Thư viện trường phổ thông với việc hình thành và rèn luyện thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin của học sinh

Print

1. Tầm quan trọng của việc hình thành và rèn luyện thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin của học sinh từ bậc học phổ thông

Trong xã hội hiện nay, thông tin luôn đóng vai trò quan trọng: người nào nhanh nhạy, nắm bắt được thông tin, người đó có cơ hội nắm bắt được thành công. Do vậy, mỗi người cần xây dựng thói quen và kỹ năng sử dụng thông tin để tiếp cận và nắm bắt các cơ hội dẫn đến thành công.

 Thói quen là một chuỗi phản xạ có điều kiện, là những hành vi lặp đi, lặp lại trong cuộc sống [4]. Thói quen không sẵn có, mà là kết quả của của việc sinh hoạt, học tập, rèn luyện, tu dưỡng của mỗi cá nhân. Do vậy, thói quen tìm kiếm và sử dụng thông tin của một cá nhân cũng không phải tự nhiên mà có, mà là kết quả của một quá trình hình thành và rèn luyện lâu dài.

Kỹ năng là năng lực hay khả năng chuyên biệt của cá nhân thực hiện thuần thục một hoặc một chuỗi hành động trên cơ sở hiểu biết (kiến thức hoặc kinh nghiệm) nhằm đạt được kết quả mong đợi [5]. Kỹ năng sử dụng thông tin của một cá nhân được hiểu đơn giản là khả năng tìm kiếm thông tin và sử dụng thông tin vào nhiều mục đích khác nhau. Kỹ năng sử dụng thông tin của một cá nhân cũng không phải sẵn có, mà đó là kết quả, là kinh nghiệm mà cá nhân đó lĩnh hội được qua một quá trình dài tìm kiếm và sử dụng thông tin.

Như vậy, thói quen và kỹ năng sử dụng thông tin của một cá nhân nói chung, của học sinh nói riêng không tự có trong mỗi người, mà phải được hình thành và tôi luyện trong suốt một quá trình dài. Để hình thành, rèn luyện được thói quen và kỹ năng sử dụng thông tin, bên cạnh nhu cầu, sự quyết tâm của cá nhân, rất cần có sự tác động của môi trường. Nếu chỉ bản thân cá nhân có nhu cầu sử dụng thông tin, trong khi môi trường không đòi hỏi thì rất khó để cá nhân đó có thể duy trì được thói quen, từ đó hình thành kỹ năng. Ngược lại, nếu nhu cầu của cá nhân gặp sự đòi hỏi của môi trường, thì nhu cầu đó càng có cơ hội được phát triển. Môi trường ở đây rất rộng, có thể là gia đình, nhà trường hay xã hội. Tuy nhiên, đối với lứa tuổi học sinh thì môi trường có thể tạm được hiểu ở nghĩa hẹp là gia đình và nhà trường.

Môi trường trường học phổ thông (bao gồm các cấp Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học thổ thông) được coi là giai đoạn đầu tiên trong việc giáo dục, hình thành nhân cách của một con người. Có nhiều người ví lứa tuổi học sinh như một trang giấy trắng, thầy cô giáo vẽ cái gì thì nên cái ấy. Sự ví von ấy chưa hẳn hoàn toàn đúng, song phần nào cho thấy tầm quan trọng của giáo dục ở bậc phổ thông đến kiến thức cũng như nhân cách của con người. Bởi vậy, muốn mỗi cá nhân trong xã hội có thói quen và kỹ năng sử dụng thông tin để việc học tập, làm việc có hiệu quả cao, tốt hơn hết là phải tạo môi trường, cơ hội để họ có thể hình thành và rèn luyện thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin ngay từ bậc học phổ thông.

Thư viện (TV) trường phổ thông có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Tại điều 1, chương 1, Quy chế tổ chức và hoạt động TV trường phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có quy định rõ: “Thư viện góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về khoa học thư viện và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp giảng dạy và học” [1]. Việc giúp học sinh hình thành và rèn luyện thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin cũng nhằm hướng tới mục đích trang bị khả năng tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, đồng thời góp phần thay đổi phương pháp học tập trong nhà trường. Khi đó, phương pháp giảng dạy sẽ từ việc thầy đọc trò chép, đơn thuần là truyền đạt kiến thức dần trở thành trang bị kỹ năng tìm kiếm, đánh giá và vận dụng thông tin vào học tập. 

Mặc dù, TV trường không trực tiếp tham gia vào công tác giảng dạy nên không thể trực tiếp giúp học sinh hình thành và rèn luyện thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin; song nếu phối hợp tốt với giáo viên và các bộ phận khác trong nhà trường, TV trường vẫn có thể tham gia vào việc định hướng học sinh tới việc sử dụng thông tin vào các hoạt động học tập, giải trí.

Việc trang bị cho học sinh thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin sẽ góp phần vào việc khai thác hiệu quả nguồn lực thông tin ở các TV trường phổ thông, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của TV trường, nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường. Hơn thế nữa, nếu làm tốt được điều này, đây sẽ là nền tảng để ở các cấp học cao hơn (cao đẳng, đại học…), sinh viên sẽ tích cực hơn trong việc sử dụng TV, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình TV khác. Ngay cả việc nếu học sinh không tiếp tục học ở các cấp học cao hơn, thì với thói quen và kỹ năng sử dụng thông tin được trang bị như trên, các em vẫn có thể có cơ hội tự học hỏi, từ đó làm việc có hiệu quả hơn.

2. Vai trò của thư viện trường phổ thông trong việc hình thành và rèn luyện thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin của học sinh

Trong nhà trường, việc yêu cầu học sinh phải sử dụng thông tin trong các hoạt động học tập, giải trí chủ yếu do đội ngũ giáo viên đảm nhiệm thông qua phương pháp giảng dạy, bài tập ở các môn học hay hoạt động ngoại khoá. TV trường là bộ phận phục vụ gián tiếp, không trực tiếp tham gia giảng dạy nên không thể trực tiếp tác động, đòi hỏi học sinh phải sử dụng thông tin trong các hoạt động học tập, giải trí. Tuy nhiên, nếu chỉ đưa ra yêu cầu đối với học sinh (yêu cầu tìm kiếm và sử dụng thông tin) mà không hướng dẫn các em cách thức thực hiện yêu cầu (nguồn cung cấp thông tin, cách thức tìm kiếm và sử dụng thông tin…) thì sẽ khiến các em nản chí. Do vậy, để có thể giúp học sinh tìm kiếm và sử dụng thông tin vào giải bài tập, hoàn thành nhiệm vụ được giáo viên giao, để dần hình thành thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin trong các hoạt động học tập, giải trí… nhất thiết cần có sự phối hợp tốt giữa bộ phận TV với giáo viên và các bộ phận khác trong nhà trường. Tuỳ theo điều kiện thực tế và mức độ quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường đối với tầm quan trọng của việc hình thành và rèn luyện thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin của học sinh mà vai trò của TV trường có thể thể hiện ở các mức độ khác nhau như:

2.1. Thuyết minh, tham vấn để Ban Giám hiệu nhà trường hiểu về lợi ích của việc giúp học sinh hình thành thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin trong học tập, giải trí

Hình thành và rèn luyện thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin cho học sinh vừa góp phần thay đổi phương pháp giảng dạy, là tiêu chí đánh giá hiệu quả dạy học trong nhà trường, vừa là động lực giúp khai thác hiệu quả nguồn lực thông tin trong TV trường. Tuy nhiên, đây là một việc khó, đòi hỏi sự đầu tư, tâm huyết và kiên trì trong việc thay đổi phương pháp giảng dạy của giáo viên. Chính vì vậy, TV cần thuyết minh, tham vấn để Ban Giám hiệu hiểu được lợi ích từ việc tạo thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin của học sinh đem lại, từ đó định hướng phương pháp giảng dạy của giáo viên cho phù hợp.

2.2. Phối hợp với giáo viên và các bộ phận khác để hướng dẫn và cung cấp thông tin cho học sinh

Khi Ban Giám hiệu và giáo viên hiểu được lợi ích của việc yêu cầu học sinh sử dụng thông tin trong các hoạt động, sẽ thay đổi sang phương pháp giảng dạy tích cực, yêu cầu học sinh phải tự tìm và sử dụng thông tin để giải quyết nhiệm vụ được giao. Giáo viên và cán bộ phòng/ ban sẽ phối hợp với người làm TV, dựa trên nguồn lực thông tin hiện có của TV để đề ra phương pháp giảng dạy, giao bài tập hay các hoạt động phù hợp. Khi đó, TV trường – là nơi giáo viên hướng học sinh tới, sẽ có nhiệm vụ hướng dẫn các em cách tìm kiếm, khai thác thông tin.

2.3. Lập và trình các kế hoạch do thư viện tổ chức

Việc hình thành và rèn luyện thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin của học sinh sẽ góp phần khai thác hiệu quả nguồn thông tin trong TV, đồng thời là tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của TV. Do vậy, TV phải coi đây là nhiệm vụ, là cơ hội để nâng cao hiệu quả hoạt động, là cơ hội để nâng cao vị thế của mình. Bên cạnh việc phối hợp hoạt động, TV cần chủ động lập và trình Ban Giám hiệu các kế hoạch do TV tổ chức nhằm giúp học sinh có thói quen và kỹ năng sử dụng thông tin. Tuỳ theo điều kiện thực tế của mình, các TV có thể đưa ra các hoạt động như: mở lớp hướng dẫn tìm kiếm thông tin trong TV, xây dựng và phát triển mạng lưới tủ sách lớp học, hướng dẫn phương pháp chọn và đọc sách cho học sinh, phong trào giới thiệu sách mới, thi giới thiệu sách… [3].

2.4. Tổ chức thực hiện các hoạt động nghiệp vụ

Sau khi được Ban Giám hiệu phê duyệt kế hoạch, TV cần phối hợp với giáo viên và các bộ phận có liên quan cùng tổ chức các hoạt động nhằm vừa giúp học sinh có thêm cơ hội tiếp xúc với thông tin, vừa giúp làm minh chứng chứng minh cho hiệu quả hoạt động của TV.

2.5. Tham dự, khảo sát và hỗ trợ học sinh các kỹ năng sử dụng thông tin

Để việc hình thành và rèn luyện thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin của học sinh thực sự có hiệu quả, TV cần phối hợp với giáo viên để nắm bắt được tình hình, khả năng cũng như khó khăn của học sinh các lớp. Nếu có thể, người làm TV cần tham dự một số hoạt động của học sinh như: tham dự giờ đọc sách, buổi thuyết trình, chia sẻ sách hay… để có thể nắm được hiện trạng và kịp thời hỗ trợ các em nếu cần.

3. Một số khó khăn mà thư viện trường phổ thông gặp phải trong việc hình thành và rèn luyện thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin của học sinh

Phải khẳng định rằng: việc hình thành và rèn luyện thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin cho học sinh không phải là nhiệm vụ của riêng trường phổ thông, mà là nhiệm vụ chung của xã hội, gia đình và bản thân học sinh. TV trường phổ thông tuy không trực tiếp tham gia vào giáo dục học sinh, song với vai trò chung là hỗ trợ hoạt động giảng dạy và học tập, góp phần hình thành khả năng tự học của học sinh, TV trường cũng sẽ đóng góp một phần vào việc hình thành và rèn luyện thói quen, khả năng sử dụng thông tin của học sinh. Tuỳ theo tình hình thực tiễn của mỗi trường mà vai trò của TV trường thể hiện khác nhau trong việc hỗ trợ hình thành và rèn luyện thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin của học sinh. TV trường phổ thông hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có những  khó khăn nổi cộm như:

3.1. Thiếu sự quan tâm, đầu tư của cấp trên

Mặc dù mạng lưới TV trường phổ thông đang ngày càng được kiện toàn và mở rộng, nhìn chung hệ thống TV trường phổ thông ở Việt Nam hiện nay vẫn nhận được ít sự quan tâm, đầu tư của cấp trên. Bên cạnh một số TV trường được Ban Giám hiệu nhận thức, đánh giá đúng vai trò và tầm quan trọng, từ đó quan tâm, đầu tư phát triển, vẫn còn nhiều nơi TV trường chưa được coi trọng. Hơn thế nữa, kinh phí nhà nước phân bổ cho hoạt động TV trường phổ thông nhìn chung rất hạn chế, nên các TV trường gặp nhiều khó khăn trong việc bổ sung, xây dựng nguồn lực thông tin phục vụ cho việc tìm kiếm và sử dụng thông tin trong hoạt động dạy và học của giáo viên, học sinh. Đây cũng là khó khăn của TV trong việc thu hút bạn đọc, nhất là khi muốn định hướng cho học sinh thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin.

3.2. Đội ngũ người làm thư viện còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng

Theo nghiên cứu, trung bình có 01 người làm TV/ 01 TV trường phổ thông ở Việt Nam. Trong đó, có khoảng 58,3% là nhân viên kiêm nhiệm công tác TV [2]. Đây thực sự là một khó khăn rất lớn đối với các TV trường phổ thông, bởi số người làm TV ít, trình độ chuyên môn nhìn chung thấp, song công việc lại quá nhiều. Bên cạnh các công việc chuyên môn, người làm TV trường phổ thông còn phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác trong nhà trường. Thu nhập thấp, công việc chưa được đánh giá đúng mức trong khi yêu cầu hiệu quả công việc cao là những khó khăn người làm TV gặp phải, dẫn đến yêu cầu về một đội ngũ người làm TV có trình độ, năng động và có tâm huyết với nghề.

3.3. Hạn chế về đầu tư, nghiên cứu

Hiện nay các công trình nghiên cứu về mảng đề tài TV trường phổ thông ở Việt Nam khá hạn chế. Nhắc đến TV trường phổ thông là thường nhắc đến những nhận xét như hoạt động yếu kém, không hiệu quả… song lại chưa có công trình nghiên cứu đầy đủ hiện trạng hoạt động của nhóm TV này. Các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực TV thường tập trung vào việc nâng cao hiệu quả, giải quyết các vấn đề ở các TV, trung tâm thông tin lớn, TV các trường đại học. Hơn thế nữa, ngay cả trong chương trình đào tạo của các trường đào tạo người làm TV ở Việt Nam, thời lượng môn học về mảng TV trường phổ thông cũng chiếm dung lượng nhỏ, lại nằm trong phần môn học lựa chọn chứ không bắt buộc. Giảng viên lên lớp khi lấy ví dụ về các TV cũng ít khi lấy ví dụ về TV trường phổ thông. Điều này cũng tác động một phần tới nhận thức của sinh viên về TV trường phổ thông. Do đó, khi tốt nghiệp, sinh viên cũng ít quan tâm tới cơ hội làm việc ở các TV trường phổ thông hoặc có tâm lý không ổn định khi làm việc ở môi trường TV trường phổ thông. Chính nhận thức và tâm lý này cũng ảnh hưởng một phần không nhỏ tới hiệu quả hoạt động của TV trường phổ thông, đến việc hình thành và rèn luyện thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin của học sinh.

Như vậy, từ những khó khăn chung mà TV trường phổ thông gặp phải, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc nâng cao hiệu quả phục vụ bạn đọc, trong đó có việc hình thành và rèn luyện thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin của học sinh. Lợi ích của việc hình thành và rèn luyện thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin của học sinh là điều không cần bàn cãi, song để thực hiện được điều này cần có sự quan tâm, vào cuộc của nhiều tổ chức, cá nhân. TV trường phổ thông trong nhiệm vụ chung là phục vụ nhu cầu của bạn đọc, cũng sẽ góp một phần (tuỳ theo điều kiện thực tế của từng TV) vào việc hình thành và rèn luyện thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin của học sinh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy chế tổ chức và hoạt động thư viện trường phổ thông. - H., 1998.

2. Dương Thị Vân. Phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống thư viện trường phổ thông // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2009. - Số 17. - Tr. 40-44.

3. Đoàn Thị Thu. Vai trò của thư viện trường trong việc xây dựng và phát triển tủ sách lớp học ở các thư viện trường phổ thông // Tạp chí Thư viện Việt Nam. -2014. - Số 3. -Tr. 26-30.

4. http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%B3i_quen. Truy cập ngày 05/10/2014.

5. http://olympiavn.org/forum/index.php?topic=45592.0. Truy cập ngày 05/10/2014.

_____________________

ThS. NCS. Đoàn Thị Thu

Khoa Thư viện – Thông tin học, trường ĐHKHXH&NV Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2015. - Số 5. - Tr. 32-35,20.


Đọc thêm cùng chuyên mục: