cát cứ trong lĩnh vực thư viện.

Thực tiễn hoạt động cho thấy mô hình tổ chức quản lý và phương thức hoạt động của các thư viện ở nước ta hiện nay đã tỏ ra kém hiệu quả, số lượng người đến thư viện có chiều hướng giảm trong những năm gần đây. Một số hạn chế có thể thấy rõ là:

- Văn bản, chính sách đã có nhưng chưa đầy đủ, đồng bộ, thậm chí chưa hoàn thiện, các quy định chưa rõ ràng, cụ thể dẫn đến việc bất cập trong việc áp dụng thực tế, hoặc gây lúng túng, các đơn vị áp dụng không thống nhất, gây nhiều khó khăn, cản trở.

- Mạng lưới thư viện lớn, rộng nhưng chất lượng hoạt động không cao, sự phát triển không đồng đều. Các loại hình thư viện mới xuất hiện trong thời gian gần đây như thư viện tư nhân, tủ sách cộng đồng, tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ… chưa phát huy hết tiềm năng.

- Vốn sách, báo ít, không được bổ sung thường xuyên, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu cán bộ, thiếu kinh phí…

- Loại hình phục vụ mới hoạt động có hiệu quả như: Thư viện lưu động, thư viện trực tuyến… chưa được coi trọng đầu tư cả về định hướng, nhân lực và ngân sách…

- Sự phát triển không đồng đều, chênh lệch theo vùng - miền.

Chính vì vậy, nhất thiết ngành Thư viện phải có cách tiếp cận mới, có nhận thức và hành động phù hợp, đảm bảo theo kịp xu hướng xã hội và ngành Thư viện thế giới.

Yêu cầu đặt ra đối với công tác tổ chức quản lý và hoạt động thư viện là đổi mới phương thức tổ chức quản lý và hoạt động, xác định mô hình phù hợp, áp dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông vào hoạt động thư viện Việt Nam, hình thành một cơ chế quản lý thư viện hiệu quả trên bình diện quốc gia và tại mỗi thư viện, đáp ứng và thích nghi với xu hướng toàn cầu hoá đang được đẩy mạnh, với nhu cầu, thói quen người sử dụng thư viện và phương thức hoạt động có sự thay đổi nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và vị thế xã hội của thư viện là việc làm cấp thiết mang tính chiến lược.

Để phát huy những thành tựu, đồng thời khắc phục những tồn tại và hạn chế nêu trên, việc đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế hoạt động ngành Thư viện Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là tất yếu khách quan và cấp thiết. Biết rằng, không có một mô hình chung về tổ chức quản lý và hoạt động nào có thể áp dụng cho tất cả các loại hình thư viện, nhưng trong hệ thống nhiều giải pháp tổng hợp mang tính chiến lược và sách lược, một số giải pháp cấp bách cần được xem xét là:

- Cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp thư viện.

- Hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản pháp quy về hoạt động thư viện, đặc biệt xây dựng và nhanh chóng ban hành Luật Thư viện làm căn cứ pháp lý mạnh mẽ để sự nghiệp thư viện phát triển nhanh và bền vững.

- Đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, phương thức hoạt động thư viện.

- Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách tài chính, chính sách đầu tư cho thư viện.

- Tạo môi trường pháp lý thuận lợi để thư viện có thể phát triển theo hướng hiện đại hoá, thư viện số, khai thác tối đa lợi ích của công nghệ thông tin và truyền thông.

- Tăng cường đổi mới hoạt động tại mỗi thư viện, mỗi hệ thống thư viện trong toàn mạng lưới.

- Các chính sách liên quan đến hoạt động thư viện cần được tạo điều kiện để cụ thể hoá, áp dụng một cách thuận lợi.

- Tăng cường nghiên cứu về lĩnh vực khoa học thư viện.

- Cần tăng cường hợp tác quốc tế về thư viện.

- Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tăng cường xã hội hoá hoạt động thư viện.

Có thể nói, trong bối cảnh mới hiện nay, công tác tổ chức quản lý và hình thức hoạt động thư viện cần phải thay đổi để thích nghi, có cách thức quản lý mới, nhằm mục tiêu đảm bảo đáp ứng yêu cầu người sử dụng hiện tại và tương lai, thực hiện tốt sứ mệnh của thư viện đối với xã hội, với đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Văn hoá - Thông tin. Quyết định số 10/2007/ QĐ-BVHTT ngày 4/5/2007 Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến 2010 và định hướng đến năm 2020.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT ngày 02/01/2003 Quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông.

3. Bộ Văn hoá - Thông tin. Quyết định số 16/2005/ BVHTT ngày 4/5/2005 ban hành Quy chế mẫu tổ chức và hoạt động của thư viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Bộ Văn hoá - Thông tin. Quyết định số 49/2006/ QĐ-BVHTT ngày 5/5/2006 ban hành Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của thư viện huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

5. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Quyết định số 77/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 28/8/2008 ban hành Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của thư viện xã, phường, thị trấn.

6. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Quyết định số 13/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 10/3/2008 ban hành Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của thư viện trường đại học.

7. Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nghị định 72/2002/NĐ-CP ngày 6/8/2002 Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện.

8. Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 6/5/2009 Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020.

9. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI Về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

10. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Pháp lệnh Thư viện. - H.: Chính trị quốc gia, 2001.

__________________

ThS. Kiều Thuý Nga

Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2015. - Số 5. - Tr. 11-14.


Đọc thêm cùng chuyên mục: