Nhu cầu đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ cán bộ thư viện công cộng

Print

Mở đầu

Cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ cán bộ thư viện công cộng (TVCC) đã trưởng thành về cả chất lượng và số lượng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Hệ thống thư viện công cộng Việt Nam. Tuy nhiên, trước sự đòi hỏi mới của đất nước cùng với xu thế quốc tế hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông, đội ngũ này cần được nâng cao một bước mới có thể đảm đương được chức năng mà Đảng và Nhà nước giao phó hiện nay.

Để có kế hoạch đào tạo toàn diện và hệ thống cho đội ngũ cán bộ TVCC, một nghiên cứu điều tra bằng phiếu hỏi nhằm đánh giá năng lực và nhu cầu đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ (BDNV) của đội ngũ cán bộ TVCC đã được tiến hành năm 2012.

Dữ liệu được thu thập bằng cách gửi 2 mẫu phiếu đến các thư viện tỉnh, mỗi thư viện tỉnh sẽ làm đầu mối thu thập 10 phiếu tập thể và 10 phiếu cá nhân trong địa bàn của mình theo yêu cầu và gửi về Vụ Thư viện. Chúng tôi tập hợp và phân tích kết quả dựa trên 350 phiếu phản hồi, gồm 150 thư viện cấp tỉnh, cấp huyện và 200 cán bộ thư viện (CBTV). Dưới đây là các kết quả thu được, cùng với kết quả phân tích số liệu báo cáo và trao đổi trực tiếp với chuyên gia trong ngành, về thực trạng đội ngũ cán bộ, nhu cầu đào tạo BDNV đội ngũ cán bộ này.

1. Thực trạng đội ngũ cán bộ thư viện công cộng

Tổng số CBTV cấp tỉnh, quận, huyện có gần 2.000 cán bộ [5], trong đó:

Về số lượng và trình độ cán bộ

- Cấp tỉnh: Tổng số CBTV cấp tỉnh có khoảng 1.000 người. Trừ một số thư viện (TV) nhỏ có từ 6-15 cán bộ, đa số TV có trung bình 15-20 cán bộ; ngoại trừ Thư viện Quốc gia Việt Nam (trên 170 người) và Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh (gần 120 người). Số cán bộ trình độ đại học đạt tỷ lệ 80%, trong đó: khoảng 85% tốt nghiệp ngành thư viện - thông tin, trình độ sau đại học khoảng 5%.

- Cấp huyện: Với tổng số khoảng 1.000 cán bộ. Trung bình 1,5 cán bộ / thư viện, nhiều TV chỉ có 1 cán bộ, trong khi chỉ tiêu biên chế cho mỗi TV là 3 cán bộ. Trình độ đào tạo: 40% trình độ đại học (chủ yếu được đào tạo tại chức), còn lại là trình độ trung cấp hoặc tương đương, trong đó chỉ có 45% được đào tạo chuyên ngành thư viện - thông tin.

Về độ tuổi cán bộ

- Số cán bộ từ 40 tuổi trở lên chiếm 65% ở TV tỉnh, 44% ở TV huyện. Con số này cho thấy bên cạnh lợi thế về kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp truyền thống (như phân loại, tổ chức kho sách, cho mượn...), các kiến thức chuyên môn cập nhật và kỹ năng CNTT rất cần thiết phải đào tạo. Mặt khác, những thay đổi nhanh chóng hiện nay đang tác động đến nghề TV không dễ được chấp nhận bởi các TVCC do thói quen làm việc đã có từ lâu (bảng 1).

Bảng 1. Thành phần CBTV theo độ tuổi

alt

Chuyên ngành và cấp bậc đào tạo

Số liệu thống kê cho thấy: Trong hệ thống TV cấp tỉnh và cấp huyện, cán bộ được đào tạo từ nhiều ngành, với trình độ khác nhau như tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp, trong đó số cán bộ không được đào tạo về TV chiếm 30% ở TV tỉnh và 25% ở TV huyện. Ngoài ra, chỉ có gần 50% cán bộ TV cấp huyện có trình độ đại học, còn lại là trình độ trung cấp hoặc phổ thông trung học (bảng 2).

Bảng 2. Thành phần CBTV theo đào tạo

alt

Về trình độ tin học

Kết quả điều tra tập thể cho thấy 68% số cán bộ ở TV tỉnh có trình độ tin học, trong đó 13% cơ bản, 55% nâng cao, trong khi TV huyện có 58% số cán bộ biết tin học nhưng đa số ở trình độ cơ sở 48%, nâng cao chỉ có 10% (biểu đồ 1).

Biểu đồ 1: Trình độ tin học của cán bộ TV tỉnh và TV huyện (điều tra TT)

alt

Trong khi đó, kết quả điều tra cá nhân cho thấy số lượng cán bộ có trình độ tin học cơ bản có phần cao hơn khoảng 82% với TV tỉnh và 71% với TV huyện (biểu đồ 2).

Biểu đồ 2: Trình độ tin học của cán bộ thư viện tỉnh và thư viện huyện (điều tra CN)

alt

Điều này không mâu thuẫn, vì tỷ lệ thấp ở tập thể là tính trên tổng cán bộ của cả thư viện, bao gồm cả những nhân viên kỹ thuật, đó có thể là nhóm cán bộ không hoặc ít thuộc diện đào tạo nghiệp vụ nên không tham gia điền phiếu.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy CNTT trong TV là mảng kiến thức và kỹ năng còn yếu đối với không chỉ các TV cấp huyện, mà cả cấp tỉnh. Mặc dù thời gian gần đây các TVCC đã quan tâm đến việc tuyển dụng cán bộ được đào tạo về CNTT để vận hành các hệ thống tin học hóa TV, song vì nhiều lý do điều này chưa cải thiện được. Ngoài việc tỷ lệ cán bộ có trình độ CNTT ít, một con số khác cũng đáng suy nghĩ là trong số CBTV tham gia điều tra, không ai có trình độ thạc sĩ CNTT.

Về trình độ ngoại ngữ

Kết quả điều tra cho thấy trình độ ngoại ngữ của cán bộ TV cấp tỉnh và huyện còn yếu, số cán bộ có trình độ đại học ngoại ngữ rất ít, một số có trình độ C, còn lại chủ yếu là trình độ B. Bên cạnh đó, công tác BDNV trong Hệ thống TVCC hiện nay chỉ đào tạo về nghiệp vụ TV, quản lý TV và tự động hóa TV... chưa chú trọng đào tạo về ngoại ngữ.

2. Nhu cầu đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ thư viện công cộng

Từ phân tích dữ liệu thu được cho thấy nhu cầu đào tạo BDNV cán bộ TVCC có những đặc điểm sau đây:

- Đối tượng đào tạo:

Nhu cầu đào tạo kể cả cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn trong các TVCC rất lớn: trên 90% các thư viện (93% TV tỉnh và 88% TV huyện) có nhu cầu đào tạo cán bộ thường xuyên.

- Nội dung đào tạo:

Quản lý thư viện: Kiến thức về pháp luật, tâm lý học trong quản lý, kiến thức và kỹ năng quản lý...

Chuyên môn nghiệp vụ: Các chuẩn nghiệp vụ TV mới, tổ chức các dịch vụ mới của TV trong môi trường ứng dụng CNTT...

Tin học: Quản trị mạng, thiết kế xây dựng trang Web (nội dung trang web), tra cứu tìm tin trên mạng Internet, sử dụng các phần mềm chuyên ngành...

Biểu đồ 3: Nhu cầu đào tạo cán bộ TVCC cấp tỉnh và huyện (điều tra tập thể)

alt

Biểu đồ 4: Nhu cầu đào tạo CBTV ở TV tỉnh và TV huyện (điều tra cá nhân)

alt

Về đào tạo CNTT

Dưới góc độ tập thể, nhu cầu đào tạo nâng cao và cơ bản về CNTT cho các bộ TV cấp tỉnh tương ứng là 86% và 11%, với cán bộ TV cấp huyện là 36% và 52% (biểu đồ 5). Theo ý kiến cá nhân, nhu cầu đào tạo CNTT có khác đi đôi chút nhưng không mâu thuẫn với ý kiến tập thể. Ở các TV huyện có 46% cán bộ có nhu cầu đào tạo cơ bản và 50% có nhu cầu đào tạo nâng cao về CNTT, trong khi con số đó ở TV tỉnh tương ứng là 24% và 69% (biểu đồ 6).

Biểu đồ 5:. Nhu cầu đào tạo về CNTT của CBTV tỉnh và huyện (điều tra tập thể)

alt

Biểu đồ 6: Nhu cầu đào tạo CNTT của cán bộ thư viện công cộng.

alt

Về đào tạo ngoại ngữ

Tiếng Anh có nhu cầu đào tạo lớn ở cả hai nhóm TV tỉnh và huyện: tương ứng với các mức độ A-B-C tỷ lệ yêu cầu đào tạo là 8% - 40% - 51% với TV tỉnh và 40% - 48% - 7% đối với TV huyện. Tiếng Pháp và tiếng Nga, trừ tiếng Pháp B và tiếng Nga A có 8% yêu cầu, còn hầu hết từ 0- 6%. Điều này cho thấy việc đào tạo tiếng Anh là rất cần thiết.

Bảng 3. Nhu cầu đào tạo ngoại ngữ của CBTV tỉnh và huyện (điều tra tập thể)

alt

Với điều tra cá nhân, nhu cầu đào tạo tiếng Anh cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất: tương ứng với các mức độ A-B-C tỷ lệ yêu cầu đào tạo là 30% - 52% - 18%. Tiếng Pháp và tiếng Nga có ít nhu cầu đào tạo (tất cả các mức độ A-B-C của mỗi thứ tiếng chỉ có 1% - 5% số thư viện được hỏi có nhu cầu).

Mức độ đào tạo

Có 30% số người được hỏi muốn được đào tạo cơ bản, trong khi 70% muốn được đào tạo chuyên sâu các kỹ năng nghề nghiệp.

Thời gian đào tạo

Có tới 68% số cán bộ được hỏi muốn tham gia các khóa học trong vòng 1 tuần (5 ngày). Cán bộ quản lý do thời gian eo hẹp, hoặc một số cán bộ thư viện cấp huyện chỉ có 1 người muốn được tham gia các khóa học từ 1-3 ngày (~40%). Khóa học 2-3 tuần có 17% số người quan tâm.

3. Kiến nghị

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, yêu cầu đào tạo BDNV cho đội ngũ cán bộ TVCC lớn và cấp thiết. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh các chương trình và kế hoạch đào tạo BDNV thường xuyên, việc xây dựng và triển khai Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thư viện công cộng đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa” cần được tiến hành sớm.

Xuất phát từ kết quả nghiên cứu về thực trạng và nhu cầu đào tạo BDNV của cán bộ TVCC, chúng tôi có một số kiến nghị như sau:

a. Nên xây dựng các chương trình đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ dành riêng cho từng nhóm đối tượng khác nhau

Chương trình dành cho đội ngũ cán bộ quản lý các TVCC

+ Nội dung: Cập nhật kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước và quản lý TV; kiến thức chuyên môn nghiệp vụ mới; các kỹ năng mềm (thuyết trình, tổ chức công việc hiệu quả, đàm phán...).

+ Phương thức thực hiện: Kết hợp đào tạo trong nước (dưới hình thức các khóa học hoặc hội thảo đào tạo 2-3 ngày, tham quan khảo sát thực tiễn) với đào tạo ở nước ngoài (tham gia các khóa học, hội thảo, khảo sát...).

Chương trình dành cho đội ngũ cán bộ chuyên môn chủ chốt của các TVCC

+ Nội dung: Đào tạo bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu; kiến thức chuyên môn, các chuẩn nghiệp vụ mới; các kỹ năng mềm (giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình...).

+ Phương thức: Đào tạo trong nước - tổ chức các khóa học theo các chuyên đề được thiết kế từ thấp đến cao có hệ thống, mỗi chuyên đề tổ chức trong 1 tuần; hội thảo khoa học theo chuyên đề; tham quan khảo sát thực tế. Đào tạo ở nước ngoài: cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài.

Chương trình dành cho cán bộ mới vào nghề và cán bộ không được đào tạo khởi đầu về TV

+ Nội dung: Các kỹ năng nghiệp vụ cơ bản của dây chuyền TV. Mỗi kỹ năng đào tạo trong 1 tuần.

+ Phương thức: Các khóa đào tạo tập trung, kết hợp với khảo sát thực tế.

b. Chương trình đào tạo tin học và ngoại ngữ

- Nội dung: Kiến thức và kỹ năng tin học cơ bản và tin học TV; tiếng Anh chuyên ngành TV.

- Phương thức: Tổ chức các khóa học trong nước thiết kế theo yêu cầu; với cán bộ quản lý, khuyến khích tham gia đào tạo ở nước ngoài.

c. Tài liệu đào tạo

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, song song với việc tổ chức các khóa đào tạo, cần xây dựng có hệ thống các tài liệu giảng dạy và học tập cũng như tài liệu tham khảo nghiệp vụ nhằm nâng cao khả năng đào tạo và tự đào tạo của cán bộ TV trong hệ thống.

d. Tổ chức đào tạo

Hình thức đào tạo chủ yếu là tập trung, các lớp tập huấn nên được tổ chức theo khu vực để tiện cho học viên tham gia lớp học và tiết kiệm kinh phí.

Hy vọng rằng, các kết quả thu được từ điều tra nghiên cứu về thực trạng và nhu cầu đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ TVCC, các kiến nghị đề xuất sẽ là cơ sở thực tiễn góp phần quan trọng cho việc xây dựng và thực thi có hiệu quả Đề án “Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ thư viện công cộng đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, một “cú hích” quan trọng để đội ngũ cán bộ TVCC Việt Nam hoàn thành tốt trọng trách của mình trước các yêu cầu mới hiện nay.

Tài liệu tham khảo

1. Kết quả điều tra thực trạng và nhu cầu đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ thư viện công cộng (do Vụ Thư viện tiến hành năm 2012).

2. Nguyễn Thị Hạnh. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cán bộ thông tin-thư viện của hệ thống Thông tin KH&CN Quốc gia: Báo cáo tổng kết đề tài NCKH cấp Bộ. - H. : Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, 2011.

3. Nguyễn Thị Thanh Mai. Đội ngũ cán bộ Thư viện công cộng: Thực trạng và giải pháp xây dựng và nâng cao chất lượng // Tạp chí Thông tin&Tư liệu. - 2009. - Số 1. - Tr. 21-24.

4. Quyết định số 10/2007/QĐ-BVHTT ngày 4/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

5. Vụ Thư viện. Tổng quan nhu cầu đào tạo trong hệ thống thư viện công cộng Việt Nam 2011-2012.

__________

ThS. Nguyễn Thị Thanh Mai, ThS. Nguyễn Thị Hạnh

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 5. - Tr. 3-7.


Đọc thêm cùng chuyên mục: