Nâng cao năng lực cung ứng thông tin tại các thư viện đại học Việt Nam

Print

1. Đặt vấn đề

Một trong những biện pháp có tính quyết định đối với sự thành công của đổi mới giáo dục đó là cải thiện hạ tầng cơ sở của các trường đại học, trong đó có thư viện (TV). “Cải thiện” ở đây không đơn thuần là một sự nâng cấp về cơ sở vật chất, mà trước hết là sự nâng cấp về chất lượng phục vụ.

Quan sát hoạt động của hệ thống giáo dục đại học, dễ dàng nhận thấy rằng ngày nay phương pháp giáo dục đang vượt lên trên sự chuyển giao tri thức mang tính truyền thống giữa thầy và trò. Sinh viên phải kiến tạo tri thức cho bản thân mình thông qua việc tự học, tự nghiên cứu. Trong hoạt động mang tính tự lập này, vai trò “chuyển giao tri thức” của TV trở nên quan trọng hơn rất nhiều so với trước đây, đến mức có thể khẳng định rằng, bằng nghiệp  vụ của mình, TV đang tham gia vào hoạt động giảng dạy, một nhiệm vụ còn khá lạ lẫm đối với TV ở thời điểm hiện tại nhưng phải được thực hiện một cách có hiệu quả trong thời gian tới đây. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) trong môi trường đại học cũng đặt ra cho TV một loạt vấn đề, đặc biệt về xây dựng hệ thống tài liệu và cung cấp thông tin (TT) cho những người làm công tác nghiên cứu, khi số lượng và tính chất các tài liệu khoa học ngày càng tăng, đa dạng và thuộc nhiều nguồn khác nhau. Trong bối cảnh đó, những nguyên tắc hoạt động mà TVĐH Việt Nam thực hiện từ nhiều năm nay về xử lý TT, nhân sự, hệ thống kỹ thuật, phương thức phục vụ bạn đọc đã bộc lộ những điểm yếu của nó và không đáp ứng yêu cầu của thực tế.

Những vấn đề nêu trên được đặt ra không chỉ đối với các thư viện đại học (TVĐH), mà đối với nghiệp vụ thông tin - thư viện (TTTV) nói chung trên toàn hệ thống thư viện Việt Nam. Chính vì vậy, việc đánh giá chất lượng phục vụ của một TV không đơn thuần dựa trên vốn tài liệu, mà còn thông qua khả năng tiếp nhận và chia sẻ TT của nó, cũng như sự đa dạng của các loại hình TT mà nó có thể đem đến cho người sử dụng. Khái niệm “năng lực cung ứng TT” trước hết được thể hiện ở điểm này.

2. Cơ hội và thách thức đối với thư viện đại học ở Việt Nam hiện nay

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) và khuynh hướng toàn cầu hoá, khối lượng TT mà TV có thể vươn tới ngày càng lớn và đa dạng. Chúng thuộc những nguồn khác nhau và đòi hỏi những điều kiện tiếp cận cũng rất khác nhau. Các vấn đề đi kèm như điều kiện kỹ thuật, nguyên tắc pháp lý, khoa học phân loại, kỹ năng hướng dẫn tiếp cận TT, hay điều kiện liên kết với các đơn vị cùng chức năng… cũng là những vấn đề mang nội hàm rất mới và đang được đặt ra một cách cấp bách. Điều đó đem đến cho những người làm thư viện (NLTV) cơ hội phát huy vai trò của mình trong lĩnh vực giáo dục và khẳng định bản thân mình trong guồng máy hoạt động của xã hội. Song, nó cũng đặt ra cho họ rất nhiều việc phải làm. NLTV đang phải đối mặt với những cơ hội và thách thức sau:

Cơ hội

Nhìn một cách tổng thể, các TVĐH ở nước ta được tạo điều kiện cho những thay đổi theo chiều hướng tích cực, từ cơ sở vật chất, nguồn lực thông tin (NLTT), trình độ nhân sự, tới phương thức phục vụ bạn đọc. Phần lớn các TVĐH hướng đến một quy trình quản lý hiện đại với sự trợ giúp của CNTT.

Về kinh phí hoạt động, có 22/88 TV ở nhóm các trường đại học được hưởng lợi từ dự án Giáo dục đại học, với mức đầu tư thấp nhất là khoảng 500.000 USD. Ngoài một số TV lớn như TV Tạ Quang Bửu (trường Đại học Bách khoa Hà Nội) được đầu tư 199 tỷ đồng, các trung tâm học liệu Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên được tài trợ khoảng 5 triệu đến 9 triệu USD/ 01 trung tâm từ kinh phí của tổ chức Atlantic Philanthropies. Song song với việc phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường nguồn tài liệu, một số chuẩn quốc tế về hoạt động TV như DDC, MARC 21, AACR2 cũng được áp dụng tại Việt Nam. Nhiều NLTV được đào tạo ở nước ngoài như Mỹ, Úc và New Zealand.

Thách thức

Xét yếu tố con người, phải thấy rằng năng lực của NLTV còn nhiều hạn chế về kiến thức khoa học, trình độ CNTT, cũng như chuyên môn nghiệp vụ. Phương thức quản lý NLTT của các TV chưa theo kịp với xu thế phát triển của trường đại học và vẫn mang tính thụ động. Về mặt cơ chế, mặc dù TV được coi là địa điểm tích luỹ tri thức của một trường đại học, nhưng trên thực tế nhiều người vẫn nhìn nó từ một “khoảng cách” nhất định. Và khi không có được một sự quan tâm đúng mức, một số TV phải đối mặt với với tình trạng thiếu kinh phí hoạt động và tình trạng xuống cấp của hệ thống kỹ thuật. Cũng xuất phát từ nguyên nhân trên, việc liên kết, chia sẻ NLTT giữa các TVĐH vẫn chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng và mong muốn hình thành một hệ thống TT liên đại học vẫn chỉ là mong muốn ở thời điểm hiện tại.

3. Nâng cao năng lực cung ứng thông tin tại các thư viện đại học Việt Nam

Để có thể nâng cao năng lực cung ứng TT trong bối cảnh nêu trên, theo chúng tôi, TVĐH Việt Nam cần có những giải pháp sau:

Nâng cao khả năng chuyên môn của người làm thư viện

Trước hết, NLTV phải làm chủ được các ứng dụng của CNTT vào lĩnh vực chuyên môn: biết sử dụng phần mềm quản lý NLTT, nắm được các quy trình tiếp nhận, xử lý và cung cấp TT, nắm được vận hành của hệ thống mạng TV, nguyên tắc số hoá tài liệu, cách thức tiếp cận các nguồn TT trong nước và quốc tế, nhận thức được vị trí và vai trò của mình trong hệ thống TT liên đại học… Bên cạnh đó, NLTV phải bám sát xu hướng TT trên thế giới, cả về những lĩnh vực khoa học được phản ánh, cả về kỹ thuật TT, để từ đó có những biện pháp phát triển NLTT tại đơn vị mình. Lãnh đạo TV cần có kế hoạch gửi NLTV đi đào tạo lại, đào tạo mới, không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn cả về tin học, ngoại ngữ bằng những khoá học ngắn hạn, dài hạn trong và ngoài nước, đồng thời bổ sung những viên chức trẻ có năng lực, có khả năng sáng tạo. Việc tuyển chọn NLTV,  nhất là đối với những vị trí cần có trình độ về CNTT và ngoại ngữ, phải có những tiêu chí nhất định.

Đổi mới hoạt động quản lý nguồn lực thông tin

Ngày nay, hoạt động đào tạo gắn kết chặt chẽ với hoạt động NCKH, phương thức đào tạo theo niên chế chuyển sang phương thức đào tạo theo tín chỉ và vai trò của mạng TT đối với hoạt động nghiên cứu và đào tạo ngày càng mang tính quyết định. Những đặc thù nói trên buộc TVĐH phải thay đổi cách quản lý của mình. Trước hết, từ phía nhà trường, mạng Internet là một sự hỗ trợ cần thiết trong việc mở cánh cửa TT đầu tiên cho những người có nhu cầu tra cứu. Về phía TV, việc quản lý NLTT cần đi theo hướng chuyển từ hình thức sở hữu sang hình thức tiếp cận, có nghĩa là tạo điều kiện cho người sử dụng TV “chạm” tới TT từ xa. Để đạt được mục đích này, NLTT của TV phải được sắp xếp lại một cách chặt chẽ, dễ quản lý, dễ truy cập và dễ khai thác trong mọi điều kiện. Bên cạnh khả năng cung cấp TT, NLTV phải có nghiệp vụ chỉ dẫn đối với cách thức tiếp cận các nguồn TT trong nước và quốc tế, theo nhu cầu của người tìm tin, một công việc đòi hỏi NLTV phải nâng cao trình độ hiểu biết của mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trên bình diện quốc gia, các TVĐH phải liên kết tiềm lực của mình để khắc phục tình trạng hữu hạn về tài nguyên, sao cho người sử dụng có thể khai thác một cách dễ dàng và bình đẳng tất cả những nguồn TT mà các TV trong nước có thể cung cấp.

Kinh nghiệm cho thấy rằng, cải tiến công tác quản lý NLTT đóng vai trò trung tâm trong tất cả các biện pháp mang tính đổi mới, vì nó đòi hỏi sự hoàn thiện của một loạt hoạt động khác tại TV như: quản lý nguồn nhân lực, phân công lao động, xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức thực hiện kế hoạch, liên kết với các đơn vị cùng chức năng, phương thức phục vụ bạn đọc, công tác kiểm tra, đánh giá, việc thực hiện các nguyên tắc sở hữu trí tuệ, cơ chế quan hệ với các đối tác bên ngoài, các vấn đề về nghĩa vụ và quyền lợi… Mặt khác, với sự tiến bộ của CNTT, công tác quản lý NLTT còn quan trọng ở chỗ nó đòi hỏi một hệ thống kỹ thuật hiện đại, được nâng cấp thường xuyên và được vận hành bởi đội ngũ kỹ thuật viên có năng lực. Hệ thống kỹ thuật này không chỉ xử lý những vấn đề về TT, từ đầu vào đến đầu ra,  mà còn giúp lãnh đạo TV thực hiện các công tác quản lý, lưu trữ số liệu, đánh giá hiệu quả công việc. Như vậy, tập trung giải quyết vấn đề quản lý NLTT là giải quyết những vấn đề cơ bản của TV, thực hiện những cải tiến có tính sống còn trước yêu cầu đổi mới của ngành Giáo dục nói chung và của nghiệp vụ TTTV nói riêng.

Tăng cường nguồn kinh phí bằng việc xây dựng dự án, chương trình xã hội hoá

Thực tế cho thấy, nếu chỉ phụ thuộc vào ngân sách, các TV sẽ không thể xây dựng hệ thống trang thiết bị và bổ sung nguồn tài liệu như mong muốn, đặc biệt đối với cơ sở dữ liệu điện tử. Việc xây dựng các dự án sẽ góp phần đáng kể để giải quyết nguồn kinh phí hạn hẹp này. Bên cạnh đó, cần thực hiện xã hội hoá các nguồn tài chính bằng cách đa dạng hoá mô hình phục vụ sinh viên. Các hình thức hoạt động như cà phê TV, TV xanh, tủ sách chuyên ngành, TV tư nhân, cùng với sự đầu tư của các tổ chức kinh doanh ngày càng được nhân rộng và đang chứng minh hiệu quả của nó. TV Trung tâm Đại học Quốc gia Tp. HCM, TV Đại học Bách khoa Tp. HCM đã thụ hưởng chương trình TV SK Telecom do SK Telecom (Hàn Quốc) tài trợ, TV Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. HCM, Đại học Sư phạm Tp. HCM, Đại học Kinh tế Tp. HCM đã xây dựng tủ sách sinh viên do tập đoàn Viettel tài trợ... Đây là những ví dụ về sự thành công của việc xã hội hoá kinh phí hoạt động cho TVĐH và cũng là những điển hình cần nhân rộng.

4. Kết luận

Xã hội Việt Nam đang phát triển theo hướng toàn cầu hoá và hội nhập, tiến tới một xã hội TT. Điều này đặt các cơ quan TTTV trước nhiều cơ hội cũng như thách thức. Để tận dụng  được các cơ hội, TVĐH cần rà soát lại toàn bộ quy trình hoạt động của mình và tạo ra sự vận hành khoa học, hợp lý, có năng suất cao và có khả năng đón đầu những yêu cầu mới. Bên cạnh đó, TVĐH không chỉ là nơi quản lý và cung cấp TT, mà còn phải là nơi tạo ra kỹ năng tiếp cận, khai thác TT cho những người đang học tập, giảng dạy và NCKH. Tuy nhiên, những biện pháp kỹ thuật phải đi đôi với những biện pháp mang tính cơ chế. Lãnh đạo các trường đại học phải nhận thức rằng chất lượng phục vụ của TV là điều kiện tiên quyết cho việc nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH của đơn vị mình. Vì vậy, một sự quan tâm đúng mức của Ban Giám hiệu đối với TV, cũng như sự quan tâm của cấp Bộ và các cơ quan hữu quan, sẽ tạo điều kiện cho TV có một phạm vi hoạt động rộng lớn hơn, với những phương thức hữu hiệu hơn và bằng cách đó TV mới có thể có những đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới Giáo dục.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đức Lương, Khánh Linh. Đẩy mạnh hợp tác giữa các thư viện đại học ở Việt Nam - Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ thư viện// Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2011. - Số 5. - Tr. 22-25.

2. Ninh Thị Kim Thoa. Vai trò của quản lý chất lượng trong thư viện đại học Việt Nam// Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2010. - Số 1. - Tr.3-7.

3. Trần Đức Tuấn. Cách mạng giáo dục: Thư viện phải là trung tâm của trường đại học// Báo Giáo dục Việt Nam. - 2013. - Ngày 22/10. http://giaoduc.net.vn.

4. Vũ Bích Ngân. Hướng đến một mô hình thư viện đại học hiện đại phục vụ chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục đại học// Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2009. - Số 1. - Tr. 13-18.

5. Clayton, Peter and Gorman, G. E. Managing information resources in libraries: collection management in theory and practice// Library Association Publishing. - 2001.

_____________

Lê Quỳnh Chi

Trường Đại học Sư Phạm Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2014. - Số 6. - Tr. 30-32,55.


Đọc thêm cùng chuyên mục: