Một số nhận thức cơ bản về chuẩn hoá trong hoạt động thư viện

Print

1. Những vấn đề chung

Ngày 20/6/2006 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN-ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Theo tinh thần quyết định này, từ năm 2006 đến nay, cả bộ máy hành chính nhà nước đã vào cuộc rất quyết liệt trong việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Khẩu hiệu “Ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai tốt hơn ngày hôm nay” thôi thúc các ngành, các cấp mạnh mẽ trong quá trình ứng dụng ISO. Có lẽ, phải đến thập niên thứ nhất của Thiên niên kỷ mới, đông đảo công chức mới có ấn tượng về chuyển động mới trong hệ thống công quyền: việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn. Danh từ “ISO” không hề xa lạ, thậm chí còn rất quen tai với nhiều người khi nghe tới chất lượng sản phẩm của nhiều lĩnh vực. Nhưng áp dụng ISO vào cơ quan công quyền thì đến nay mọi người mới biết và dần dần hiểu ra. Đó là xu thế chung, tất yếu của quá trình cải cách hành chính theo xu hướng hội nhập toàn diện với thế giới. ISO là tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn cấp quốc tế, viết tắt của danh từ: “The International Organization for Standardization”, thành lập ngày 23/02/1947 tại London (Anh).

Trong lĩnh vực thư viện thì sao? Với sự hình thành và phát triển lâu đời của ngành thư viện tại các quốc gia phát triển, thuật ngữ và định nghĩa đã được sử dụng thống nhất và được nêu cụ thể trong chuẩn quốc tế. Trong vấn đề từ vựng, ISO đã ban hành tiêu chuẩn ISO 5127:1981-1987 với 11 phần tiêu chuẩn về hệ thống các từ vựng ngành thông tin - tư liệu. Tiêu chuẩn tiếp tục được bổ sung, chỉnh lý nhiều lần. Đến năm 2001, tiêu chuẩn trên được Uỷ ban kỹ thuật ISO/TC46, tiểu ban SC3 biên soạn và ban hành với tên gọi “Thông tin và tư liệu – Từ vựng” gồm 1.090 thuật ngữ thuộc các lĩnh vực thông tin, lưu trữ, thư viện, bảo tàng, xuất bản…

Việt Nam là quốc gia thứ 72 gia nhập tổ chức ISO năm 1977 với tư cách là thành viên đầy đủ. Cơ quan đại diện là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, nhưng phải tới năm 1991, về lĩnh vực thông tin – thư viện, Tổng cục này mới ban hành TCVN 5453-1991: Hoạt động thông tin khoa học tư liệu – Thuật ngữ và khái niệm cơ bản. Năm 2009, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành TCVN 5453:2009: Thông tin và tư liệu - Từ vựng, hoàn toàn tương đương với ISO 5127: 2001 và thay thế cho TCVN 5453-1991. Năm 2013, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ban hành TCVN 10274:2013: Hoạt động thư viện - thuật ngữ và định nghĩa chung.

2. Sự cần thiết của chuẩn hoá

Trong hoạt động của ngành Thư viện, chúng ta rất ít khi nhắc tới vấn đề tiêu chuẩn, mà thường nói tới thống nhất và chuẩn hoá. “Thống nhất, chuẩn hoá, chia sẻ và hội nhập" đã trở thành phương châm hoạt động của toàn ngành hàng chục năm nay. Tuy không nói tới tiêu chuẩn, nhưng nội hàm của chuẩn hoá đã bao hàm cả vấn đề tiêu chuẩn: Chuẩn hoá trong hoạt động thư viện là việc xác lập và áp dụng chuẩn bao gồm cả tiêu chuẩn, chuẩn nghiệp vụ và các quy định liên quan đến hoạt động thư viện nhằm kiểm soát, đánh giá và đảm bảo cho hoạt động này có thể tiến hành đạt chất lượng, hiệu quả, thực hiện và duy trì các mục tiêu đã đặt ra.

Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin, ngày 04/05/2007 đã xác định: “…Phát triển thư viện điện tử, hiện đại hoá thư viện với các máy móc và phương tiện hiện đại; chuẩn hoá nghiệp vụ và áp dụng rộng rãi các chuẩn quốc gia và quốc tế, nhằm đạt trình độ công nghệ ngày càng cao và chất lượng hoạt động tốt, phù hợp với các chuẩn hữu quan của quốc tế”. (Điểm 4, mục đ: Ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển tự động hoá trong thư viện). Để ngắn gọn, dễ nhớ, trong các văn bản, định hướng phát triển của ngành Thư viện thường được nêu “Thống nhất, chuẩn hoá, chia sẻ và hội nhập” là bao hàm cả định hướng trên. Có thể khái quát ý nghĩa của chuẩn hoá trong hoạt động thư viện, đặc biệt trong thời kỳ hiện đại hoá và hội nhập quốc tế toàn diện là:

- Chuẩn hoá là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo cho sự thống nhất trong hoạt động thư viện, tăng sức mạnh của toàn ngành;

- Chuẩn hoá góp phần hoàn thiện việc tổ chức quản lý, hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ và năng suất lao động của người làm thư viện;

- Chuẩn hoá là cơ sở cho các thư viện tăng cường việc hợp tác và chia sẻ nguồn lực thông tin trong nước và quốc tế, là điều kiện quan trọng để mở rộng hợp tác quốc tế.

3. Việc xây dựng chuẩn hoá trong lĩnh vực thư viện những năm qua

3.1. Trước hết, cần thống nhất các khái niệm: “chuẩn hoá”, “chuẩn nghiệp vụ”, “tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế”… về thư viện. Có khá nhiều khái niệm, nhưng theo tác giả, khái niệm của TS. Vũ Dương Thuý Ngà và nhà Thư viện học Vũ Văn Sơn đã nêu là hợp lý hơn cả.

- Chuẩn hoá:

Khái niệm chuẩn hoá nói chung mà Đại từ điển tiếng Việt đã định nghĩa: “Chuẩn hoá là xác lập chuẩn mực. Trong đó, chuẩn được hiểu là cái được chọn làm căn cứ để đối chiếu, để làm mẫu hoặc tiêu chuẩn được định ra: chuẩn quốc gia, chuẩn quốc tế”, TS. Vũ Dương Thuý Ngà đã khái quát: “Chuẩn hoá trong lĩnh vực thông tin - thư viện là việc xác lập và áp dụng chuẩn mực nhằm kiểm soát, đánh giá các hoạt động thông tin - thư viện, đảm bảo cho hoạt động thông tin - thư viện có thể tiến hành đạt chất lượng, hiệu quả, thực hiện và duy trì các mục tiêu đã đặt ra. Tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật, quy phạm thực hành và văn bản pháp quy là các công cụ đảm bảo sự chuẩn hoá trong lĩnh vực thông tin - thư viện được thực hiện. Phổ biến, triển khai áp dụng và có kiểm tra, đánh giá là những biện pháp thực hiện chuẩn hoá” [5].

- Chuẩn nghiệp vụ, về bản chất là những tiêu chuẩn được nghiên cứu, lựa chọn và sử dụng trong một lĩnh vực hoạt động. Trong hoạt động thư viện, chuẩn nghiệp vụ là các quy định mà những người làm công tác thư viện và tham gia vào hoạt động thư viện phải dựa vào đó mà đối chiếu để thực hiện nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người sử dụng. Sự phân định giữa tiêu chuẩn và chuẩn nghiệp vụ chỉ mang tính ước lệ. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã có sự chuyển hoá các tiêu chuẩn nghiệp vụ thành tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế.

- Tiêu chuẩn: Theo ông Vũ Văn Sơn, tiêu chuẩn thường dùng cho:

+ Các văn bản định chuẩn mang tính pháp lý (do cơ quan quản lý nhà nước ban hành) hoặc mang tính đồng thuận cao (do các hội hay tổ chức nghề nghiệp có uy tín và thẩm quyền được Nhà nước hoặc cộng đồng uỷ thác biên soạn và ban hành), hoặc chỉ mang tính quản lý thống nhất nội bộ.

+ Các chuẩn nghiệp vụ là các công cụ làm việc (DDC, MARC 21,…) hay quy tắc (quy tắc AACR2) có tính nổi trội, chuẩn xác hoặc phổ dụng được cộng đồng kiến nghị sử dụng chung. (Từ “tiêu chuẩn” trong tiêu đề của Hội thảo “Các hệ thống và tiêu chuẩn cho các thư viện Việt Nam” (Systems and standards for Vietnamese libraries) do Đại học RMIT Việt Nam và AP (Atlantic Philanthropies) tổ chức tại Hà Nội, ngày 26- 28/9/2001, mang ý nghĩa của các chuẩn nghiệp vụ vì tại đây các đại biểu đã bàn bạc và khuyến nghị sử dụng AACR2, MARC 21 và DDC).

- Tiêu chuẩn và các tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế:

+ Tiêu chuẩn quốc tế là những tiêu chuẩn được phát triển bởi các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế nhằm xem xét và sử dụng trên phạm vi toàn thế giới. Các tiêu chuẩn này có thể được áp dụng trực tiếp hoặc thông qua một quá trình biến đổi để thích hợp với điều kiện của từng quốc gia và địa phương. Các tổ chức quốc tế có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng tiêu chuẩn liên quan đến lĩnh vực thông tin - thư viện là: ISO (Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hoá), IFLA (Liên đoàn Quốc tế các Hội và cơ quan thư viện), OASIS (Tổ chức quốc tế xúc tiến các tiêu chuẩn thông tin có cấu trúc), ITU (Liên đoàn truyền thông quốc tế)...

+ Tiêu chuẩn quốc gia: Là các văn bản nêu ra những quy tắc, hướng dẫn hay đặc trưng cho các hoạt động, được tổ chức có thẩm quyền thừa nhận và thông qua, được sử dụng chung và lặp lại nhiều lần, được cập nhật và sửa chữa theo thời gian và hoàn cảnh [6].

* Xin lưu ý, đây là các cấp về Tiêu chuẩn, chủ yếu thể hiện thông tin về cơ quan xây dựng và ban hành chứ không quyết định về giá trị và hiệu lực pháp lý của tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn quốc tế tuyệt nhiên không phải sẽ có giá trị cao hơn tiêu chuẩn trong nước.

3.2. Việc xây dựng chuẩn hoá về thư viện ở Việt Nam

Với khái niệm “chuẩn hoá” như trên, các tiêu chuẩn, chuẩn nghiệp vụ quy định kỹ thuật, quy phạm thực hành và văn bản pháp quy là những công cụ để thực hiện việc chuẩn hoá. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin tóm lược việc hình thành các tiêu chuẩn và chuẩn nghiệp vụ ở nước ta:

3.2.1. Tiêu chuẩn Việt Nam về hoạt động thư viện: Tính đến thời điểm hiện nay, có rất nhiều TCVN liên quan đến thư viện đã được ban hành như:

- Tiêu chuẩn về thuật ngữ:

+ TCVN 5453:1991: Hoạt động thông tin - tư liệu. Thuật ngữ và khái niệm. Năm 2009, tiêu chuẩn này đã được thay thế bằng TCVN 5453:2009: Thông tin và tư liệu. Từ vựng, xây dựng trên cơ sở dịch ISO 5127:2001 nhưng bỏ qua các thuật ngữ tương đương bằng tiếng Pháp.

+ TCVN 10274:2013: Hoạt động thư viện - thuật ngữ và định nghĩa chung.

- Tiêu chuẩn về biên mục và xử lý tài liệu:

+ TCVN 4524:1988: Xử lý thông tin - Bài tóm tắt và chú giải.

+ TCVN 4743:1989: Xử lý thông tin - Mô tả thư mục tài liệu.

+ TCVN 5697:1992: Hoạt động thông tin tư liệu - Từ và cụm từ tiếng Việt viết tắt trong mô tả thư mục.

+ TCVN 5698:1992: Từ và cụm từ tiếng nước ngoài viết tắt trong mô tả thư mục.

+ TCVN 7538:2005: Khổ mẫu MARC 21 cho dữ liệu thư mục.

+ TCVN 7588:2007: Thông tin và tư liệu - Tên và mã tổ chức dịch vụ thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam dùng trong lưu trữ và trao đổi thông tin khoa học và công nghệ.

+ TCVN 7980:2008: Thông tin và tài liệu. Bộ phần tử siêu dữ liệu Dublin Core.

+ TCVN 8631:2010: Thông tin và tư liệu: Danh mục các yếu tố dữ liệu thư mục dùng để trao đổi và yêu cầu dữ liệu.

- Các tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm thư viện:

+ TCVN 4523:1988: Ấn phẩm thông tin – phân loại, cấu trúc và trình bày.

+ TCVN 4523:2009: Xuất bản phẩm thông tin

- Phân loại, cấu trúc và trình bày.

- Các tiêu chuẩn gián tiếp liên quan đến thư viện:

+ TCVN 6380:1998: Thông tin và tư liệu. Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách ISBN. Tiêu chuẩn này đã được thay thế bằng TCVN 6380:2007.

+ TCVN 6381:1998: Thông tin và Tư liệu. Mã số tiêu chuẩn quốc tế xuất bản nhiều kỳ (báo, tạp chí) ISSN.

3.2.2. Việc xây dựng các chuẩn nghiệp vụ thư viện

Cho đến nay, chúng ta đã có 20 chuẩn nghiệp vụ cơ bản, bao gồm các chuẩn về:

+ Quy tắc mô tả thư mục do Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQG) và Thư viện Khoa học Kỹ thuật Trung ương xây dựng, trên cơ sở chuẩn quốc tế ISBD và Quy tắc biên mục Anh - Mỹ (AACR2) rút gọn và đầy đủ;

+ Quy tắc biên mục MARC 21: Quy tắc rút gọn và đầy đủ.

+ Các khung phân loại: Khung phân loại Dewey rút gọn, ấn bản 14 (DDC14), Khung phân loại Dewey đầy đủ, ấn bản 23 (DDC 23), Khung phân loại thập phân bách khoa, Bảng phân loại dùng cho các thư viện tổng hợp, Khung phân loại BBK với 3 phiên bản thông dụng, Khung đề mục quốc gia, Bảng phân loại dùng cho thư viện trường phổ thông. Một số khung phân loại cho các tài liệu đặc biệt: Bảng phân loại sáng chế quốc tế, Khung phân loại tiêu chuẩn, Bảng phân loại địa chí.

+ Các chuẩn trong định chủ đề: Chọn tiêu đề đề mục cho thư viện; Bộ Tiêu đề chủ đề của Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh (TVKHTH Tp. HCM).

+ Các chuẩn trong định từ khoá: Bộ Từ khoá của TVQG, Từ điển Khoa học và Công nghệ của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Cục TTKH&CNQG), Bộ Từ khoá Khoa học xã hội và Nhân văn của Viện Thông tin Khoa học xã hội.

4. Việc thực hiện chuẩn hoá của ngành thư viện Việt Nam

Trong báo cáo tổng quan đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Tăng cường việc chuẩn hoá trong hoạt động thư viện ở Việt Nam” của trường Đại học Văn hoá Hà Nội, do TS. Vũ Dương Thuý Ngà là chủ nhiệm đề tài năm 2011 đã đưa ra nhận xét rất xác đáng từ những kết quả điều tra xã hội học nghiêm túc về việc áp dụng các tiêu chuẩn và chuẩn nghiệp vụ:

- Về tiêu chuẩn: Hầu hết các thư viện Việt Nam không biết và chưa quan tâm tới tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế: Qua điều tra 510 thư viện thuộc các hệ thống cả nước, thì có tới 85 - 95% thư viện công cộng, đại học và thư viện chuyên ngành không biết hoặc chưa áp dụng các Tiêu chuẩn Việt Nam về lĩnh vực thư viện.

- Về chuẩn nghiệp vụ: có 65 - 85% các thư viện đã áp dụng. Trong các chuẩn nghiệp vụ, 3 chuẩn lớn: Khung phân loại DDC, Biên mục đọc máy MARC 21 và Quy tắc biên mục Anh - Mỹ AACR2 được đông đảo các thư viện quan tâm, áp dụng. Riêng hệ thống thư viện Quân đội hầu như chưa áp dụng chuẩn nghiệp vụ về phân loại DDC.

5. Đánh giá chung việc xây dựng và thực hiện chuẩn hoá của thư viện Việt Nam

5.1. Hiện trạng

Trước năm 2004, việc xây dựng tiêu chuẩn về thông tin - thư viện có phần tự phát, tuỳ theo sự quan tâm của người đứng đầu cơ quan. Tháng 8/2004, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quyết định thành lập Ban kỹ thuật TCVN/TC46, tập hợp đại diện 9 cơ quan tham gia: Cục TTKH&CNQG, Vụ Thư viện (VTV), TVQG, Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng, Trung tâm Thông tin – Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam… Từ đó đến nay, việc xây dựng tiêu chuẩn về thông tin - thư viện có nhiều tiến bộ rõ rệt. Cục TTKH&CNQG là đơn vị có nhiều công lao trong việc xây dựng các Tiêu chuẩn Việt Nam về thư viện. Tuy nhiên, số lượng các tiêu chuẩn được xây dựng có xu hướng thiên về thông tin - tư liệu nhiều hơn về thư viện. Số lượng các tiêu chuẩn Việt Nam về thư viện còn quá ít, chưa bao quát hết các hoạt động trong thư viện, đặc biệt trong thời kỳ điện tử hoá hiện nay. So với thư viện các nước phát triển, Việt Nam còn cách xa họ quá lớn. Các tiêu chuẩn đã được xây dựng lại chưa thường xuyên được cập nhật, bổ sung, chỉnh lý định kỳ.

* Về chuẩn nghiệp vụ, chúng ta đã có 20 chuẩn nghiệp vụ quan trọng. Trong đó, chỉ có 4 chuẩn do các thư viện trong nước xây dựng (chiếm 20%); 4 chuẩn sử dụng nguyên bản của nước ngoài (chiếm 20%) và 60% chuẩn nghiệp vụ được dịch đầy đủ, có bổ sung hoặc dịch một phần chuẩn nghiệp vụ của nước ngoài. TVQG, Cục TTKH&CNQG, TVKHTH Tp. HCM là những đơn vị đã có nhiều cố gắng đóng góp cho việc hình thành các chuẩn nghiệp vụ quan trọng của ngành Thư viện Việt Nam. Tuy việc xây dựng chuẩn nghiệp vụ có khá hơn so với các tiêu chuẩn Việt Nam, nhưng còn nhiều lĩnh vực trong hoạt động thư viện vẫn thiếu các chuẩn cần thiết. Lượng các chuẩn nghiệp vụ do các thư viện tự xây dựng còn quá ít, nặng về dịch các chuẩn của nước ngoài. Việc cập nhật, chỉnh lý định kỳ các chuẩn nghiệp vụ cũng chưa được thường xuyên.

* Công tác tuyên truyền, phổ biến các tiêu chuẩn Việt Nam rất hạn chế. Do việc xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam theo phương pháp cơ quan biên soạn nên hầu như chỉ các cơ quan biên soạn biết nội dung các TCVN, hầu hết các thư viện lớn nhỏ trong nước không biết hoặc không quan tâm áp dụng. Mặt khác, vấn đề tiêu chuẩn nói chung chưa được thư viện các cấp từ trung ương đến địa phương quan tâm đúng mức.

* Về chuẩn nghiệp vụ, công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn có khá hơn. Đặc biệt, các chuẩn về khung phân loại, chuẩn về biên mục đã được xây dựng và phát huy tác dụng lớn trong thống nhất chuyên môn nghiệp vụ của cả nước. Các đơn vị: TVQG, Cục TTKH&CNQG, TVKHTH Tp. HCM, Liên Chi hội thư viện các trường đại học phía Nam, phía Bắc đã tổ chức nhiều khoá tập huấn, nhiều cuộc hội thảo về việc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ trong lĩnh vực biên mục. Nhưng, việc tuyên truyền, phổ biến vẫn mang tính khuyến cáo, hiệu quả chưa như mong muốn. Phải đánh giá chính xác rằng, do cơ quan quản lý nhà nước về thư viện nhận thức chưa đúng mức về chuẩn hoá, thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, còn chiết trung trong định hướng, chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc  về vấn đề này nên các thư viện chưa quyết liệt vào cuộc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ như một sự bắt buộc phải làm. Trong chương trình của các trường đào tạo người làm thư viện, vấn đề xây dựng, tuyên truyền, hướng dẫn áp dụng chuẩn hoá chưa được bố trí thời lượng phù hợp…

5.2. Một số kiến nghị

Để phát huy tốt giá trị của chuẩn hoá, thiết thực góp phần thúc đẩy sự nghiệp thư viện Việt Nam phát triển mạnh mẽ và hội nhập toàn diện với thư viện thế giới, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị đối với các cấp và các thư viện một số vấn đề sau:

- Với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trực tiếp là VTV cần tăng cường công tác quản  lý nhà nước về lĩnh vực này. Cần có những giải pháp cấp bách làm thông nhận thức cho các cấp lãnh đạo thư viện về sự cần thiết của việc chuẩn hoá. VTV nên bố trí nhân sự đặc trách theo dõi công tác này để định kỳ đánh giá và bổ khuyết kịp thời. VTV cần phối hợp chặt chẽ với Cục TTKH&CNQG, Bộ Giáo dục và Đào tạo để đẩy mạnh công tác chỉ đạo hoạt động này. Đặc biệt, VTV nên chỉ đạo các thư viện đứng đầu các hệ thống cần đi đầu áp dụng và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn việc triển khai, áp dụng chuẩn hoá trong toàn hệ thống. Đã đến lúc, VTV và Hội Thư viện Việt Nam (HTVVN) cần phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học để xác định rõ một số vấn đề còn đang nổi cộm, đặc biệt ở Liên Chi hội thư viện đại học phía Nam như: Vai trò của Tiêu đề - Chủ đề và Từ khoá, Tiêu chuẩn Mô tả và Truy cập tài nguyên thông tin (RDA) và quy tắc biên mục AACR2; Khổ mẫu biên mục Dublin Core trong biên mục tài liệu số; Biên mục trên xuất bản phẩm (CIP), công tác thư mục, mục lục phân loại và chọn lọc những thành tựu tiên tiến của thư viện truyền thống, những quan điểm đánh giá về thư viện xã hội chủ nghĩa, thư viện tư bản chủ nghĩa và sự thống nhất của thư viện cả nước, tránh phân biệt thư viện miền Bắc và miền Nam...

- Cho đến nay, vẫn còn sự chồng chéo trong việc chỉ đạo nghiệp vụ giữa VTV và TVQG. Trong khi chưa có những văn bản pháp lý cao hơn, cần thực hiện nghiêm túc Nghị định của Chính phủ về tổ chức, cụ thể cần thực hiện thống nhất mục 5, điều 5 của Nghị định 72/2002, quy định rõ: “Thư viện Quốc gia hướng dẫn nghiệp vụ cho các thư viện cả nước theo sự phân công của Bộ Văn hoá – Thông tin”. Bên cạnh đó, điều 6 của Nghị định này cũng chỉ rõ: “Thư viện công cộng cấp tỉnh chỉ đạo nghiệp vụ đối với thư viện cấp huyện và các thư viện do cơ quan và tổ chức địa phương thành lập. Thư viện công cộng cấp huyện chỉ đạo nghiệp vụ đối với thư viện cấp xã và các thư viện do cơ quan và tổ chức địa phương thành lập”. Theo tinh thần Nghị định 72/NĐ-CP, TVQG cần thực hiện tốt vị trí, vai trò “trung tâm hướng dẫn nghiệp vụ cho cả nước”, nên hình thành một bộ phận chuyên trách tham gia việc xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn chuẩn hoá trong mạng lưới thư viện cả nước. Các thư viện đứng đầu các hệ thống cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn việc triển khai, áp dụng chuẩn hoá trong toàn hệ thống. Việc phân định đúng và hợp lý nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ thư viện giữa TVQG và VTV sẽ có tác động tốt hoặc chưa tốt tới vấn đề chuẩn hoá nghiệp vụ của cả ngành. Cần có bộ phận hoặc phòng theo dõi xây dựng, phổ biến, cập nhật và đánh giá việc áp  dụng tiêu chuẩn, chuẩn nghiệp vụ, các quy định, quy trình, quy phạm… tránh tình trạng tự phát, thiếu thống nhất như hiện nay.

- Cần khai thác khả năng phong phú của HTVVN - nơi tập hợp nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm đã nghỉ hưu hoặc đang công tác, tham gia vào việc xây dựng, tuyên truyền, vận động các chi hội, liên chi hội tích cực triển khai áp dụng chuẩn hoá và thực hiện chức năng phản biện xã hội trước khi ban hành những chuẩn mới. Về việc này, Hội Thư viện các nước được nhà nước tạo điều kiện để phát huy rất tốt ưu thế của một tổ chức xã hội nghề nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nghị định 72/2002 NĐ-CP ngày 6/8/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện.

2. Quyết định số 10/2007/QĐ-BVHTT ngày 4/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thư viện đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

3. Tạ Bá Hưng, Nguyễn Tiến Đức, Phan Huy Quế. Hoạt động tiêu chuẩn hoá trong lĩnh vực thông tin tư liệu: Hiện trạng và định hướng phát triển // Kỷ yếu hội thảo Tăng cường áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam về thông tin và tư liệu), 2006.

4. Vũ Dương Thuý Ngà và nhóm nghiên cứu Đại học Văn hoá – Báo cáo tổng quan. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Tăng cường việc chuẩn hoá trong hoạt động thư viện ở Việt Nam, 2011.

5. Vũ Dương Thuý Ngà. Vấn đề chuẩn hoá trong hoạt động Thư viện - Thông tin hiện nay // Tạp chí Nghiên cứu Văn hoá. - 2011. - Số 1.

6. Vũ Văn Sơn. Tình hình tiêu chuẩn hoá hoạt động thông tin - thư viện // Bản tin Hội Thông tin Việt Nam. - 2004.

7. Một số bài trên mạng Internet.

_______________

Phạm Thế Khang

Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2014. - Số 5. - Tr. 8-13,7.


Đọc thêm cùng chuyên mục: