Sơ lược lộ trình triển khai, ứng dụng khung phân loại DDC14 vào các Thư viện Việt Nam.

Print
                          

Để có được bản dịch DDC14 tiếng Việt tới các thư viện trong cả nước hiện nay là một quá trình vận động bền bỉ, kiên trì, lâu dài, và trên hết là sự trăn trở, sự quyết tâm của các nhà chuyên môn, các nhà quản lý cùng nhau phối hợp thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu thống nhất, chia sẻ và hội nhập với cộng đồng thư viện thế giới. Chúng tôi xin tóm lược lại quá trình đó để giúp các bạn nắm được lộ trình triển khai, đưa DDC14 vào ứng dụng tại thư viện Việt Nam thời gian qua và chuẩn bị cho “Hội nghị sơ kết 3 năm áp dụng DDC trong ngành Thư viện Việt Nam” sắp diễn ra tại Lào Cai ngày 22-23 tháng 9/2009.

 

ddc1.jpg

 

 Việc lựa chọn khung phân loại cho các thư viện là một vấn đề rất quan trọng, khó khăn và đầy trách nhiệm. DDC14 là khung phân loại được các nhà chuyên môn lựa chọn, tuy nhiên để được chấp nhận và phổ biến rộng rãi là một quá trình mất nhiều công sức và thời gian:

- Ngày 17/3/2000, Vụ Thư viện - Bộ VHTT( nay là Bộ VH-TT và du lịch), dưới sự chủ trì của ông Vụ trưởng Phạm Thế Khang, đã tổ chức hội thảo lần thứ 1 “Dịch và nghiên cứu áp dụng bảng phân  loại Dewey vào công tác thư viện ở Việt Nam” với kiến nghị dịch DDC làm công cụ phân loại thống nhất cho cả nước để hội nhập với cộng đồng thư viện thế giới.Với lý do DDC là khung phân loại mang nhiều tính ưu việt và khoa học cao, rất phổ biến, được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, lại dễ huấn luyện, dễ sử dụng.

- Từ 16 đến 28 Tháng 9/2001 tại Trung tâm phát triển thông tin Việt Nam (Hà Nội), Viện Công nghệ Hoàng Gia Melbourne (RMIT) với sự cộng tác của quỹ Atlantic (Tổ chức từ thiện Đại Tây Dương) đã tổ chức hội thảo về “Hệ thống và tiêu chuẩn cho Thư viện Việt Nam”. Hội thảo đã kiến nghị với Chính phủ Việt Nam ra quyết định áp dụng DDC như một chuẩn nghiệp vụ của Việt Nam bên cạnh AACR2 và MARC21 để tạo điều kiện cho sự phát triển của sự nghiệp Thư viện Việt Nam trên đường hội nhập.

- Ngày 23-24/9/2002: Tại TVQG đã diễn ra “Hội thảo Quốc tế về việc dịch DDC và AACR2 sang tiếng Việt” có sự tham gia của Phó tổng Biên tập DDC Julianne Beall, Trưởng phòng Kiểm soát thư tịch Thư viện Quốc hội Mỹ Barbara Titllet, Gs.Robert Stueart, Gs.Patricia Oyler, Thư ký Hội LEAF-VN Phạm Lệ Hương. Dự án được xác định là bản DDC14, chủ đầu tư là TVQG, nhà tài trợ là Tổ chức nhân đạo Atlantic Philanthropies, đơn vị quản lý dự án là ĐH Quốc tế RMIT, Tổng biên tập là ông Vũ Văn Sơn.

- Ngày 21/11/2003: Được phép của Bộ VHTT, tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng tư vấn dịch thuật DDC tại Hà Nội, dự án dịch DDC14 do Thư viện Quốc gia làm chủ bắt đầu được thực hiện, dự kiến hoàn thiện vào cuối 2005.

Công việc dịch thuật Khung phân loại DDC14 tiến hành gần 3 năm, trong thời gian đó các chuyên gia đã làm việc hết sức nỗ lực, nghiêm túc, khẩn trương. Hội đồng tư vấn đã trải qua 7 phiên họp để giúp cho sự hoàn thiện của bản dịch trong sự mong đợi của cộng đồng Thư viện.

- Ngày 16/8/2006 Thư viên Quốc gia chính thức công bố “Ấn bản tiếng Việt khung phân loại DDC14 rút gọn”, đồng thời tổ chức Hội thảo “Áp dụng khung phân loại thập phân Dewey ở các thư viện Việt Nam” với sự có mặt của bà Vụ trưởng Vụ Thư viện Nguyễn Thị Ngọc Thuần.

- Ngày 7/11/2006, TVQG gửi tờ trình số 239/TTr-TVQG lên Bộ VHTT về việc đề nghị lãnh đạo Bộ cho chủ trương quyết định việc áp dụng DDC, MARC21 và AACR2 trong tất cả các thư viện cả nước.

- Ngày 7/12/2006 Bộ VHTT có công văn số 5063/BVHTT-TT đồng ý chủ trương áp dụng chuẩn nghiệp vụ quốc tế nhưng yêu cầu TVQG xây dựng lộ trình áp dụng, báo cáo lãnh đạo Bộ trước khi Bộ ban hành văn bản chính thức, có đầy đủ tính pháp lý.

- Ngày 23/1/2007 TVQG tiếp tục gửi tờ trình lên Bộ số 23/TTr-TVQG về việc trình bày lộ trình áp dụng DDC ở Việt Nam.

- Ngày 31/1/2007 TVQG tổ chức cuộc họp với lãnh đạo Vụ Thư viện và đại diện các hệ thống thư viện cả nước đề nghị cùng phối hợp để thực hiện việc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ quốc tế vào công tác chuyên môn.

- Ngày 18/3/2007 Vụ Thư viện, Hội Thư viện Việt Nam, TVQG phối hợp tổ chức hội thảo về việc áp dụng bộ chuẩn nghiệp vụ AACR2, AARC21, DDC vào các thư viện Việt Nam. Sau nhiều ý kiến tranh luận tại Hội thảo, Chủ tich Hội, Vụ trưởng vụ Thư viện đã thống nhất : nhất trí tham mưu cho lãnh đạo Bộ để sớm ban hành chủ trương áp dụng các chuẩn nghiệp vụ quốc tế vào các thư viện ở Việt Nam.

 - Ngày 7/5/2007 Bộ VHTT đã ban hành văn bản số 1598/VHTT-TV về “Hướng dẫn việc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ trên phạm vi cả nước”, trong đó có DDC.

- 8/6/2007 tại TVQG Hội nghị-Hội thảo “Trao đổi về việc áp dụng DDC trong các Thư viện Việt Nam” nhằm chuẩn hoá công tác nghiệp vụ và thúc đẩy tiến trình hội nhập của các TVVN với cộng đồng TV thế giới. Tham dự có lãnh đạo Bộ VHTT, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Quỹ từ thiện Đại Tây Dương, ĐH RMIT, các thành viên Ban tư vấn DDC, Thư viện Hà Nội, Thư viện Quân Đội trung ương. Hội thảo nhằm đánh giá tiến trình phổ biến DDC của các hệ thống Thư viện Việt Nam, cần có văn bản chỉ đạo cụ thể hơn việc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ. Cần duy trì Văn phòng DDC với nhiệm vụ rộng hơn nữa...

- Ngày 23/7/2007, Vụ Thư viện ban hành công văn số 2667/BVHTT-TV về “Triển khai áp dụng DDC, MARC21, AACR2 trong các thư viện Việt Nam”, trong đó quy định thời điểm áp dụng thống nhất với các thư viện công cộng bắt đầu từ ngày 1/6/2007.

Hai văn bản này chính là kết quả của một quá trình vận động kiên trì, giải trình cặn kẽ, thuyết phục lãnh đạo Bộ VHTT bằng những cứ liệu khoa học, chính xác, cụ thể và mang tính thực tiễn cao nên đã được Bộ ủng hộ. Đây có thể coi là bước tiến bộ quan trọng bậc nhất về nhận thức khoa học, là tiếng còi lệnh vui mừng tạo điều kiện mở đường cho các hoạt động nghiệp vụ trên phạm vi cả nước trên đường phát triển và hội nhập. Việc sử dụng DDC là xu thế tất yếu, tiến tới thống nhất và chuẩn hoá về nghiệp vụ, chia sẻ thông tin toàn cầu của ngành Thư viện Việt Nam. Kể từ đó, một sự triển khai được mở rộng hơn ở các nơi, nhất là hệ thống Thư viện công cộng. Nhiều tỉnh đã tích cực cử người đi tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về DDC ở khu vực và tổ chức đào tạo ngay tại tỉnh cho cán bộ phân loại

Ngày 14/12/2007 tại Hà Nội “Hội thảo đánh giá 1 năm đưa vào áp dụng DDC của các hệ thống Thư viện Việt Nam” được tổ chức, qua đó thông báo tình hình triển khai tại các hệ thống thư viện và tiếp tục đưa ra phương án thực hiện để đạt được hiệu quả hơn .

 Và sau 3 năm đưa vào áp dụng rộng rãi, sắp tới vào ngày 22-23/9/2009 tại Lào Cai sẽ diễn ra “Hội nghị-Hội thảo sơ kết 3 năm áp dụng DDC trong ngành thư viện Việt Nam” nhằm đánh giá thực trạng phổ biến, áp dụng DDC14 rộng rãi tại Việt Nam và tìm phương hướng, giải pháp trong thời gian tới.

 ---------------

Ngọc Bích tổng hợp


Đọc thêm cùng chuyên mục: