Thực trạng việc phổ biến và áp dụng DDC tại các Thư viện Việt Nam

Print

Việc lựa chọn khung phân loại để sử dụng thống nhất trong các thư viện là  mong muốn chung của những người làm nghề thư viện từ bao lâu nay, đây là vấn đề hết sức quan trọng, khó khăn và đầy trách nhiệm. DDC là khung phân loại được các nhà chuyên môn nhắm tới trong những năm gần đây, do những ưu điểm vượt trôi của nó và mang tính quốc tế cao, đang được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên để được chấp nhận và phổ biến rộng rãi ở Việt Nam là một quá trình mất nhiều công sức và thời gian. Trước hết chúng tôi xin tóm lược lại quá trình đó để giúp các bạn đồng nghiệp hiểu được lộ trình triển khai, đưa DDC vào ứng dụng tại thư viện Việt Nam thời gian qua.

1.- Lộ trình triển khai:

 Để có được bản dịch DDC14 tiếng Việt tới các thư viện trong cả nước hiện nay là một quá trình vận động bền bỉ, kiên trì, lâu dài, và trên hết là sự trăn trở, sự quyết tâm của các nhà chuyên môn, các nhà quản lý đã cùng nhau phối hợp thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu thống nhất, chuẩn hoá và hội nhập với cộng đồng thư viện thế giới. Với ý tưởng đó, ngày 17/3/2000, Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTTDL) đã tổ chức hội thảo lần thứ 1 “Dịch và nghiên cứu áp dụng bảng phân loại Dewey vào công tác thư viện ở Việt Nam” với kiến nghị dịch DDC làm công cụ phân loại thống nhất cho các thư viện trong cả nước, với lý do DDC là khung phân loại thể hiện rõ những tiêu chí về tính khoa học, hiện đại, mềm dẻo và thường xuyên được cập nhật, hiện đang được phổ biến, sử dụng nhiều nhất ở các thư viện trên thế giới, lại dễ huấn luyện, dễ áp dụng. Sau nhiều cuộc hội thảo quốc tế được tổ chức, ngày 21/11/2003 trong phiên họp thứ nhất của Hội đồng tư vấn dịch thuật DDC tại Hà Nội, được phép của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTTDL), dự án dịch DDC14 do Thư viện Quốc gia Việt Nam chủ trì bắt đầu được thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thiện vào cuối 2005.

Công việc dịch thuật Khung phân loại DDC14 được tiến hành gần 3 năm, trong thời gian đó các chuyên gia đã làm việc hết sức nỗ lực, nghiêm túc, khẩn trương. Hội đồng tư vấn đã trải qua 7 phiên họp bàn những vấn đề chi tiết để giúp cho sự hoàn thiện của bản dịch trong sự mong đợi của cộng đồng thư viện trong nước. Ngày 16/8/2006 Thư viên Quốc gia Việt Nam chính thức công bố “Ấn bản tiếng Việt khung phân loại DDC14 rút gọn”, đồng thời tổ chức Hội thảo “Áp dụng khung phân loại thập phân Dewey ở các thư viện Việt Nam” với sự có mặt của đại diện Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa – Thông tin (VHTT).

 Để DDC được sử dụng rộng rãi ở các thư viện Việt Nam, ngày 7/5/2007 Bộ VHTT đã ban hành văn bản số 1598/VHTT-TV về “Hướng dẫn việc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ trên phạm vi cả nước”, trong đó có DDC.

ddc14_1.jpg

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ, ngày 8/6/2007 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tổ chức Hội nghị-Hội thảo “Trao đổi về việc áp dụng DDC trong các Thư viện Việt Nam” nhằm triển khai rộng rãi trong ngành thư viện cả nước. Tham dự có lãnh đạo Bộ VHTT, Vụ Thư viện. Thư viện Quốc Gia Việt Nam (TVQG), Quỹ từ thiện Đại Tây Dương, Đại học RMIT, các thành viên Ban tư vấn DDC, Thư viện Tp. Hà Nội, Thư viện Quân đội. Hội nghị đã đánh giá tiến trình phổ biến DDC của các hệ thống Thư viện Việt Nam, nêu ý kiến cần phải có văn bản chỉ đạo cụ thể hơn việc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ trong công tác chuyên môn, cần duy trì Văn phòng DDC với nhiệm vụ rộng hơn nữa nhằm chuẩn hoá công tác nghiệp vụ và thúc đẩy tiến trình hội nhập của các thư viện Việt Nam với cộng đồng thư viện thế giới. Xuất phát từ những yêu cầu đó, ngày 23/7/2007, Vụ Thư viện đã gửi công văn số 2667/BVHTT-TV (về vấn đề triển khai áp dụng DDC, MARC21, AACR2 trong các thư viện) tới lãnh đạo các Sở Văn hoá-thông tin, Giám đốc các Thư viện tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị phối hợp chỉ đạo triển khai cụ thể cả các mặt kinh phí, thiết bị, nhân sự cần thiết. Đó chính là sự tác động để việc triển khai ở các địa phương hiệu quả hơn.

Sự ra đời văn bản 1598 của Bộ VHTT về áp dụng các chuẩn nghiệp vụ thư viện chính là kết quả của một quá trình vận động kiên trì, giải trình cặn kẽ, thuyết phục lãnh đạo Bộ VHTT bằng những cứ liệu khoa học, chính xác, cụ thể và mang tính thực tiễn cao nên đã được Bộ ủng hộ. Đây có thể coi là bước tiến bộ quan trọng bậc nhất về nhận thức khoa học, tạo điều kiện mở đường cho các hoạt động nghiệp vụ trên phạm vi cả nước trên đường phát triển và hội nhập, kể từ đó, một sự triển khai được mở rộng hơn ở các nơi

2. - Thực trạng áp dụng

Sau một thời gian đưa DDC 14 vào áp dụng rộng rãi tại Việt Nam, ngày 22-23/09/2009 vừa qua tại thị trấn Sapa (Lào Cai) đã diễn ra Hội nghị - Hội thảo “Sơ kết 3 năm áp dụng khung phân loại DDC trong ngành Thư viện Việt Nam”. Qua hội nghị này, chúng ta có một bức tranh toàn cảnh về thực trạng sử dụng DDC trong các hệ thống thư viện cả nước như sau:

a/ Hệ thống thư viện công cộng

* Quá trình áp dụng tại TVQG: Với vị trí là Thư viện trung tâm của cả nước, nói đi đôi với làm, TVQG đã thực hiện nhiều hoạt động cần thiết nhằm đưa khung phân loại DDC vào thực tiễn thư viện Việt Nam:

Trước khi có bản dịch DDC14 tiếng Việt, từ năm 2000 đến năm 2006, TVQG đã tích cực tham gia vào các cuộc Hội thảo, trình các ý kiến đề nghị lên Bộ VHTT về việc thực hiện các chuẩn nghiệp vụ quốc tế vào công tác thư viện. Khi bản dịch DDC14 được hoàn chỉnh, TVQG đã tích cực vận động, tư vấn cho Bộ VHTT ban hành các văn bản về chủ trương áp dụng DDC trong các thư viện Việt Nam.

Sau khi Bộ ban hành hai văn bản số 1598 và số 2667 về việc áp dụng DDC trong các thư viện Việt Nam, TVQG càng tập trung hơn nữa những điều kiện có thể để hỗ trợ cho các địa phương:

- Cấp miễn phí hơn 1.800 bản dich DDC14 tới các thư viện, trung tâm thông tin, đơn vị cơ sở đào tạo trong cả nước theo phương thức trực tiếp hoặc gửi qua Bưu điện.

- Tháng 10/2006 tổ chức 2 lớp đào tạo DDC nền tảng cho những chuyên gia phân loại của các hệ thống thư viện tại Hà Nội và t.p. Hồ Chí Minh do Gs. Patricia Oyler- giảng viên trường ĐH Simmon (Mỹ) giảng dạy. Lớp học có 58 học viên, sẽ làm cán bộ nòng cốt về DDC, giúp cho việc hướng dẫn, phổ biến DDC tới các đơn vị sau này.

- Các lớp tập huấn còn được tổ chức với nhiều cấp độ khác nhau: trên phạm vi toàn quốc, đào tạo theo khu vực: 2 lớp ở Hải Phòng và Bình Thuận với 151 học viên; Phối hợp với các thư viện tỉnh Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà nam...tổ chức lớp đào tạo về DDC 14 cho các thư viện trên địa bàn.

- Hỗ trợ các thư viện trường đại học tổ chức đào tạo cho hơn 130 cán bộ của liên hiệp thư viện các trường đại học khu vực phía Bắc và các trung tâm học liệu.

- Biên soạn “Một số quy định cụ thể trong việc áp dụng khung phân loại DDC14” gửi tới các thư viện công cộng giúp cho việc phân loại những tài liệu liên quan đến Việt Nam hoặc những vấn đề chưa được quy định rõ trong DDC14.

- TVQG cũng thường xuyên cử chuyên viên có kinh nghiệm về công tác phân loại tới các địa phương để hướng dẫn, kiểm trâ, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình áp dụng DDC14. Đồng thời đã tổ chức bộ phận thường trực DDC để trả lời các câu hỏi, trao đổi các vấn đề nảy sinh trong quá trình phân loại tài liệu thông qua điện thoại hoặc email, tạo nên mói liên hệ thường xuyên, hỗ trợ nhau trong công việc hàng ngày. Những trường hợp vướng mắc hoặc khó phân loại được tham khảo trên các nguồn khác nhau để xác định ký hiệu phân loại phù hợp.

- Việc áp dụng DDC14 tại TVQG được chuẩn bị chu đáo với một số biện pháp cụ thể: Trước khi áp dụng, đơn vị đã tổ chức nhiều cuộc họp với lãnh đạo các phòng, phân tích những thuận lợi, khó khăn và xác định quyết tâm tiến hành phân loại theo DDC14, dù đây là bảng phân loại quá nhỏ so với vốn tài liệu của thư viện.

 Thành lập Ban chỉ đạo áp dụng DDC14 do đồng chí Phó giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học của đơn vị đứng đầu; Phân công trách nhiệm cho các phòng trong việc nghiên cứu, đề xuất kế hoạch áp dụng DDC14 vào công việc của phòng ban mình. Tiếp theo, TVQG đã tổ chức lớp đào tạo DDC cho 54 cán bộ chuyên môn của các phòng ban có liên quan đến phân loại; họp liên phòng phân công việc và trách nhiệm những khâu công việc liên quan đến phân loại như tổ chức kho mở, in nhãn tự chọn có sinh mã cutter tự động, cấu trúc thư mục quốc gia, hồi cố dữ liệu về phân loại, phân cấp phân loại  cho thư mục quốc gia v.v... Từ ngày 15/6/2007 TVQG chính thức bắt đầu áp dụng phân loại theo DDC14 vào khâu xử lí tài liệu của thư viện, với một số định hướng cụ thể:

- Thực hiện thống nhất theo các nguyên tắc xác định kí hiệu phân loại trong DDC14

- Áp dụng phân loại tài liệu mới theo DDC14, song song với việc chuyển đổi hồi cố CSDL và các kho tài liệu cũ theo phương pháp cuốn chiếu dần từng năm, không gây ảnh hưởng đến công tác phục vụ bạn đọc hàng ngày, những vấn đề vướng mắc phải được nghiên cứu, giải quyết ngay hàng tháng.

Kết quả cho tới hiện nay đã xử lý và chuyển đổi sang DDC14 được hơn 104.000 biểu ghi (chiếm tỷ lệ ¼ tổng số biểu ghi trong CSDL). Trong quá trình xử lý cũng đồng thời tiến hành hiệu đính những biểu ghi còn sai sót trong CSDL để bảo đảm độ chính xác và thống nhất trong chỉ số phân loại theo DDC.

* Ngay sau khi được phép áp dụng DDC 14, hệ thống thư viện công cộng (TVCC) đã nhanh chóng triển khai công việc, đưa DDC vào sử dụng. Các thư viện trong hệ thống đã có sự thống nhất cao về chủ trương áp dụng DDC;  Trước tiên, các lớp đào tạo sử dụng DDC ở nhiều phạm vi khác nhau được tổ chức: tại liên hiệp thư viện các khu vực và tại các tỉnh thành phố như: Hải Phòng, Bình Thuận, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nam, Thái Bình, Tiền Giang... Chính nhờ điều này mà hệ thống TVCC đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ phân loại DDC khá đông trên diện rộng chỉ trong một thời gian ngắn.

Với quyết tâm chung, từ tháng 7/2007 việc chuyển đổi bắt đầu được triển khai khá đồng bộ tại các nơi, mặc dù điều kiện thực tế ở nhiều địa phương còn rất khó khăn về kinh phí, thời gian và nhân lực. Hầu hết các tỉnh đều cố gắng tập trung công sức, thời gian và ưu tiên kinh phí để đưa chuẩn nghiệp vụ mới vào các khâu xử lý. Vì vậy cho tới nay đã có 97% Thư viện cấp tỉnh đã sử dụng DDC14 (2-3% thư viện còn lại vì những lý do khách quan, chuyển đổi địa điểm, chưa ổn định trụ sở nên sẽ đưa vào áp dụng trong thời gian sớm nhất).

 - Việc áp dụng ở từng thư viện tỉnh vị cũng có nhiều mức độ khác nhau, phụ thuộc vào thực tế của mỗi nơi, phần lớn các thư viện áp dụng DDC trước hết tập trung vào xử lý cho những tài liệu mới nhập vào thư viện trước.

Trong quá trình chuyển đổi, một số tỉnh đã thực hiện chuyển đổi được đồng bộ bao gồm từ tổ chức kho, hồi cố và tổ chức mục lục như: Thừa Thiên-Huế, Phú Yên, Cần Thơ, Phú Thọ, Hoà Bình. Nhiều tỉnh mới áp dụng cho các kho sách có nhiều người sử dụng như: kho đọc, kho mượn...

+ Tổ chức kho: có 17 thư viện đã thực hiện xong việc chuyển đổi cho tổng kho;  50 thư viện (81%) đã chuyển đổi cho kho Đọc,  kho Mượn có 52 thư viện (84%), kho Địa chí: 20 thư viện (32%), kho Thiếu nhi: 41 thư viện (66%), Kho mở: 25 thư viện (40%).

+ Tổ chức mục lục: Áp dụng đối với mục lục điện tử: 44 thư viện (71%) đã thực hiện; trên mục lục truyền thống: 42 thư viện (68%) .

- Xử lý hồi cố:  có 33 thư viện đã thực hiện trên CSDL (53%), trên mục lục có 9 thư viện (15%). Việc xử lý hồi cố cũng được thực hiện tuỳ theo điều kiện của mỗi địa phương, theo sự thu xếp của từng thư viện, bố trí làm trong giờ hoặc có thể làm ngoài giờ, hoặc theo dự án được cấp trên duyệt như tại Thanh Hoá, Khánh Hoà... Có khoảng 53% số thư viện tỉnh đã tiến hành hồi cố cho các tài liệu.

Các thư viện huyện áp dụng DDC chưa được nhiều, ước tính khoảng 30% tổng số thư viện cấp huyện trong cả nước. Ví dụ như tỉnh Thanh Hoá, có 2/3 trên tổng số 27 đơn vị cấp huyện đã áp dụng DDC; Tp. Hồ Chí Minh chỉ còn 3 thư viện quận/huyện chưa áp dụng DDC.

Sau một thời gian áp dụng tại các địa phương, nhiều tỉnh đã phân loại theo DDC  được một số lượng tài liệu đáng kể đó là: Thư viện KHTH Tp. Hồ Chí Minh đã xử lý hơn 114.000 tên sách; Thừa Thiên-Huế được gần 96.000 tên sách, Hải Phòng với gần 70 ngàn tên sách......

Ngày 14/12/2008 tại Hà Nội, bên lề Hội nghị về 8 năm thực hiện Pháp lệnh Thư viện, Vụ Thư viện đã tổ chức buổi tọa đàm về áp dụng DDC trong hệ thống thư viện công cộng nhưng nội dung phần lớn các ý kiến lại đề cập đến những vướng mắc cụ thể trong phân loại cho từng loại tài liệu khác nhau như: Tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tài liệu về các tổ chức Đoàn, Đội; tài liệu về pháp luật; mảng tài liệu văn học, sách bộ, tập...

a/ Hệ thống thư viện chuyên ngành, đa ngành

- Khối Thư viện Đại học"

+ Trước khi có chủ trương áp dụng DDC14:

 Ngay từ những năm cuối thế kỷ XX nhiều thư viện các trường đại học (đặc biệt là thư viện các trường ĐH ở phía Nam) đã sử dụng các phiên bản  DDC19, 21, 22 nguyên bản tiếng Anh trong công tác phân loại như: Trung tâm học liệu ĐH Cần Thơ đã sử dụng khung phân loại DDC từ năm 1966, sau 1975  đưa bảng BBK vào để phân loại sách Việt, còn sách tiếng Anh, Pháp vẫn sử dụng DDC. Từ sau năm 1986 do sự mở rộng hợp tác quốc tế của các thư viện, DDC một lần nữa đã du nhập vào Việt Nam dưới dạng nguyên bản tiếng Anh và được sử dụng rộng rãi tại Trung tâm học liệu Cần Thơ, bắt đầu là bảng DDC19 đầy đủ, đến năm 2002 cập nhật DDC21.

Thư viện tại trường Đại học KHTN Tp. Hồ Chí Minh cũng đã sử dụng DDC từ năm 1995. Từ năm 1998 các khoá tập huấn về “Thư viện hiện đại” được tổ chức đều đặn nên DDC càng được phổ biến rộng hơn. Đầu năm 2003 Thư viện này  đã xuất bản cuốn “Hướng dẫn thực hành phân loại thập phân DEWEY” bao gồm bảng phân loại được chuyển sang tiếng Việt đã giúp cho việc sử dụng DDC tiện lợi hơn.

 Cho tới nay hầu hết các trường đại học ở phía Nam đều sử dụng DDC đầy đủ theo các phiên bản khác nhau 19, 21, 22 nguyên bản tiếng Anh hoặc tự biên dịch, tự xây dựng những nguyên tắc riêng trong phân loại tài liệu (Đại học KHTN Tp. HCM,  Đại học Sư phạm Tp. HCM, Đại học Mở, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Huế...)

Ở phía Bắc, Trung tâm thông tin-thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, từ năm 1997 đã cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm tại một số nước có sử dụng DDC như Thái Lan, Xingapo, Mỹ… đồng thời tiến hành các bước đi thích hợp để chuyển đổi sử dụng bảng phân loại cho phù hợp. Sau khi có bản DDC13 rút gọn (bản tiếng Anh, năm 1997), DDC rút gọn (bản tiếng Pháp, năm 1998) và một số bản DDC tiếng Việt, Trung tâm đã chỉnh lí và áp dụng thí điểm. Đến năm 2003, không sử dụng bảng Phân loại Thập tiến 19 lớp nữa và chỉ sử dụng 2 bảng phân loại BBK và DDC do Trung tâm biên soạn “Bảng Phân loại thập tiến DEWEY rút gọn ứng dụng”  dựa trên bản DDC rút gọn tiếng Pháp. Một số mục dành cho Việt Nam như Chủ nghĩa Mác – Lênin; Đảng Cộng sản Việt Nam; Ngôn ngữ tiếng Việt; Văn học Việt Nam; Lịch sử Việt Nam... đã được nghiên cứu mở rộng dựa vào cấu trúc của Khung phân loại BBK và Bảng phân loại đầy đủ DDC 21 bằng tiếng Anh.

Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cũng là một đơn vị áp dụng DDC tương đối sớm (tháng 4/2005) sau khi đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Do tại thời điểm áp dụng chưa có bản dịch của DDC14 nên Trung tâm sử dụng bản DDC22 tiếng Anh, vì vậy quá trình chuyển ngữ cũng mất rất nhiều công sức và phải nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu đính để bảo đảm tính chính xác của các thuật ngữ chuyên môn. Quá trình chuyển phân loại sang DDC thực hiện đồng thời với việc tổ chức kho mở đối với toàn bộ tài liệu của thư viện nên đòi hỏi sự sắp xếp công việc phải khoa học, chính xác. Khi chuyển đổi xong còn tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ thư viện các khoa và bạn đọc về cách tổ chức kho, cách tìm kiếm tài liệu, nhận biết thông tin về tài liệu trong kho mở... để thuận tiện trong việc sử dụng.

+ Sau khi có chủ trương khuyến khích áp dụng DDC 14 các trường đại học có hiện trạng sau:

- Một số trường đã áp dụng các phiên bản DDC tiếng Anh vẫn tiếp tục áp dụng theo các bảng đó, chỉ sử dụng các phần đã mở rộng về Việt Nam của DDC 14.

- Một số thư viện đã sử dụng các phiên bản khác của DDC cũng chuyển sang sử dụng DDC 14 như Trung tâm TT-TV Đại học Quốc Gia Hà Nội, ĐH Huế, ĐH Nông nghiệp...

- Một số trường Đại học đã chuyển hẳn sang sử dụng DDC14 như Đại học Thái Nguyên, Đại học Lâm Nghiệp...

- Còn một số nơi đang sử dụng song song cả khung phân loại BBK và DDC14 như Thư viện đại học Khoa học xã hội và nhân văn Tp. Hồ Chí Minh.

- Một vài thư viện sử dụng bảng phân loại chuyên ngành như thư viện Đại học Y-Dược đang dùng bảng phân loại NLM (National Library of Medicine) của Hiệp hội Y học Quốc gia Hoa Kỳ.

- Một số ít thư viện còn sử dụng bảng BBK và Bảng phân loại thập tiến 19 dãy (do TVQG biên soạn). Thư viện Đại học Bách Khoa Hà Nội đang áp dụng LCC...

+ Khối các thư viện chuyên ngành, đa ngành: bao gồm các Trung tâm thông tin, thư viện các Bộ, ngành, cục, vụ, viện nghiên cứu:  Đây là một mạng lưới thư viện phát triển mạnh mẽ và rộng khắp cả nước, được đầu tư cả trang thiết bị kỹ thuật và cơ sở vật chất khá đồng bộ, có đội ngũ chuyên môn vững, được đào tạo cơ bản và chuyên sâu. Tuy nhiên cho tới nay, việc ứng dụng DDC vẫn  đang nằm trong dự kiến. Một số thư viện và cơ quan thông tin như Thư viện Khoa học kỹ thuật, thư viện Viện Khoa học xã hội đang sử dụng bảng BBK; Viện thông tin của Bộ Y tế áp dụng khung phân loại của Thư viện y học Mỹ..., song có đơn vị cũng đã tiến hành từng bước chuẩn bị như: cử người tham gia các khóa đào tạo, thành lập nhóm nghiên cứu, tìm hiểu về DDC, ví dụ nhóm nghiên cứu của Viện Thông tin Khoa học xã hội đã triển khai đề tài và biên soạn cuốn “Hướng dẫn sử dụng khung DDC14 rút gọn” làm tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ dùng trong các thư viện thuộc Viện khoa học xã hội Viẹt Nam khi có chủ trương chuyển đổi sang DDC.

 + Khối thư viện lực lượng vũ trang: Đây là một hệ thống thư viện lớn, được đầu tư và quản lý chặt chẽ, thống nhất từ trung ương đến các binh chủng, quân chủng, các học viện, quân khu, quân đoàn… Riêng hệ thống Thư viện Quân đội (TVQĐ) đã được cấp hơn 170 cuốn DDC14, một số cán bộ chủ chốt đã được đào tạo cơ bản về sử dụng DDC, nhưng hiện nay vẫn chưa có chủ trương đưa DDC vào sử dụng với lý do: Chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên, hoặc chưa có đủ kinh phí để triển khai, DDC14 có hạn chế trong các mục về khoa học quân sự, quân đội cần phải mở rộng hơn mới tương thích… Trong thời gian chờ đợi, TVQĐ cũng đã mở lớp tập huấn về DDC cho cán bộ phụ trách các thư viện toàn quân ở mức giới thiệu khái quát, tìm hiểu sơ bộ về DDC14, giao cho bộ phận nghiệp vụ dịch và nghiên cứu áp dụng mục khoa học quân sự trong DDC22 cho các thư viện toàn quân. Trong thời gian tới, khi nào có đủ điều kiện sẽ chuyển đổi sau.

+ Khối thư viện các trường phổ thông: hiện tại chưa có chủ trương chuyển đổi sang sử dụng DDC tại các thư viện trường học, với lý do vốn tài liệu của các trường nhỏ (5-10.000 tên), nội dung đơn giản, chủ yếu gồm các sách giáo khoa phổ thông theo cấp học và sách tham khảo của giáo viên nên không cần phân loại chi tiết. Vì vậy hầu như cán bộ thư viện tại các trường phổ thông chưa được đào tạo, tập huấn về DDC, chưa có điều kiện tiếp cận với DDC 14.  Nhà xuất bản Giáo dục (Bộ Giáo dục – Đào tạo) tháng 8/2009 đã xuất bản cuốn “Bảng phân loại tài liệu trong trường phổ thông” làm công cụ phân loại tài liệu thống nhất cho thư viện các trường phổ thông trong toàn quốc.

3/ Một số nhận xét, đánh giá chung

+ Những kết quả thu được: Sau một thời gian chuyển đổi sang áp dụng DDC14 vào công tác phân loại, chúng ta đã thu được một số kết quả đáng kể:

- Trước hết là đã nâng cao được nhận thức về chuẩn hoá các vấn đề nghiệp vụ thư viện, đó chính là khởi đầu của một quá trình thay đổi trong hoạt động thư viện.

- Thông qua việc triển khai DDC, chúng ta đã đào tạo được đội ngũ cán bộ phân loại DDC đông đảo, nắm vững về cấu trúc, nguyên tắc phân loại và kỹ năng sử dụng khung DDC.

- Các thư viện công cộng đã nhập cuộc tương đối nhanh chóng, đồng đều và bài bản, thể hiện sự quyết tâm, thống nhất cao về chủ trương và hành động.

+ Một số hạn chế:

- Trước hết là bản thân khung phân loại DDC14 còn một số hạn chế về nội dung như cơ cấu khung phân loại: giải thích các nội dung quá chung chung, không đầy đủ gây khó khăn khi sử dụng.  Nhóm tàì liệu về chính trị, xã hội, các đoàn thể, tôn giáo... của Việt Nam rất khó phân định. Vấn đề sách bộ, tác phẩm văn học, văn học thiếu nhi, nguyên bản sách văn học nước ngoài luôn gây nên nhiều ý kiến khi xử lý cho cán bộ phân loại. Khung  phân loại DDC14 in chữ nhỏ nên khó đọc. Một số chỉ số phân loại đầy đủ quá dài, ảnh hưởng đến việc sắp xếp, in phích, hướng dẫn bạn đọc. Bảng chỉ mục quan hệ có những chỉ dẫn chưa được rõ ràng. DDC14 là bảng rút gọn, không có bảng phụ trợ các nhóm dân tộc và chủng tộc và bảng phụ trợ các nhóm ngôn ngữ nên khi cần chi tiết cán bộ phải sử dụng khung DDC22 bản gốc tiếng Anh...

- Do hiện tại các thư viện đang sử dụng nhiều phiên bản khác nhau như: DDC19,20,21,22 trong phân loại tài liệu, nên có nhiều sự khác biệt trong các ký hiệu phân loại và chưa tạo ra một tiếng nói chung trong “ngôn ngữ DDC”, gây khó khăn cho việc biên soạn tài liệu hướng dẫn sử dụng DDC thống nhất.

- Hệ thống thư viện đa ngành, chuyên ngành triển khai còn chậm hoặc chưa áp dụng

- Cơ quan chỉ đạo và hướng dẫn áp dụng DDC14 còn nhiều vướng mắc cả về chủ trương và kỹ thuật: Công văn của Bộ VHTT không mang tính bắt buộc mà chỉ có tính khuyến khích áp dụng; Các tài liệu hướng dẫn của TVQG chỉ thông báo tới các TVCC và ....

- Kinh phí dành cho hoạt động nghiệp vụ thấp, phần lớn chưa có kinh phí để hồi cố sách theo khung phân loại DDC14. Việc chuyển đổi dữ liệu từ Bảng Phân loại cũ sang DDC14 sẽ mất nhiều thời gian, công sức để chỉnh sửa dữ liệu nên chưa có điều kiện thay đổi.

- Việc đào tạo DDC ở một số cơ sở đào tạo còn nhiều bất cập: Phân bố thời lượng dạy về DDC chưa thích hợp nên sinh viên rất lúng túng khi thực hành tại các thư viện. Việc một số thư viện chưa được đào tạo, tập huấn về DDC14, chưa triển khai DDC cũng đã gây trở ngại cho sinh viên khi về thực tập tại cơ sở.

Tóm lại: Việc sử dụng DDC đã trở thành xu thế tất yếu, tiến tới thống nhất và chuẩn hoá về nghiệp vụ, chia sẻ thông tin toàn cầu của ngành Thư viện Việt Nam. Sau 3 năm triển khai áp dụng DDC cho thấy ngành Thư viện Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định. Để đạt được những thành công bước đầu về sự chuyển đổi này trước hết đó là sự đồng thuận, nhất trí cao của các cơ quan chủ quản, sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện về thời gian, kinh phí của các thư viện tỉnh, các trung tâm thông tin trong cả nước.Tuy nhiên do mới chuyển đổi nên không tránh khỏi có những bỡ ngỡ, lúng túng nhất định. Thời gian tới,ngành thư viện cần phải áp dụng những giải pháp có hiệu quả nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng áp dụng DDC trong các thư viện ở Việt Nam hơn nữa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sơ kết 3 năm áp dụng khung phân loại DDC trong ngành Thư viện Việt Nam: Kỷ yếu hội nghị. – Sapa, 22-23/9/2009. – H.: TVQG, 2009. – 168 tr.

2. Vũ Văn Sơn. Tình hình dịch và mở rộng khung phân loại DDC ở Việt Nam. – Thông tin tư liệu. – 2005. - Số 1. – tr. 15

3. Ngô Ngọc Chi. Một số ý kiến về sử dụng DDC 14 tiếng Việt. – Thư viện Việt Nam. – 2008. - số 10 . – tr. 31- 33

-------------

Th.s Nguyễn Ngọc Bích

TVQG


Đọc thêm cùng chuyên mục: