Tác động của tài nguyên giáo dục mở đối với hành vi thông tin của giảng viên

E-mail Print

Đặt vấn đề

Xây dựng tài nguyên giáo dục mở (Open Edu- cational Resources - OER) đang được xem là một trong những xu hướng nổi bật trong giáo dục đại học hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam. Nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã có nhiều nghiên cứu trao đổi liên quan đến việc xây dựng OER và các vấn đề liên quan như bản quyền, chất lượng OER và nhiều vấn đề khác.

Ở Việt Nam, OER được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng trong các trường đại học ở Việt Nam. Trong bối cảnh học thuật đó, giảng viên (GV) là một trong những nhóm người dùng tin (NDT) phổ biến. Có hay không sự tương quan giữa OER đối với nhu cầu tin, hành vi tìm kiếm và sử dụng thông tin của GV? Hiểu được sự tác động của OER đối với hành vi thông tin (HVTT) của GV trong các trường đại học hiện nay có ý nghĩa rất lớn đối với các thư viện đại học. Một trong những ý nghĩa đó chính là giúp các thư viện đại học xây dựng các giải pháp phù hợp, trên cơ sở đó, có thể tác động và hoàn thiện HVTT của GV, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu của GV và chất lượng đào tạo của nhà trường.

Định nghĩa về tài nguyên giáo dục mở

Có một số định nghĩa khác nhau về OER, trong đó, UNESCO (2002) định nghĩa OER là nguồn tài nguyên giáo dục, được thúc đẩy bằng công nghệ thông tin và truyền thông, dành cho cộng đồng NDT trong tư vấn, sử dụng và áp dụng với các mục đích phi thương mại.

Tác giả Bissell [1] mô tả OER là các tài liệu số hoá được cung cấp miễn phí và mở đến các nhà giáo dục, sinh viên, người học để sử dụng và tái sử dụng trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu. OER có thể bao gồm:

- Nội dung học tập (ví dụ như khoá học, học phần, mục tiêu học tập, bài tập...).

- Phần mềm (bao gồm công cụ phát triển, công cụ dành cho tổ chức nội dung, công cụ tính toán...).

- Phần cứng (như nền tảng tạo mẫu về điện tử - electronics prototyping platforms).

- Nguồn lực thực hiện (ví dụ, giấy phép creative commons, nguyên tắc thiết kế thực tiễn tốt nhất).

- Tiêu chuẩn khả năng tương tác (như mô hình tham khảo mục tiêu nội dung có thể chia sẻ SCORM (Sharable Content Object Reference Model - là một tập hợp các tiêu chuẩn và các mô tả cho một chương trình e-learning dựa vào web), đặc điểm kỹ thuật đóng góp nội dung IMS (IP Multimedia Subsystem).

- Đa phương tiện (ví dụ, hình ảnh, băng âm thanh, video).

Tác giả D’Antoni [2] cho rằng, OER là nguồn tài nguyên được cung cấp trong phạm vi công cộng hoặc được phát hành theo giấy phép sở hữu trí tuệ, cho phép NDT sử dụng miễn phí hay sửa đổi lại theo mục đích riêng của họ. OER có thể là giáo trình, khung chương trình đào tạo, đề cương môn học, bài giảng, bài luận, các bài kiểm tra, các kết quả dự án, video và hình ảnh động.

OER có giá trị rất lớn đối với hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của GV. Khi đánh giá việc sử dụng và tái sử dụng một OER, yếu tố đầu tiên là nguồn học liệu đó có thích hợp với nhu cầu của NDT hay không. Để biết được điều này, việc đánh giá dựa vào sự lựa chọn của NDT khi họ nảy sinh nhu cầu tin. Khi đó, quá trình tìm kiếm thông tin có thể thực hiện theo nhan đề, từ khoá, hay chính nội dung của tài liệu mà họ cần.

Yếu tố thứ hai để nhận biết OER có đủ “mở” để NDT sử dụng, tái sử dụng, tái phân phối hay không. Điều này thực sự quan trọng bởi lẽ nó phụ thuộc vào những mong muốn của NDT đối với OER.

Yếu tố thứ ba của OER chính là khả năng truy cập nguồn lực với sự hỗ trợ của công nghệ. Nếu một NDT không thể sử dụng, tái sử dụng dễ dàng một nguồn lực nào đó với công nghệ sẵn có, khi đó nguồn lực trở thành vô ích. Vì vậy, tính hữu dụng của bất kỳ OER chính là: mức độ của tính “mở”, mức độ truy cập và tính thích hợp với nhu cầu sử dụng và tái sử dụng của NDT. Theo Ishan Sudeera Abeywardena, Choy Yoong Tham, S. Raviraja [5], các yếu tố này bao gồm:

- Mức độ mở: sự cho phép sử dụng và tái sử dụng nguồn lực.

- Mức độ truy cập: các yếu tố kỹ thuật cần có để tiếp cận nguồn lực.

- Tính thích hợp: mức độ tương thích giữa nguồn lực và nhu cầu tin của NDT.

Với các định nghĩa khác nhau, có thể nhận thấy, OER là một nguồn học liệu giáo dục cho phép truy cập và sử dụng miễn phí, có ý nghĩa rất lớn đối NDT trong bối cảnh học thuật.

Sự tác động của tính “mở” trong nguồn tài nguyên giáo dục mở và HVTT của GV

Trước hết, cần phải làm rõ tính “mở” là gì. Tác giả Walker [10] định nghĩa “mở” là thuận tiện, hiệu quả, đủ khả năng đạt được, bền vững và có sẵn với mọi người học và người dạy trên toàn cầu. Tác giả Downes [3] cho rằng, tính “mở” có thể được đại diện bởi bốn chữ A, bao gồm “accessible - có thể truy cập, appropriate - thích hợp, accredited - được công nhận, affordable - giá cả hợp lý”. Downes lập luận rằng khái niệm “mở” dường như tối thiểu là khách hàng hay người sử dụng nguồn tài nguyên không phải chi trả bất kỳ chi phí nào.

Nhiều tác giả đã đưa ra những định nghĩa liên quan đến OER, trong đó, các tác giả đã nhấn mạnh đến các thuộc tính của tính “mở” trong OER. Có nhiều thuộc tính liên quan đến các khái niệm OER, trong đó bao gồm tính mở xã hội, tính mở kỹ thuật, tính mở pháp lý và tính mở tài chính.

alt

Bảng 1: Thuộc tính của tính mở (Attributes of openness)

Ngoài những thuộc tính trên, tính “mở” thường được hiểu là nguồn lực sẵn có cho mọi người tái sử dụng trong những bối cảnh khác nhau [6]. Tác giả Wiley [14] đã mô tả bốn đặc tính “mở” với đại diện của bốn chữ “R”. Mỗi chữ R đại diện cho từng mức độ tăng dần tính “mở” của OER.

Reuse - tái sử dụng:Đây là mức độ cơ bản nhất của tính “mở”. NDT có thể sử dụng tất cả hoặc một phần tác phẩm nhằm phục vụ những mục đích riêng của họ (ví dụ, tải một bản nhạc để nghe hay tạo một bản sao và lưu một tác phẩm). Trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của mỗi GV, đây có thể được xem là một biểu hiện hành vi tìm kiếm thông tin. Khi đó, tương ứng với mức độ này, GV sẽ có HVTT mang tính tích trữ. Nghĩa là GV sẽ tìm kiếm và chủ động lưu lại những tài liệu mà họ đã được tìm thấy, phù hợp với nhu cầu tin của bản thân. Thậm chí, một số GV còn có hành vi tải về những tài liệu có sẵn, lưu vào bộ sưu tập của cá nhân. Sau đó, họ sẽ sử dụng ngay khi nảy sinh nhu cầu tin. Với mức độ này, GV có thể tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức hơn trong quá trình tìm kiếm thông tin. Thay vì phải tìm kiếm thông tin ở những thời điểm khác nhau để có được thông tin họ cần, thì với tính mở này, GV chỉ cần tải về và lưu trữ, sử dụng khi cần thiết.

Redistribute - tái phân phối:NDT có thể chia sẻ tác phẩm với những người khác (ví dụ, gửi email một bài báo đến một đồng nghiệp nào đó). Tương tự, với mức độ này của tính “mở”, hành vi của GV gắn liền với HVTT phối hợp. Có nghĩa là họ sẵn sàng chia sẻ và nhận chia sẻ từ các đồng nghiệp, bạn bè, sinh viên... Mức độ mở cho thấy mối quan hệ xã hội của GV có tác động tích cực đến hành vi tái phân phối của GV về nguồn học liệu, nguồn thông tin mà họ đã có.

Revise - chỉnh sửa lại:NDT có thể điều chỉnh, dịch, hay thay đổi hình thức của tác phẩm (ví dụ, dịch một cuốn sách sang một ngôn ngữ khác). Ở mức độ này, GV có thể chọn lọc và chuyển ngữ một cuốn sách hay một bài báo có ý nghĩa, gắn liền với hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của họ.

Remix: NDT có thể kết hợp từ hai hoặc nhiều nguồn khác nhau sẵn có để tạo thành một nguồn mới (ví dụ, chọn các bài giảng từ một khoá học và kết hợp các bài giảng đó với một video từ một nguồn khác để tạo ra một khoá học mới). Mức độ này đòi hỏi GV phải có sự sáng tạo rõ nét hơn trên cơ sở những tác phẩm trong nguồn học liệu mở sẵn có.

Với 4 mức độ của tính “mở” này, tác giả đã cho rằng, “mở” là nguồn lực sẵn có miễn phí đối với mọi NDT, cũng như nhấn mạnh đến nguồn học liệu với vấn đề về giá cả, bản quyền và các quyền liên quan. Biểu đồ bên dưới thể hiện qua mức độ tăng dần của tính “mở” [14] (Hình 1).

alt

Hình 1: Xây dựng và sử dụng nguồn học liệu mở trong giáo dục đại học Cơ đốc (The creation and use of open educational resources in christan higher education) [13]

Wenk [10] cũng có định nghĩa tương tự về tính “mở”. Đó là:

- Tự do sử dụng tác phẩm và hưởng những lợi ích khi sử dụng tác phẩm;

- Tự do nghiên cứu tác phẩm và vận dụng kiến thức học hỏi được từ tác phẩm;

- Tự do tạo và tái phân phối các bản sao chép, toàn bộ hoặc một phần thông tin hay trình bày;

- Tự do thay đổi và cải tiến, phân phối tác phẩm phái sinh.

Có thể nhận thấy, cả hai khung mức độ về tính “mở” của Wiley và Freedom Defined đều tập trung vào việc cấp giấy phép được quy định theo bản quyền. Điều này chính là lý do dẫn đến một số OER bao gồm giấy phép mở (open licenses) là một thành phần quan trọng.

Như vậy, với các mức độ về tính “mở” này, NDT là GV trong các trường đại học có nhiều hơn các cơ hội để tiếp cận các nguồn lực giáo dục từ những quốc gia phát triển. Khi đó, HVTT của GV sẽ gắn liền với quá trình hình thành và thể hiện nhu cầu tin về các OER đó. Bởi lẽ, họ sẽ có cơ hội tìm kiếm, sử dụng và tái phân phối các nguồn lực đó trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu của mình mà không bị hạn chế quá nhiều về mặt bản quyền. Cùng với quá trình đó, HVTT của GV sẽ mang một số đặc điểm cơ bản sau:

- Thứ nhất, GV có nhu cầu tin đa dạng hơn. Sự đa dạng này thể hiện ở nội dung và loại hình thông tin cũng như mức độ xử lý thông tin mà họ cần. Chẳng hạn, thông qua OER, GV có thể tiếp cận thông tin từ các nguồn trực tuyến với sự đa dạng các hình thức trình bày của thông tin, đa dạng tác giả, nguồn thông tin... Nhu cầu tin của GV đa dạng có thể dễ dàng lý giải khi họ có nhiều cơ hội tiếp cận, sử dụng, phân phối các nguồn học liệu để phục vụ giảng dạy và nghiên cứu nói chung, cũng như phục vụ các nhu cầu tin trong đời sống hàng ngày nói riêng.

- Thứ hai, gắn liền với tính “mở” trong OER, GV sẽ có hành vi tìm kiếm thông tin “mở” hơn. Điều này được hiểu là GV sẽ có nhiều quyền hơn trong quá trình tìm kiếm thông qua nhiều nguồn OER sẵn có trên Internet. Với tính “mở” này, GV sẽ hình thành hành vi tích trữ trong quá trình tổ chức thông tin tìm được. Khi đó, mỗi lượng thông tin tìm được sẽ được lưu trữ trong bộ sưu tập của cá nhân nhằm phục vụ nhu cầu tin của họ khi cần.

- Thứ ba, tính “mở” trong OER cho phép GV có thể chia sẻ một cách công khai, rộng rãi đến đồng nghiệp và người học của mình. Rõ ràng, khi không chịu ảnh hưởng bởi sự giới hạn lớn về bản quyền, GV khi đó trở thành một nguồn tin gián tiếp và là cầu nối giữa OER và những NDT khác, trong đó có thể là đồng nghiệp và sinh viên.

Mặt khác, với những đặc điểm cơ bản này, có thể thấy, HVTT của GV sẽ không bị chịu ảnh hưởng quá nhiều từ yếu tố tâm lý hay yếu tố cá nhân (thời gian, chi phí để sử dụng thông tin...). Bởi lẽ, OER là một nguồn học liệu mở cho tất cả NDT thì GV sẽ không bị rào cản về tâm lý khi tiếp cận các nguồn thông tin mà phải thông qua sự hỗ trợ từ cá nhân khác (chẳng hạn, người làm thư viện tại các trường đại học, đồng nghiệp trong và ngoài khoa). Như vậy, OER góp phần hình thành nên HVTT cá nhân của mỗi GV, nghĩa là họ có nhu cầu tin, tìm kiếm và sử dụng thông tin một cách độc lập trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu của mình.

Vai trò của thư viện đại học trong mối tương tác giữa tính “mở” của nguồn tài nguyên giáo dục mở và HVTT của GV

Mỗi GV gắn liền với một môi trường học thuật cụ thể, trong đó, thư viện đại học góp phần tác động đến HVTT của mỗi GV. Việc cung cấp OER cho GV cũng được xem là một nhiệm vụ quan trọng của các thư viện hiện nay. Có rất nhiều nghiên cứu phân tích đến vai trò, tầm quan trọng và giá trị của OER đối với nhóm NDT khác nhau.

Đối với thư viện đại học, việc xây dựng OER thực sự có ý nghĩa đối với đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu của nhà trường. Để sự tác động của OER có hiệu quả và tích cực đến HVTT của NDT nói chung, GV nói riêng, đòi hỏi mỗi thư viện có những định hướng và giải pháp thực hiện phù hợp. Những giải pháp cơ bản mà các thư viện đại học có thể quan tâm đó là:

Nâng cao nhận thức của GV về OER. Để OER trở thành một nguồn thông tin quan trọng hỗ trợ HVTT của GV, thì việc nâng cao nhận thức của GV về vai trò, tầm quan trọng cũng như những lợi ích mà OER mang lại là điều cần thiết. Bởi lẽ, chỉ khi GV nhận thấy OER cần thiết và hữu ích đối với quá trình tìm kiếm và sử dụng thông tin của mình thì họ mới tiếp cận và khai thác tối đa giá trị của các nguồn lực đó. Để làm được điều này, đòi hỏi trước hết từ phía mỗi thư viện đại học đó là cần tăng cường hoạt động xây dựng và quảng bá OER đến NDT là GV. Hay nói cách khác, việc xây dựng một cộng đồng trao đổi và sử dụng OER giữa GV và GV, giữa GV và người làm thư viện là rất cần thiết. Trong mối liên hệ này, GV vừa là người sử dụng OER như một nguồn lực hỗ trợ hoạt động giảng dạy và nghiên cứu, đồng thời vừa là người cung cấp nguồn lực thông tin sẵn có của từng cá nhân GV. Chẳng hạn, tài liệu chuyên khảo, giáo trình, bài giảng, các sản phẩm công bố khoa học của GV được xem là nguồn lực hỗ trợ tạo lập OER của các thư viện.

Đánh giá chất lượng của nguồn học liệu giáo dục mở trước khi phục vụ GV.Chất lượng của OER được đo lường dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Thông thường, đánh giá dựa trên kết quả sử dụng, phản hồi của GV cũng là một tiêu chí quan trọng trong bối cảnh thư viện đại học hiện nay. Trước khi OER trở thành một nguồn lực thông tin có giá trị đối với GV, thì mỗi thư viện đại học cần phải đánh giá trước khi cung cấp, phục vụ cho họ. Giải pháp này đòi hỏi mỗi thư viện phải có chính sách, chiến lược xây dựng và phát triển OER từ nhiều nguồn khác nhau.

Khi đánh giá việc sử dụng hay tái sử dụng OER, mỗi nguồn lực có thể được đánh giá dựa trên tính hữu dụng của từng nguồn cụ thể. Trước hết, nguồn lực đó phải phù hợp với nhu cầu của NDT. Điều này có thể dễ dàng xác định bằng cách đánh giá quá trình tìm kiếm và sử dụng thông tin từ OER của mỗi GV. Chẳng hạn, GV có hay không sử dụng, mức độ sử dụng các nguồn lực đó trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của họ như thế nào. Đồng thời, hệ thống tra cứu thông tin từ OER có thực sự tương thích với yêu cầu truy vấn của GV khi tìm kiếm thông tin hay không, cụ thể là thông tin được tìm thấy phù hợp như thế nào với các điều kiện tìm kiếm như theo từ khoá, chủ đề, nhan đề, nội dung thông tin so với nhu cầu tin của GV. Ngoài ra, để đánh giá được tính “mở” của OER đòi hỏi các thư viện phải xác định nguồn lực mà thư viện có được thực sự đủ mở - tự do cho GV sử dụng, tái sử dụng hay tái phân phối. Làm được điều này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình cung cấp OER đến NDT là GV một cách hiệu quả và thực sự phát huy hết giá trị vốn có của nó.

Xây dựng hệ thống tra cứu tích hợp cho GV.Mỗi GV là một NDT có đặc điểm khác nhau, HVTT khác nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ thông tin và môi trường số hoá đã phần nào làm thay đổi HVTT của GV theo xu hướng mới. Nhận diện được những đặc điểm về HVTT của GV và đặc điểm bối cảnh này giúp thư viện đại học xây dựng các nguồn lực OER phục vụ cho GV một cách phù hợp nhất. Bên cạnh đó, thư viện cần tác động đến nhu cầu tin, định hướng hành vi tìm kiếm thông tin thông qua hệ thống tìm tin, đánh giá và sử dụng thông tin nói chung và sử dụng OER nói riêng của GV. Có thể thấy, quá trình nảy sinh nhu cầu tin cho đến sử dụng thông tin, mỗi GV sẽ có các chiến lược tìm kiếm thông tin khác nhau, cũng như biểu hiện hành vi khác nhau khi tương tác với thông tin. Trong đó, việc tương tác với các nguồn thông tin thông qua hệ thống tra cứu thông tin của mỗi thư viện cũng được xem là một giai đoạn quan trọng của quá trình tìm kiếm thông tin. Chính vì vậy, song song với quá trình tương tác này, thư viện cần tạo điều kiện cho GV có thể tạo lập, lưu trữ và tìm kiếm trong bộ sưu tập của cá nhân đã tìm được trực tiếp trên hệ thống của thư viện.

Để làm được điều này, mỗi GV sẽ được thư viện cung cấp một kho lưu trữ trực tuyến những thông tin mà GV đã thu thập được và có ý định sử dụng sau đó. Làm được điều này sẽ giúp GV có thể sử dụng thông tin từ OER ở bất kỳ thời điểm nào và ở bất kỳ không gian nào, chỉ cần họ có máy tính được kết nối Internet. Điều này sẽ giúp thư viện có thể hiểu được nhu cầu thực sự của mỗi GV là gì, trên cơ sở đó, thư viện tiếp tục xây dựng nguồn học liệu phù hợp. Đồng thời, OER sẽ được GV khai thác và sử dụng một cách tối ưu nhất. Không những vậy, điều này có ý nghĩa rất lớn đối với HVTT của GV trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu, khi mà thông tin từ OER sẽ góp phần giúp GV sáng tạo và chia sẻ những sản phẩm khoa học có giá trị trong cộng đồng học thuật.

Thiết kế không gian thư viện mang tính “mở” gắn liền với HVTT của GV.Đây được xem là giải pháp đòi hỏi ưu tiên thực hiện khi mỗi thư viện có điều kiện. Bởi lẽ, không gian thư viện đóng vai trò không nhỏ đối với HVTT của GV. Chẳng hạn, một không gian thoải mái với các tiện ích dành cho hoạt động tự học và nghiên cứu sẽ kích thích nảy sinh nhu cầu sử dụng thư viện như một không gian làm việc cho GV. Các thư viện có thể bố trí không gian liên thông các khu vực, các phòng phục vụ, phòng đọc, phòng tham khảo, quầy dịch vụ... đảm bảo phù hợp với hành vi của GV. Chẳng hạn, GV thường có quỹ thời gian hạn chế để đến TV sử dụng. Do vậy, mỗi khi đến sử dụng các dịch vụ, TV cần bố trí các vị trí thuận lợi cho GV tìm kiếm và sử dụng, cũng như di chuyển đến các khu vực cần thiết khi có nhu cầu. Ngoài ra, xu hướng xây dựng không gian học tập chung cũng được xem là một gợi ý cho giải pháp thu hút GV đến với thư viện nhiều hơn. Khi đó, các thư viện sẽ có cơ hội cung cấp và GV có cơ hội khai thác tối đa giá trị mà OER mang lại cho thành quả giảng dạy và nghiên cứu khoa học của mỗi GV và nhà trường.

Đầu tư và phát triển cơ sở vật chất, công nghệ hỗ trợ quá trình tổ chức và lưu trữ OER.OER được tổ chức, lưu trữ và khai thác hiệu quả tại các thư viện đòi hỏi phải có các nguồn lực khác hỗ trợ, trong đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ chính có vai trò rất lớn. Có thể thấy, OER là một nguồn lực thông tin lớn, khi đó mỗi thư viện cần phải có năng lực trong xử lý, lưu trữ và khai thác nguồn lực này.

Nhìn chung, khi nghiên cứu HVTT của GV gắn liền với giá trị của OER, mỗi thư viện cần có cách nhìn nhận rõ giá trị của OER, đồng thời, quảng bá đến GV nói riêng và NDT nói chung. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với hiệu quả hoạt động của thư viện, giá trị của OER, mà tiêu biểu là khai thác tính “mở” của OER đối với NDT. Hơn thế nữa, khi OER càng “mở” sẽ giúp cho GV có những điều chỉnh và hoàn thiện hành vi hơn khi tìm kiếm và sử dụng thông tin trong các thư viện đại học. Đặc biệt, trong bối cảnh mà mỗi GV không có nhiều thời gian để sử dụng thư viện thường xuyên, thì việc tạo lập và cung cấp OER sẽ giúp GV nâng cao được chất lượng giảng dạy và nghiên cứu của mình. Đồng thời, hiệu quả này còn ảnh hưởng trên phạm vi rộng hơn, đó là cộng đồng học thuật của mỗi nhà trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bissell, A. N. Permission granted: open licensing for educational resources // Open Learning: The Journal of Open, Distance, and e-Learning. - 2009. - No. 29 (1). - P. 97-106.

2. D'Antoni, S.  Open Educational Resources: revie- wing initiatives and issues // Open Learning: The Journal of Open, Distance, and e-Learning. - 2009. - No. 24(1). - P. 3-10.

3. Downes, S. Models for Sustainable Open Educational Resources, National Research Council Canada. http://www.oecd.org/document/32/0,2340,en_2649_33723_36224352_1_1_ 1_1,00.html. Truy cập ngày 13/10/2016.

4. Hilton, John L. III and Wiley, David. The Creation and Use of Open Educational Resources in Christian Higher Education. - All Faculty Publications. - 2008. - P. 821. Http://scholarsarchive.byu.edu/facpub/821.

5. Ishan Sudeera Abeywardena, Choy Yoong Tham, S. Raviraja. Conceptual Framework for Parametrically Measuring the Desirability of Open Educational Resources using D-Index // The Interna- tional Review of Research in Open and Distance Learning. - 2012. - Vol. 13, No. 2. - P. 59-76. Http:// files.eric.ed.gov/fulltext/EJ983273.pdf.

6. McMartin, F. Open Educational Content: Transforming Access to Education. - Opening Up Education (135-148): Cambridge, MA: MIT Press, 2008.

7. OECD. Giving knowledge for free: The Emer- gence of Open Educational Resources. Organisation for Economic Co-operation and Development (OECD). - France: Paris, 2007. Http://www.oecd. org/document/41/0,3343,en_2649_35845581_38659497_1_1_1_1,00.html 91 July 2008).

8. Roberston, R. John. What do academic lib- raries have to do with Open Educational Resources? Theme: Long term sustainability of open education projects // Open Ed 2010 Proceedings. Barcelona: UOC, OU, BYU.

9. UNESCO. UNESCO Promotes new initiative for free educational resources on the internet. http://www.unesco.org/education/news_en/080702_free_edu_ress.shtml. Truy cập ngày 26/09/2016.

10. Walker, Ed. A Reality Check for Open Edu- cation. Utah: Open Education Conference, 2005. http://cosl.usu.edu/media/presentations/opened2005/OpenEd2005-Walker- Ed.ppt (slides). http://www.archive.org/audio/audio-details-db.php?collection=opensource_ audio&collectionid=OpenEd2005ARealityCheckforOpen Education (audio). 

11. Wenk, B. Open educational resources (OER) inspire teaching and learning. Paper presented at the IEEE EDUCON Education Engineering 2010 - The Future of Global Learning Engineering Education, Madrid, Spain. - 2010. Retrieved from http://www. ieec.uned.es/Investigacion/Educon2010/SearchTool/EDUCON2010/papers/2010S02G04.pdf.

12. Wiley, D. Impediments to learning object reuse and openness as a potential solution // Revista Brasileira de Informática na Educação. - 2009. - No. 17(3). - P. 8-10. http://hdl.lib. byu.edu/1877/2153.

13. Wiley, D. Openness, disaggregation, and the future of schools // TechTrends. - 2009. - Retrie- ved from http://hdl.lib.byu.edu/1877/2109

14. Wiley, D. Openness as catalyst for an educational reformation // Educause Review. - 2010. - No. 45(4). - P. 15-20. Retrieved from  http://www.educause.edu/ EDUCAUSE+ Review/EDUCAUSEReviewMagazineVolume45/OpennessasCatalystforan Educati/209246

___________

ThS. Bùi Hà Phương

Khoa Thư viện - Thông tin học, ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 2. - Tr. 13-19.


Đọc thêm cùng chuyên mục: