Một số nhận biết trong quá trình biến đổi mau lẹ của hoạt động thư viện hiện đại

E-mail Print

1. Cơ sở của biến đổi

Thư viện là một tổ chức được xếp vào loại cổ nhất thế giới vì nó đã ra đời từ hàng nghìn năm trước, nhưng nó chỉ được áp dụng những phương pháp quản lý khoa học vào những năm 30 của thế kỷ trước ở một số thư viện của Mỹ [8]. Điều đó chứng tỏ hoạt động thư viện đơn giản và ổn định qua hàng nghìn năm tồn tại.

Nhưng kể từ khi thử nghiệm xây dựng mục lục đọc trên máy (MARC) ở Thư viện Quốc hội Mỹ vào cuối những năm 60 của thế kỷ XX, đặc biệt sau khi máy tính để bàn (PC) được phổ cập rộng rãi trong hoạt động thư viện từ những năm 80, sự ra đời của Internet, mạng toàn cầu, sách điện tử, các thiết bị số hoá, web và web 2.0... được ra đời dồn dập vào những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI đã phân chia lịch sử hoạt động thư viện thế giới làm hai thời kỳ rõ rệt: thời kỳ thư viện truyền thống và thời kỳ thư viện hiện đại.

Thư viện hiện đại biến đổi mau lẹ qua từng năm, trái ngược hoàn toàn với thời kỳ truyền thống, ngưng đọng hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm.

Nền tảng cho quá trình biến đổi của thư viện hiện đại, chính là:

- Yêu cầu của xã hội thông tin, sự bùng nổ tri thức và nền kinh tế bước vào nền kinh tế tri thức.

- Quá trình phát triển mau lẹ và kỳ diệu của công nghệ thông tin và hạ tầng viễn thông hiện đại. Một trong những mũi nhọn phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, khoa học kỹ thuật của thế kỷ XXI.

Thư viện hiện đại sẽ phát triển như thế nào và đi về đâu?

Có người cho rằng thư viện hiện đại là thư viện không tường, thư viện số (digital library). Và để đi tới thư viện hiện đại, thư viện truyền thống phải trải qua một chặng đường chuyển đổi, gọi là thư viện lai (hybrid library).

Quan niệm về thư viện không tường do nhà Sử học James H. Billington - Giám đốc Thư viện Quốc hội Mỹ nêu ra. Hiện nay, ông là người đề xướng và đang thực hiện Thư viện số thế giới - The World Digital Library (WDL) được UNESCO ủng hộ và tài trợ. Ông cũng đã có lời mời Thư viện Quốc gia Việt Nam tham gia WDL. Thư viện này đang có tham vọng số hoá tư liệu của các nền văn hoá khác nhau trên thế giới.

Có người lại cho rằng thư viện với sách (ý nói sách in), biên mục, trụ sở thư viện... đã cáo chung, lùi vào dĩ vãng. Thư viện hiện đại đang dần hình thành là một tổ chức uỷ thác được cấp kinh phí và người làm thư viện là các chuyên gia, cống hiến cho sự cải tạo xã hội thông qua phát triển các tiện ích hỗ trợ sáng tạo tri thức. Nhà dự báo gọi đó là một nghề thư viện mới (new librarianship) đã ra đời [6]...

Quan niệm này do Tiến sỹ R. David Lankes nêu ra. Hiện ông đang giảng dạy tại trường Đại học Syracuse, Mỹ và tuyên truyền rất nhiệt tình, như một nhà truyền giáo, thông qua các buổi thuyết trình, viết sách, báo... giới thiệu quan niệm mới về nghề thư viện.

2. Hai nhân vật trung tâm

Dù gọi như thế nào, hai nhân vật trung tâm của thư viện truyền thống là người làm thư viện và người đọc vẫn là hai nhân vật trung tâm của thư viện hiện đại. Nhưng cách thức hoạt động và giao tiếp giữa họ đã biến đổi hoàn toàn.

2.1. Người đọc

Nếu trước kia, ở thư viện truyền thống, người đọc muốn sử dụng thư viện: đọc sách, báo phải tới trụ sở thư viện nào đó, theo một thời gian biểu cố định và phải gặp người làm thư viện nêu yêu cầu, cũng chỉ có thể đọc được sách, báo có trong thư viện đó, không thể mượn giữa các thư viện. Vì chưa được phổ cập rộng rãi trên bình diện thế giới.

 Như vậy người đọc phải tốn nhiều thời gian đi lại, chờ đợi lấy sách, báo và khả năng tiếp nhận thông tin, tri thức rất ít, hạn hẹp chỉ có trong một thư viện nhất định.

Còn người đọc trong các thư viện hiện đại, có thể tới thư viện theo truyền thống cũng có thể không tới trụ sở thư viện, chỉ cần có máy tính để bàn, điện thoại di động thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay... nối mạng, vào trang web của thư viện, có thể sử dụng thư viện, khai thác thông tin, tri thức không chỉ có trong thư viện đó mà còn có khả năng khai thác thông tin, tri thức ở nhiều thư viện khác, ở nhiều nguồn khác, kể cả các mạng xã hội, ở các định dạng khác nhau, chữ, hình, hình động, âm thanh, thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau, dù đang ở bất cứ nơi đâu vào bất kỳ thời gian nào trên thế giới.

Nhưng người đọc đó phải có kỹ năng thông thạo thông tin (information literacy skills) mới có thể thu thập, sàng lọc, thẩm định, tiếp nhận được thông tin, tri thức chính xác, tin cậy và sử dụng hợp pháp và hợp đạo lý một cách hữu ích cho bản thân.

Như vậy, người đọc hiện đại có rất nhiều thuận tiện, thời gian tiêu phí ít hơn, khối lượng thông tin, tri thức thu thập được nhiều hơn, đầy đủ hơn, toàn diện hơn, không bị bó hẹp ở các con chữ khô cứng, phiến diện, nhưng với một điều kiện không thể thiếu là phải thông thạo thông tin (information literacy).

 Thậm chí xã hội đang có xu hướng phân chia thành những người thông thạo thông tin và những người không thông thạo thông tin được gọi là phân chia số (digital divide).

Những người thông thạo thông tin sẽ có kết quả lao động tốt hơn và đương nhiên sẽ thu nhập cao hơn những người không thông thạo thông tin trong xã hội thông tin hiện đại, trong nền kinh tế tri thức.

2.2. Người làm thư viện

Nhân vật thứ hai là người làm thư viện, người chỉ tồn tại vì người đọc, nhằm thoả mãn nhu cầu đọc của người đọc.

Trong một thời gian khá dài, trên tổng thể, người làm thư viện từ quản lý sách, báo đã chuyển dần sang quản lý thông tin và ngày nay đang tiến tới quản lý tri thức.

 Mỗi lần chuyển đổi như vậy, thực chất là mở rộng quản lý vốn tài liệu của thư viện, từ quản lý sách, báo sang quản lý sách, báo và tài liệu in không phải sách, báo. Hiện nay đang tiến tới quản lý tài sản trí tuệ (intellectual assets): bằng sáng chế phát minh, bản quyền tác giả, nhãn hàng hoá, bí quyết thương mại và mạng bán dẫn.

 Năm dạng tài sản trí tuệ này được luật pháp nhiều nước bảo vệ và có thể thương mại hoá. Thậm chí cũng có ý kiến nêu ra là cần quản lý cả tri thức ẩn (tacit knowledge), tri thức nằm trong đầu một số chuyên gia, riêng họ tích luỹ được qua năm tháng trải nghiệm khoa học, cho đến nay chưa có cách nào hệ thống hoá thành văn bản, đúc kết thành công thức để truyền bá... bằng cách lập danh sách các chuyên gia đó và ghi rõ những khả năng đặc biệt của mỗi người [3].

Vai trò, tác động của người làm thư viện lên người đọc cũng được xác định lại, ở tầm cao mới. Họ không chỉ đơn thuần là một thành viên trong một thể chế, mà là những chuyên gia, cống hiến cho quá trình cải tạo xã hội thông qua phát triển các tiện ích hỗ trợ sáng tạo tri thức.

Nhiều người cho rằng, 5 quy luật của S.R. Ranganathan (1892-1972) nêu ra về nghề thư viện vào những năm 30 của thế kỷ trước, đến nay đã trở thành quá hạn hẹp, không còn phù hợp với thư viện hiện đại:

Sách là để sử dụng,

Mỗi người đọc có cuốn sách của họ,

Mỗi cuốn sách có người đọc của nó,

Tiết kiệm thời gian cho người đọc và

Thư viện là cơ chế đang phát triển.

Ngày nay thư viện hiện đại, hay hoạt động của người làm thư viện hiện đại có tác động đến xã hội lớn hơn rất nhiều so với quan niệm của nhà thư viện học danh tiếng người Ấn Độ. Thư viện là:

Tác nhân kích thích nền kinh tế phát triển,

Trung tâm học tập của toàn xã hội,

Mạng an toàn, 

Người quản lý nền văn hoá,

Cái nôi của nền dân chủ và

Biểu tượng của tham vọng [7].

Đi tìm tương lai hay dự báo tương lai bao giờ cũng là một hoạt động không thể thiếu của con người, nhất là con người hiện đại. Nhưng tương lai như thế nào cũng chỉ là dự đoán, dù là đoán già hay chỉ là đoán non. Nên tính chính xác của nó cũng cần được xem xét.

Muốn phát triển không thể không cần có những dự báo của nhiều chuyên gia khác nhau, trên những bình diện khác nhau, tầm nhìn không giống nhau, để chúng ta có thể rút ra, tổng hợp được những nét hợp lý nhất, gần sát với thực tiễn nhất, kịp thời, mau lẹ điều chỉnh trong hoạt động với mục tiêu duy nhất là đóng góp thiết thực vào phát triển xã hội hiện đại.

Tuy vậy, có một điều không thể phủ nhận được là thư viện hiện nay cần phải được thay đổi, trên thực tế đã và đang thay đổi về cơ bản từ quan niệm tới hoạt động để thích nghi và đóng góp có hiệu quả hơn trong xã hội hiện đại, xã hội thông tin, nền kinh tế tri thức.

3. Một số kiến nghị

Tại Việt Nam, kể từ khi bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin trong các thư viện, năm 1985 ở Thư viện Quốc gia Việt Nam, trong các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta đã mở ra một hành lang pháp lý rộng rãi cho các thư viện và sự nghiệp thư viện biến đổi rất lớn.

Ba mươi năm qua thư viện Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi, đang dần chuyển đổi từ thư viện truyền thống sang thư viện hiện đại, hay nói chính xác hơn đang trong thời kỳ thư viện lai (hybrid library), thư viện trong quá trình chuyển đổi.

Các thư viện lớn ở Việt Nam như: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học Kỹ thuật Trung ương, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh... đã có thể phục vụ người đọc tại trụ sở thư viện (theo truyền thống) và phục vụ người đọc trên trang web của thư viện, trên Internet (theo hiện đại), dù người đọc ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Nội dung đọc được trên trang web của thư viện đang ngày càng mở rộng. Hiện tượng mà trước kia ở Việt Nam chưa từng có, người đọc trước kia chưa từng được hưởng thụ.

Quá trình chuyển đổi này nhanh hay chậm, được thực hiện tập trung có sự chỉ đạo theo chiến lược, theo kế hoạch rõ ràng hay tự phát, manh mún, cục bộ, cát cứ sẽ tác động không nhỏ tới chất lượng hoạt động của các thư viện cũng như sự nghiệp thư viện hiện đại nước ta. Tuy vậy, xu hướng này chưa được thể hiện rõ nét trong hoạt động thực tiễn:

- Kể từ khi Internet được phát triển tại Việt Nam vào cuối năm 1997, đã xuất hiện một loại tài liệu chỉ có trên mạng, không có trên giấy như báo mạng, bài báo, sách, ý kiến... kể cả thông tin ở những định dạng khác như hình ảnh, ảnh động, âm thanh. Đây cũng là một phần của di sản văn hoá Việt Nam. Nhưng cho đến nay chưa được một cơ quan nào có trách nhiệm chọn lọc lưu giữ lại cho các thế hệ mai sau. Một đặc điểm của loại tài liệu này là nhanh chóng xuất hiện trên mạng và cũng nhanh chóng biến mất khỏi mạng.

Xét theo lý, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã được Pháp lệnh Thư viện trao cho nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hoá thành văn của dân tộc, Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng có một phần trách nhiệm bảo quản - lưu giữ các tài liệu trên mạng đó. Nhưng tài liệu trên mạng hiện nay không chỉ có tài liệu dạng chữ mà còn nhiều tài liệu dạng ảnh, ảnh động và âm thanh, nên cần có sự phối hợp bàn bạc đi tới thống nhất lưu giữ kịp thời một phần di sản văn hoá dân tộc của thời kỳ hiện đại này.

Ở các nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Ôxtrâylia... người ta đã thực hiện khoảng gần 20 năm trước đây. Thông thường họ giao cho Thư viện Quốc gia, tất nhiên là có nhân lực được đào tạo, trang thiết bị và kinh phí tương ứng thực hiện.

- Như trên chúng tôi đã nêu, thư viện Việt Nam đã và đang dần chuyển đổi từ thư viện truyền thống sang thư viện hiện đại. Đây là một quá trình chuyển đổi, thư viện được gọi là thư viện lai. Và đương nhiên người đọc cũng là người đọc lai (hybrid reader). Nghĩa là người đọc vừa phải biết đọc trên giấy, cũng như vừa phải biết đọc trên mạng toàn cầu.

Lần đầu tiên trong lịch sử, một thế hệ người đọc Việt Nam mới đã ra đời. Họ là sản phẩm của thời đại Internet, có những đặc điểm riêng, tâm lý riêng, khác hẳn những thế hệ người đọc chỉ biết đọc trên giấy.

Họ không đối lập giữa đọc trên giấy và đọc trên mạng, không cho rằng chỉ đọc trên giấy mới thu lượm được thông tin, tri thức hữu ích, có giá trị. Họ không chỉ đọc, mà còn nghe và xem. Ba thành phần này mới hợp thành nhu cầu thông tin, tri thức của họ. Đồng thời, cũng có thể xem là ba phương thức tiếp nhận thông tin, tri thức của người đọc hiện đại. Rõ ràng nhu cầu thông tin, tri thức của họ đa dạng, phong phú hơn rất nhiều thế hệ người đọc chỉ biết đọc trên giấy. Như vậy văn hoá đọc của họ cũng đã khác xưa rất nhiều, xét trên ba yếu tố hợp thành: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.

Trên phương diện là một thế hệ người đọc mới cần được nghiên cứu kịp thời để có những giải pháp thoả mãn nhu cầu thông tin, tri thức của họ cho phù hợp.

Đọc trên giấy, người đọc phải am hiểu kỹ năng đọc. Đọc trên mạng, người đọc không chỉ phải am hiểu kỹ năng đọc mà còn phải am hiểu kỹ năng thông thạo thông tin (information literacy skills) hay phải có năng lực thông thạo thông tin (information literacy competency).

 Những thư viện lớn ở nước ta đang tích cực đưa nhiều tiện ích cũng như nội dung lên trang web của thư viện trên Internet, nhưng chưa có những biện pháp tích cực tương ứng giáo dục người đọc thông thạo thông tin, để họ có khả năng không chỉ khai thác thông tin, tri thức của thư viện, mà còn có khả năng khai thác thông tin, tri thức hữu ích, có giá trị cho bản thân trên mạng toàn cầu, loại bỏ những thông tin, tri thức không chính xác, dư thừa, không phù hợp. Đây là một nét đặc trưng của thư viện hiện đại trên thế giới, cũng được xem là một nét đặc trưng của thư viện trong tương lai, thậm chí trong suốt thế kỷ XXI, như các chuyên gia thư viện thế giới đã nêu trong Tuyên ngôn Praha: Hướng tới một xã hội thông thạo thông tin, năm 2003 [2].

Hơn nữa, các chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng thông thạo thông tin là nền tảng cho mỗi người học tập suốt đời và cũng là nền tảng cho một xã hội học tập [2]. Hiện nay Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng xây dựng một xã hội học tập [4]. Vì vậy, trên bình diện quản lý nhà nước cần có một bộ phận nghiên cứu và kịp thời biên soạn các chương trình giáo dục thông thạo thông tin cho các đối tượng người đọc khác nhau, hay nói chính xác là những người đang sử dụng Internet khác nhau ở nước ta.

Theo các số liệu thống kê, hiện nay nước ta có khoảng 1/3 dân số, khoảng trên 30 triệu người có khả năng truy nhập, khai thác thông tin, tri thức trên Internet hàng ngày. Đây là một công việc, một nhiệm vụ có tác động rất lớn tới xã hội, tới quá trình nâng cao kiến thức của nhiều tầng lớp nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả lao động của họ, cũng là một tiềm năng phát triển kinh tế đất nước.

Do biến đổi mau lẹ của công nghệ thông tin, cho nên ở các nước tiên tiến như Mỹ, các chương trình giáo dục, tiêu chuẩn năng lực thông thạo thông tin cũng được xem xét và biên soạn lại cho phù hợp [5], nếu không sẽ ảnh hưởng tới chất lượng lao động của nhiều người trong xã hội, cũng như không phát huy hết tính năng, tác dụng của máy tính, lãng phí công cụ lao động hiện đại, đắt tiền.

Gần đây người ta còn cho rằng do phát triển mau lẹ của công nghệ thông tin, người đọc vào Internet, không chỉ phải thông thạo thông tin (information literacy) mà còn phải thông thạo số (digitalliteracy), thông thạo mạng (cyberliteracy), thông thạo đa phương tiện (medialiteracy), thông thạo thị giác (visualliteracy), thông thạo tri thức (knowledge literacy). Có nghĩa là phải siêu thông thạo (metaliteracy), mới có khả năng khai thác thông tin, tri thức chính xác, tin cậy, đa dạng và đầy đủ trên Internet đạt hiệu quả cao. 

- Ở những thư viện lớn trên thế giới hiện nay đã tạo dựng một chức danh chuyên theo dõi quá trình biến đổi của thư viện trước những yêu cầu của xã hội, cũng như sự phát triển quá mau lẹ của công nghệ thông tin tác động trực tiếp lên hoạt động thư viện, những quan niệm mới, những tư tưởng triết học mới về thông tin, thư viện, để có thể định hướng lâu dài và điều chỉnh kịp thời hoạt động trước mắt của thư viện. Đó thường là Phó Giám đốc về phát triển chiến lược. Nếu định hướng lệch thì thư viện sẽ phát triển lệch, khi kịp thời phát hiện ra và điều chỉnh thì đã trở thành lạc hậu và quan trọng là tốn kém rất lớn về thời gian, tiền bạc và nhân lực. Có lẽ, Thư viện Quốc gia Việt Nam nên tạo dựng một chức danh Phó Giám đốc về phát triển chiến lược. Ở các thư viện đầu ngành cũng nên có một chức danh tương tự.

Trong cuốn Danh từ thư viện thông tin Anh - Việt, xuất bản năm 2000 đã viết: “Dù thư viện phát triển theo hướng nào, hoặc phát triển tổng hoà các xu hướng trên đây, một điều không thể phủ nhận: vai trò và tác động của thư viện vào đời sống xã hội hiện đại ngày càng to lớn và sâu đậm, chúng ta khó hình dung được toàn vẹn... Tất cả những vấn đề trên, đòi hỏi chúng ta phải theo dõi và hiểu rõ các diễn biến, các xu hướng phát triển, các thử nghiệm thành công hoặc thất bại, các kế hoạch phát triển dài hạn và các dự báo, các tư tưởng triết học của các nền thư viện, thông tin tiên tiến trên thế giới, của các nhà thư viện, thông tin hàng đầu trên thế giới nhằm thích nghi và đáp ứng được các nhu cầu của xã hội mới, của thời đại mới. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể chủ động góp phần tích cực vào quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá ngành Thư viện Việt Nam, góp phần phát triển nền thư viện học, thông tin học Việt Nam, tận dụng được phép lợi thế, đi tắt đón đầu của những nước chưa phát triển và thúc đẩy quá trình hội nhập của cộng đồng thư viện Việt Nam vào cộng đồng thư viện thế giới” [1].

- Xét cho tới cùng, quá trình chuyển đổi từ thư viện truyền thống sang thư viện hiện đại, cái đích cuối cùng là thư viện số. Điều đó có nghĩa, một phần quan trọng của quá trình này là số hoá các tài liệu thành văn đã có từ trước của dân tộc.

Quá trình số hoá được tiến hành nhanh, có kế hoạch, tập trung sẽ góp phần không nhỏ hình thành thư viện số hiện đại Việt Nam. Hiện nay, theo các văn bản chỉ đạo của Nhà nước, từ Pháp lệnh Thư viện tới các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Thư viện Quốc gia Việt Nam là cơ quan được Nhà nước giao trách nhiệm tàng trữ ấn phẩm dân tộc, nên được văn bản hoá chỉ đạo nhiệm vụ số hoá kho ấn phẩm dân tộc này là thuận tiện cho khâu thực hiện và hợp lý tiết kiệm nhân lực, kinh phí của Nhà nước, đảm bảo chất lượng, tính thống nhất và mức đầy đủ hoàn chỉnh của kho ấn phẩm dân tộc quý giá này khi số hoá.

- Khi tiến hành số hoá kho ấn phẩm dân tộc, đồng thời cũng phải tiến hành nghiên cứu tác quyền trên tài liệu số. Đảm bảo quyền lợi của tác giả - người sáng tạo tác phẩm, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, tri thức của mọi công dân - người đọc và đảm bảo hoạt động bình thường của thư viện, phục vụ người đọc rộng rãi.

Ở một số thư viện trên thế giới đã nêu ra chế độ uỷ thác cho thư viện thu phí sách số. Thư viện vẫn hoạt động theo kinh phí do cơ quan chủ quản cung cấp, hầu như không dựa trên % thu phí. Phí này được trả cho từng tác giả hàng năm. Nhưng phí là bao nhiêu cho phù hợp với người đọc rộng rãi ở Việt Nam và không gây thiệt thòi cho tác giả - người sáng tạo tác phẩm? 

- Điểm quan trọng cuối cùng, nhưng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình chuyển đổi của thư viện, là phải phục vụ đắc lực hơn, có hiệu quả hơn công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, theo đúng tinh thần nghị quyết của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Hữu Viêm.Danh từ thư viện - thông tin Anh - Việt. - H.: Văn hoá dân tộc, 2000. - 356tr.

2. Nguyễn Hữu Viêm.Thông thạo thông tin // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2015. - Số 2. - Tr. 24-30.

3. Nguyễn Hữu Viêm.Về quản lý tri thức // Tạp chí Thông tin và Tư liệu. - 2011. - Số 1. - Tr. 27-30.

4. Xây dựng xã hội học tập dưới ánh sáng Nghị quyết 29 - NQ/HNTW của Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khoá XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

5.Banks, M.The new ACRL Information Literacy Competency Standards for Higher Education // Com- munication in Information Literacy. - 2013. -  Vol. 7, Issue 2. - P. 184-188.

6. Lankes, R.D.The New Librarianship Field Guide. Http://quartz.syr.edu/blog/?page.id-6369. Truy cập ngày 4/7/2015.

7. Lankes, R.D.Radical’s Guide Archived Ppage. Http://quartz.syr.edu/Blog/?page.id-8022. Truy cập ngày 4/7/2015.

8. Stueart, R.D. and Moran, B.B.Library and Information Center Management. - 5th ed. - Englewood: Libraries unlimited, Inc., 1998. - 509p.

_________________

Nguyễn Hữu Viêm

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 2. - Tr. 9-14.


Đọc thêm cùng chuyên mục: