Triết lý cho sự phát triển thư viện hiện nay

E-mail Print

Nếu tính từ khi triều đình nhà Lý cho xây dựng nhà tàng kinh Trấn Phúc[1] để làm nơi chứa bộ kinh Phật đầu tiên có được - kinh Tam Tạng vào năm 1011 và các nhà tàng kinh Bát giác (1021), nhà tàng kinh Đại Hưng (1023) ở kinh thành Thăng Long đến nay thì sự nghiệp thư viện Việt Nam cũng đã có bề dày lịch sử 1.000 năm tuổi. Tuy nhiên vẫn có người cho rằng các nhà tàng kinh nói trên chỉ là nơi chứa kinh phật mà trong lòng nghi ngờ đó chưa phải là thư viện. Phải đến khi triều đình xây dựng Quốc Tử Giám ở Văn Miếu, trường học cao cấp đầu tiên của nước Đại Việt (1070)[2] thì một thư viện chính thức ra đời với hai chức năng chính là tàng trữ sách vở, phục vụ việc đọc sách của vua quan và sĩ tử.

Thuở ban đầu ấy, các thư viện Việt Nam đã coi tàng trữ làm chức năng chính. Vì vậy, mọi hoạt động của thư viện đều xoay quanh làm thế nào để thu thập được nhiều thư tịch, để bảo quản thư tịch được bền lâu. Triết lý cho sự phát triển thư viện lúc bấy giờ cũng xoay quanh vấn đề tàng trữ thư tịch, vì vậy triều đình có rất nhiều hình thức để làm tăng nhanh số lượng và tuổi thọ của kho sách vở nhưng lại ít biện pháp kích thích việc đọc. Đơn cử: Về việc làm giàu và tăng tuổi thọ của kho thư tịch, triều đình đã tìm mọi cách thực thi như xuống chiếu tìm sách vở, xây dựng đội ngũ viên chức thư viện, đưa ra các quy định về sử dụng và bảo quản sách… Ngay từ thời nhà Lý, ít nhất có hai đoàn do triều đình cử sang nhà Tống xin kinh Tam tạng năm 1021 và xin kinh Đại tạng năm 1023. Ở trong nước, việc sưu tầm sách vở được tiến hành để có nhiều sách đưa vào Bí thư các trong Quốc Tử Giám cho các sĩ tử đọc. Thời Trần, việc biên soạn sách vở đã phát triển hơn. Bên cạnh đó, việc sưu tầm thư tịch trong nhân dân vẫn được tiến hành. Có thể nêu tấm gương của các nhà sưu tầm như: Hồ Tông Thốc, Lý Tế Xuyên, Trần Thế Pháp, Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Chu Xa, Hoàng Đức Lương, Ngô Sĩ Liên… với sự ra đời của các bộ tuyển tập như Việt điện u linh, Lĩnh Nam trích quái, Trích diễm thi tập, Việt âm thi tập, Việt Nam thế chí, Tinh tuyển chư gia luật thi v.v... Từ thời Lê trở đi, triều đình nhiều lần hạ chiếu sưu tầm thư tịch trong nhân dân. Mỗi lần có sứ bộ sang Trung Hoa là lại có sách mới mang về, hoặc mua, hoặc được tặng, hoặc trao đổi. Về chiến lược sưu tầm thư tịch thời phong kiến, PGS. Đặng Đức Siêu viết: “Những hoạt động này diễn ra khá sôi động sau mỗi lần dân tộc ta chiến thắng giặc ngoại xâm hoặc dẹp tan các cuộc nổi loạn, cát cứ, đưa đất nước tiến vào giai đoạn phục hưng”[3].

Do việc làm sách buổi đầu thời phong kiến tự chủ Việt Nam chủ yếu là chép bằng tay nên triều đình đã hình thành một đội ngũ chép sách để nhân thành nhiều bản. Những người chép sách ấy có chức quan là Đối độc (đọc để chép) và Hiệu thù (so sánh bản gốc và bản chép). Về sau, khi có in mộc bản ra đời, không còn chức quan này nữa.

Trong suốt gần nghìn năm tồn tại của thư viện Việt Nam từ nhà Lý đến những năm thực dân Pháp đô hộ, do chính sách văn hóa chưa hướng đến đông đảo nhân dân, coi văn hóa chỉ để phục vụ cho tầng lớp quý tộc, trí thức nên đối tượng phục vụ của thư viện bó hẹp trong giới trí thức, quý tộc, quan lại, và chỉ mở thư viện ở thành phố. Tất nhiên, dần dần có mở rộng nhưng cũng chỉ đến nho sinh và sau này là học sinh các lớp lớn ở đô thị. Chính sách ngu dân của thực dân, phong kiến không cho người dân lao động tiếp cận với các kho sách thư viện.

Sau năm 1954, khi miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền nhân dân, sự nghiệp thư viện mới được mở mang và người dân lao động mới được đến với kho tàng thư tịch để đọc và học tập. Trong Chỉ thị 72 – Trung ương của Ban Bí thư Trung ương (năm 1959) ghi: “Cán bộ Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên lao động chú ý tổ chức hướng dẫn việc đọc sách báo trong cán bộ và nhân dân, gây cho nhân dân một nền nếp đọc sách báo thường xuyên để nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật”. Từ sau Chỉ thị này, Đảng, Nhà nước còn nhiều văn kiện khác thể hiện sự chỉ đạo đối với sự phát triển sự nghiệp thư viện. Đặc biệt, trong các Nghị quyết của các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đều có mấy dòng, dù là ngắn hay dài để định hướng cho sự phát triển thư viện những năm sau Đại hội.

Cũng từ đây, chức năng và triết lý phát triển của thư viện đã thay đổi khác trước.

Về chức năng, thư viện Việt Nam từ sau năm 1954 được gọi là Thư viện xã hội chủ nghĩa, có hai chức năng quan trọng: Bảo tồn thư tịch và tổ chức việc đọc sách trong nhân dân.

Về triết lý của thư viện giai đoạn này là phấn đấu làm cho việc đọc sách trở thành thói quen không thể thiếu được của mỗi người dân. Triết lý này bắt nguồn từ vị trí quan trọng của cuộc cách mạng văn hóa và cách mạng khoa học kỹ thuật.

Từ triết lý và chức năng ấy, sự nghiệp thư viện Việt Nam phát triển mạnh mẽ, cân đối và hài hòa. Việc phát triển xuất bản, báo chí; việc xây dựng cơ sở vật chất các thư viện, đào tạo cán bộ… đều nhằm mục tiêu tiến đến là đưa nhiều sách đến với người đọc, phục vụ người đọc nhiều nhất, tốt nhất để nhanh chóng có một xã hội học tập, có tri thức thực hiện công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cả nước. Chính do có phong trào đọc nên nhu cầu về sách báo phát triển làm cho ngành xuất bản và báo chí phát triển nhanh chóng. Nhu cầu đọc cao, lượng sách báo ra nhiều, cơ sở vật chất của các thư viện ngày càng được tăng cường. Các công nghệ thư viện cũng theo đó phát triển và ngày một hiện đại. Có thể nói những năm nửa cuối thế kỷ XX là những năm phong trào đọc phát triển mạnh và phát huy hiệu quả xã hội, gắn liền với các hoạt động của toàn bộ sự nghiệp thư viện.

Sau những năm 90 của thế kỷ trước, đất nước chuyển từ cơ chế quản lý bao cấp sang cơ chế quản lý theo thị trường, Nhà nước tuy vẫn kịp thời có sự chỉ đạo đối với sự nghiệp thư viện nên trong điều kiện kinh tế xã hội có thay đổi các thư viện vẫn giữ được nhịp độ hoạt động, nhưng sắc thái của các thư viện và tình hình đọc của xã hội có nhiều thay đổi. Tính từ năm 2000 đến năm 2008, có đến 56 văn bản chỉ đạo, trong đó cấp Nhà nước có 11 văn bản, cấp Bộ có 45 văn bản. Cao nhất trong hệ thống văn bản này là Pháp lệnh Thư viện và các văn bản kèm theo của Pháp lệnh.

Hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh thư viện và các văn bản nói trên, phần được cũng nhiều nhưng hạn chế cũng không ít. Có thể nói cách chỉ đạo của Nhà nước trong hơn 10 năm qua về phát triển sự nghiệp thư viện (thông qua Pháp lệnh và hệ thống văn bản nói trên) đã tạo ra một hệ thống cơ sở vật chất và công nghệ tương đối to lớn, hiện đại nhưng hiệu quả xã hội chưa tương xứng với số lượng tài chính đã bỏ ra và chưa đạt mục tiêu là nâng cao trình độ của nhân dân để thực hành công cuộc đổi mới, nhu cầu đọc chưa được thỏa mãn, phong trào đọc thiếu bền vững, chưa đủ sức cạnh tranh và góp phần đẩy lùi các tiêu cực trong xã hội. Thành phần đọc co hẹp lại ở một số đối tượng. Mục đích đọc chưa gắn kết với các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Đọc sách chưa hình thành một nếp sống đẹp trong lớp người mới: lớp thanh thiếu niên thời đại thông tin. “So với yêu cầu phát triển của sự nghiệp thư viện để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng sử dụng thư viện và nhu cầu xây dựng xã hội đọc và xã hội học tập với việc xây dựng môi trường học tập suốt đời cho mọi người thì hệ thống pháp luật hiện hành về thư viện đã bộc lộ nhiều hạn chế”[4]

Xuất phát của các hạn chế trên nằm ngay trong Pháp lệnh Thư viện, từ khái niệm về thư viện đến chức năng, các tiêu chí phát triển chưa được xác định rõ ràng. Hơn 10 năm, các thư viện Việt Nam thực hiện Pháp lệnh về thư viện đã tập trung vào chức năng bảo tồn thư tịch và các nhiệm vụ liên quan đến chức năng này như tăng nhanh cơ sở vật chất, công nghệ, bổ sung vốn tài liệu và xử lý nghiệp vụ chuyên môn mà coi nhẹ công tác tổ chức vận động đọc sách trong xã hội. Vai trò tổ chức, vận động, hướng dẫn đọc của thư viện trong xã hội có lúc mờ nhạt. Vì vậy chúng ta có ngay kết quả mà rất nhiều báo chí đã lên tiếng là việc đọc bị sút kém, có nguy cơ báo động và nguy hiểm hơn là để bệnh lười đọc ngày càng lây lan trong xã hội, bệnh đọc sai mục đích, đọc hời hợt, đọc đối phó ngày càng nhiều. Điều mà báo chí và dư luận chưa nói đến vì nó sẽ xảy ra sau một thời gian nữa nếu cứ để tình trạng như hiện nay, do văn hóa đọc sa sút, hiệu quả đọc ngày càng thấp, thì vị trí của thư viện sẽ bị tụt hạng so với các hoạt động văn hóa, khoa học, giáo dục khác, và sự quan tâm của nhà nước, của xã hội đối với thư viện sẽ kém dần, các thư viện sẽ dần lụi tàn.

Trong dự thảo Luật thư viện đang chuẩn bị đệ trình Quốc hội thông qua, triết lý phát triển cũng nhạt nhòa như Pháp lệnh thư viện. Đành rằng luật là văn bản có tính đến khoảng thời gian lâu dài cho sự phát triển nhưng sự lâu dài đó không phải là vô tận, mà phải nhằm đến sự phát triển trong một thời gian thích hợp. Qua thời gian đó, lại sửa luật để phù hợp với thời gian mới.

Vậy trong giai đoạn trước mắt, mươi mười lăm năm tới cần phải tính đến triết lý phát triển thư viện như thế nào?

Hiện trạng văn hóa đọc đang cần được vực dậy, vì vậy triết lý phát triển thư viện giai đoạn sắp tới cần hướng đến xây dựng một xã hội đọc. Hiện nay, việc chăm lo hoạt động đọc trong xã hội chưa có tổ chức nào chịu trách nhiệm chính. Các đơn vị xuất bản, phát hành, giáo dục, công tác tư tưởng v.v... không lấy việc tổ chức và xây dựng văn hóa đọc làm chức năng chính của mình. Vì vậy chỉ có thư viện đảm nhận việc này là đúng nhất. Tất nhiên thư viện là người chịu trách nhiệm chính, là nhạc trưởng để các ngành liên quan và toàn xã hội cùng thực hiện. “Phải hình thành hệ thống thiết chế văn hóa đọc chủ yếu là mạng lưới thư viện. Trước đây, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng được mạng lưới thư viện đến tận cơ sở, làng, xã. Tuy nhiên, hệ thống này hoạt động yếu, kém, cơ sở vật chất thiếu thốn, vốn ngân sách dành cho sách, báo ít ỏi nghèo nàn, cho nên phần lớn các thư viện đều vắng bạn đọc, bụi phủ đầy sách báo. Văn hóa đọc cần được khơi dậy ngay từ cơ sở, tạo thành phong trào quần chúng ham đọc sách báo, cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho mạng lưới thư viện để có nhiều đầu sách báo phong phú, đổi mới hình thức hoạt động thu hút đông đảo bạn đọc”[5].

Tất  nhiên khi thư viện thực hiện chức năng tổ chức và phục vụ nhu cầu đọc cho mọi người thì các công việc đầu tiên là phải được thể hiện chức năng này vào Luật Thư viện, sau đó là các điều chỉnh khác từ văn bản quản lý đến các cơ chế chính sách, đào tạo cán bộ, và hoạt động nghiệp vụ cụ thể. Việc đầu tiên, cần sửa lại Dự thảo Luật Thư viện. Trong mục 1 điều 2 của Dự thảo viết: “Thư viện là thiết chế văn hoá có chức năng thu thập, lưu giữ, xử lý, tổ chức, bảo quản tài liệu để bảo tồn và phổ biến vốn tài liệu đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, thông tin và hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Viết như thế vừa thừa lại vừa thiếu. Thiếu là: Thư viện không chỉ là thiết chế văn hóa mà còn là thiết chế khoa học và giáo dục nữa. Thiếu thứ hai là đã từ lâu, thư viện có chức năng tổ chức và phục vụ nhu cầu đọc của xã hội. Bây giờ, chức năng đó càng cần thiết.

Thừa ở nhiều câu chữ, ví dụ: “Thư viện … có chức năng thu thập, lưu giữ, xử lý, tổ chức, bảo quản tài liệu để bảo tồn và phổ biến vốn tài liệu đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, thông tin và hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Mục này, chỉ cần viết như sau: “Thư viện là thiết chế văn hoá, khoa học, giáo dục có chức năng thu thập, tổ chức, bảo quản và bảo tồn sách vở, tài liệu và phục vụ nhu cầu đọc để góp phần xây dựng một xã hội học tập bền vững”.

Trong mục 2 của dự luật: Hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của thư viện, cần thêm một hoặc vài điều liên quan đến việc tổ chức việc đọc trong xã hội, ví dụ có qui định về trách nhiệm của các thư viện tổ chức các hoạt động tuyên truyền sách vở, hình thành các nhóm người đọc, quyền lợi của người đọc, tổ chức các dịch vụ phù hợp với đặc điểm và nhu cầu đọc ở từng vùng miền, đối tượng cụ thể…

Và tất nhiên sẽ còn nhiều công việc khác nữa như điều chỉnh nội dung đào tạo, cơ cấu lại nguồn kinh phí, tổ chức lại hệ thống hoạt động nghiệp vụ… nếu các thư viện lựa chọn một triết lý phù hợp cho sự phát triển.

Tài liệu tham khảo

1. Dương Bích Hồng. Lịch sử sự nghiệp Thư viện Việt Nam trong tiến trình văn hóa dân tộc. - H.: Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thông tin, 1999.

2. Đại Việt sử ký toàn thư. - H.: Thời đại, 2011.

3. Pháp lệnh Thư viện năm 2000 và Nghị định 72/2002/NĐ – CP ngày 6/8/2002 qui định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện.

4. Quyết định số 10/2007/QĐ – Bộ VHTTDL ngày 4/5/2007 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt qui hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

5. Tổng tập văn học Việt Nam: Tập 18. - H.: KHXH, 1994.

6. Cần có chiến lược cho văn hóa đọc. http:// baomoi.com/Can-co-chien-luoc-van-hoa-doc/76/6036418.epi.

http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=494

7. Dự thảo Luật Thư viện. Dự thảo luật thư viện http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=494

8. Hoàng Lê. Văn hóa đọc thời hiện đại.

http://nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/van-hoa/dien-dan/v-n-hoa-c-th-i-hi-n-i-1.369996.

9. Văn hóa đọc ở Việt Nam, cần dựng lại từ nền móng.

http://nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/but-ky-tap-van/van-hoa-doc-o-viet-nam-can-dung-lai-tu-nen-mong.html


[1]Đại Việt sử ký toàn thư chép: ”Năm ấy (1011), ở trong thành bên tả dựng cung Đại Thanh, bên hữu dựng chùa Vạn Tuế, làm kho Trấn Phúc; ở ngoài thành dựng chùa Tứ Đại thiên vương và các chùa Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ, ở bên sông Lô (sông  Phú Lương, tức sông Hồng đoạn qua thành Đại La) dựng Điện Hàm Quang”. Tr. 162. Nhiều tài liệu chép tên chùa Trần Phúc hoặc nhà tàng kinh Trần Phúc là sai. Chữ Trấn 鎭 trong Trấn Phúc  鎭福 nghĩa là bảo vệ, giữ gìn, giống như Trấn Quốc, Trấn Vũ; không phải là Trần  陳 một họ trong các tộc họ ở Việt Nam và Trung Quốc.

[2]Đại Việt sử ký toàn thư. H: - NXB Khoa học Xã hội.

[3]Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 18, tr. 7.

[4]Dự thảo luật thư viện http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=494

[5]Hoàng Lê. Văn hóa đọc thời hiện đại.

___________

TS. Phạm Hồng Toàn

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 3. - Tr. 39-42.


Đọc thêm cùng chuyên mục: