Phát triển nguồn nhân lực tại các thư viện đồng bằng sông Hồng:Nghiên cứu trường hợp

E-mail Print

Đặt vấn đề

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông, đặc biệt là việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT hiện đại vào hoạt động thư viện - thông tin (TVTT) đã làm thay đổi hình ảnh của các cơ quan TVTT từ khâu tổ chức, quản lý đến hoạt động nghiệp vụ và gây ảnh hưởng không nhỏ tới công việc của người làm thư viện. Những thành tựu này đã làm chuyển đổi căn bản các phương thức truyền tin, thay đổi đáng kể trong cấu trúc hoạt động của thư viện truyền thống. Vai trò của người làm thư viện trong các cơ quan TVTT lúc này phải là các chuyên gia thông tin có kỹ năng tìm kiếm, khai thác, phân tích, xử lý, đánh giá nguồn tài nguyên thông tin, liên kết tới các nguồn tin trong và ngoài nước để đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin cho người dùng tin và làm tốt hơn nữa công tác phục vụ người dùng tin trong mỗi cơ quan TVTT. Vậy đứng trước những yêu cầu mới đang đặt ra trong kỷ nguyên thông tin, nguồn nhân lực trong các thư viện đã đáp ứng được các yêu cầu về kỹ năng, trình độ, chuyên môn? Họ đã làm tròn vai trò là “hoa tiêu” trên biển cả thông tin mênh mông và rộng lớn? Họ cần làm gì để có thể phục vụ và đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu thông tin cho người dùng tin là câu hỏi đang đặt ra và cần tìm lời giải.

Trong các thư viện khu vực Đồng bằng sông Hồng, tác giả lựa chọn 3 thư viện tiêu biểu: Thư viện Hà Nội - Thư viện của Thủ đô, Thư viện tỉnh Phú Thọ - Thư viện vùng Đất Tổ cội nguồn của Việt Nam, Thư viện tỉnh Quảng Ninh - Thư viện tỉnh ven biển vùng Đông Bắc Việt Nam để đi sâu khảo sát về thực trạng nguồn nhân lực. Qua việc khảo sát, tác giả chỉ ra những ưu điểm và làm rõ những hạn chế, bất cập. Từ đó đề xuất một vài kiến nghị nhằm khắc phục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại 3 thư viện trên, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trước xu thế đổi mới của đất nước, của địa phương.

1. Nguồn nhân lực và vai trò của nguồn nhân lực trong hoạt động thư viện - thông tin

1.1. Nguồn nhân lực

Theo GS. Phạm Minh Hạc thì nguồn nhân lực là “tổng thể tiềm năng lao động của một nước hoặc địa phương sẵn sàng tham gia vào một công việc lao động nào đó” [4].  

Tác giả George T.Milkovich và John W.Boudreau cho rằng “Nguồn nhân lực được hiểu theo nghĩa bao gồm kinh nghiệm, kỹ năng, trình độ đào tạo và những sự tận tâm, nỗ lực hay bất cứ đặc điểm nào khác tạo giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho tổ chức của những người lao động [1].

Tóm lại, nguồn nhân lực là lực lượng trực tiếp tham gia vào quá trình lao động, sản xuất nhằm phục vụ cho bản thân, cho xã hội, cho đất nước.

1.2. Vai trò của nguồn nhân lực trong hoạt động thư viện - thông tin

Tác giả Leigh S. Estabrook cho rằng sự phát triển của CNTT đã làm thay đổi và cho phép sáng tạo ra những cách thức mới trong tổ chức, lưu giữ và cung cấp thông tin, sự kỳ vọng của công chúng về vai trò của thư viện đã tăng lên rõ rệt. Và lúc này công việc của người làm thư viện đã vượt ra khỏi những bức tường thư viện. Họ bắt đầu làm việc với môi trường thông tin như những người bán hàng, nhà thiết kế những hệ thống thông tin mới, nhà nghiên cứu và phân tích thông tin [2].

Về vai trò của người làm thư viện trong kỷ nguyên Internet, ông Maurice J. (Mitch) Freedman - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ đã khẳng định: “Các thư viện công cộng và những nhân viên làm việc tại những thư viện này vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ công chúng tìm kiếm và khai thác “biển cả thông tin” giờ đây đã có thể đến với người dùng tin dễ dàng qua mạng Internet” [3].

Vậy trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên thông tin, nguồn nhân lực tại Thư viện Hà Nội, Thư viện tỉnh Phú Thọ, Thư viện tỉnh Quảng Ninh cần đáp ứng được một số yêu cầu sau: Là người có phẩm chất đạo đức; Có kiến thức, kỹ năng trong tổ chức hoạt động TVTT, có kỹ năng tìm kiếm, phân tích, xử lý thông tin, có kỹ năng hướng dẫn, kỹ năng đánh giá và phục vụ người dùng tin…; Có kiến thức tin học vững vàng, nắm bắt và ứng dụng kịp thời công nghệ mới vào hoạt động TVTT; Thành thạo một ngoại ngữ để có thể giao tiếp, đọc và dịch được tài liệu, cũng như xử lý nguồn tài nguyên thông tin trên mạng; Với người dùng tin hay người làm thư viện phải:

- Là người đàm phán để nhận dạng được các nhu cầu tin;

- Là người tạo điều kiện để cung cấp các chiến lược tìm kiếm hiệu quả;

- Là nhà giáo dục am hiểu các tài liệu ở mọi dạng thức của chúng;

- Là người trung gian thông tin để cung cấp các dịch vụ cho những người mà mình phục vụ.

Bên cạnh đó, họ cũng cần phải trang bị thêm cho mình năng lực thông tin và khả năng thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ để phục vụ người dùng tin có hiệu quả trong môi trường thư viện số, tài nguyên số.

2. Thực trạng nguồn nhân lực tại Thư viện Hà Nội, Thư viện tỉnh Phú Thọ, Thư viện tỉnh Quảng Ninh

Để làm rõ thực trạng nguồn nhân lực tại 3 thư viện trên, tác giả đã tiến hành khảo sát tất cả viên chức đang công tác tại các thư viện này bằng phiếu điều tra. Nội dung phiếu có một số câu hỏi liên quan đến trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tin học của viên chức… Tổng số phiếu được phát ra là 108. Trong đó Thư viện Hà Nội là 63 phiếu, Thư viện tỉnh Phú Thọ là 23 phiếu và Thư viện tỉnh Quảng Ninh là 22 phiếu.

Qua khảo sát về giới tính của nguồn nhân lực, kết quả thu được như sau: Thư viện Hà Nội có 74,6% là nữ, 25,4% là nam; Thư viện tỉnh Phú Thọ 70% là nữ và 30% là nam; Thư viện tỉnh Quảng Ninh 100% là nữ.

Độ tuổi của viên chức cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các thư viện hiện đại. Kết quả khảo sát chỉ ra rằng trong 3 thư viện, viên chức Thư viện tỉnh Phú Thọ có độ tuổi trẻ nhất từ 20-25 chiếm tỷ lệ 21,7%, Thư viện Hà Nội chiếm 3,1%, Thư viện tỉnh Quảng Ninh chiếm 9,1%. Điểm tương đồng giữa các Thư viện là độ tuổi từ 26-30 chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong tổng số viên chức: Thư viện tỉnh Quảng Ninh chiếm gần 60%, Thư viện Hà Nội chiếm 30,1%, Thư viện tỉnh Phú Thọ chiếm 17,4%. Có thể nói đây là độ tuổi đang sung sức, tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng để cống hiến cho công việc của mình. Độ tuổi từ 41 trở lên ở Thư viện tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh hiện chiếm tỷ lệ không nhiều, chỉ có Thư viện Hà Nội có 20/63 viên chức, chiếm 31,7% ở độ tuổi từ 41-50. Với đội ngũ nguồn nhân lực trẻ có lợi thế căn bản là năng động trong việc tiếp thu kiến thức mới về chuyên môn, sự chủ động, sáng tạo, đổi mới trong công việc sẽ giúp các thư viện nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động TVTT.

2.1. Về trình độ học vấn

Về trình độ học vấn hiện nay của các thư viện, theo kết quả khảo sát phần lớn viên chức đều có trình độ từ đại học trở lên, một số người có trình độ sau đại học. Bên cạnh đội ngũ viên chức có trình độ cao thì số viên chức tốt nghiệp cao đẳng đang công tác tại Thư viện tỉnh Quảng Ninh cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ 22,7%, Thư viện Hà Nội 6,35%, Thư viện tỉnh Phú Thọ 4,4%. Việc chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho viên chức mới chỉ tập trung ở đối tượng viên chức làm công tác quản lý và chủ yếu là ở Thư viện Hà Nội, 2 thư viện còn lại chưa được chú trọng nhiều.

2.2. Về trình độ chuyên môn

Qua khảo sát, 75/108 viên chức (chiếm 69,4%) của 3 thư viện là tốt nghiệp chuyên ngành TVTT, Thông tin học, Khoa học Thư viện các hệ đào tạo từ trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Văn hoá Hà Nội, Đại học Nội vụ, Đại học Đông Đô. Có 30,6% (33/108) số viên chức còn lại tốt nghiệp các chuyên ngành khác: CNTT, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp), Kế toán, Việt Nam học, Ngôn ngữ, Hán Nôm, Xuất bản Phát hành, Quản trị kinh doanh, Văn hoá du lịch…

Có thể nói phần lớn nguồn nhân lực tại 3 thư viện trên đều được đào tạo bài bản và đúng chuyên ngành, các chuyên ngành còn lại như CNTT, ngoại ngữ, kế toán đều cần cho các thư viện, tuy nhiên vẫn có một số viên chức tốt nghiệp không đúng chuyên ngành. Mặc dù vậy, những người tốt nghiệp chuyên ngành khác đều được tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ TVTT với thời gian 3 tháng, 1 tuần, 2 tuần… tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Văn hoá Hà Nội. Đặc biệt là số viên chức của Thư viện Hà Nội được cử đi tham gia các khoá đào tạo nghiệp vụ 3 tháng là 23/63 người (chiếm 36,5%).

2.3. Trình độ ngoại ngữ

Ngoại ngữ là một công cụ giao tiếp quan trọng và rất cần thiết hiện nay cho nguồn nhân lực trong thời đại mới để theo kịp với sự phát triển của ngành Thư viện trên thế giới và để thống nhất trong việc sử dụng chung các chuẩn nghiệp vụ về biên mục, mô tả, phân loại… trong chia sẻ, trao đổi dữ liệu với các thư viện trong và ngoài nước. Tác giả đã khảo sát trình độ ngoại ngữ, mức độ sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực tại 3 thư viện và có được kết quả như sau: số viên chức biết ngoại ngữ tiếng Anh chiếm tỷ lệ cao nhất 104/108 viên chức (chiếm 96%), vì tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế phổ biến và thông dụng được nhiều nước trên thế giới sử dụng, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, số viên chức sử dụng tốt và thành thạo ngoại ngữ này để phục vụ cho công việc thì lại không nhiều: Thư viện tỉnh Quảng Ninh có 36%, Thư viện tỉnh Phú Thọ 30%, Thư viện Hà Nội 17%.

Số viên chức sử dụng ngoại ngữ ở mức độ trung bình trong 3 thư viện chiếm tỷ lệ khá cao: Thư viện Hà Nội 80%, Thư viện tỉnh Phú Thọ 70%, Thư viện tỉnh Quảng Ninh 59,1%. Đây là con số mà các thư viện cần xem xét để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho viên chức của mình. Bên cạnh tiếng Anh, một lượng nhỏ viên chức có trình độ ngoại ngữ tiếng Trung, tiếng Pháp. Số viên chức biết 2 ngoại ngữ (Anh-Nga, Anh-Nhật…) không nhiều và những ngoại ngữ này được sử dụng ở cả 3 mức tốt, trung bình và yếu.

2.4. Trình độ tin học

Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào hoạt động TVTT là công việc mà tất cả các cơ quan TVTT trên thế giới và Việt Nam phải liên tục cập nhật và thường xuyên tiến hành. Trình độ tin học của nguồn nhân lực sẽ quyết định đến hiệu quả và chất lượng của hoạt động TVTT. Ngoài số viên chức tốt nghiệp chuyên ngành CNTT trong các thư viện, thì kỹ năng tin học văn phòng và tin học chuyên ngành TVTT của họ cần được đảm bảo để duy trì việc tự động hoá hoạt động TVTT của đơn vị mình, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác phục vụ người dùng tin.

Với 108 viên chức được khảo sát thì phần đông viên chức của Thư viện tỉnh Phú Thọ (73% và 86%), Thư viện Hà Nội (62,1% và 64%) sử dụng thành thạo tin học văn phòng, tin học chuyên ngành TVTT. Thư viện tỉnh Quảng Ninh có tỷ lệ thấp hơn, 32% viên chức thành thạo tin học văn phòng, 5 viên chức có trình độ tin học chuyên ngành (23%), trong đó 2 viên chức sử dụng thành thạo, 3 viên chức sử dụng trung bình.

Kỹ năng tin học văn phòng và tin học chuyên ngành sử dụng ở mức trung bình: Thư viện tỉnh Quảng Ninh chiếm tỷ lệ cao nhất 68% và 60%. Thư viện Hà Nội 36,2% và 36%. Thư viện tỉnh Phú Thọ có tỷ lệ thấp 27,2% và 14,3%. Thư viện Hà Nội còn có 01 viên chức sử dụng tin học văn phòng ở mức độ dưới trung bình.

Kết quả khảo sát cho thấy kỹ năng tin học cả về văn phòng và chuyên ngành của viên chức tại 3 thư viện trên tương đối cao, nhưng số lượng viên chức sử dụng ở mức trung bình vẫn còn nhiều. Vì thế, việc tiếp tục nâng cao trình độ tin học cho nguồn nhân lực cũng cần được các thư viện quan tâm và xem xét.

2.5. Nhận xét

Việc đi sâu khảo sát nguồn nhân lực tại các Thư viện Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh đã cho tác giả có cơ sở khoa học để đưa ra một số nhận xét và đánh giá như sau:

Ưu điểm

Độ tuổi của nguồn nhân lực: Ban Lãnh đạo các thư viện đã từng bước trẻ hoá đội ngũ viên chức của đơn vị mình trong việc tuyển dụng nhân sự, vì thế độ tuổi của nguồn nhân lực đang công tác tại các thư viện này đã có sự thay đổi rõ rệt. Nguồn nhân lực trẻ độ tuổi từ 26-30 chiếm tỷ lệ cao. Với ưu thế về đội ngũ trẻ, việc sáng tạo, đổi mới trong công việc, nhanh chóng tiếp thu, áp dụng các kiến thức mới từ đội ngũ này sẽ giúp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động TVTT cho thư viện.

Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn: Các thư viện đã chuẩn hoá nguồn nhân lực của mình cả về chuyên môn và trình độ học vấn. Số viên chức có trình độ đại học cao, một số có trình độ sau đại học, phần lớn đều tốt nghiệp từ các trường đào tạo về TVTT. Số người có trình độ cao đẳng, trung cấp trong các thư viện không còn nhiều. Số viên chức tốt nghiệp chuyên ngành khác đã được Ban Lãnh đạo thư viện quan tâm cử đi học các khoá bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ TVTT, đặc biệt là Thư viện Hà Nội, 23/63 viên chức được tham gia các khoá học này.

Trình độ ngoại ngữ và tin học: Hầu hết viên chức của các thư viện đều có trình độ ngoại ngữ chủ yếu là tiếng Anh. Kỹ năng tin học văn phòng và tin học chuyên ngành là công cụ làm việc cần thiết mà phần đông viên chức đã được đào tạo và tự trang bị cho mình.

Bên cạnh những ưu điểm nêu trên thì nguồn nhân lực của các thư viện vẫn còn những hạn chế nhất định mà các thư viện cần quan tâm nhiều hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đơn vị mình.

Hạn chế

Giới tính của viên chức: Số lượng nữ trong các thư viện đang chiếm tỷ lệ quá lớn. Đặc biệt là Thư viện tỉnh Quảng Ninh không có cán bộ nam. Việc mất cân bằng về tỷ lệ nam - nữ làm việc trong môi trường này đang cần Ban Lãnh đạo các thư viện suy nghĩ để thay đổi chiến lược trong công tác tuyển dụng viên chức, thu hút thêm nhiều nam giới vào làm việc, tạo điều kiện tối ưu để nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện.

Trình độ chuyên môn: Đội ngũ nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, và tốt nghiệp chuyên ngành khác đã được thư viện cử đi học các khoá đào tạo bồi dưỡng về TVTT. Tuy nhiên, nhu cầu được học tập để cập nhật, bổ sung các kiến thức mới, tham gia các khoá học nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, tham dự hội nghị, hội thảo… của viên chức hiện nay là rất lớn. Các lĩnh vực được viên chức đề cập nhiều ở đây là công tác xử lý tài liệu, kỹ năng phục vụ người dùng tin, công tác tuyên truyền giới thiệu tài liệu, tổ chức bộ máy tra cứu tin, marketing các sản phẩm, dịch vụ TVTT.

Trình độ ngoại ngữ: Mặc dù hầu hết viên chức biết 01 ngoại ngữ là tiếng Anh, nhưng sử dụng ngoại ngữ này ở mức độ thành thạo còn ít. Đáng lưu ý là Thư viện Hà Nội chỉ có 17% sử dụng thành thạo. Số viên chức có trình độ ngoại ngữ ở mức trung bình lại cao, câu hỏi đặt ra ở đây “Liệu viên chức có thể sử dụng ngoại ngữ để phục vụ cho công việc của thư viện, trao đổi, hợp tác với các thư viện nước ngoài, tham gia viết bài, tham dự vào các hội thảo quốc tế, các khoá đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ở nước ngoài…?”. Vì thế, ngoài việc nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, tin học thì có 20,3% viên chức của Thư viện Hà Nội đề nghị được tham gia các khoá đào tạo về ngoại ngữ ở trong và ngoài nước.

Trình độ tin học văn phòng và tin học chuyên ngành TVTT: như kết quả phân tích ở trên thì mức độ thành thạo về tin học văn phòng và tin học chuyên ngành TVTT của Thư viện tỉnh Quảng Ninh còn yếu so với 2 thư viện còn lại, vì thế số viên chức sử dụng tin học ở mức trung bình của Thư viện này chiếm tỷ lệ cao. Chính vì thực trạng này mà viên chức của Thư viện tỉnh Quảng Ninh có nhu cầu được nâng cao trình độ tin học cả về văn phòng và chuyên môn.

3. Một số đề xuất để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các thư viện

Xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý: Nguồn nhân lực là một trong bốn yếu tố cấu thành thư viện, họ được xem là “linh hồn” của thư viện, hoạt động của thư viện có hiệu quả hay không thì yếu tố con người giữ vai trò chủ đạo. Trong công tác tuyển dụng nhân sự, viên chức được tuyển dụng phải phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thư viện. Đảm bảo các tiêu chí tuyển dụng để lựa chọn được những viên chức có trình độ tốt về chuyên môn, giỏi về tin học và ngoại ngữ; Có cơ chế đãi ngộ và chính sách hợp lý để thu hút và tuyển dụng được viên chức là nam giới về làm việc tại thư viện; Cần trẻ hoá đội ngũ viên chức có năng lực khi quy hoạch viên chức quản lý. Đặc biệt, cần có sự phân công lao động phù hợp với trình độ của mỗi người để công việc thu được kết quả tốt nhất.

Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực: Thư viện cần chú trọng hơn nữa vào việc nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức. Tiếp tục cử viên chức tham gia vào các khoá tập huấn, bồi dưỡng về TVTT. Viên chức được cử đi học phải là những người đang trực tiếp làm các công việc có liên quan đến chương trình, nội dung của các khoá đào tạo, tập huấn, giúp phát huy tốt khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.

Các thư viện có thể phối hợp với các cơ sở đào tạo tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Văn hoá Hà Nội…, phối hợp với Vụ Thư viện, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Liên hiệp thư viện để tổ chức các khoá tập huấn, hội thảo, toạ đàm… nâng cao trình độ cho viên chức ngay tại thư viện mình.

Bên cạnh đó, cần tăng cường việc nâng cao trình độ ngoại ngữ và tin học cho viên chức, tạo điều kiện thuận lợi cho viên chức tham gia các khoá đào tạo trong nước và nước ngoài. Các thư viện cần lưu ý trong việc trang bị kiến thức tin học chuyên ngành TVTT cho viên chức. Việc tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm thư viện điện tử cần triển khai đến tất cả viên chức trong thư viện, vì quá trình tự động hoá hoạt động TVTT liên quan tới tất cả công đoạn từ khâu bổ sung, xử lý, tổ chức, bảo quản, đến tra cứu, phục vụ người dùng tin…

Hàng năm việc đào tạo viên chức nên có kế hoạch, không nên chú trọng vào một số người nhất định hay chỉ là viên chức quản lý, mà cần phải tạo cơ hội cho các viên chức khác phát huy khả năng và năng lực của mình khi họ có nhu cầu học tập.

Kết luận

Con người vừa là động lực, vừa là chủ thể của sự phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn nhân lực là nhân tố quyết định cho sự thành công trong mọi hoạt động nói chung và hoạt động của cơ quan TVTT nói riêng. Với nguồn nhân lực mà tác giả tiến hành khảo sát tại Thư viện Hà Nội, Thư viện tỉnh Phú Thọ, Thư viện tỉnh Quảng Ninh, có thể nói lực lượng này đã đóng góp không nhỏ công sức, trí tuệ của mình vào sự phát triển chung của thư viện. Hy vọng rằng, trong thời gian tới các thư viện sẽ xây dựng được một nguồn nhân lực lớn mạnh, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, trình độ tin học và ngoại ngữ cao để có thể đáp ứng tốt nhu cầu thông tin cho đông đảo người dùng tin trên địa bàn. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của những thư viện này sẽ góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển cho ngành Văn hoá của đất nước nói chung, của sự nghiệp TVTT nói riêng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. George T.Milkovich John W.Boudreau.Quản trị nguồn nhân lực. - H.: Nxb. Thống kê, 2002.

2. Leigh S. Estabrook.The changing role of libraries. http://www.britannica.com/topic/library.

3. Nguyễn Thị Ngọc Mai.Vai trò và những yêu cầu mới đối với cán bộ thư viện thông tin trong kỷ nguyên Internet. http://thuvien.ufm.edu.vn/?Artic- leId=29a0f0bc-8254-4517-a1fd-af103a769f74.

4. Phạm Minh Hạc.Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực đi vào Công nghiệp hoá, hiện đại hoá. - H.: Chính trị Quốc gia, 2001. - Tr. 268-271.

________________________

TS. Nguyễn Thị Kim Dung

Khoa Thông tin - Thư viện, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 5. - Tr. 51-55.


Đọc thêm cùng chuyên mục: