Tỷ lệ các môn công nghệ thông tin trong chương trình đào tạo ngành khoa học thông tin - thư viện

E-mail Print

Dẫn nhập

Công nghệ thông tin (CNTT) đã ảnh hưởng mạnh mẽ và làm thay đổi các dịch vụ thông tin tại thư viện và các tổ chức thông tin. Việc giáo dục, đào tạo các chuyên gia ngành Khoa học Thông tin - Thư viện (KH TTTV) cũng bị tác động mạnh mẽ bởi CNTT, bởi yêu cầu của xã hội đối với người làm thư viện (NLTV) và bởi sự thay đổi của ngành giáo dục đào tạo. Sự thay đổi mà nguyên nhân bắt nguồn từ CNTT đã đặt ra những thách thức cho giáo dục KH TTTV. Tác động của CNTT đến  ngành khoa học này liên quan đến việc phải thiết lập một chương trình đào tạo cho phù hợp, những phương pháp mới được đưa vào giảng dạy, nền tảng kiến thức và năng lực của các giảng viên cần đa dạng, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ở bậc đại học/ thạc sỹ tăng và thị trường công việc cũng như cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên ngành khoa học này được mở rộng sau khi tốt nghiệp.

Bài viết này nhằm cung cấp các thông tin về việc đào tạo ngành KH TTTV ở một số nước trên thế giới và tại Việt Nam, từ đó phân tích tỉ lệ các môn CNTT trong khung chương trình đào tạo ngành KH TTTV/ thông tin học thông qua các trang web của các trường.

Ứng dụng CNTT trong môi trường quản lý thông tin

Từ những năm cuối 1970, nhiều ứng dụng CNTT đã được áp dụng vào các dịch vụ thông tin - thư viện (TTTV). Đầu tiên là định dạng MARC cho các tài liệu biên mục nhằm thay thế các biên mục định dạng thẻ. Hệ thống thư viện tích hợp tổ chức trên máy tính và mạng được phát triển như các hệ thống kỹ thuật thiết yếu để tự động hoá các thao tác trong thư viện và các cơ quan thông tin. Công nghệ hệ thống thư viện tích hợp bao gồm OPAC và các cơ sở dữ liệu (CSDL) thư mục trực tuyến cho các phân hệ dịch vụ tham khảo, lưu hành và mượn liên thư viện; cho các phân hệ bổ sung và quản lý ấn phẩm định kỳ; phân hệ biên mục cho các chức năng dịch vụ kỹ thuật. Từ những năm 1980, Internet đã tăng cường và cải tiến các thao tác trong thư viện thông qua các mạng diện rộng. Trong những năm 1990, các công nghệ web, mạng không dây và đa phương tiện đã nhanh chóng định dạng các nguồn tài nguyên thông tin và thay đổi giao diện tìm kiếm (người – máy), hệ thống này được mở rộng, việc phổ biến thông tin và các dịch vụ thông tin được cải thiện. John Bushman đã từng nêu những câu hỏi về ứng dụng CNTT trong thư viện: tại sao CNTT hữu ích cho thư viện, NLTV hay cộng đồng? và CNTT  sẽ dẫn chúng ta đi đến đâu? Rõ ràng đây là một trọng trách mà NLTV sẽ là người trả lời và sẽ phải tìm ra giải pháp để ứng dụng CNTT một cách thật hữu ích cho phát triển thư viện. Lưu trữ “đám mây” ra đời và được ứng dụng rộng rãi trong các tổ chức thông tin, đồng nghĩa với việc mọi khả năng liên quan đến CNTT đều được cung cấp dưới dạng các "dịch vụ", cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ một nhà cung cấp nào đó "trong đám mây" mà không cần phải có các kiến thức, kinh nghiệm, cũng như không cần quan tâm đến các cơ sở hạ tầng phục vụ công nghệ. Những công nghệ này có liên quan chặt chẽ với các nguồn tài nguyên thông tin, công tác quản lý thông tin, các dịch vụ thông tin và khoa học thông tin. Cùng với CNTT được áp dụng trong thư viện và các dịch vụ thông tin, năng lực NLTV cần phải được trau dồi để đáp ứng với nhu cầu và các nhiệm vụ của thư viện và các cơ quan thông tin. Kỹ năng và kiến thức để sử dụng CNTT thường được đề cập đến trong các yêu cầu đối với NLTV và các chuyên gia.

Tỷ lệ các môn CNTT trong chương trình đào tạo KH TTTV/Thông tin học: phân tích qua khung chương trình của một số trường đại học

Để bắt kịp xu thế CNTT, các chương trình đào tạo ngành KH TTTV cần được thiết kế để đáp ứng được các chuẩn đầu ra mà xã hội đang đặt trọng trách cho ngành khoa học này. Số lượng các chương trình học có liên quan đến CNTT ngày càng gia tăng trong các khung chương trình đào tạo ngành KH TTTV.

Để xem xét một môn học của ngành có liên quan đến CNTT hay không, có nhiều ý kiến cho rằng nên dựa vào tên và mô tả của môn học đó. Tại Mỹ, Riley-Huff và Rholes (những NLTV tại Đại học Mississippi) đã thực hiện một phân tích các chương trình được cung cấp bởi 57 chương trình đào tạo ngành KH TTTV (được ALA công nhận). Họ tìm thấy “các thư viện gia tăng tìm kiếm và thuê NLTV có những kỹ năng công nghệ”. Nghiên cứu cũng chỉ ra “… có một sự gia tăng đáng kể các môn học có liên quan đến công nghệ” và kết luận từ khảo sát của họ là “những người quản lý thư viện nhận biết được vấn đề thiếu kỹ năng/ năng lực CNTT là rất nghiêm trọng đối với các ứng viên”. Năm 2004, Karen Markey (giáo sư ngành Thông tin của trường đại học Michigan) phân tích và báo cáo “Những khuynh hướng giáo dục trong các chương trình giảng dạy KH TTTV” và tìm ra những chủ đề mới trong chương trình học như “hệ thống thông tin cộng đồng, cạnh tranh thông minh, hợp tác có máy tính hỗ trợ, quảng cáo điện tử, giao tiếp người - máy, kiến trúc thông tin, thiết kế thông tin, quản lý tri thức, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và khoa học thông tin y tế” là các môn học mới cần ứng dụng CNTT.

Gần đây, khoa KH TTTV thuộc trường Đại học Ấn Độ vừa kết hợp chương trình thông tin học và KH máy tính, Khoa thông tin thuộc trường Đại học Michigan tại Ann Arbort vừa có một sự thay đổi là tuyển ngành cao học KH thông tin thay vì tuyển ngành cao học KH TTTV; trường Đại học Illinois tại Urbana-Champaign vừa đưa vào một loạt các môn học có liên quan đến máy tính theo hướng hiện đại như chuyên gia lựa chọn, tổ chức, và trình bày dữ liệu (Specialization in Data Curation), phân tích dữ liệu của hệ thống ở cả hai góc độ xã hội và kỹ thuật (Socio-technical Data Analytics) [20], nghiên cứu nâng cao về thư viện số. Khoa Nghiên cứu thông tin của Đại học Syracuse vừa  mở cao học KH quản lý mạng và viễn thông, KH dữ liệu và thư viện số, các hệ thống thông tin và quản lý viễn thông, công nghệ kinh doanh toàn cầu. Bộ môn công nghệ và KH Thông tin thuộc trường Đại học Drexel mở cao học KH các hệ thống thông tin (MSIS) và cao học KH về công nghệ phần mềm (MSSE).

CNTT ngày càng có tác động tích cực đến các chương trình đào tạo ngành KH TTTV. Cùng với việc thay đổi và phát triển nhanh chóng của CNTT, các môn học CNTT mới cũng được tạo ra và cập nhật một cách phù hợp bởi các cán bộ giảng dạy KH TTTV để đáp ứng các kỹ năng và kiến thức mà một chuyên gia trong thư viện và các tổ chức thông tin cần. Sự gia tăng số lượng các môn học mới ở ngành này chỉ ra rằng các môn học có liên quan đến CNTT làm tăng chất lượng và số lượng của các chương trình đào tạo KH TTTV. Một nghiên cứu về 14 khoa hàng đầu có đào tạo ngành KH TTTV tại Mỹ của Sharon Hu (nghiên cứu sinh của trường Đại học Chicago) [18] thì các môn học có liên quan đến CNTT được cung cấp bởi các khoa đào tạo KH TTTV chiếm khoảng 20-30% trong tổng số môn học ở các chương trình của họ. Cụ thể, khoa Thông tin, Đại học Michigan, Ann Arbor có 62% các môn học liên quan đến CNTT, khoa Nghiên cứu thông tin, Đại học Syracuse có 49% các môn học có liên quan đến CNTT, khoa Nghiên cứu thông tin, Đại học Maryland tại College Park có 43% các môn học có liên quan đến CNTT và Khoa Công nghệ và khoa học thông tin, Đại học Drexel có 42% các môn học liên quan đến CNTT. Kế tiếp là các khoa KH TTTV của các trường Đại học Illinois có 28%, Đại học Washington có 32%, Đại học Indiana có 33% và Đại học bang Florida có 35% các môn học có liên quan đến CNTT. Trung bình, tất cả các khoa đào tạo KH TTTV được khảo sát đã có các môn học CNTT hơn 33% tổng số các môn học của khoa. Dữ liệu này đã minh chứng cho xu hướng thiết kế khung chương trình của các chương trình giáo dục KH TTTV là tăng cường bổ sung các môn CNTT.

Trong khung chương trình đào tạo ngành KH TTTV tại Slovakia thì cũng thể hiện được vai trò của CNTT trong phát triển thư viện và dịch vụ thư viện. Các môn CNTT chiếm khoảng 30% trong tổng số các môn học trong chương trình. Siêu văn bản và truyền thông đa phương tiện là những ứng dụng CNTT được áp dụng nhiều nhất trong suốt chương trình học [14].

Các nhóm môn học có liên quan đến CNTT trong chương trình đào tạo KH TTTV được Sharon Hu (nghiên cứu 14 trường hàng đầu về đào tạo ngành KH TTTV tại Mỹ đã đề cập ở trên) chia làm 4 nhóm chính: (1) Web/ Mạng xã hội, (2) Tài nguyên số/ Siêu dữ liệu ứng dụng, (3) Máy tính/ Mạng/ Lập trình, và (4) Quản lý hệ thống/ CSDL. Kết quả khảo sát của Sharon Hu còn cho thấy nhóm các môn Quản lý hệ thống/ CSDL có tỉ lệ cao nhất được các trường tiên tiến này đưa vào chương trình giảng dạy (34%), các môn học về Web/ Mạng xã hội là 28%, các môn học về Tài nguyên số/ Siêu dữ liệu ứng dụng là 26% và nhóm các môn học thuộc Máy tính/ Mạng/ Lập trình được các trường đưa vào khung chương trình đào tạo ít nhất (12%) [18].

Trang Danh bạ về các chương trình đào tạo KH TTTV ở châu Á đã liệt kê 34 quốc gia có đào tạo ngành KH TTTV với tổng cộng 306 trường đại học. Trong đó, Ấn Độ có số lượng các trường đào tạo ngành này nhiều nhất, chiếm 85 trường, kế tiếp là Trung Quốc có 67 trường đào tạo và Philippines có 34 trường đào tạo KH TTTV. Việt Nam được liệt kê có 3 cơ sở đào tạo ngành khoa học này là Đại học Cần Thơ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXHNV) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học KHXHNV Tp. Hồ Chí Minh. Trên trang web của các trường mà Danh bạ CISAP đã liệt kê trình bày bằng ngôn ngữ riêng của quốc gia nên rất khó khảo sát khung chương trình đào tạo để biết khối lượng các môn học liên quan đến CNTT trong chương trình đào tạo (có giao diện tiếng Anh nhưng không cung cấp nhiều thông tin) [21].

Trường Đại học KHXHNV, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đào tạo ngành TTTV (nay là Thông tin học) từ năm 1973. Nhiệm vụ chính của ngành là đào tạo những người dẫn đường tri thức trong xã hội thông tin, có cơ hội khám phá các kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ như thu thập, xử lý, phân tích, tổng hợp và phân phối thông tin; phân tích, thiết kế hệ thống thông tin; xây dựng các sản phẩm và dịch vụ thông tin học; triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại trong mô hình thư viện điện tử, thư viện số. Trường đã đưa ra khung chương trình đào tạo ngành Thông tin học có 70 môn (đã bao gồm các môn tự chọn). Các môn học có liên quan đến CNTT như xử lý thông tin, tổ chức bảo quản và tra cứu thông tin, phần mềm quản lý TTTV, tự động hoá hoạt động TTTV và Thư viện số… chiếm khoảng 15% tổng số các môn trong khung chương trình đào tạo. Các môn học này được cung cấp cho sinh viên tự chọn theo hướng chuyên ngành Thông tin học. Việc liệt kê các môn nào thuộc CNTT từ trang web này cũng gặp khó khăn vì trang web không cung cấp mô tả chi tiết cho từng môn học. Được thành lập từ tháng 7/1984, khoa Thư viện trường Đại học KHXHNV, thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có 30 năm kinh nghiệm đào tạo. Khung chương trình 140 tín chỉ ở bậc đại học ngành Thư viện – Thông tin học của trường bắt đầu áp dụng từ năm học 2012-2013, cung cấp 77 môn học (đã bao gồm các môn tự chọn). Các môn CNTT như: ứng dụng CNTT và truyền thông trong hoạt động TTTV, hệ  quản trị thư viện tích hợp, thư viện số, hệ thống tìm tin, thiết kế web căn bản CSDL… Ước lượng cho các môn CNTT khoảng 20% tổng số các môn học trong toàn chương trình đào tạo. Cũng giống như trường Đại học KHXHNV Hà Nội, trên trang web của khoa chưa cung cấp mô tả chi tiết của ngành học nên việc xác định môn học thuộc CNTT hay không còn mang tính chủ quan của người viết.

Tuyển sinh khoá đầu tiên vào năm 2005, Ngành KH TTTV thuộc khoa KHXHNV, trường Đại học Cần Thơ (nay là ngành Thông tin học) cũng đã bắt kịp xu thế phát triển chung của các trường đào tạo KH TTTV trên thế giới. Chuẩn đầu ra của ngành đã xác định rất rõ kiến thức cơ sở ngành về CNTT là cung cấp những kiến thức cơ bản về lập trình; tạo lập và quản lý CSDL; thiết kế web; sử dụng công nghệ mạng máy tính và kỹ năng ứng dụng các công nghệ hiện đại để tra cứu, quản lý, chuyển đổi dạng các loại hình tài liệu từ truyền thống đến hiện đại theo hướng chuyên sâu về CNTT. Sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ am hiểu sâu về các hệ thống quản lý thư viện tích hợp, quản lý nguồn tài liệu số, an toàn và bảo mật thông tin, tạo lập CSDL; ứng dụng và phát triển phần mềm mã nguồn mở trong thư viện. Các đề cương chi tiết cho từng môn trong khung chương trình đào tạo (từ trang web của trường) sẽ mô tả cụ thể mức độ sinh viên ứng dụng CNTT vào môn học đó. Mặc dù qua một số lần điều chỉnh khung chương trình đào tạo ngành KH TTTV, nhưng nhìn chung khối lượng kiến thức các môn CNTT vẫn đảm bảo và chiếm khoảng 40% trong tổng số các môn học của ngành.

Kết luận

Qua khảo sát và đánh giá sơ bộ về tỉ lệ các môn CNTT trong khung chương trình đào tạo ngành KH TTTV/ Thông tin học ở một số nước trên thế giới và ở Việt Nam, các cơ sở đào tạo cần:

- Xác định mối quan hệ giữa các môn học về thư viện truyền thống và các môn học CNTT để thiết kế chương trình đào tạo KH TTTV đáp ứng nhu cầu thực tiễn từ các thư viện và cơ quan thông tin.

- Khung chương trình đào tạo ngành KH TTTV nên đảm bảo thiết kế đủ khối lượng các môn CNTT và tỉ lệ cụ thể bao nhiêu là tuỳ thuộc vào trọng điểm phát triển của từng trường.

- Những môn học liên quan đến CNTT nên tập trung vào quản lý hệ thống và CSDL, tổ chức thông tin là các môn học “cốt lõi” (đa số các khung chương trình đào tạo KH TTTV đều có).

- Khung chương trình đào tạo ngành KH TTTV nên được xem xét cập nhật để bắt kịp xu thế phát triển của CNTT và các giảng viên của ngành cũng nên thường xuyên được tập huấn, học tập nâng cao trình độ.

- Nên tiến hành đánh giá khả năng ứng dụng CNTT của các cựu sinh viên ngành TTTV/ Thông tin học đang làm việc ở các thư viện và các cơ quan quản lý thông tin nói chung.

- Đẩy mạnh hợp tác và trao đổi giữa các trường có đào tạo ngành KH TTTV ở phạm vi trong nước và quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chương trình đào tạo ngành Thông tin học K36, trường Đại học Cần Thơ. http://websrv2.ctu.edu.vn/dept/daa/kdt/daotaok36.

2. Ngành Thông tin học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. http://tuyensinh.ussh.edu.vn/program/thong-tinhoc/khung-chuong-trinh.

3. Ngành Thông tin học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. http://tvtth.hcmussh.edu.vn/Default.aspx?ArticleId= 013b7317-9316-4a0f-8eab-482de972c5991.

4. Best Library and Information Studies Schools. US News and World Report. http://gradschools.usnews.rankingsandreviews.com/best-graduate-schools/top-library-information-science-programs.

5. Charles Sturt University, Autralia. http://www.csu.edu.au/courses/undergraduate/info r m a t i o n _ s t u d i e s / c o u r s e - s t r u c t u re # . U 2 -0N4GszfI.

6. The College of Information Science and Technology, Drexel University. http://www.ischool.drexel.edu/PS/GraduatePrograms.

7. Graduate School of Library and Information Science, University of Illinois at Urbana-Champaign. http://www.lis.illinois.edu/academics/programs/specializations.

8. Graduate School of Library and Information Science of Simmons. http://simmons.edu/gslis/programs/masters/index.php.

9. London’s Global University, UK. http://www.ucl.ac.uk/prospective-students/graduate/degrees/taught/tmalibsing01.

10. Markey, K. Current Educational trends in Library and Information Science Curricula // Journal of Education for Library and Information Science. - 2004. - No. 45 (4). - P. 317-39.

11. Mathews, J. M. and pardue, H. The Presence of IT Skill Sets in Librarian Position Announcements // College and Research Libraries. - 2009. - No. 70 (3). - P. 250-257.

12. Nonthacumjane, p. Key skills and competencies of a new generation of LIS professionals // IFLA Journal. – 2011. – No. 37 (4). – P. 280-288.

13. Riley-Huff, D. A. and Rholes, J. M. Librarians and Technology Skill Acquysition: Issues and Perspectives // Information Technology and Libraries. – 2011. – No. 30 (3). – P. 129-140.

14. Sona Makulova. The impact of new information technology on the library and information science curriculum development at the Comenius University, Slovakia. http://web.simmons.edu/~chen/nit/NIT'93/93-211-maku.html

15. School of Information, University of Michigan at Ann Arbor. https://www.si.umich.edu/academics/msi/msidegree-components.

16. School of Information Studies, Syracuse University.http://coursecatalog.syr.edu/2012/schools/ischool.

17. School of Library and Information Science, Indiana University at Bloomington. http://ils.indiana.edu/news/merge.php.

18. Sharon Hu. Technology Impacts on Curriculum of Library and Information Science (LIS) - a United States (US) Perspective. - Singapore: IFLA, 2013.

19. Zhou, Y. Analysis of Trends in Demand for Computer-Related Skills for Academic Librarians from 1974-1994 // College & Research Libraries. - 1996. - No. 57 (3). - P. 259-272.

20.http://www.lis.illinois.edu/academics/degrees/specializations/soda.

21. http://www.cisap.asia/schools/.

______________

ThS. Lâm Thị Hương Duyên

Bộ môn Quản trị Thông tin - Thư viện, Khoa KHXHNV, trường Đại học Cần Thơ

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2014. - Số 4. - Tr. 7-11.


Đọc thêm cùng chuyên mục: