Nghiên cứu mô hình liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện đại học khối Kỹ thuật ở Việt Nam

E-mail Print

Mở đầu

Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ và sự gia tăng theo hàm số mũ của tài liệu trên thế giới, một thư viện không thể đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dùng tin, chính vì vậy phải có sự liên kết chia sẻ về nguồn lực thông tin giữa các cơ quan thông tin thư viện. Yêu cầu nâng cao chất lượng phục vụ thông tin trong các trường đại học khối kỹ thuật ở Việt Nam ngày nay đã đặt ra sự cần thiết phải triển khai phương thức chia sẻ thông tin này. Trong bài viết, tác giả nghiên cứu về: khái niệm của việc liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin, thực trạng của việc liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin và đề xuất mô hình liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện trường đại học khối kỹ thuật ở Việt Nam.

1. Khái niệm về liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin

Liên kết, chia sẻ tài liệu giữa các thư viện không phải là một vấn đề mới, từ thế kỷ XIX, khi các nhà thư viện học phát hiện ra rằng ý tưởng xây dựng vốn tài liệu của thư viện phải toàn diện, không giới hạn, gồm mọi khoa học, mọi ngôn ngữ, mọi vật mang tin là bất khả thi thì người ta đã thấy sự cần thiết phải phối hợp bổ sung giữa các thư viện. Nhiều kế hoạch liên kết, chia sẻ đã ra đời với nhiều qui mô khác nhau như quốc tế, quốc gia, địa phương... như kế hoạch Farmington ở Mỹ với 60 thư viện thành viên, ở Cộng hòa Liên bang Đức với 36 thành viên, kế hoạch liên kết, chia sẻ giữa thư viện các trường đại học thành phố London, thư viện công cộng… Ích lợi của các kế hoạch phối hợp bổ sung đem lại cho các thư viện là rất to lớn. Trước đây, với công nghệ lạc hậu, các thư viện còn xử lý những khâu nghiệp vụ bằng lao động thủ công nên các việc liên kết, chia sẻ giữa các thư viện thường tiêu hao nhiều sức lực, thời gian và cũng kém hiệu quả. Ngày nay, với sự ra đời của tài liệu điện tử, sự hỗ trợ của công nghệ thông tin trong quy trình tác nghiệp của các thư viện, việc liên kết, chia sẻ giữa các thư viện đã được thực hiện nhanh chóng và đạt được những kết quả to lớn.

Liên kết, chia sẻ là một thuật ngữ chung chỉ sự hợp tác giữa các thư viện trong việc phân chia diện bổ sung tài liệu, trao đổi danh mục tài liệu đặt mua, cùng nhau đàm phán với các nhà xuất bản để mua được tài liệu với giá hợp lý và tiến hành chia sẻ thông qua việc cho mượn giữa các thư viện, giúp thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của người dùng tin. Như vậy, mục đích chính của liên kết, chia sẻ là nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí, giảm đến mức thấp nhất việc bổ sung trùng lặp, nhằm giúp các thư viện với một nguồn kinh phí cho phép có thể thỏa mãn tốt nhất nhu cầu thông tin của người dùng tin.

Phương thức tổ chức về sự liên kết, kết hợp hoặc cộng tác giữa các đơn vị thông tin - thư viện nổi lên thời gian qua là Consortium liên hiệp thư viện. Năm 1992, hai tác giả Twiest D.H. và Badke W.B. đã đưa ra định nghĩa đơn giản về Consortium là: “Sự liên kết, sự kết hợp hoặc sự cộng tác”.

Năm 2000, tác giả Jalloh B. đã đưa ra định nghĩa về liên hiệp thư viện: “Sự hợp tác chính thức của các thư viện, nhưng thường được giới hạn cho các vùng địa lý, một số các thư viện, các loại tài liệu, hoặc một chủ đề quan tâm, được thiết lập để phát triển và thư hiện chia sẻ tài nguyên giữa các thành viên”.

Theo Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ “Liên hiệp thư viện là hiệp hội hợp tác trên phạm vi, khu vực, quốc gia, hoặc địa phương giữa các thư viện nhằm mục đích liên kết một cách có hệ thống và hiệu quả tài nguyên thông tin của các thư viện đại học, thư viện trường học, thư viện chuyên ngành, thư viện công cộng và các trung tâm thông tin để cải tiến dịch vụ cho khách hàng của các thư viện”. [4]

Theo TS. Lê Văn Viết: “Mượn, chia sẻ tài liệu, thông tin giữa các thư viện là hình thức phục vụ bạn đọc khi sử dụng nguồn lực thông tin của các thư viện, cơ quan thông tin khác cả trong nước lẫn nước ngoài để đáp ứng nhu cầu đọc và thông tin của người dùng thư viện mình. Như vậy có mượn, chia sẻ tài liệu trong nước và quốc tế. Mượn, chia sẻ tài liệu có mục đích tạo ra những điều kiện tốt nhất để thoả mãn một cách toàn diện và kịp thời những yêu cầu về tài liệu, thông tin của các cơ quan Ðảng, Nhà nước, các tổ chức kinh tế, khoa học, giáo dục, văn hóa, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và các cá nhân, đồng thời phát huy với hiệu quả cao nhất vốn tài liệu, thông tin của các thư viện, cơ quan thông tin trong cả nước. Mượn, chia sẻ tài liệu vì thế tiết kiệm được kinh phí cho các thư viện” [5].

Theo khảo sát trên thế giới hiện nay có rất nhiều liên hiệp thư viện: Liên hợp thư viện tại Hoa Kỳ, năm 2007 (ALA) nước này có khoảng 200 liên hiệp thư viện đang hoạt động dưới hình thức liên kết giữa các thư viện thành viên với nhau; Liên hợp thư viện tại Cộng hòa Liên bang Đức; Liên hợp thư viện tại Canada; Liên hợp thư viện tại Hy Lạp; Liên hợp thư viện tại Đài Loan; Liên hợp thư viện tại Hàn Quốc...

Như vậy, việc liên kết, chia sẻ tài liệu, thông tin giữa các thư viện tồn tại dưới nhiều hình thức, trong hầu hết các nước trên thế giới và Việt Nam diễn ra nhiều năm qua. Tương tự như vậy, việc liên kết chia sẻ giữa các thư viện cũng có thể được hiểu như sau: Liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin, bổ sung tập trung, liên hợp thư viện, mạng lưới thư viện, hệ thống thư viện, hoặc tổ hợp thư viện.

2. Thực trạng liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện đại học khối kỹ thuật ở Việt Nam

Các trường đại học thuộc khối kỹ thuật giữ vai trò quan trọng trong hệ thống đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam. Để có bức tranh về thực trạng liên kết chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các trường đại học khối kỹ thuật năm 2012, tác giả đã tiến hành khảo sát 15 Trung tâm thông tin - thư viện/ thư viện các trường đại học khối kỹ thuật trên toàn quốc.

Trong phần này tác giả chỉ trình bày kết quả khảo sát ở 2 vấn đề: Nhu cầu liên kết chia sẻ và thực trạng việc liên kết chia sẻ ở các thư viện.

* Thứ nhất: Nhu cầu liên kết chia sẻ ở các thư viện thể hiện ở bảng số liệu sau:

Các thư viện cho rằng cần và rất cần mô hình này.

Bảng 1: Bảng số liệu các thư viện chọn Mô hình liên kết chia sẻ

alt

Qua phân tích, tổng hợp số liệu điều tra tại thư viện các trường: Hầu hết các trường đã lựa chọn mô hình liên kết chia sẻ: cụ thể có 11 thư viện cho rằng rất cần mô hình liên kết chia sẻ chiếm tỉ lệ 73.3%; 4 thư viện cho rằng cần chiếm tỉ lệ 26.7%.

* Thứ hai: Thực trạng của việc liên kết chia sẻ ở các thư viện thể hiện ở bảng số liệu 2 dưới đây:

Bảng 2: Số liệu các thư viện liên kết  chia sẻ nguồn lực thông tin

alt

Qua bảng số liệu trên cho thấy: Có 9 thư viện chiếm tỉ lệ 60.0% tham gia liên kết hợp tác chia sẻ nguồn lực thông tin, đặc biệt Thư viện Đại học công nghiệp Tp. HCM triển khai mô hình này mạnh mẽ nhất. Thư viện này đã liên kết với 14 thư viện đại học và trung tâm thông tin trên toàn quốc. Bên cạnh đó có 6 thư viện đại học không tham gia liên kết hợp tác với thư viện nào chiếm tỉ lệ 40.0%.

* Một số nguyên nhân của việc liên kết chia sẻ

- Những mặt đạt được  

+ Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở các thư viện đại học khối kỹ thuật ở Việt Nam có những bước phát triển đáng kể, hiện đại. Nhiều thư viện đã được đầu tư phần mềm quản trị thư viện và kết nối mạng Internet.

+ Một số chuẩn quốc tế về lĩnh vực thư viện như DDC, MARC 21, AACR2 cũng được biên dịch và áp dụng ở các thư viện.

+ Nhiều thư viện đã triển khai mạnh mẽ việc liên kết, chia sẻ tài nguyên thông tin, bước đầu đã đáp ứng được phần nào nhu cầu thông tin phục vụ công tác đào tạo.

- Những hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được thì các thư viện ở đại học khối kỹ thuật hiện nay gặp phải một số thách thức như:

+ Việc đầu tư về cơ sở vật chất và hạ tầng CNTT ở các thư viện không đồng đều, không theo những chuẩn chung về phần cứng, phần mềm.

+ Các thư viện đại học khối kỹ thuật chưa triển khai liên kết chia sẻ với nhau rất lãng phí kinh phí, trùng lặp tài liệu.

+ Các thư viện không ứng dụng chung phần mềm thư viện và các chuẩn xử lý dữ liệu.

+ Nhiều thư viện không tham gia liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin, có thư viện tham gia liên hiệp mang tính hình thức, chưa hiệu quả vì chưa nắm rõ tầm quan trọng của việc liên kết chia sẻ.

+ Các thư viện chủ yếu chia sẻ nguồn lực thông tin và các biểu ghi thư mục. Chưa có dịch vụ mượn liên thư viện. Về cơ bản các thư viện vẫn biên mục lặp đi lặp lại cùng một tài liệu.

3. Mô hình liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin tại thư viện các trường đại học khối kỹ thuật ở Việt Nam

Có rất nhiều mô hình liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin khác nhau, trong bài báo này tác giả đề xuất mô hình sau:

- Tên mô hình: Liên kết chia sẻ trong việc tích hợp dữ liệu giữa các thư viện đại học khối kỹ thuật ở Việt Nam.

alt

Mô hình liên kết chia sẻ trong việc tích hợp dữ liệu giữa các thư viện

 

- Mục đích của mô hình: Dữ liệu trong hệ thống được chuẩn hóa lưu trữ thống nhất nguồn lực thông tin, hình thành một “tổng kho” sử dụng chung CSDL...

- Nội dung của mô hình: Thư viện các trường hoàn toàn chủ động trong việc thu thập, xử lí, cung cấp và khai thác thông tin trong phạm vi của mình, đồng thời tập hợp thông tin để xây dựng CSDL dùng chung.

- Cơ cấu của mô hình:

+ Hoàn thiện việc thiết lập mạng cục bộ của từng thư viện và kết nối mạng giữa các thư viện trong khối kỹ thuật.

+ Tiếp tục hoàn thiện văn bản quy định áp dụng các chuẩn nghiệp vụ trong phạm vi khối các trường và hướng dẫn các đơn vị thành viên áp dụng.

+ Xây dựng một số CSDL dùng chung không chỉ cho các thư viện trong khối mà có thể phối hợp với nhiều cơ quan tổ chức khác.

+ Đào tạo cán bộ về các kiến thức, kỹ năng liên quan đến tổ chức, xử lý, phân phối chia sẻ nguồn lực thông tin cũng như các nguyên tắc, quy trình, thủ tục tiến hành hoạt động phối hợp này.

- Ưu, nhược điểm của mô hình:

+ Ưu điểm:

Các thư viện đại học có thể chia sẻ nguồn lực thông tin, bao gồm cả nguồn tài liệu truyền thống và nguồn tài liệu điện tử, nhờ đó các thư viện tiết kiệm nguồn kinh phí bổ sung, không gian lưu trữ tài liệu truyền thống và máy chủ để lưu trữ thông tin điện tử.

Chia sẻ các biểu ghi thư mục, điều này giúp các thư viện không phải phân loại và biên mục lại các tài liệu mà thư viện thành viên có, tạo điều kiện xây dựng mục lục liên hợp.

Cải thiện chất lượng và đa dạng hóa các dịch vụ thông tin - thư viện nhờ việc chia sẻ nguồn lực thông tin, cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm quản lý dịch vụ. Ngoài ra các thư viện còn có cơ hội để phát triển và đẩy mạnh việc sử dụng các chuẩn nghiệp vụ trong các hoạt động của mình.

Cung cấp cơ hội cho cán bộ thư viện thành viên phát triển kĩ năng mới thông qua các chương trình đào tạo; hội thảo, hội nghị; tham quan, khảo sát.

Người sử dụng dễ dàng truy cập đến bộ sưu tập của các thư viện thành viên nhờ mục lục liên hợp. Mục lục này được xây dựng trên cơ sở cổng thông tin và nó tích hợp dịch vụ thư viện thông tin của các thư viện thành viên.

Chia sẻ nguồn lực thông tin, cho phép người sử dụng truy cập số lượng các nguồn tin nhiều hơn, ở mức chi phí thấp hơn.

Xem tiếp trang 26

Nghiên cứu mô hình liên kết...

Tiếp theo trang 40

Ngoài ra người sử dụng có cơ hội để sử dụng dịch vụ thư viện chất lượng hơn như: Dịch vụ tra cứu tin, dịch vụ tham khảo và dịch vụ phổ biến thông tin chọn lọc.

+ Nhược điểm:

Đầu tư ban đầu để mua giấy phép quyền truy cập tài liệu điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông tương đối lớn, đòi hỏi năng lực tài chính cao của các thư viện.

Cán bộ thư viện chưa được đào tạo kiến thức, kỹ năng liên quan đến chia sẻ nguồn lực thông tin.

Chưa có chế tài thống nhất và chi tiết về quy chế hoạt động chia sẻ nguồn lực thông tin giữa thư viện các trường đại học khối kỹ thuật ở Việt Nam.

Kết luận

Qua kết quả nghiên cứu trên chúng ta thấy rằng cần đẩy mạnh hoạt động liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện đại học khối kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay là nhu cầu tất yếu, là một giải pháp khả thi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học kỹ thuật, nơi đào tạo ra các kỹ sư cho đất nước. Mô hình liên kết chia sẻ tác giả đề xuất trên hy vọng thư viện các trường đại học sẽ nghiên cứu ứng dụng nhằm tiết kiệm kinh phí, tránh trùng lặp thông tin và thoả mãn nhu cầu thông tin của người dùng tin trong các trường đại học.

Tài liệu tham khảo

1. Chu Tuyết Lan (2006), Liên kết giữa các cơ quan thông tin thư viện của các trường đại học và các viện nghiên cứu. TP. HCM 28-30/8/2006 - Hội nghị quốc tế về thư viện: Thư viện Việt Nam hội nhập và phát triển.

2. De Genaro, Richard. (1980), Resource sharing in a network environment; Library Journal.

3. Đức Lương, Khánh Linh. Đẩy mạnh hợp tác giữa các thư viện đại học Việt  Nam - giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ thư viện // Thư viện Việt Nam. - 2011. - Số 5. - Tr. 22-25.

4. Hirson A. Library consortium: where did we come from? Where are we  going? Boston: Ifla Preconference on library consortia, August 16, 2001.

5. Jalloh B (2000), A plan for the establishment of a library network or consortium for Swaziland: Preliminary investigations and formulations. Library consortium management: an international journal, vol.2, No.8, p.165-176.

6. Lê Văn Viết (2006), Một số vấn đề thiết lập hình thức mượn, chia sẻ tài liệu, thông tin giữa các thư viện Việt Nam // Kỷ yếu hội thảo thư viện Việt Nam: hội nhập và phát triển. - T.p HCM. - Tr. 15.

7. Nguyễn Huy Chương, Trần Thị Phương (2007), Chia sẻ nguồn lực thông tin: kinh nghiệm thư viện Mỹ - giải pháp cho thư viện Việt Nam // Kỷ yếu hội thảo xây dựng và phát triển nguồn học liệu phục vụ đào tạo và nghiên cứu. - Đà Lạt.

8. Nguyễn Hữu Hùng. Vấn đề phát triển và chia sẻ nguồn lực thông tin số hóa tại Việt Nam // Tạp chí Thông tin và Tư liệu. - 2006. - Số 1. - Tr. 5-10.

9. Nguyễn Hữu Hùng (2005), Vấn đề tạo lập và chia sẻ nguồn lực thông tin số tại Việt Nam // Kỷ yếu Hội thảo khoa học "Quản trị và chia sẻ nguồn tin số hóa".

10. Vervelict, H.D.L.  (1979), Resource sharing of Library in developing countries.

11. Vũ Anh Tuấn, Đặng Xuân Chế, Đào Mạnh Thắng (2007), Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng và phát triển liên hợp thư viện Việt Nam để chia sẻ nguồn tin KH và CN. - H.: TTKH và CN QG.

12. Vũ Văn Sơn. Chính sách chia sẻ nguồn lực thông tin trong thời kỳ áp dụng công nghệ thông tin mới // Tạp chí Thông tin và Tư liệu. - 1995. - Số 2. 

__________

ThS. Đỗ Tiến Vượng

Trường Đại học Giao thông Vận tải

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 1. - Tr. 36-40,26.


Đọc thêm cùng chuyên mục: