Nguyên tắc định hướng xây dựng tiêu chuẩn thư viện đại học ở Việt Nam

E-mail Print

Tiêu chuẩn dành cho thư viện (TV) các trường đại học là bộ tài liệu cung cấp các yêu cầu, chỉ dẫn nhằm bảo đảm TV tại các trường đại học hoạt động đồng bộ, thực hiện đầy đủ vai trò và trách nhiệm của mình. Mặt khác, đây cũng là công cụ hữu hiệu trong việc quản lý, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động của các thư viện đại học (TVĐH). Trên thế giới, việc triển khai áp dụng các bộ tiêu chuẩn cho TV các trường đại học đã trở nên phổ biến, tuy nhiên, cho tới nay ở Việt Nam vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn chung nào dành cho các TVĐH. Một bộ tiêu chuẩn dành cho TV các trường đại học sẽ được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản. Bài viết tập trung bàn về bốn nhóm nguyên tắc căn bản, định hướng cho việc xây dựng và phát triển bộ tiêu chuẩn dành cho TVĐH ở Việt Nam: quản trị TV; giáo dục; tài nguyên thông tin; không gian và hạ tầng công nghệ.

1. Tại sao phải nhanh chóng xây dựng bộ tiêu chuẩn dành cho thư viện các trường đại học?

Trên thế giới, việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn TV đã được thực hiện từ rất lâu và khá phổ biến bởi cộng đồng TV các trường đại học nhằm thực hiện các mục đích: tăng cường hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh trao đổi/ chia sẻ nguồn lực và đồng bộ hệ thống. Thực tế này vẫn đang được coi là xu hướng chủ đạo trong sự phát triển của các TV nói chung và của TV các trường đại học nói riêng.

Ở nước ta, những tồn tại trong hoạt động của các TVĐH được chỉ ra qua những nghiên cứu gần đây bắt nguồn từ rất nhiều các lý do, trong số đó việc thiếu vắng tiêu chuẩn TVĐH được coi là một trong những lý do chủ yếu. Thực tế, các TVĐH đang thiếu chuẩn để hoạt  động một cách đồng bộ, thống nhất và đặc biệt là đang thiếu cơ sở để đánh giá chất lượng và mức độ hiệu quả thực hiện.

TV được coi là nhân tố không thể thiếu trong cơ cấu tổ chức của một trường đại học với vai trò giáo dục kiến thức thông tin và phục vụ học liệu cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập trong trường. Có thể nói, chất lượng và hiệu quả hoạt động của trường đại học và TV của trường đại học đó tỷ lệ thuận với nhau. Vì thế, TV luôn luôn là nhân tố được ưu tiên phát triển hàng đầu của một trường đại học.

Trong lịch sử phát triển của mình, về mặt pháp lý, TVĐH ở Việt Nam chưa có bộ  tiêu chuẩn đánh giá nào được công bố chính thức và rộng rãi. Tính cho đến nay, có một số văn bản chỉ đạo của Nhà nước về công tác tổ chức và hoạt động của TVĐH. Cụ thể, năm 1986, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã ra Quy định về tổ chức và hoạt động của TV trường đại học (ban hành kèm Quyết định số 688/QĐ ngày 14/7/1986) và năm 2008, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã thông qua Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động TV trường đại học trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, Khoá XI (ban hành theo Quyết định số 13/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 10/3/2008). Tuy nhiên, những văn bản này mới chỉ ra vai trò quan trọng của TV trong trường đại học và đưa ra các quy định về cơ cấu tổ chức quản lý, các quy trình nghiệp vụ, chứ chưa thể coi là bộ tiêu chuẩn dành cho TV các trường đại học [3]. Gần đây, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, Khoá XI bàn về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” cũng được coi là cơ sở cho việc xây dựng và phát triển tiêu chuẩn TVĐH, bởi theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở trình độ đại học và  sau đại học, TV là một trong 10 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học (Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học 65/2007/QĐ-BGDĐT).

Những lý do nêu trên cho thấy việc xây dựng và phát triển bộ tiêu chuẩn dành cho TV các trường đại học là việc cần được đánh giá đúng mức tầm quan trọng và cần được thực hiện ngay.

2. Cấu trúc bộ tiêu chuẩn thư viện

Một bộ tiêu chuẩn hoàn chỉnh dành cho TV các trường đại học, về cơ bản được xây dựng theo cấu trúc phân nhánh hữu cơ từ các nguyên tắc, các chỉ số thực hiện, cho đến những minh chứng. Bài viết này chỉ tập trung bàn các nguyên tắc định hướng cho bộ tiêu chuẩn dành cho TVĐH ở Việt Nam nói riêng, các chỉ số thực hiện cùng các minh chứng chưa được đề cập đến bởi những yếu tố này thường gắn liền và phản ánh đặc thù của từng TVĐH.

Các nguyên tắc, tiêu chuẩn TVĐH cần bao hàm đầy đủ các nội dung về quản trị, duy trì và phát triển TV sao cho hiệu quả, gắn liền với xu thế phát triển chung của ngành TV trong nước, trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác, các nguyên tắc này cũng cần được thể hiện cô đọng, súc tích và đặc biệt phù hợp với đặc thù TV các trường đại học vốn tập trung vào ba nội dung chính là học tập, giảng dạy và nghiên cứu. Về cơ bản, các nguyên tắc này được chia thành bốn nhóm: quản trị TV, giáo dục, tài nguyên thông tin, không gian và hạ tầng công nghệ [8].

3. Các nhóm nguyên tắc

Quản trị thư viện

Định hướng phát triển TV gắn liền với định hướng phát triển của trường: TV cần chỉ rõ sự định hướng phát triển và các sản phẩm đầu ra của mình đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của trường, đồng thời đưa ra những giải pháp khả thi nhằm cải thiện và tăng cường sự phát triển của nhà trường. Sản phẩm đầu ra của TV chính là các sản phẩm, dịch vụ, chương trình đào tạo của TV được xây dựng và phát triển trên cơ sở gắn liền với mục tiêu, tầm nhìn, định hướng và các chương trình cụ thể của một trường đại học. Điều này đồng nghĩa với xu hướng: các sản phẩm đầu ra cần phải hướng tới việc tăng cường hiệu quả hoạt động dạy - học - nghiên cứu của cán bộ, sinh viên và học viên trong môi trường học thuật. Ngoài ra, TV còn có thể tham gia tư vấn và xây dựng định hướng chiến lược trong việc tuyển sinh, thời gian và lộ trình học tập, cùng những tiêu chí đánh giá mức độ thành công của người học. Nói cách khác, TV cần phải chứng minh được vai trò và những giá trị cốt yếu của mình trong việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của trường đại học [8].

Quản lý: TV có kế hoạch và lộ trình thực hiện từ tổng quan đến cụ thể, đồng thời thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả quá trình hoạt động và công khai kết quả đánh giá này trước nhà trường để cho thấy TV đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình hay chưa.

Mục tiêu và phương châm hành động của TV phải gắn liền với mục tiêu và lộ trình của trường đại học. Tuy nhiên, TV phải được quyền tự chủ về nhân lực và tài chính cùng việc vận hành các nguồn lực này sao cho hiệu quả. Nhằm tăng cường chất lượng phục vụ, giảm thiểu gánh nặng chi phí, chia sẻ tài nguyên và kết nối tạo lập các mối quan hệ, TV cần phải liên kết với các đối tác khác nhau, đặc biệt là với TV các trường đại học có cùng ngành đào tạo. Trên cơ sở tầm nhìn, nhiệm vụ chiến lược, mục tiêu phát triển gắn liền với chủ trương của trường đại học chủ quản, TV phải đưa ra được kế hoạch hành động cùng với các phương pháp đánh giá hiệu quả quá trình thực hiện của những kế hoạch này. Các phương pháp đánh giá có thể dựa trên nhiều cơ sở khác nhau, nhưng một trong những cơ sở không thể thiếu đó là ý kiến phản hồi của người dùng tin (NDT), đặc biệt là những đối tượng NDT mà TV hướng đến.

Quản trị thông tin chuyên nghiệp: TV phải tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các nội dung về quyền tự do trong khai thác và sản sinh tri thức, bản quyền và giá trị quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ tính riêng tư và bảo mật của NDT, tăng cường hợp tác và phát triển các dịch vụ, lấy NDT làm trung tâm.

TV cần phải kiểm duyệt toàn bộ tài nguyên mình có, nắm rõ về số lượng, hiểu sâu về chất lượng, minh bạch và bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền. Đặc biệt, TV phải bảo đảm nguồn tài nguyên phù hợp với nhu cầu của NDT trong môi trường học thuật đại học. Bên cạnh đó, việc bảo đảm quyền lợi chính đáng của mỗi NDT và bảo đảm quyền riêng tư/ bảo mật cá nhân cũng phải được nhìn nhận và thực hiện nghiêm túc. Một trong những chức năng quan trọng của TV nhằm thể hiện giá trị chuyên nghiệp của mình đó là hỗ trợ ngăn chặn vấn đề đạo văn diễn ra trong trường đại học thông qua việc đưa ra các giải pháp về công nghệ kết hợp với giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức NDT. TV còn phải cam kết vận hành theo hướng tiếp cận lấy NDT làm trung tâm, chứng minh được vai trò trung tâm của NDT trong tất cả các khía cạnh tổ chức và phát triển dịch vụ, phổ biến thông tin trực tuyến cũng như trực tiếp [12].

Khuyến khích NDT khám phá: TV khuyến khích NDT khám phá thông tin ở tất cả các định dạng thông qua việc sử dụng hiệu quả công nghệ và kỹ năng tổ chức thông tin.

Để kích thích và khơi gợi mong muốn khám phá tri thức, tìm hiểu thông tin đối với NDT, TV cần cung cấp và quảng bá các dịch vụ thông tin sao cho NDT biết đến và có thể tiếp cận dễ dàng, khám phá hiệu quả. Một trong những kênh quảng bá về nguồn lực thông tin phổ biến đó là sử dụng trang web hoặc cổng thông tin của trường đại học, đồng thời quảng bá trên một số trang web mà cán bộ, sinh viên, học viên trong trường hay truy cập. Bên cạnh đó, việc tận dụng các công cụ truyền thông và phần mềm xã hội vào công việc này cũng đang thể hiện ưu thế vượt trội và hiệu quả nhất định. Để NDT có thể tiếp cận đúng cách và dễ dàng, TV cần cung cấp những chỉ dẫn khoa học, chi tiết, cụ thể cùng với nhiều kênh truy cập thông tin tiện dụng. TV cũng cần phải cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ sao cho bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng về thói quen truy cập và khám phá thông tin của NDT. Ngoài ra, TV cần bảo đảm hỗ trợ trực tiếp NDT qua các kênh khác nhau (Internet, điện thoại…) nhằm giúp họ thoả mãn nhu cầu tin.

Phát triển nhân sự: TV phải tuyển dụng đủ số lượng và chất lượng nhân sự nhằm bảo đảm hoàn thành tốt công việc theo đúng lộ trình đặt ra, đồng thời bắt kịp sự thay đổi liên tục của ngành nghề nói riêng và của xã hội nói chung.

Tương ứng với mỗi vị trí tại TV, người làm TV cần có đủ kiến thức và những kỹ năng căn bản để đảm trách công việc của mình về chuyên môn nghiệp vụ TV cũng như kỹ năng kiến thức căn bản về công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, người làm TV cần được trang bị kiến thức cơ bản về ít nhất một chuyên ngành đào tạo của trường đại học, đây sẽ là cơ sở để người làm TV kết hợp với các đơn vị đào tạo trong trường triển khai các chương trình, khoá đào tạo kiến thức và kỹ năng thông tin.

Giáo dục

TV đóng vai trò không thể thiếu trong việc thực hiện chức năng giáo dục của trường đại học nhằm phát triển và hỗ trợ NDT về kiến thức thông tin, từ đó họ có thể khám phá, khai thác và sử dụng thông tin một cách hiệu quả cho hoạt động học tập, nghiên cứu và quá trình học tập suốt đời.

Trên cơ sở các nguồn tài nguyên và dịch vụ hiện có, TV kết hợp với các khoa/ bộ môn/ đơn vị trực thuộc trường để đào tạo cho sinh viên các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết cho việc học tập và khai thác thông tin hiệu quả. Theo đó, TV còn kết hợp với các khoa đào tạo nhằm tích hợp các chuẩn đầu ra về kiến thức thông tin vào các chương trình đào tạo, các khoá học của sinh viên. TV cũng đưa ra các mô hình giảng dạy phù hợp cho việc giảng dạy trên lớp, giảng dạy trực tuyến và các hình thức giảng dạy khác. Các mô hình này vừa được ứng dụng trực tiếp trong việc đào tạo NDT qua các khoá học, vừa là mô hình tham khảo cho các khoa/ bộ môn giảng dạy có thể áp dụng cho hoạt động giảng dạy của mình. Song song cùng các mô hình này, TV cũng cần cung cấp các chỉ dẫn với nhiều ngữ cảnh khác nhau, môi trường khác nhau và phương pháp giáo dục khác nhau sao cho phù hợp với đặc thù đào tạo tại các khoa trong trường. Ngoài ra, TV cũng có trách nhiệm cung cấp các khoá học kỹ năng thông tin, cung cấp các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động giảng dạy và đặc biệt là nghiên cứu cho các giảng viên trong trường, đây cũng là hoạt động giúp cho sự phát triển và lớn mạnh về chuyên môn cho các khoa.

Tài nguyên thông tin

TV cung cấp quyền truy cập hợp lệ tới toàn bộ NDT trong trường, tạo điều kiện tốt nhất để họ có thể khai thác tài nguyên TV. Tài nguyên TV phải bảo đảm về chất lượng, thể hiện độ sâu chuyên môn, sự đa dạng về nội dung và hình thức thể hiện. Đặc biệt, nội dung tài nguyên cần được cập nhật thường xuyên nhằm hỗ trợ hiệu quả hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu tại trường [13].

Với tư cách là trung tâm học liệu của trường đại học, TV cần xây dựng và phát triển tài nguyên thích hợp với những lĩnh vực nghiên cứu, các chương trình đạo tạo và các thế mạnh đào tạo của trường. Các tài nguyên này cần được lưu trữ và quản lý dưới nhiều định dạng khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho NDT tiếp cận trực tiếp hoặc truy cập qua mạng dễ dàng. Tương ứng với mỗi định dạng tài liệu, cần xác định và thống nhất tiêu chuẩn chung trong việc xử lý, lưu trữ, phổ biến và khai thác. Bên cạnh những bộ sưu tập TV tự tạo lập và phát triển, việc TV trả phí mua quyền truy nhập các cơ sở dữ liệu trực tuyến có chất lượng, phù hợp với ngành đào tạo trong trường cũng cần được thực hiện nghiêm túc và bài bản. Với nguồn lực thông tin của mình, TV phải bảo đảm phân quyền truy cập thích hợp tới các loại tài liệu khác nhau. Việc truy cập tới các bộ sưu tập không chỉ được tạo điều kiện tối đa về trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin, mà còn được tạo điều kiện tốt nhất về mặt thời gian truy cập cho NDT [4].

Không gian và hạ tầng công nghệ

Không gian: TV là nơi chia sẻ trí tuệ học thuật, nơi mà NDT tương tác với những ý tưởng qua không gian ảo và không gian thực nhằm mở rộng hoạt động học tập và tạo điều kiện cho việc sáng tạo ra tri thức mới.

TV cần thiết kế không gian điều hướng trực quan nhằm hỗ trợ tính chủ động của NDT theo xu hướng tự phục vụ trên cả môi trường trực tuyến và trực tiếp tại TV. Hơn nữa, TV cần bảo đảm an toàn và tin cậy cho NDT khi học tập, nghiên cứu trong môi trường vật lý cũng như môi trường ảo. Cũng trong những môi trường này, TV khuyến khích và tạo điều kiện cho NDT chia sẻ tri thức, giao lưu văn hoá, tổ chức triển lãm, tổ chức các buổi nói chuyện, thuyết trình… Việc tăng cường sự gắn kết của NDT với TV và giữa NDT với nhau ra một cộng đồng  NDT bền vững, mà còn đẩy mạnh sự hợp tác trong học tập và công việc giữa những NDT và tăng cường chất lượng và số lượng tri thức mới được tạo ra (Canadian Technical and College Libraries CTCL, 2004).

Công nghệ thông tin: Công nghệ thông tin là thành phần tối quan trọng, liên quan trực tiếp đến hầu hết tất cả các hoạt động của TV, từ quản trị cho tới các công đoạn nghiệp vụ chuyên ngành thông tin - TV và tương tác xã hội với những bên liên quan, đặc biệt là với NDT. TV cần trang bị trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin sao cho đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu triển khai sản phẩm và dịch vụ tương ứng, đồng thời hạ tầng công nghệ thông tin nhanh chóng chuyển đổi, bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ, mà tâm điểm là thói quen và xu hướng sử dụng và ứng dụng công nghệ của NDT.

4. Kết luận

Xây dựng và triển khai thành công bộ tiêu chuẩn dành cho TV các trường đại học ở Việt Nam là việc làm cấp thiết nhằm chuẩn hoá và đồng bộ hoạt động của hệ thống TV này, đồng thời đây cũng là công cụ quan trọng để đánh giá vai trò và hiệu quả hoạt động của TV trong tổ chức trường đại học. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở để đi đến các giải pháp cải thiện chất lượng hoạt động TVĐH nói riêng và nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu tại các trường đại học nói chung. Tiền đề định hướng cho việc xây dựng thành công bộ tiêu chuẩn này là các nhóm nguyên tắc đã được đề cập đến trong bài viết. Một khi các nhóm nguyên tắc này được nhận thức và đi vào triển khai thì sự ra đời của bộ tiêu chuẩn dành cho TV các trường đại học ở Việt Nam sẽ là kết quả tất yếu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Mười tiêu chuẩn giáo dục đại học quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học 65/2007/QĐ-BGDĐT

2. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, Khoá XI.

3. Nguyễn Văn Hành. Về chuẩn hoá công tác TV đại học ở Việt Nam// Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2010. - Số 4. - Tr. 10-14.

4. Phạm Tiến Toàn. Bàn về nhiệm vụ của thư viện đại học trong thời đại @// Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2012. - Số 5. - Tr. 19-23.

5. Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động thư viện trường đại học. Ban hành theo Quyết định số 13/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 10/3/2008.

6. Quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện trường đại học. Ban hành kèm Quyết định số 688/QĐ ngày 14/7/1986.

7. Vũ Bích Ngân. Hướng đến một mô hình thư viện đại học hiện đại phục vụ chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục đại học// Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2009. - Số 1. - Tr. 13-18.

8. ACRL. Association of College and Research Libraries Standards for Faculty Status for Academic Librarians. http://www.ala.org/acrl/standards/standardsfaculty.

9. ACRL. Standards for Libraries in Higher Education. http://www.ala.org/acrl/standards/standardslibraries.

10. CTCL Standards Committee. Standards for Canadian College Libraries. - 2004.

11. National Library of Australia. National Library Standards Activities. http://www.nla.gov.au/aboutus/standards.

12. Nelson, W. N., R. W. Fernekes.Standards and Assessment for Academic Libraries: A Workbook, Association of College and Research Libraries. – 2002.

13. Nisonger, T. E. Collection Evaluation in Academic Libraries: A Literature Guide and Annotated Bibliography, Libraries Unlimited. - 1992.

________________

ThS. Phạm Tiến Toàn

Khoa Thông tin – Thư viện, Đại học KHXH&NV Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2014. - Số 6. - Tr. 33-37.


Đọc thêm cùng chuyên mục: