Quy định về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện và việc thực hiện, áp dụng vào thực tiễn quản lý và tổ chức hoạt động trong các thư viện hoạt động bằng ngân sách nhà nước

E-mail Print

Thực hiện quy định tại khoản 5, điều 18 Nghị định số 72/2002/NĐ-CP ngày 6/8/2002 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện - quy định trách nhiệm của Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - VHTTDL): “Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy định về chuyên môn, nghiệp vụ thư viện...”; ngày 8/12/2014, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 18/2014/TT-BVHTTDL Quy định về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của  thư viện. Thông tư chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 25/01/2015.

Thông tư gồm 3 chương, 16 điều được bố cục với những nội dung chính như sau:

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG      

Chương này gồm 3 điều (từ điều 1 đến điều 3), quy định những nội dung mang tính nguyên tắc chung, cụ thể:

- Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng;

- Giải thích từ ngữ (10 từ ngữ chuyên môn cần giải thích để thống nhất cách hiểu chung);

- Yêu cầu của việc tổ chức và thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện (TV).

Chương II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Chương này gồm 10 điều (từ điều 4 đến điều 13), quy định cụ thể các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của TV. Mỗi điều (tương đương với một hoạt động) quy định ba nội dung: mục đích, ý nghĩa của hoạt động; nội dung của hoạt động; yêu cầu của hoạt động.

Các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của TV quy định trong Thông tư 18 là những hoạt động cơ bản, được hệ thống hoá lại và sắp xếp theo quy trình công nghệ của hoạt động TV, bao gồm: Xây dựng vốn tài liệu; Xử lý tài liệu; Tổ chức bộ máy tra cứu; Tổ chức tài liệu; Bảo quản tài liệu; Kiểm kê, thanh lọc tài liệu; Tổ chức dịch vụ TV; Biên soạn ấn phẩm TV; Hoạt động truyền thông, vận động; Thống kê TV.

Chương III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Chương này gồm 3 điều (điều 14 đến điều 16), quy định các nội dung sau: Hiệu lực thi hành; Tổ chức thực hiện; Trách nhiệm thi hành.

Thông tư này được áp dụng đối với các TV hoạt động bằng ngân sách nhà nước quy định tại điều 13, Nghị định số 72/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện, cụ thể:

- Thư viện Quốc gia Việt Nam;

- Thư viện cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;

- Thư viện nhà trường và cơ sở giáo dục khác có sử dụng ngân sách nhà nước;

- Thư viện của cơ quan nhà nước;

- Thư viện của viện, trung tâm nghiên cứu khoa học của Nhà nước;

- Thư viện của đơn vị vũ trang nhân dân;

- Thư viện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Việc ban hành Thông tư 18 với phạm vi điều chỉnh quy định về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của TV, áp dụng đối với các TV hoạt động bằng ngân sách nhà nước nhằm mục đích vừa hướng dẫn, vừa quy định các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ mà các TV cần phải thực hiện, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của sự nghiệp TV Việt Nam (bao gồm cả công tác quản lý nhà nước, quản lý và tổ chức hoạt động của TV). 

1. Đối với cơ quản lý nhà nước

Thông tư 18 là căn cứ pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TV, quy định những vấn đề quan trọng, then chốt của hoạt động TV như cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính, tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng, chuyên môn, nghiệp vụ, viên chức  TV… tạo đà cho TV phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, cụ thể:

a. Là căn cứ để quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành TV theo từng hạng mà pháp luật đã quy định.

Ngày 19/5/2015, dựa  trên Thông tư số 18/2014/ TT-BVHTTDL, Bộ VHTTDL và Bộ Nội vụ đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 02/2015/TTLTBVHTTDL -BNV Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện, trong đó quy định hạng viên chức TV gồm 3 hạng (TV viên hạng II, III và IV). Trên cơ sở các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ được quy định trong Thông tư 18 đã giúp cho việc xác định chức năng, nhiệm vụ và phân công các loại công việc cho phù hợp với từng hạng viên chức TV, bảo đảm tránh lãng phí trong việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TV.

b. Tạo cơ sở để Bộ VHTTDL và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan khác phối hợp với Bộ VHTTDL tiếp tục xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề cấp thiết của ngành TV như:

- Xây dựng và ban hành văn bản/ thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của TV, làm căn cứ  để các TV, xây dựng kế hoạch hoạt động, cũng như làm công cụ để đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu pháp luật của các TV. Bởi lẽ nội dung chi, định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức chi phí cho hoạt động TV là những căn cứ không thể thiếu để xác định giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực TV - một bước đi hết sức quan trọng, cần thiết trong lộ trình đổi mới cơ chế quản lý TV. Giao quyền tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự, tự chủ về tài chính cho TV công lập do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực TV để thực hiện Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 9/8/2012 của Chính phủ về Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hoá một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.

- Xây dựng và ban hành văn bản quy định tiêu chuẩn quốc gia về TV theo cấp độ quản lý… tiến tới chuẩn hoá trong hoạt động TV ở cả 3 nội dung cơ bản, đó là: chuẩn hoá về cơ sở hạ tầng, chuẩn hoá về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và chuẩn hoá đội ngũ viên chức TV.

- Xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn triển khai một số hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ đã được quy định tại Thông tư số 18/2014/TT-BVHTTDL, cần được quy định, hướng dẫn cụ thể, chi tiết nhằm bảo đảm thống nhất các hoạt động này như: Quy định và hướng dẫn tổ chức hoạt động xây dựng vốn tài liệu TV; Quy định và hướng dẫn công tác xử lý tài liệu trong TV; Quy định và hướng dẫn tổ chức các dịch vụ trong TV, hoặc một số vấn đề chuyên môn quan trọng khác… Theo định hướng này, Bộ VHTTDL đã ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 21/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 Quy định tiêu chí và thủ tục thanh lọc tài liệu thư viện; Thông tư số 25/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014 Quy định Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL; Thông tư số 04/2015/TT-BVHTTDL ngày 19/6/2015 Quy định chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với cơ quan quản lý về văn hoá, gia đình và thể dục thể thao thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Có thể nói cùng với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành trong lĩnh vực TV kể từ khi Pháp lệnh Thư viện ra đời, Thông tư 18 là một trong những bước đi quan trọng của Bộ VHTTDL trong việc pháp luật hoá, đưa vào nề nếp các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của TV, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của TV. Cùng với việc ban hành Thông tư liên tịch số 02 về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức TV, Thông tư 18 đã tạo ra cơ sở pháp lý cho ngành TV Việt Nam tiến đến “chuẩn hoá” trong hoạt động dựa trên 3 mũi nhọn: chuẩn về đội ngũ cán bộ, chuẩn về hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và chuẩn về cơ sở vật chất.

2. Đối với các thư viện

Thông tư 18 sẽ là căn cứ pháp lý để:

a. Tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản của TV, tạo sự thống nhất, đầy đủ và đồng bộ trong việc thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong các TV, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của TV.

Các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Thông tư 18 là những hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản, đồng thời có bổ sung thêm một số hoạt động mới như hoạt động truyền thông, vận động, dịch vụ phục vụ người sử dụng, hoặc cập nhật kiến thức mới trong một số hoạt động chuyên môn của TV.

Các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của TV tuy đã được đào tạo trong các cơ sở đào tạo nghề TV, song việc áp dụng, vận dụng các kiến thức, các quy trình của hoạt động TV đã được học vào thực tiễn tổ chức hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của các TV vẫn còn nhiều lúng túng, chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, đồng bộ, thậm chí còn khá tuỳ tiện do tuỳ thuộc vào nhận thức, năng lực của cán bộ quản lý, chuyên môn của TV.

Hầu hết các TV mới chỉ chú trọng đến hoạt động xây dựng, phát triển vốn tài liệu, xử lý tài liệu... Hoạt động truyền thông, vận động thu hút người sử dụng tới TV, hoạt động tuyên truyền, giới thiệu nguồn lực thông tin phong phú, đa dạng của TV, đặc biệt là việc tổ chức các dịch vụ, dịch vụ mới của TV chưa được quan tâm đúng mức từ nhận thức tới đầu tư. Đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả hoạt động của TV trong thời gian vừa qua. Thông tư 18 đã nhấn mạnh vai trò của công tác tổ chức dịch vụ TV - hoạt động chuyên môn nghiệp vụ quan trọng nhất, nhằm cung cấp thông tin, tri thức, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, công tác và giải trí của người sử dụng. Thông tư 18 đã quy định 5 nhóm dịch vụ chính trong TV (quy định tại điều 10), trong đó với việc quy định công tác hỗ trợ, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ TV là một loại hình dịch vụ, Thông tư 18 góp phần khẳng định thêm vị trí, vai trò của TV công cộng là một đơn vị sự nghiệp công lập, cung cấp các dịch vụ công phục vụ cộng đồng, thay vì như một cơ quan hành chính có chức năng chỉ đạo nghiệp vụ (chức năng của cơ quan quản lý nhà nước).

Thông tư 18 cũng đề cập đến vấn đề về yêu cầu trong tổ chức và thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của TV, trong đó nhấn mạnh đến công tác tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm từng bước thực hiện tự động hoá trong TV, chú trọng xây dựng vốn tài liệu điện tử, tổ chức các dịch vụ TV điện tử nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ TV, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người sử dụng (được quy định tại khoản 3, điều 3 của Thông tư). Cùng với các định hướng của nhà nước trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, Thông tư 18 là một căn cứ về mặt pháp lý nhằm đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động của TV.

Mặt khác, một trong những điểm mới của Thông tư 18, đó là việc đưa thống kê TV là một hoạt động chuyên môn nghiệp vụ nhằm đánh giá hiệu quả và tác động của TV đối với cộng đồng. Cùng với việc ban hành những chỉ tiêu Thống kê quốc gia, chỉ tiêu thống kê ngành trong đó có lĩnh vực TV (được quy định tại Thông tư 04/2015/TT-BVHTTDL ngày 19/6/2015 của Bộ VHTTDL Quy định về chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với cơ quan quản lý về văn hoá, gia đình và thể dục, thể thao thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) thì công tác Thống kê TV trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với các TV nhằm đánh giá kết quả hoạt động, mức độ đáp ứng của TV đối với nhu cầu người sử dụng, qua đó cung cấp số liệu cần thiết để cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý TV và người đứng đầu TV có căn cứ xây dựng kế hoạch, duy trì và cải thiện các dịch vụ, nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ của TV.

b. Xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn phát triển TV, kế hoạch công tác năm, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trên cơ sở đó từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng việc tổ chức các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ giúp các TV hoàn thành tốt nhất chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định; thông qua đó nâng cao năng lực phục vụ của TV, đáp ứng với nhu cầu phong phú, đa dạng, luôn thay đổi của cộng đồng.

c. Căn cứ xây dựng dự toán kinh phí hoạt động hàng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm kinh phí triển khai các hoạt động chuyên môn theo kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trên cơ sở Thông tư 18, các TV xây dựng kế hoạch công tác năm kèm theo dự toán kinh phí, bao gồm kinh phí để duy trì các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ đã được triển khai và kinh phí để tổ chức các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định mà TV chưa triển khai trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, khi việc quản lý TV chuyển sang cơ chế tự chủ, (tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự; tự chủ về tài chính) thì việc ban hành Thông tư 18 là hết sức cần thiết, là căn cứ để các TV xây dựng kế hoạch hoạt động, phát triển TV kèm theo dự toán kinh phí trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và bảo đảm kinh phí cấp đúng, cấp đủ cho TV triển khai đầy đủ các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ đã được pháp luật quy định.

Trước đây, cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán kinh phí hàng năm cho hoạt động TV, hoặc các TV trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm mới chỉ quan tâm tới ngân sách dành cho công tác bổ sung vốn tài liệu và một số hoạt động phục vụ cho các nhiệm vụ đột xuất khác. Kinh phí được cấp không đáp ứng để triển khai các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, nên hiệu quả hoạt động của TV chưa cao, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi hoạt động của TV đang đứng trước thách thức lớn với sự phát triển của các phương tiện nghe - nhìn, cũng như xu hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TV.

d. Xây dựng các vị trí việc làm trong TV. Thực hiện Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 8/5/2012 của Chính phủ Quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập và hướng dẫn của Bộ Nội vụ tại Thông tư số 14/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 41/2012/NĐ-CP, các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hoá, trong đó có TV đã xây dựng Đề án vị trí việc làm trong TV. Dựa trên Thông tư này, các TV có thể xác định được: danh mục và số lượng vị trí việc làm của đơn vị; dự kiến số lượng người làm việc của đơn vị; cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị; mô tả công việc và khung năng lực, kỹ năng của từng vị trí việc làm trong đơn vị.

3. Một số kiến nghị trong quá trình tổ chức thực hiện Thông tư số 18/2014/TTBVHTTDL

Đối với cơ quan quản lý nhà nước

Bộ VHTTDL cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua việc tổ chức các Hội nghị tập huấn, triển khai thực hiện Thông tư 18, đi kèm theo đó là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện Thông tư 18 tại các địa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về TV tại địa phương, Uỷ ban nhân dân các cấp cần tạo điều kiện về mặt nhân lực, kinh phí, cũng như giám sát, đôn đốc các TV thực hiện những quy định của Nhà nước về TV, trong đó có Thông tư 18. Sở VHTTDL, Phòng Văn hoá - Thông tin cần nâng cao vai trò là đơn vị tham mưu quản lý nhà nước về TV tại địa phương, góp phần giúp cho những quy định của văn bản quy phạm pháp luật về TV nói chung và Thông tư 18 nói riêng có thể đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động TV.

Đối với thư viện và cơ quan quản lý thư viện

Để việc triển khai thực hiện Thông tư 18 đúng với tinh thần, ý nghĩa, giá trị của Thông tư như đã nói ở trên, các TV và cơ quan quản lý TV cần lưu ý một số điểm sau:

- Cần phân biệt giữa hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và nhiệm vụ của TV. Thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ là một trong những nhiệm vụ của TV; đồng thời, giúp cho các TV hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật đã quy định. Do vậy, để tránh bỏ sót các đầu việc trong quá trình xây dựng kế hoạch hoạt động TV, cũng như xác định các vị trí việc làm trong TV, ngoài việc dựa trên Thông tư này, các TV cần lưu ý bổ sung thêm nhiệm vụ khác của TV đã được quy định tại Pháp lệnh Thư viện và Nghị định số 72/NĐ-CP/2002 ngày 6/8/2002 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thư viện và các Quy chế mẫu cho từng loại hình TV đã được ban hành theo các Quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL.

- Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 18, cần chú ý tới việc khai thác, vận dụng nội dung quy định tại điều 3 của Thông tư về yêu cầu của việc tổ chức và thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của TV, cũng như khoản 3 của từng điều (từ điều 4 đến điều 13) quy định về yêu cầu đối với từng hoạt động.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nghị định số 72/2002/NĐ-CP ngày 6/8/2002 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện.

2. Thông tư liên tịch số 02/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ Quy định về mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện.

3. Thông tư số 18/2014/TT-BVHTTDL ngày 6/12/2014 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quy định về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện.

4. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Pháp lệnh Thư viện. - H.: Chính trị Quốc gia, 2001.

___________

Lê Tùng Sơn

Vụ Thư viện - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2015. - Số 6. - Tr. 3-7.


Đọc thêm cùng chuyên mục: