Truy cập mở phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học trong thư viện đại học

Print

Đặt vấn đề

Những năm gần đây, truy cập mở đã không ngừng phát huy vai trò và ảnh hưởng to lớn trong việc đẩy mạnh sự hợp tác, chia sẻ thông tin, tri thức thuộc nhiều lĩnh vực như nghiên cứu, giáo dục, phát triển khoa học… ở cả phạm vi quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, truy cập mở có nhiều tác động đối với hoạt động thư viện - thông tin nói chung và hoạt động của các thư viện đại học nói riêng.

1. Khái quát về truy cập mở

1.1. Khái niệm

Theo Sáng kiến Budapest về truy cập mở (Open access) [3] - truy cập mở là việc người sử dụng được tự do truy cập đến tài liệu thông qua Internet, cho phép tất cả người sử dụng đọc, tải về, sao chép, phân phối, in ấn, tìm kiếm hoặc liên kết đến toàn văn của các tài liệu đó để làm chỉ mục, chuyển đổi chúng thành dữ liệu cho phần mềm hoặc sử dụng chúng cho bất kỳ mục đích hợp pháp nào khác mà không có rào cản về tài chính, pháp lý hoặc kỹ thuật. Từ khái niệm này, có thể rút ra một số đặc điểm của truy cập mở như sau:

- Không hạn chế về bản quyền và cấp phép;

- Người sử dụng được quyền truy cập tự do đến tài liệu;

- Tài liệu ở dạng toàn văn, được truy cập trực tuyến thông qua Internet;

- Tài liệu có thể được truy cập bởi tất cả mọi người, không có sự phân biệt;

- Tài liệu truy cập mở có thể bao gồm nhiều dạng thức như văn bản, dữ liệu cho phần mềm, âm thanh, hình ảnh, tài liệu đa phương tiện, tài liệu khoa học, kết quả nghiên cứu… và cả bản thảo của những tài liệu này.

Ngoài ra, mặc dù truy cập mở cho phép người sử dụng tự do truy cập đến tài liệu, nhưng tác giả vẫn có quyền kiểm soát sự toàn vẹn đối với tác phẩm của họ, không cho phép phân phối tác phẩm này với mục đích thương mại [7].

Một khái niệm khác cũng cần được hiểu rõ là tài liệu truy cập mở hay còn được gọi là xuất bản truy cập mở. Theo tác giả Peter Suber [9], tài liệu truy cập mở là tài liệu số, trực tuyến, miễn phí và gần như không có yêu cầu về bản quyền, các quy định về cấp phép. Như vậy, đối với các tài liệu truy cập mở thì người sử dụng được tự do truy cập miễn phí, trực tuyến.

1.2. Sự ra đời và phát triển của truy cập mở

Số lượng và giá thành của các tạp chí khoa học ngày càng gia tăng, vì vậy, Sáng kiến Budapest về truy cập mở ra đời nhằm khắc phục sự hạn chế về khả năng tiếp cận hay mua những tạp chí này của người sử dụng. Sáng kiến này cũng đưa ra hai cơ chế truy cập mở, bao gồm [3]:

- Green OA, seft-archiving: Truy cập đến kho tự lưu trữ. Với cơ chế này, tác giả tự xuất bản các bài viết của mình dưới dạng điện tử, tự lưu trữ chúng. Sau đó, tác giả sẽ cung cấp sự truy cập mở đến các bài viết này.

- Gold OA, open-access journals: Truy cập đến tạp chí truy cập mở. Theo cơ chế này, nhà xuất bản sẽ xuất bản những tạp chí truy cập mở và người sử dụng được tự do truy cập đến các tạp chí mở.

Bên cạnh đó, Tuyên bố Bethesda về xuất bản truy cập mở [2] cũng nhấn mạnh đến việc tiếp tục đẩy mạnh việc xuất bản các tài liệu truy cập mở. Truy cập mở sẽ là một phần thiết yếu của các xuất bản khoa học trong tương lai; báo cáo, kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học hiện tại nên được công khai, sử dụng miễn phí và không hạn chế. Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng, thư viện và các nhà xuất bản nên nỗ lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ tài liệu truyền thống sang dạng tài liệu truy cập mở.

Cho đến nay, số lượng tạp chí được truy cập mở không ngừng tăng lên. Theo ghi nhận mới nhất, tính đến tháng 8/2016, Danh mục tạp chí truy cập mở (Directory of Open Access Journals) đã có 9.189 tên tạp chí truy cập mở, với 2.273.423 bài viết từ 130 quốc gia, trong đó 6.373 tạp chí cho phép tìm kiếm theo bài trích [5].

1.3. Lợi ích của truy cập mở

Nhờ có những đặc điểm nêu trên nên truy cập mở mang đến nhiều lợi ích cho các nhóm đối tượng khác nhau, cụ thể là:

- Với nhà nghiên cứu, tác giả: Hiệu quả của truy cập mở giúp họ có thể tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu gần như ngay lập tức và có cái nhìn bao quát, chi tiết hơn về lĩnh vực mà họ nghiên cứu. Mặt khác, họ cũng có thể tăng thêm uy tín bằng việc tự xuất bản bài viết, công trình nghiên cứu mà không cần chi phí in ấn. Hơn nữa, bài viết và kết quả nghiên cứu trên có thể được truy cập, sử dụng hoặc trích dẫn nhiều hơn bởi lượng người sử dụng nhiều và đa dạng hơn trước.

- Với tạp chí, nhà xuất bản: Truy cập mở giúp cho các bài viết được tìm kiếm dễ hơn, truy cập nhiều hơn, hữu ích hơn. Ngoài ra, một tạp chí truy cập mở có thể thu hút quảng cáo hay tài trợ và khi đó nó không còn chỉ là tạp chí để đọc và trích dẫn.

- Với người sử dụng: Truy cập mở không chỉ loại bỏ các rào cản về chi phí, thời gian hay khoảng cách địa lý khi họ muốn sử dụng tài liệu, kết quả nghiên cứu, mà họ còn có thể chuyển đổi những điều được tiếp cận đó sang ý tưởng mới, giải quyết vấn đề, ra quyết định…

Ở phạm vi quốc gia, truy cập mở tạo ra sự kết nối chặt chẽ cho các nghiên cứu trong nước; trao đổi hoặc sử dụng được mạng lưới tri thức toàn cầu; làm tăng ảnh hưởng của nghiên cứu trong nước trên phạm vi quốc tế; cung cấp nhiều mối liên hệ hoặc cơ hội hợp tác nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Những tác động này sẽ đẩy nhanh sự phát triển kinh tế của đất nước thông qua việc không ngừng phát triển nền tảng khoa học quốc gia mạnh mẽ.

2. Truy cập mở trong thư viện đại học

2.1. Truy cập mở trong thư viện đại học ở các nước trên thế giới

Thư viện đại học phải giữ vai trò tiên phong trong việc mở rộng truy cập mở trong hoạt động thư viện - thông tin, bởi truy cập mở giải quyết sự khủng hoảng về mặt tài chính và khả năng tiếp cận đến các tài liệu khoa học. Thông qua truy cập mở, thư viện có thể giúp người sử dụng tìm được thông tin mà họ cần cho dù ngân sách được cấp để phát triển nguồn lực thông tin là có hạn. Như đã trình bày, do số lượng tài liệu truyền thống được xuất bản ngày càng nhiều với giá thành ngày càng cao, trong khi đó, việc xuất bản và phân phối tài liệu dưới dạng điện tử thông qua Internet luôn thấp hơn, dễ dàng hơn, nên truy cập mở trở thành lựa chọn hiển nhiên cho các hệ thống thư viện, bao gồm cả thư viện đại học. Truy cập mở trở nên đặc biệt quan trọng với các thư viện đại học, đặc biệt là khi các trường đại học đều quan tâm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học. Truy cập mở tác động đến mọi khía cạnh của thư viện đại học như tài chính, quản lý và phát triển nguồn lực thông tin, cung cấp dịch vụ thư viện - thông tin, đánh giá hiệu quả hoạt động thư viện… Truy cập mở có thể được xem là một trong những điều kiện tiên quyết để thư viện đại học tồn tại và phát triển.

Trên thế giới, hiện đã có nhiều trường đại học xây dựng kho lưu chiểu ấn phẩm và khuyến khích các thành viên trong trường, học viên thuộc các hệ đào tạo sau đại học đóng góp ấn phẩm của họ vào những kho lưu chiểu này, ví dụ như UC Research Repository (University of Canterbury, New Zealand), Research Repository UCD (University College Dublin, Ireland), UWA Research Repository (The University of Western Australia), Victoria University Research Repository (Victoria University, Australia) hay UWE Research Repository (University of the West of England)… Hầu hết những trường đại học này giao lại cho thư viện quyền quản lý, tổ chức khai thác kho lưu chiểu ấn phẩm. Tài liệu được lưu trữ trong kho lưu chiểu bao gồm nhiều dạng thức khác nhau như: kết quả nghiên cứu (sách, chương/ phần của sách, bài báo, bài tham luận hội thảo/ hội nghị), bản thảo không công bố, báo cáo nghiên cứu, luận văn, luận án, báo cáo kỹ thuật… hoặc bộ dữ liệu nghiên cứu và các dạng tài liệu khác được xem như là một phần của các công trình nghiên cứu. Thông qua trang web thư viện/ cổng thông tin, tất cả mọi đối tượng đều được truy cập không giới hạn đến kho lưu chiểu để xem tài liệu ở dạng toàn văn hoặc tải về. Người sử dụng có thể tìm kiếm tài liệu trong kho lưu chiểu theo nhiều điểm truy cập như: thời gian xuất bản, tác giả, nhan đề, chủ đề hoặc tìm theo tên của các bộ sưu tập. Ngoài ra, tài liệu trong một số kho lưu chiểu được đánh chỉ số bởi các công cụ tìm kiếm trên Internet, do đó người sử dụng cũng có khả năng tiếp cận đến nguồn tài liệu lưu trữ trong kho lưu chiểu bằng cách tra cứu từ các công cụ tìm kiếm Google, Google Scholar, Yahoo, Bing… Các thư viện đại học gặp một số trở ngại chính trong việc xây dựng, quản lý kho lưu chiểu như: khó khăn trong việc xem xét lựa chọn nội dung, xác định bản quyền; chính sách quy định về nhiệm vụ hoặc sự hỗ trợ để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài từ đơn vị chủ quản chưa rõ ràng; nhiều kết quả nghiên cứu được đóng góp rất miễn cưỡng bởi nhận thức chưa cao hoặc do các tác giả chưa hiểu rõ giá trị thực của kho lưu chiểu. Để khắc phục những trở ngại này, các thư viện đã đề ra những giải pháp cụ thể sau [8]:

- Chủ động hợp tác làm việc với các bên liên quan;

- Cung cấp các chính sách chuẩn hoá kho lưu chiểu đến các thành viên trong trường;

- Tổ chức chương trình, hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng về kho lưu chiểu;

- Không ngừng nâng cao kiến thức, năng lực làm việc của người làm thư viện trong môi trường truy cập mở.

2.2. Phát triển truy cập mở trong thư viện đại học ở Việt Nam

Hiện nay, nhiều trường đại học ở Việt Nam cũng đã yêu cầu cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, học viên sau đại học nộp lại kết quả đầu ra các công trình nghiên cứu của họ ở dạng bản in và bản điện tử nhằm hướng đến việc phát triển nguồn tài liệu nội sinh, xây dựng cơ sở dữ liệu toàn văn. Tuy nhiên, việc truy cập mở đến nguồn này còn rất hạn chế. Vì vậy, để tăng cường hiệu quả truy cập mở trong thư viện đại học tương ứng với hai chiến lược của Sáng kiến Budapest về truy cập mở thì nên phát triển theo hai hướng: xây dựng kho nội bộ và xây dựng danh mục tạp chí truy cập mở.

Xây dựng kho nội bộ

Kho nội bộ là những kho lưu trữ tài liệu số và cho phép truy cập mở, nơi mà người sử dụng có thể truy cập được toàn văn của tài liệu thông qua mạng Internet. Thư viện đại học cần đổi mới dịch vụ cung cấp cho người sử dụng bằng cách xây dựng các kho nội bộ như là nguồn lưu trữ nội sinh, lưu trữ và bảo quản lâu dài tài sản trí tuệ của nhà trường. Kho nội bộ sẽ chứa bài viết, kết quả nghiên cứu thu thập được từ các viên chức, giảng viên trong trường và cả học viên thuộc các hệ đào tạo sau đại học của trường. Kho nội bộ nên đặt ở thư viện để sinh viên, giảng viên hoặc các đối tượng khác thuộc diện phục vụ của thư viện dễ dàng tiếp cận. Mặt khác, người làm thư viện có thể hỗ trợ thực hiện kiểm tra bản quyền, tạo ra các siêu dữ liệu, kiểm soát quyền tác giả hay các vấn đề pháp lý khác.

Nếu được xây dựng, sử dụng hiệu quả thì kho nội bộ sẽ mang lại những lợi ích sau:

- Đối với nhà trường: Dữ liệu được lưu tập trung ở kho nội bộ góp phần tăng uy tín, nâng cao danh tiếng, vị thế của nhà trường; giảm nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu hay có thể thu hút thêm nguồn tài trợ từ các cơ quan, tổ chức khác.

- Đối với viên chức, giảng viên, nhà nghiên cứu: Kho nội bộ giúp tăng uy tín của họ nếu như tài liệu được sử dụng nhiều; tài liệu được lưu trữ an toàn hơn, hạn chế tình trạng mất dữ liệu nếu so sánh với việc họ tự lưu trữ; có thể tìm kiếm khả năng mở rộng hợp tác với nhà nghiên cứu khác; tránh nghiên cứu trùng lặp...

- Đối với sinh viên, học viên: Họ được tiếp cận đến nguồn tài liệu tham khảo đầy đủ, phong phú hơn.

Thực tiễn cho thấy, kho nội bộ trong hệ thống thư viện đại học ở Việt Nam chưa được xây dựng nhiều bởi các nguyên nhân khác nhau như quan niệm chưa đúng hoặc chưa đầy đủ về truy cập mở, về kho nội bộ; lo ngại về vấn đề bản quyền, chính sách xuất bản; không có động lực đóng góp do không được khuyến khích hay chỉ đơn giản là vì tác giả cho rằng họ biết cách kiểm soát và có phương pháp lưu trữ các bài viết hay công trình nghiên cứu của họ… Ngoài ra, còn có hạn chế về chi phí thiết lập và duy trì kho nội bộ, cam kết ủng hộ từ cơ quan chủ quản.

Do vậy, thư viện đại học cần phải nỗ lực hơn nữa để chứng minh tầm quan trọng và lợi ích của kho nội bộ với nhà trường, viên chức, giảng viên, học viên, sinh viên của trường. Để việc xây dựng thành công kho nội bộ thì vai trò và nhiệm vụ của các đối tượng liên quan cũng cần được xác định rõ ràng, cụ thể. Ví dụ như:

- Nhà trường cần ban hành quy định, chính sách về việc nộp lưu chiểu bài viết, kết quả nghiên cứu và các quy định tài chính, nhân sự… nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển của kho nội bộ.

- Người làm thư viện phối hợp chặt chẽ hơn với các với các khoa/ bộ môn, với viên chức, giảng viên để thu thập tài liệu của họ; lưu trữ, tổ chức khai thác và bảo quản nguồn tài liệu này.

- Viên chức, giảng viên, học viên có nhiệm vụ nộp lại cho thư viện bài viết, công trình nghiên cứu của họ.

Xây dựng danh mục tạp chí truy cập mở

Tạp chí truy cập mở là một bước tiến quan trọng khác trong truy cập mở, đây là việc tạo ra các tạp chí truy cập mở hoàn toàn mới hoặc chuyển đổi các tạp chí hiện tại sang hình thức truy cập mở. Các tạp chí truy cập mở đều cung cấp sự truy cập miễn phí cho người sử dụng. Hiện nay, một số tạp chí truy cập mở duy trì sự tồn tại bằng cách thu phí quản lý bài viết từ các tác giả. Khi truy cập vào các tạp chí truy cập mở, người sử dụng tự do đọc, tải về, sao chép, phân phối hoặc in các bài viết, các tài liệu thông tin khác.

Thư viện đại học nên tập hợp, chọn lọc và xây dựng danh mục các tạp chí truy cập mở chất lượng cao, đã được thẩm định phù hợp ngành, lĩnh vực đào tạo của nhà trường. Ngoài ra, thư viện cũng có thể hợp tác thực hiện việc xây dựng, chia sẻ danh mục tạp chí này với các thư viện khác trong cùng hệ thống.

Để phát huy hiệu quả sử dụng của kho nội bộ và danh mục tạp chí mở nói trên thì thư viện nên chú trọng các hoạt động quảng bá và hỗ trợ sử dụng các nguồn truy cập mở, cụ thể như sau:

- Quảng bá: Thư viện nên chủ động giới thiệu, cung cấp thông tin về kho nội bộ, danh mục tạp chí mở để người sử dụng có thể biết đến và hiểu rõ hơn về chúng. Về nội dung, thông điệp quảng bá cần nêu được giá trị của kho nội bộ, danh mục tạp chí mở. Về phương thức, ngoài các kênh quảng bá truyền thống, thư viện nên kết hợp nhiều hình thức quảng bá qua mạng phổ biến hiện nay như quảng bá qua trang web của thư viện, dựa vào các cơ sở dữ liệu email của người sử dụng để gửi các email với nội dung quảng bá đến họ hoặc sử dụng blog, các trang mạng xã hội để vừa quảng bá vừa tạo mối liên kết với người sử dụng.

- Hướng dẫn sử dụng: Để tăng cường hiệu quả khai thác các nguồn truy cập mở, hỗ trợ người sử dụng phát triển kỹ năng tra tìm, đánh giá thông tin phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu lâu dài của họ thì việc tổ chức lớp hướng dẫn, đào tạo kỹ năng, kiến thức thông tin là một hoạt động mà thư viện không thể bỏ qua. Nội dung hướng dẫn có thể là phương thức truy cập vào kho nội bộ hoặc các danh mục; hướng dẫn cách tra cứu, đánh giá bài viết trên các tạp chí truy cập mở; hướng dẫn sao lưu/ in ấn… Có thể thực hiện các khoá hướng dẫn sử dụng này một cách định kỳ vào đầu năm học hoặc khi có nhu cầu của người sử dụng. Ngoài ra, thư viện cũng nên cung cấp tài liệu hướng dẫn trực tuyến để người sử dụng tự tham khảo hoặc người làm thư viện thực hiện hướng dẫn trực tuyến theo yêu cầu của người sử dụng thông qua mạng Internet.

Kết luận

Truy cập mở đang đem lại nhiều cơ hội mới cho các thư viện đại học. Mặc dù có nhiều trở ngại nhưng việc phát triển truy cập mở phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các trường đại học ở Việt Nam là cần thiết và cần được quan tâm đầu tư đúng mức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hỗ trợ nghiên cứu: vai trò và hoạt động của thư viện đại học: Tài liệu hội thảo - tập huấn. - TP. Hồ Chí Minh: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

2. Bethesda statement on open access publishing. Http://legacy.earlham.edu (truy cập ngày 28/8/ 2016).

3. Budapest Open Access Initiative. Http://www. budapestopenaccessinitiative.org/ (truy cập ngày 28/8/2016).

4. Chadwell. F. A., Sutton, S. C. The future of open access and library publishing.  http://ir.library. oregonstate.edu (truy cập ngày 14/9/2016).

5. Directory of Open Access Journals (DOAJ). https://doaj.org/ (truy cập ngày 28/8/2016).

6. Directory of Open Access Repositories (OpenDOAR). http://www.opendoar.org (truy cập ngày 29/8/2016).

7. Giarlo, Michael J. The Impact of Open Access on Academic Libraries. http://mike.giarlo.name/ michael/papers/532.pdf (truy cập ngày 29/8/2016).

8. Klungthanaboon, Wachiraporn. University-based Institutional Repositories: The Future of Academic Libraries in Thailand. http://conferencepapers. shef.ac.uk (truy cập ngày 11/10/2016).

9. Suber, Peter. A Very Brief Introduction to Open Access. http://scholarworks. wmich.edu (truy cập ngày 28/8/2016).

__________

ThS. Dương Thị Phương Chi

Khoa Thư viện - Thông tin học, ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 2. - Tr. 25-29.


Đọc thêm cùng chuyên mục: