Về tình hình phát triển nguồn nhân lực thông tin – thư viện ở Lào hiện nay

E-mail Print

1. Khái quát về tình hình đội ngũ nhân lực thông tin - thư viện (TT-TV) tại Lào

Hoạt động thông tin tư liệu và thư viện Lào thực sự mới bắt đầu sau khi nước Lào được giải phóng (sau 1975). Nhìn chung, các hoạt động thông tin tư liệu và thư viện Lào hiện nay rất yếu kém, thiếu sức sống, thiếu sự chuyên nghiệp, đang ở trong tình trạng cần phải cải tạo, nâng cấp một cách bài bản. Hệ thống tư liệu của Lào trước đây chủ yếu nằm trong chùa, nhân dân tiếp cận nguồn tư liệu trên lá Baylan được cất trữ ở đây và phần lớn các tư liệu rất tản mạn chứ chưa được sắp xếp một cách có hệ thống. Về nhân lực TT-TV ở Lào còn thiếu, yếu và thiếu tính chuyên nghiệp. Bảng dưới đây cho thấy đôi nét tình hình thư viện Lào:

alt

Bảng số liệu[1] cho thấy, Lào có 708 cơ sở thư viện các cấp. Thư viện trung ương không nhiều, cũng không có biến động về số lượng qua các năm gần đây.

Thư viện tuyến huyện rất ít, chỉ 20 thư viện (số liệu 2010), nghĩa là nếu tính bình quân mỗi huyện phải có ít nhất một thư viện thì nước Lào còn thiếu gần 200 thư viện, tỉ lệ hiện thời là 20/200 huyện, chỉ mới đảm bảo 1/10 (10%) so với yêu cầu. Ở Lào có sự xuất hiện và hoạt động của thư viện tư nhân song đây là các thư viện của các cơ sở đào tạo, trung tâm dân lập phục vụ đối tượng nhất định nào đấy chứ không phải rộng rãi cho đông đảo bạn đọc.

Thư viện trong các trường học (còn gọi là thư viện trường học) có sự tăng nhanh từ năm 2009 đến năm 2010, nhưng ở đây chỉ là các phòng thư viện với quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ các chuyên môn, ngành nghề nhất định.

Một điểm sáng đáng chú ý ở Lào là sự tồn tại khá phổ biến mô hình tủ sách lưu động theo mô hình của UNESCO, được dùng để phục vụ cho các bản làng, và các trường tiểu học. Số lượng các tủ sách này được tăng lên hàng năm. Nguồn kinh phí cho sự vận hành của các tủ sách này từ nguồn vốn tài trợ nước ngoài (UNESCO, Nhật Bản…).

Hiện chưa có một số liệu thống kê chính xác về đội ngũ nhân lực thư viện toàn quốc, song chúng tôi xin lấy trường hợp đội ngũ nhân lực tại 3 cơ sở TT-TV tầm cỡ quốc gia, và hiện trạng đào tạo ngành TT-TV tại Đại học Quốc gia Lào để chứng minh cho tình trạng nhân lực TT-TV Lào hiện nay, đó là: Thư viện Quốc gia Lào, thư viện Đại học Quốc gia Lào, Thư viện Viện Khoa học Xã hội Quốc gia Lào.

+ Đội ngũ cán bộ thông tin - thư viện của ĐHQG Lào[2].

alt

Trong 13 cán bộ hiện có, số cán bộ đang được đào tạo nâng cao ở trong nước là 3 người (2 nữ + 1 nam); đào tạo ở ngoài nước là 1 người.

Có thể thấy số lượng đội ngũ cán bộ TT-TV ở Đại học Quốc gia Lào là quá ít và trình độ của cán bộ chưa cao. Với số lượng như vậy lại phải phục vụ một đội ngũ sinh viên và học viên cao học trên 30 nghìn người (tuy nhiên, không phải ai cũng đến thư viện, và không phải tất cả sinh viên cùng đến thư viện trong một thời điểm) thì là quá tải.

+ Nguồn lực cán bộ của Viện Thông tin Tư liệu và Tạp chí Khoa học Xã hội Lào.

Hiện Viện có 13 cán bộ, trong đó có 1 tiến sĩ, 1 thạc sĩ, 10 cán bộ có trình độ đại học, 01 cán bộ có trình độ dưới đại học. Số lượng nhân lực công tác tại Viện được thể hiện dưới hình sau:

alt

Tuy nhiên, điều đáng nói là không ai trong số cán bộ trên được đào tạo về chuyên ngành TT-TV, mà chủ yếu là từ các ngành khác nhau, được biên chế hoặc chuyển công tác từ lĩnh vực khác tới.

Với một cơ quan thông tin có hoạt động thư viện, với các bộ phận được thiết lập khá lớn, nhưng số lượng cán bộ nói trên hết sức ít ỏi, không đủ nhân lực để đảm bảo duy trì một số hoạt động nghiệp vụ cơ bản như bổ sung trao đổi, phân loại biên mục, quản lý hoạt động nghiệp vụ thư viện, đặc biệt là phòng bạn đọc.

+ Đội ngũ cán bộ tại Thư viện Quốc gia Lào[3]

Tổng số cán bộ nhân viên là 27 người, trong đó: tiến sĩ 01 người, thạc sĩ 09 người, đại học và cao đẳng là 17 người. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn về ngành TT-TV cao nhất là bậc thạc sĩ.

alt

Nhìn chung, qua khảo sát số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ của 3 đơn vị trên có thể thấy: đội ngũ cán bộ mỏng về số lượng, hạn chế về trình độ nghiệp vụ, số lượng cán bộ được tiếp tục đào tạo chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ quá ít, số lượng được bổ sung hàng năm cũng không nhiều.

Về nguồn cung cấp nhân lực thư viện nội lực tại Lào cho đến nay, có thể nói là rất hạn chế. Năm 2011-2012, trường Đại học Quốc gia Lào mới mở ngành TT-TV với số lượng sinh viên đăng kí nhập học là 12 người.

2. Nguyên nhân và vấn đề

Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động thông tin tư liệu và thư viện ở Lào. Về cơ bản, có các nguyên nhân sau đây:

Một là, do chiến tranh ảnh hưởng đến công tác thu thập thông tin tư liệu của Lào cũng như công tác phổ biến thông tin và hoạt động thư viện.

Lào vốn là thuộc địa của Pháp và sau này là chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ cho tới năm 1975 mới được giải phóng để tái thiết đất nước.

Trong thời kỳ Pháp xâm lược, sách chủ yếu là bằng tiếng Pháp, một phần tiếng Anh, được lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Lào và chủ yếu phục vụ cho hệ thống quan chức, viên chức làm việc cho chính quyền, còn dân chúng thì hầu như không có thông tin tư liệu. Thời Mỹ thống trị Lào (1955-1975), các sách báo tiếng Anh được nhập vào chủ yếu để phục vụ đội quân viễn chinh Mỹ, dân chúng hầu như khó khăn trong việc tiếp cận các tư liệu này.

Sau khi Mỹ rút, nguồn tư liệu sách, báo để lại phần lớn là sách bằng tiếng Anh, Pháp, do không được học về ngoại ngữ nên người dân không có khả năng tiếp cận, vì vậy họ cũng ít đến các thư viện đọc sách, tra cứu, sưu tầm và lưu trữ tài liệu cá nhân. Vì thế, sau chiến tranh, vốn tư liệu của Lào ở tình trạng gần như bằng không.

Hai là, do nhu cầu, trình độ dân trí Lào chưa cao

Nước Lào hiện có 6,3 triệu dân (số liệu 2010). Truyền thống giáo dục của nước Lào chủ yếu thực hiện giáo dục dân chúng qua hệ thống chùa chiền khắp đất nước, có thể nói đó là một nền giáo dục toàn dân và do nhà chùa đảm nhiệm. Nền giáo dục hiện đại Lào hiện nay chủ yếu được thừa hưởng kiểu giáo dục của Pháp tức có trường lớp. Với một nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa, nước Lào kế thừa nhiều kinh nghiệm giáo dục của Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan... Số lượng học sinh đang học trung học cơ sở và phổ thông trung học 2010 chiếm 18% dân số; số lượng sinh viên từ cao đẳng, đại học và sau đại học năm 2010 chỉ chiếm 1,8% dân số[4]. Tình hình giáo dục nói trên đã ảnh hưởng lớn đến công tác thông tin tư liệu và thư viện. Bởi lẽ, khi không có một nền giáo dục mạnh thì nhu cầu về tư liệu, về thông tin và khai thác tư liệu thông tin là rất ít ỏi. Thư viện sinh ra để làm gì, phục vụ cho ai? Với mặt bằng dân trí thấp thì dân chúng cũng không có khả năng để có thể tiếp cận được những nguồn tri thức trong các thư viện. Đây là một cái vòng luẩn quẩn ở Lào. Hiện nay ở Lào chưa hình thành văn hoá đọc, người dân Lào không có thói quen đọc sách. Sách báo xuất bản hết sức hạn chế, công tác phát hành kém, số lượng người mua nhật báo và các báo chí chuyên ngành không có, sách báo chủ yếu được chuyển qua phân phối theo lối quản trị cấp phát hành chính. 

Ba là, vai trò, vị trí của công tác thông tin tư liệu và thư viện chưa thực sự chú trọng

Một số văn bản có đôi dòng đề cập về công tác thông tin tư liệu nhưng còn tản mạn sơ sài, chưa có một văn bản riêng về thông tin, tư liệu và thư viện hoặc có một chiến lược lâu dài về vấn đề này.

Về đội ngũ cán bộ Lào, như trên đã phân tích, phần nào cho thấy, nhân lực thư viện chủ yếu là chưa qua đào tạo chuyên nghiệp hoặc có cũng với số lượng ít, cán bộ TT-TV không những hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà còn non yếu về kĩ năng thông tin, máy tính, mạng; thiếu trầm trọng các chuyên gia có trình độ cao về TT-TV, chưa đáp ứng được công tác thông tin tư liệu và thư viện cho đất nước.

3. Phương hướng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực thông tin tư liệu và thư viện của Lào trong thời gian tới.

Tình hình thực tế đội ngũ cán bộ nói trên đang đặt ra nhu cầu cấp bách về đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực TT-TV Lào đi đôi với đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kĩ thuật. Trong thời gian tới, theo chúng tôi, cần phát triển nguồn nhân lực TT-TV trên cơ sở những phương hướng và giải pháp sau đây:

a. Về mặt phương hướng:

- Nhà nước Lào cần phải chú trọng hơn nữa công tác thông tin tư liệu và thư viện, để phát huy những tác dụng ảnh hưởng tốt đẹp của hoạt động này đối với khoa học, giáo dục – đào tạo và sự phát triển kinh tế - xã hội Lào. Như trên đã nói, hiện văn bản chỉ đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào cũng như các chính sách pháp luật của Nhà nước Lào về công tác thông tin tư liệu và thư viện còn khá sơ sài. Mọi hoạt động trong lĩnh vực này vẫn cầm chừng theo kiểu "cho có", chứ chưa thể hiện một sức sống, sự vận động mạnh mẽ.

- Quan tâm đến xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ thông tin tư liệu và thư viện, coi đây là khâu trọng tâm đột phá trong định hướng chiến lược quốc gia về TT-TV. Nếu không xây dựng được đội ngũ cán bộ am hiểu chuyên môn nghiệp vụ thì mọi sự đầu tư khác cũng chẳng thể làm cho hoạt động TT-TV tốt hơn. Do vậy, nhân tố con người phải đặt lên hàng đầu trong các quy hoạch phát triển về nguồn lực thông tin tư liệu và thư viện.

b. Về giải pháp, cần làm tốt một số giải pháp sau:

- Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào cần có chính sách về tuyển lựa, cấp kinh phí cho việc đào tạo cán bộ chuyên ngành thông tin tư liệu và thư viện định kì hàng năm và duy trì đều đặn cho tới lúc nhu cầu về cán bộ được giải quyết một cách căn bản; song song với đó, các cơ sở thông tin tư liệu và thư viện cần rà soát đội ngũ cán bộ của đơn vị mình, có kế hoạch gửi đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ trong và ngoài nước.

- Đại học Quốc gia Lào cần nâng chỉ tiêu tuyển sinh ngành TT-TV, hàng năm phải đào tạo được một lớp sinh viên về ngành TT-TV; có chính sách thu hút các sinh viên vào học các ngành này, ít nhất khoảng 30 sinh viên/năm. Đồng thời, có kế hoạch để sử dụng được các nguồn lực này sau khi tốt nghiệp một cách đúng mức, tránh tình trạng làm trái ngành nghề, lãng phí công sức đào tạo mà nguồn nhân lực cho nghành TT-TV thì vẫn ở tình trạng thiếu hụt.

- Tiếp tục mở rộng, nâng cấp bộ môn TT-TV trong trường Đại học Quốc gia Lào; tuyển lựa các cán bộ có trình độ được đào tạo về TT-TV đang công tác ở các cơ quan thông tin, viện nghiên cứu, khối văn hóa - tư tưởng về làm giảng viên cơ hữu hoặc thỉnh giảng.

- Mở các lớp tập huấn kiến thức và kĩ năng cho cán bộ TT-TV trên toàn quốc hàng năm, nhất là đối với những người học các chuyên ngành khác nhưng về công tác trong lĩnh vực TT-TV. Tranh thủ tối đa việc mời các chuyên gia các nước láng giềng tới giúp đỡ, tập huấn.

- Về mặt chức danh vị trí, cần có một quy định về vị trí công việc kèm theo đó quy định về ngạch/bậc và chính sách chế độ đối với ngành, ví dụ thư viện viên... đồng thời xây dựng những tiêu chí, yêu cầu về năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp đối với nhân lực hoạt động trong ngành thông tin tư liệu và thư viện để hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ TT-TV chuyên nghiệp và có khả năng hội nhập.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo kế hoạch phát triển thư viện Quốc gia (Lào) lần thứ 7 (2011-2015), số 017/TV, 22/01/2010.

2. Bùi Loan Thùy. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực bậc đại học và cao học thư viện-thông tin trong không gian phát triển mới //  Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2009. - Số 1. - Tr. 3-13. Xem: Website Thư viện Quốc gia Việt Nam tại địa chỉ: http://nlv.gov.vn.

3. Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập thư viện Quốc gia Lào (bản tiếng Lào). -  Nxb. Đuông Tả, 2006.

4. 15 năm phát triển thư viện trung tâm của Đại học Quốc gia Lào (bản tiếng Lào). – Viêng Chăn:  Đại học Quốc gia Lào (tháng 10/2011).

5. Nguyễn Tiến Hiển. Đào tạo nguồn nhân lực thư viện-thông tin trong bối cảnh xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức // Tạp chí Văn hóa. - H.: Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. - Số 6. Xem: Website http://huc.edu.vn/vi/.

6. Trần Thị Quý. Đào tạo nguồn nhân lực ngành ở Việt Nam - 50 năm nhìn lại  // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2006. - Số 3.

 


[1]Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch, Thống kê thông tin văn hóa và du lịch năm 2010, Viêng Chăn, 1/2012 (tiếng Lào).

[2]5 năm phát triển Thư viện trung tâm của Đại học Quốc gia Lào, tháng 10/2011 (tiếng Lào)

[3]Số liệu năm 2011 do Thư viện Quốc gia Lào cung cấp.

[4]Tổng hợp từ số liệu của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào

____________

NCS. ThanongSone SIBOUNHEUANG

Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 2. - Tr. 15-19.


Đọc thêm cùng chuyên mục: