Thư viện số ELIB giải pháp phát triển và chia sẻ nguồn tài nguyên số trong các thư viện trường đại học, cao đẳng

E-mail Print

Đặt vấn đề

Tài nguyên thông tin của các thư viện Việt Nam hiện nay khá phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, tuy vậy việc lưu trữ còn phân tán, riêng lẻ trong các thư viện. Do vậy cần có một chính sách liên thông về bổ sung, xử lý nghiệp vụ và sử dụng chung nguồn tài nguyên thông tin là hết sức quan trọng và cần thiết. Mặc dù trong thời gian vừa qua các trung tâm thông tin thư viện của các trường đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) đã được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo, các tổ chức trong nước và ngoài nước nhưng vấn đề khó khăn nhất đối với các thư viện Việt Nam hiện nay là vẫn thiếu nguồn ngân sách và kinh phí để duy trì, phát triển các dịch vụ của thư viện. Hệ quả của quá trình này là sự phân hóa giữa các thư viện.

Thực tế, không có một thư viện nào có đủ kinh phí để bổ sung tất cả các nguồn tài nguyên dưới dạng in ấn cũng như nguồn tài nguyên điện tử, tài nguyên số để đáp ứng các nhu cầu của người dùng tin. Tại Việt Nam, việc đầu tư chỉ tập trung vào một số trung tâm thông tin, thư viện lớn, hoặc một số trung tâm học liệu, thư viện trường đại học nơi nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ban lãnh đạo nhà trường, còn phần lớn các đơn vị chỉ có nguồn kinh phí hạn hẹp.

Để giúp các thư viện, đặc biệt là các thư viện đại học vừa tiết kiệm được chi phí mà còn giúp bổ sung, quản lý tốt các nguồn tin phù hợp với yêu cầu, sự phát triển chung của công tác đào tạo trong điều kiện mới, nhất là từ sau Quy chế Đào tạo Đại học - Cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ trên phạm vi toàn quốc ban hành theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGD-ĐT ngày 15/08/2007 của Bộ Giáo dục-Đào tạo đòi hỏi phải có sự chuyển biến toàn diện về cách vận hành chương trình đào tạo, mô hình quản lý đào tạo cũng như cơ sở vật chất phục vụ học tập trong các trường ĐH-CĐ, chúng tôi xin đưa ra giải pháp Thư viện số ELIB để chúng ta cùng tham khảo.

Giải pháp Thư viện số ELIB

Giải pháp Thư viện số ELIB (Electronic Library) được TaiLieu.VN đầu tư miễn phí cho các trường ĐH-CĐ để xây dựng bộ sưu tập tài nguyên dạng số cho phép giảng viên, sinh viên khai thác mọi lúc mọi nơi.  Khác với thư viện truyền thống của các trường ĐH-CĐ sử dụng tài liệu in, và bị hạn chế bởi khả năng đáp ứng về mặt bằng và số lượng tài liệu, thì Thư viện số ELIB đã giải quyết được toàn bộ những hạn chế nêu trên. Bất cứ người dùng tin nào kết nối mạng internet đều có thể khai thác được nguồn tài liệu đa dạng, phong phú thuộc rất nhiều lĩnh vực vào bất cứ thời gian nào, bất cứ ở nơi đâu một cách nhanh chóng và tiện lợi.

alt

Mẫu thư viện số cho các trường ĐH-CĐ

TaiLieu.VN là một trang web thư viện cộng đồng số một Việt Nam hiện nay, trang web này đã thu hút hơn 4.2 triệu thành viên đăng ký  sử dụng và chia sẻ tài nguyên (trong đó học sinh chiếm tỷ lệ 14%; sinh viên chiếm tỷ lệ 35%; nhân viên văn phòng chiếm tỷ lệ 46 % và các đối tượng khác 5%) với hơn 40.000 tài liệu phát triển mới mỗi tháng và hiện có hơn 810.874 tài liệu cho 16 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, ngoại ngữ, kinh tế, kỹ thuật,… là một kho tài nguyên khổng lồ cho giảng viên và sinh viên tham khảo.

Khi sử dụng giải pháp Thư viện số ELIB nhà trường sẽ được đầu tư miễn phí hoàn toàn từ  xây dựng trang web, trang thiết bị phần cứng, phần mềm đến vận hành và thuê máy chủ hàng tháng... Nhà trường sẽ có ngay một thư viện số với nguồn tài nguyên rất lớn phục vụ học tập, nghiên cứu của trường và tạo hình ảnh tốt với đối tác, sinh viên và phụ huynh. Ngoài ra, TaiLieu.VN sẽ phối hợp nhà trường phát triển tài nguyên số cho trường, hỗ trợ và tập huấn cho thư viện, giảng viên và sinh viên phát triển, quản lý khai thác hiệu quả thư viện số. Cấp học bổng cho những sinh viên khai thác hiệu quả tài liệu thư viện số và có thành tích học tập tốt.

Sau khi được sự đồng ý của Ban Giám hiệu nhà trường, trang thư viện số sẽ được tích hợp vào cổng thông tin của trường và của thư viện. Giảng viên và sinh viên sẽ truy cập vào thư viện số thông qua mã giảng viên và mã sinh viên do trường cung cấp.

Thông qua chương trình tập huấn khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên số do thư viện tổ chức, giảng viên và sinh viên sẽ tiến hành truy cập, tải về máy tính các nguồn tài liệu có liên quan để phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Ngoài ra giảng viên và sinh viên có thể khai thác nguồn tài nguyên từ các thư viện trong nhóm liên kết.

alt

Các hạng mục ELIB cung cấp

Đặc điểm trang web thư viện số dùng giải pháp ELIB

Thư viện số ELIB là giải pháp tiên tiến nhất sử dụng nền tảng chia sẻ cộng đồng,  áp dụng công nghệ hiện đại web 2.0 và điện toán đám mây giúp cho các trường ĐH-CĐ có một giải pháp tối ưu với việc triển khai nhanh chóng, không ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng hiện tại và không tốn chi phí đầu tư nhưng có ngay thư viện số với giao diện đồng nhất, tài nguyên phong phú, đáp ứng nhu cầu tra cứu và phục vụ liên tục cho giảng viên và sinh viên của nhà trường. Giải pháp có các đặc điểm nổi bật sau:

Trang web thư viện số

- Tính đồng nhất: Giao diện website đồng nhất với giao diện trang web của nhà trường, sử dụng chung tên miền con của nhà trường, tích hợp đăng nhập tài khoản sinh viên và giảng viên của nhà trường

- Tài nguyên phong phú: Nguồn tài nguyên tổng hợp của nhà trường, các trường liên kết và thư viện cộng đồng TaiLieu.VN

- Nhiều tính năng: Dễ dàng sử dụng qua các chức năng như: đọc tài liệu trực tuyến,  tìm kiếm toàn văn (fulltext search), tìm kiếm theo thể loại,  đánh dấu (bookmark) tài liệu yêu thích, tạo và quản lý bộ sưu tập tài liệu, bình luận, bình chọn gửi cho bạn bè hay tải dữ liệu về sử dụng.

alt

Trang thư viện số của Trường CĐSP TT Huế

Khả năng chia sẻ, sử dụng và công nghệ

- Dễ dàng nhanh chóng chia sẻ tài nguyên; phát triển nguồn tài nguyên phong phú đa dạng; không hạn chế không gian và các loại tệp (file).

-  Dễ dàng tìm kiếm tài nguyên qua chức năng tìm kiếm toàn văn (full text search) hay tìm theo thể loại; quản lý tài nguyên dễ dàng bằng các chức năng như yêu thích, xây dựng bộ sưu tập..., tham khảo mọi lúc mọi nơi không hạn chế về không gian và thời gian chỉ cần có mạng internet.

- Áp dụng nền tảng kỹ thuật tiên tiến với công nghệ Web 2.0 và điện toán đám mây (cloud computing); đảm bảo tính sẵn sàng cao đáp ứng nhu cầu phục vụ 7/24; khả năng mở rộng dễ dàng và linh hoạt; tính an toàn cao và sao lưu dữ liệu tốt đảm bảo chống truy nhập trái phép và phục hồi toàn bộ dữ liệu kịp thời khi có sự cố.

alt

Đặc điểm thư viện số ELIB

Phát triển tài nguyên

Một trong các vai trò, nhiệm vụ của các thư viện đại học là định hướng và xây dựng nội dung cho giảng viên và sinh viên tham khảo; phục vụ việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu của giảng viên, sinh viên nhà trường. Ngoài các tài liệu học thuật về các thuyết khoa học, tài liệu chuyên ngành, các thư viện cần bổ sung thêm các nguồn tài nguyên thực tế để làm các bài học kinh nghiệm (case study) giúp giảng viên có thể đưa vào bài giảng thực tế, sinh viên có thể tham khảo phát triển thêm các kỹ năng khác.

Để xây dựng nguồn tài nguyên phong phú như trên giải pháp Thư viện số ELIB sẽ giúp thư viện phối hợp với các khoa, phân tích nhu cầu để phát triển tài liệu, sách, báo, tạp chí và khuyến khích giảng viên, sinh viên hay các nhà nghiên cứu chia sẻ các tài nguyên lên hệ thống thư viện của nhà trường. Ngoài ra, ELIB cung cấp giải pháp liên kết thư viện các trường đại học để tạo nguồn tài nguyên liên kết dùng chung cho các trường ĐH-CĐ. Bên cạnh đó giải pháp ELIB cũng tích hợp nguồn tài nguyên cộng đồng rất lớn trên mạng xã hội chia sẻ tài liệu trực tuyến TaiLieu.VN.

Kết quả áp dụng

Hiện nay đã có trên 35 đối tác đã triển khai, bao gồm: Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố  Hồ Chí Minh, Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế, Trung tâm Học liệu Đà Nẵng, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Đại học Duy Tân Đà Nẵng, Đại học Công nghệ Thực phẩm Hồ Chí Minh, Đại học Đồng Nai, Đại học Trà Vinh, Đại học Dân lập Hải Phòng, Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu...

Ngoài ra còn có 55 thư viện khác đang tiến hành triển khai, bao gồm: Đại học Cần Thơ, Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Vinh, Đại học Hà Tĩnh, Đại học Sư Phạm Huế, Đại học Quy Nhơn, Đại học Kinh tế Huế, Đại học Nông lâm Huế, Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu, Cao đẳng Sơn La, Thư viện Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh...

Các  số liệu  do ELIB cung cấp về sử dụng nguồn tài nguyên số:

- Số trường ĐH-CĐ và thư viện tỉnh đã triển khai đưa vào sử dụng: 35

- Số trường đang triển khai: 55

- Số sinh viên sử dụng:  150.000

- Số giảng viên sử dụng: 16.000

- Số lượng đăng nhập bình quân hàng tháng: 56.000

- Số lượng tải dữ liệu bình quân hàng tháng: 75.000

- Số lượng tài liệu phát triển hàng tháng của các trường ĐH-CĐ: 20.000 tài liệu

- Tổng số tài liệu chia sẻ các trường: 170.000 tài liệu

- Số lượng phát triển bình quân hàng tháng của TaiLieu.VN: 30.000 tài liệu.

- Tổng số tài liệu của TaiLieu.VN: 867.000 tài liệu.

Thông qua các số liệu cho thấy, giải pháp thư viện số ELIB đã được cộng đồng thư viện trên cả nước quan tâm hợp tác cùng nhau xây dựng, phát triển và chia sẻ nguồn tài nguyên số nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong môi trường đại học.

Các trường ĐH-CĐ đã đào tạo theo học chế tín chỉ, kinh phí để bổ sung nguồn tài nguyên từ các thư viện để phục vụ học tập và giảng dạy rất lớn, nhiều thư viện không có đủ khả năng về kinh phí để đáp ứng nguồn tài nguyên theo mô hình này. Vì vậy nguồn tài nguyên số do ELIB cung cấp là rất ý nghĩa.

Ông Robert Stueart - Hiệu trưởng trường Đại học SIMMONS – Hoa Kỳ đã từng nhận xét: “Giá trị thư viện không phải ở chỗ thư viện có bao nhiêu tài nguyên thông tin mà là khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin một cách có hiệu quả từ nhiều nguồn ở khắp nơi thông qua công nghệ mới” [3]. Nguồn tài nguyên thông tin phục vụ học tập và nghiên cứu của thư viện là một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng lớn tới chất lượng đào tạo. Để làm phong phú kho tài nguyên số, đặc biệt là kho tài nguyên học tập thì chúng ta nên xây dựng thư viện số theo phương châm: “Thư viện số là sự tương tác giữa người sử dụng với thư viện để phục vụ chính người sử dụng” [4]. Như vậy, giá trị của thư viện sẽ được phát huy hơn bao giờ hết.

Tài liệu tham khảo:

1. Hứa Văn Thành. Các giải pháp xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên  thông tin phục vụ đào tạo theo học chế tín chỉ tại Thư viện CĐSP Thừa Thiên - Huế: Báo cáo tại HN tổng kết 3 năm đào tạo theo học chế tín chỉ ở trường CĐSP TT Huế, 2012.

2. Nguyễn Công Hà. Giải pháp thư viện số. - Tp. Hồ Chí Minh: Công ty VDOC, 2012.

3. Nguyễn Minh Hiệp. Bài giảng Tổ chức và quản lý thư viện hiện đại. – Tp. Hồ Chí Minh: Thư viện ĐHKHTN, 2012.

4. http://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/

Thế_giới_thư-viện_số.

__________

Hứa Văn Thành 

Trường CĐSP TT-Huế

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 2. - Tr. 38-41.


Đọc thêm cùng chuyên mục: