Vai trò của kiến thức thông tin đối với cạn bộ nghiên cứu khoa học

E-mail Print

I. Đề dẫn

Từ lâu, Việt Nam đã xác định chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nói chung và chiến lược phát triển khoa học công nghệ nói riêng là hướng vào việc tiếp cận, áp dụng những thành tựu khoa học tiên tiến của thế giới, đi tắt đón đầu để bắt kịp trình độ phát triển chung của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là một chiến lược đúng đắn, phù hợp với điều kiện và vị thế kinh tế của Việt Nam. Để thực hiện được điều này, chúng ta đã và sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, cũng như đang nắm trong tay không ít cơ hội.

Trở ngại lớn nhất mà chúng ta gặp phải chính là chất lượng nguồn nhân lực. Câu hỏi đặt ra là: liệu chúng ta đã sẵn sàng để tiếp cận công nghệ mới, tri thức mới? Thật khó mà khẳng định điều này, bởi lẽ thực trạng ngành giáo dục Việt Nam, nhất là giáo dục đại học, đang gặp nhiều vấn đề. Dễ nhận thấy nhất là các tiêu chí tốt nghiệp đối với sinh viên chưa được làm rõ một cách cụ thể. Điều này dẫn đến sản phẩm đầu ra của các cơ sở đào tạo phần nhiều là thiếu khả năng thích ứng với môi trường làm việc mới, hiện tượng tái đào tạo diễn ra khá phổ biến tại các cơ quan tuyển dụng. Đối với các cơ quan nghiên cứu, điều này cũng diễn ra khá thường xuyên. Có thể thấy rằng, những người mới tốt nghiệp, do ảnh hưởng từ phương pháp giảng dạy và học tập thụ động tại trường đại học, thường rất hạn chế trong khả năng tiếp cận nguồn thông tin, tri thức mới, không chủ động trong việc tự nghiên cứu để đào sâu và mở rộng kiến thức chuyên môn.

Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề này nếu có một chiến lược đào tạo hợp lý. Điều mà chúng ta cần làm là trang bị cho sinh viên tốt nghiệp những kỹ năng và kiến thức để làm chủ thế giới thông tin. Tức là giúp họ rèn luyện kỹ năng nhận dạng nhu cầu thông tin bản thân, định vị nguồn thông tin phù hợp với những nhu cầu đó, tổ chức nguồn thông tin tìm được một cách hợp lý, thẩm định nguồn thông tin đã được lựa chọn, và sử dụng thông tin đó một cách hiệu quả và hợp pháp. Có thể thấy rằng, những kiến thức và kỹ năng như trên không chỉ là thiếu đối với sinh viên mới tốt nghiệp, mà chúng có thể còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với công việc của người cán bộ nghiên cứu. Nói cách khác, người đi học cần được trang bị kiến thức thông tin. Kiến thức thông tin chính là chìa khóa quan trọng mở ra những cơ hội tri thức và nghề nghiệp cho mỗi cá nhân, góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ và giáo dục của đất nước.

Vậy, kiến thức thông tin là gì? Vai trò của nó đối với các nhà nghiên cứu như thế nào? Có giải pháp gì để phát triển kiến thức thông tin cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu? Đó cũng chính là những nội dung mà bài viết này mong muốn góp phần làm sáng tỏ.

II. Khái niệm về Kiến thức thông tin

Thật ra, khái niệm về kiến thức thông tin (Information literacy) đã được đề cập đến từ những năm 70 của thế kỷ trước. Sự xuất hiện của khái niệm này gắn liền với xu thế bùng nổ thông tin tại thời điểm đó. Các nhà khoa học, mà chủ yếu là các nhà giáo dục, các chuyên gia thông tin – thư viện, hết sức quan tâm đến một lĩnh vực tri thức giúp con người làm chủ thế giới thông tin, làm chủ nguồn tri thức của nhân loại: đó chính là kiến thức thông tin. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh thế giới thông tin ngày càng trở nên phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của Internet.

Theo Hiệp hội các thư viện Đại học và thư viện nghiên cứu Mỹ (ACRL), kiến thức thông tin là sự hiểu biết và một tập hợp các khả năng cho phép các cá nhân có thể “nhận biết thời điểm cần thông tin và có thể định vị, thẩm định và sử dụng thông tin cần thiết một cách hiệu quả” [1]. McKie, trong tài liệu của Cheek và các tác giả khác đã khẳng định “kiến thức thông tin là khả năng nhận biết nhu cầu thông tin, tìm kiếm, tổ chức, thẩm định và sử dụng thông tin trong việc ra quyết định một cách hiệu quả, cũng như áp dụng những kỹ năng này vào việc tự học suốt đời” [5,tr.2].

Cần hiểu rõ rằng kiến thức thông tin không chỉ đơn thuần là những kỹ năng cần thiết để tìm kiếm thông tin một cách hiệu quả, nó bao gồm cả những kiến thức về các thể chế xã hội và các quyền lợi do pháp luật quy định liên quan đến việc truy cập các nguồn thông tin. Đây có lẽ là mảng kiến thức cần phải được đặc biệt nhấn mạnh trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi mà vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ đang trở thành vấn đề toàn cầu.

Ngoài ra, kiến thức thông tin gắn liền với khả năng nghiên cứu độc lập và học tập suốt đời. Có nghĩa là, người có kiến thức thông tin là người có khả năng tiếp cận và áp dụng tri thức một cách tích cực, chủ động, hiệu quả trong từng phạm vi hoạt động cụ thể của mình. Theo Hiệp hội Các thư viện chuyên ngành và các trường đại học Hoa Kỳ, người có kiến thức thông tin là người “đã học được cách thức để học. Họ biết cách học bởi họ nắm được phương thức tổ chức tri thức, tìm kiếm thông tin và sử dụng thông tin, do đó những người khác có thể học tập được từ họ. Họ là những người đã được chuẩn bị cho khả năng học tập suốt đời, bởi lẽ họ luôn tìm được thông tin cần thiết cho bất kỳ nhiệm vụ hoặc quyết định nào một cách chủ động."[2]

Như trên đã nói, sự bùng nổ thông tin là một tiền đề quan trọng cho sự ra đời của kiến thức thông tin. Dễ dàng nhận thấy ngày nay việc xuất bản hoặc công bố một tài liệu dưới dạng in ấn hay điện tử đã trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ. Các nguồn thông tin nở rộ, đặc biệt là Internet, và thế giới thông tin trở nên hết sức phức tạp. Ưu điểm của điều này là việc người dùng tin có nhiều lựa chọn hơn đối với các nguồn thông tin, dễ dàng tiếp cận các nguồn tin hơn. Tuy nhiên, mặt trái của nó lại hết sức đáng ngại. Người dùng tin luôn phải tự đặt ra câu hỏi: thông tin này có đáng tin cậy không? có phù hợp với vấn đề của họ không? phải tổ chức những nguồn thông tin đó như thế nào đây? Không dễ để trả lời những câu hỏi trên nếu như thiếu sự hiểu biết về thế giới thông tin, tức là thiếu kiến thức thông tin.

Về mặt cấu trúc, có một sự tương đồng thú vị giữa kiến thức thông tin và kiến thức, kỹ năng mà người cán bộ nghiên cứu cần phải có khi tiến hành công việc nghiên cứu. Nếu như kiến thức thông tin là một tổng hòa của các khối tri thức và kỹ năng liên quan đến việc xác định nhu cầu thông tin, định vị nguồn tin, thẩm định nguồn tin, tổ chức nguồn tin, sử dụng nguồn tin thì quy trình nghiên cứu cũng phải trải qua những bước tương tự. Dưới đây là mô hình triển khai một nghiên cứu do Badke, W B đề xuất: [3].

2010-3c-images-01

Rõ ràng, trong quy trình như trên, dữ liệu, sau đó là thông tin, đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Người làm nghiên cứu cần có kỹ năng và kiến thức liên quan đến việc khai thác, phân tích và tổng hợp các nguồn thông tin để giải quyết các vấn đề nghiên cứu của mình. Hiệu quả của việc nghiên cứu do đó chịu ảnh hưởng rất lớn bởi khả năng xác định vấn đề cần nghiên cứu, cũng như cách thức tương tác với thế giới thông tin của nhà nghiên cứu. Nói cách khác, nếu như được trang bị kiến thức thông tin, nhà nghiên cứu sẽ chủ động và tích cực hơn trong hoạt động của mình.

III. Vai trò của kiến thức thông tin đối với những người làm công tác nghiên cứu khoa học

3.1. Đặc thù công việc của cán bộ nghiên cứu trong mối tương quan với kiến thức thông tin.

Một trong những đặc điểm quan trọng của người có kiến thức thông tin là khả năng nhận biết nhu cầu thông tin của bản thân. Tức là họ dễ dàng xác định được vấn đề mình đang thực sự quan tâm, cũng như có thể phân tích, diễn đạt chúng thành các thuật ngữ tìm kiếm thông tin. Nói cách khác, họ phải làm chủ được lĩnh vực mình quan tâm và có khả năng trình bày các nội dung cụ thể. Đây có thể xem như là một lợi thế quan trọng của cán bộ nghiên cứu, những người đã trải qua các khóa học bài bản về phương pháp nghiên cứu, đồng thời họ là những chuyên gia trong từng lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, muốn có được một quyết định nghiên cứu đúng đắn, ngoài khả năng chuyên môn, nhà nghiên cứu cần phải có thông tin đầy đủ và khách quan về lĩnh vực mà mình muốn tìm hiểu. Kinh nghiệm bản thân khó mà đem lại cho họ hiệu quả cao trong hoạt động nghiên cứu. Họ cần có một công cụ để khai thác và sử dụng thông tin hiệu quả. Đó chính là kiến thức thông tin.

Một đặc điểm nổi bật trong nghiên cứu khoa học ngày nay chính là xu thế liên ngành. Càng ngày, xu thế này càng thể hiện mạnh mẽ thông qua sự xuất hiện của hàng loạt lĩnh vực khoa học mới. Điều này khiến cho nhà nghiên cứu phải tiếp xúc với rất nhiều nguồn thông tin khác nhau ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Công việc của họ ngày càng trở nên phức tạp hơn khi mà lượng thông tin đến với họ ngày càng lớn, nhất là những nguồn thông tin trực tuyến. Khi đó, nhà nghiên cứu sẽ phải đứng trước những câu hỏi như: giữa vô số những nguồn tin như thế, đâu là thông tin đáng tin cậy, thông tin có giá trị, và phù hợp với công việc của họ. Họ sẽ phải dành nhiều thời gian để xử lý thông tin, tổ chức và sử dụng chúng một cách hợp lý. Có thể nói, công việc của người làm nghiên cứu gắn bó hết sức chặt chẽ với kỹ năng khai thác, phân tích, đánh giá, tổng hợp, và sử dụng thông tin, nếu như không muốn nói đó là mối quan hệ hữu cơ máu thịt, không thể tách rời. Điều này chứng minh cho sự cần thiết triển khai các chương trình đào tạo kiến thức thông tin cho cán bộ nghiên cứu.

Một đặc điểm nữa của người làm công tác nghiên cứu: khả năng làm việc theo nhóm và làm việc độc lập. Tùy theo nhu cầu công việc cụ thể mà các khả năng này được phát huy một cách linh hoạt. Liên quan đến kiến thức thông tin, khi làm việc theo nhóm, nhà nghiên cứu phải có khả năng chia sẻ thông tin, tổng hợp kiến thức, đồng thời tiếp cận những tri thức mới từ các cá nhân khác trong nhóm. Khi nghiên cứu độc lập, nhà nghiên cứu phải là người có khả năng quản lý và tổ chức thông tin hết sức khoa học để chuẩn bị cho những quyết định đúng đắn.

Có thể nói, là một trong số những đối tượng sử dụng thông tin nhiều nhất, thường xuyên nhất, các nhà nghiên cứu chính là những đối tượng cần phải được trang bị đầy đủ những kiến thức và kỹ năng thông tin.

3.2. Vai trò của kiến thức thông tin đối với cán bộ nghiên cứu

3.2.1. Làm chủ nguồn thông tin/sử dụng nguồn thông tin hiệu quả

Không còn nghi ngờ gì nữa, kiến thức thông tin chính là chìa khóa để mọi người nói chung và các nhà nghiên cứu nói riêng làm chủ được kho tàng tri thức của nhân loại. Sự bùng nổ thông tin hiện nay đã khiến cho thế giới thông tin trở nên phức tạp và hỗn loạn. Làm thế nào để tìm ĐÚNG, tìm ĐỦ những thông tin mà mình cần, đồng thời sử dụng chúng một cách HIỆU QUẢ? Không khó để trả lời nếu như chúng ta có sự hiểu biết sâu sắc về thế giới thông tin.

Trên thực tế, đối với Việt Nam, tri thức nhân loại đã được sử dụng triệt để và hiệu quả chưa? Hơn ai hết, những người làm công tác nghiên cứu khoa học hiểu rõ điều này. Câu trả lời hợp lý nhất có lẽ là: nếu như những người làm công tác nghiên cứu khoa học được trang bị các kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc khai thác và sử dụng thông tin một cách bài bản và có hệ thống, chắc chắn những trăn trở như trên sẽ phần nào được giải đáp.

3.2.2. Nâng cao đạo đức nghiên cứu/đạo đức nghề nghiệp

Đây là vấn đề đã được đề cập khá nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng dường như nó vẫn là một vấn nạn khá phổ biến trong các hoạt động liên quan đến chất xám, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Nguyên nhân sâu xa của điều này chính là do sự thiếu hiểu biết về cách thức tổ chức thông tin trong hoạt động nghiên cứu của người tham gia. Chưa nói đến hiện tượng đạo văn, chỉ riêng việc đưa tham chiếu về nguồn tài liệu tham khảo trong công trình nghiên cứu cũng đã có rất nhiều vấn đề. Hoặc là nhà nghiên cứu không có thông tin đầy đủ về các nguồn tài liệu đã được trích dẫn, hoặc là họ không biết tổ chức danh mục tài liệu theo đúng cách đã được quy định. Dù là vô tình hay cố ý, tất cả những cách làm trên chính là một sự vi phạm đạo đức nghiên cứu. Hơn ai hết, người làm công tác nghiên cứu càng phải chứng tỏ được việc sử dụng thông tin một cách hợp pháp luật, hợp đạo đức của mình. Kiến thức thông tin giúp họ làm tốt được điều này. Quan trọng hơn cả, kiến thức này giúp cho nhà nghiên cứu có một thái độ nghiên cứu nghiêm túc, giúp họ tránh được những vi phạm liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức nghiên cứu. Và đó cũng chính là cơ sở để chúng ta tính tới vấn đề hội nhập và hợp tác bình đẳng với bạn bè quốc tế trên mặt trận nghiên cứu khoa học.

3.2.3. Tăng cường hiệu quả trong nghiên cứu khoa học

Chúng ta lí giải như thế nào về thực trạng có khá nhiều công trình và đề tài nghiên cứu thuộc đủ các cấp có tính khả thi rất thấp? Có phải là do nội dung nghiên cứu đã quá lỗi thời, quá giáo điều, không sát thực tế? Có phải do dữ liệu phục vụ nghiên cứu không toàn diện và cập nhật? Có phải do phương pháp nghiên cứu thiếu tính khoa học? Hãy bắt đầu thử lí giải ba nguyên nhân trên trong số rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự hạn chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam.

Trước hết: Nếu như chưa đề cập tới khả năng chuyên môn thì nguyên nhân chính dẫn tới điều này là do nhà nghiên cứu đã không có sự chuẩn bị chu đáo về mặt thông tin khi bắt tay vào nghiên cứu. Thông tin không đầy đủ hoặc sai lệch chắc chắn sẽ dẫn tới những quyết định phiến diện hoặc sai lệch trong nghiên cứu và phát triển ứng dụng. Do đó, kỹ năng khai thác, thẩm định và tổng hợp thông tin đóng vai trò quyết định. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của kiến thức thông tin đối với một công đoạn đặc biệt quan trọng của quy trình nghiên cứu: xác định vấn đề và mục tiêu nghiên cứu.

Thứ hai: dữ liệu phục vụ nghiên cứu không toàn diện và cập nhật. Khi mà luận chứng, luận cứ nghiên cứu chỉ dựa trên những nguồn tin không đầy đủ, lỗi thời hoặc một chiều, chắc chắn kết quả nghiên cứu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kiến thức thông tin giúp nhà nghiên cứu giải quyết được điều này thông qua những chiến lược tìm kiếm thông tin hợp lý, cách thức sử dụng các công cụ tìm kiếm thông tin một cách linh hoạt, các phương pháp thẩm định thông tin khách quan và khoa học, cũng như khả năng tổ chức thông tin chặt chẽ. Nguồn thông tin đầy đủ, đa chiều, và có chất lượng sẽ giúp nhà nghiên cứu đưa ra những luận cứ khoa học có tính khách quan và khả thi rất cao.

Thứ ba: phương pháp nghiên cứu thiếu tính khoa học. Phương pháp được thể hiện từ việc lựa chọn đề tài, xây dựng chiến lược nghiên cứu, thu thập thông tin, xử lý thông tin, tổng hợp thông tin, và đưa ra những đề xuất, cải tiến dựa trên chính những thông tin đó. Bất kỳ một sai lầm nào trong số những bước chính như trên đều dẫn tới những kết quả nghiên cứu không như ý muốn. Như trên đã đề cập, người có kiến thức thông tin là người đã “học được cách thức học”. Tức là nắm được phương pháp nghiên cứu.

Rõ ràng, cả ba nguyên nhân cơ bản và phổ biến như trên đều xuất phát từ một nguồn gốc: cách thức tiếp cận và giải quyết bài toán về thông tin. Hiển nhiên, kiến thức thông tin chính là mẫu số chung cho các lời giải của bài toán đó.

IV. Những kiến nghị, đề xuất nhằm phát triển kiến thức thông tin đối với cán bộ nghiên cứu

Có thể nói, cán bộ nghiên cứu là những người dùng tin đặc biệt. Bởi lẽ họ là những chuyên gia trong từng lĩnh vực cụ thể. Khả năng tự nắm bắt nhu cầu thông tin của họ là khá cao. Họ cũng là người đã định hình được hành vi thông tin (tìm kiếm và sử dụng thông tin) rất rõ nét. Điều này không có nghĩa là đã đủ để họ trở thành người có hiểu biết về thông tin. Và, sẽ là không phù hợp nếu như áp dụng cứng nhắc các hình thức phát triển kiến thức thông tin dùng trong các trường đại học đối với đối tượng này. Theo chúng tôi, hướng tiếp cận sẽ là: nâng cao chất lượng nguồn thông tin, tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn về kỹ năng khai thác và tổ chức thông tin, đồng thời tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học quốc tế để cán bộ nghiên cứu có điều kiện trao đổi, học hỏi các đồng nghiệp quốc tế về phương pháp nghiên cứu.

4.1. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng nguồn tư liệu

Đây là điều kiện vừa để nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, vừa là chất xúc tác để phát triển kiến thức thông tin trong đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu khoa học. Lí do là: nếu như nguồn tư liệu hỗ trợ nghiên cứu phong phú và đầy đủ, cán bộ nghiên cứu sẽ có điều kiện để triển khai các công trình có chất lượng và tính khả thi (như trên đã phân tích). Điều này cũng sẽ tác động rất tích cực đến thói quen sử dụng thông tin của các nhà nghiên cứu, đơn giản là vì họ đã thấy được lợi ích thiết thực từ việc sử dụng thư viện và các tài nguyên của nó. Trên thực tế, sự nghèo nàn thông tin tại các cơ quan thông tin thư viện thuộc các cơ quan nghiên cứu khoa học cũng là một trong những nguyên nhân kéo theo sự cẩu thả và thiếu chính xác trong không ít công trình nghiên cứu.

Một điều nữa không thể không nói đến, đó là xu thế hiện đại hóa trong hệ thống thư viện Việt Nam hiện nay. Đây là một tín hiệu đáng mừng, song cũng tiềm ẩn những nguy cơ. Nguy cơ lớn nhất là việc chúng ta đầu tư quá nhiều vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị mà ít quan tâm đến nâng cấp chất lượng nguồn thông tin, các dịch vụ thư viện, và nhất là công tác chăm sóc khách hàng (bạn đọc). Nếu cứ để điều này tiếp tục diễn ra, chẳng bao lâu nữa thư viện sẽ khó mà thu hút được đối tượng người dùng tin đặc biệt này. Hiệu quả nghiên cứu khoa học do đó mà bị ảnh hưởng đáng kể.

4.2. Các khóa đào tạo về kỹ năng khai thác và tổ chức thông tin

Chắc chắn đây là điều nên làm trong một tương lai gần. Có thể nói, kỹ năng khai thác, thẩm định, và tổ chức thông tin được xem như là chìa khóa để bước vào thế giới thông tin. Cán bộ nghiên cứu có thể đã rất thành thạo trong việc xác định nội dung và phạm vi nghiên cứu, nhưng những kỹ năng như trên thì họ ít có điều kiện để lĩnh hội một cách có hệ thống và đầy đủ. Chắc chắn cho tới lúc này, chưa một trường đại học nào ở Việt Nam triển khai một chương trình có tính hệ thống và toàn diện về phát triển kiến thức thông tin trong sinh viên. Đó cũng chính là lí do giải thích vì sao khả năng thích ứng với môi trường làm việc của sinh viên mới tốt nghiệp không cao. Do đó, việc triển khai trang bị những nội dung này cho cán bộ nghiên cứu là đặc biệt cần thiết.

Vậy nội dung của những chương trình đó là gì? Triển khai nó như thế nào? Trước hết, phải khẳng định những mảng kiến thức sau nên được chú ý: chiến lược tìm kiếm thông tin, sử dụng các công cụ tìm tin, thẩm định nguồn tin tìm được, và tổ chức các thông tin đó trong từng hoạt động nghiên cứu cụ thể. Để làm được điều này, các viện nghiên cứu nên có sự phối kết hợp với các cơ sở đào tạo ngành thông tin – thư viện, cũng như cần có sự quan tâm đặc biệt đến phát triển nguồn lực thông tin tại đơn vị mình. Kiến thức thông tin đang là lĩnh vực được nhiều chuyên gia thông tin – thư viện hết sức quan tâm, thậm chí đã và đang trở thành một xu hướng phát triển tích cực của ngành thông tin – thư viện. Việc triển khai nên thông qua các khóa tập huấn ngắn hạn, đối tượng tham gia trước hết dĩ nhiên là các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, không thể bỏ qua một đối tượng đặc biệt quan trọng: đó là cán bộ thư viện tại các thư viện viện nghiên cứu. Về lâu dài, họ chính là đội ngũ đảm bảo kiến thức thông tin cho chính cơ sở nghiên cứu đó.

4.3. Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học quốc tế

Mục đích hết sức quan trọng của vấn đề này là: từng bước đổi mới tư duy nghiên cứu trong cán bộ nghiên cứu khoa học Việt Nam. Chúng ta đều biết môi trường đào tạo của các nước phương Tây là một môi trường hết sức cởi mở và linh hoạt. Triết lý giáo dục của họ là lấy sinh viên làm trung tâm, thông qua các hình thức giảng dạy dựa trên tài nguyên thông tin (resource- based learning) và học theo phương pháp “giải quyết vấn đề” (problem-solving based learning). Tất cả những phương pháp học tập trên đòi hỏi học viên phải có tính tự lập cao trong nghiên cứu, khả năng tương tác một cách hết sức linh hoạt và chủ động với các nguồn thông tin. Chính điều này đã tạo ra một lực lượng lao động, trong đó có các nhà nghiên cứu khoa học, có sự hiểu biết rất sâu sắc về thông tin, có khả năng làm việc hết sức sáng tạo và hiệu quả. Chưa kể đến hiệu quả về mặt kinh tế và khoa học, việc hợp tác nghiên cứu quốc tế sẽ là điều kiện tốt để các nhà khoa học Việt Nam cập nhật thêm những kiến thức mới về phương pháp nghiên cứu và kiến thức thông tin.

V. Kết luận

Cách đây hơn một thập kỷ, cựu thủ tướng Malaysia - Mahathir Mohame - đã cho rằng không có một quốc gia nào giàu mà lại nghèo thông tin và tri thức, cũng như không có quốc gia nào giàu thông tin, tri thức mà lại nghèo. Vấn đề giàu hay nghèo thông tin ở đây không nằm trong phạm trù quốc gia đó đang lưu trữ bao nhiêu sách hay các vật mang tin khác. Mà vấn đề mấu chốt là chúng ta làm chủ nguồn thông tin đó như thế nào? sử dụng nguồn thông tin đó ra sao? Rõ ràng, để trở thành một quốc gia có nền kinh tế và khoa học phát triển, chúng ta nên chú ý tới lĩnh vực tri thức còn khá mới mẻ này. Đối với những nhà nghiên cứu, lực lượng lao động đặc biệt quan trọng có khả năng tạo những đột biến tích cực cho nền kinh tế xã hội, kiến thức thông tin cần sớm được phát triển một cách rộng rãi và mạnh mẽ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. ACRL. Information Literacy Competency Standards for Higher Education, Chicago, Association of College and Research Libraries. – 2000.

2. ACRL. Presidential committee on information literacy. Final report, 1989. -  Truy cập ngày 15/6/2005, truy cập tại

http://www.ala.org/ala/acrl/acrlpubs/whitepa- pers/presidential.htm.

3. Badke, W.B. Research Strategies: finding your way through the information fog, New York, Lincoln, Shanghai: Universe Inc. – 2004.

4. Bundy, A. For a clever country: information literacy diffusion in the 21st century. – 2001. - Truy cập     ngày     20/6/2005,     truy     cập     tại

http://www.library.unisa.edu.au/about/papers/clev er.htm.

5. Cheek, J. e. a. Finding out: information liter- acy for the 21st century, Melbourne,   McMillan Education Australia. – 1995.

 

______________

ThS. Nghiêm Xuân Huy

Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội

Tạp chí Thư viện Việt Nam số 3(23) – 2010 (tr.13-18)


Đọc thêm cùng chuyên mục: