Một số định hướng đầu tư phát triển hoạt động thông tin - thư viện và thống kê khoa học và công nghệ

Print

Phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) được Đảng và Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước [1]. Để hỗ trợ cho phát triển KH-CN, hoạt động thông tin, thư viện, thống kê KH-CN đóng vai trò quan trọng và được coi như một thành phần của nguồn lực KH-CN. Hoạt động thông tin KH-CN ở Việt Nam đã có một bề dày lịch sử phát triển trên 50 năm. Bắt đầu được hình thành từ đầu những năm 60, phát triển mạnh vào những năm 70, kiện toàn hệ thống vào những năm 80 của thế kỷ XX, đến nay hoạt động thông tin đã tạo thành mạng lưới các tổ chức thông tin KH-CN rộng khắp với hơn 500 tổ chức, đơn vị thông tin KH-CN hoạt động ở Trung ương, các Bộ, ngành, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các tổng công ty và các đơn vị cơ sở [4]. Nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, thư viện và thống kê KH-CN, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách đầu tư phát triển hoạt động này. Trong bài báo, chúng tôi trình bày một số nét về chính sách và định hướng đầu tư phát triển công tác thông tin, thư viện và thống kê KH-CN thời gian tới.

1. Chính sách và định hướng của Đảng và Nhà nước về đầu tư phát triển công tác thông tin, thư viện và thống kê KH-CN

Có thể khẳng định Đảng và Nhà nước rất quan tâm đầu tư phát triển công tác thông tin, thư viện và thống kê KH-CN. Điều này đã được thể hiện rõ nét qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng như những văn bản chỉ đạo, điều hành.

Chính sách đầu tư phát triển công tác thông tin, thư viện, thống kê KH-CN trong một số văn bản quy phạm pháp luật

Chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc đầu tư phát triển công tác thông tin KH-CN đã được thể hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Luật Khoa học và Công nghệ (Luật số 21/2000/QH10 ngày 09/6/2000) đã khẳng định: "Chính phủ đầu tư xây dựng hệ thống thông tin KH-CN quốc gia hiện đại, bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về các thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ ở trong nước và trên thế giới;...".

Pháp lệnh Thư viện (số 31/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/12/2000) xác định "Nhà nước đầu tư ngân sách để phát triển thư viện, vốn tài liệu thư viện; mở rộng sự liên thông giữa các thư viện trong nước và hợp tác, trao đổi tài liệu với thư viện nước ngoài...". Nghị định số 72/2002/NĐ-CP ngày 06/08/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện đã chỉ ra rằng nhà nước sẽ tập trung đầu tư các thư viện KH-CN có vị trí quan trọng như Thư viện Khoa học - Kỹ thuật Trung ương (nay là Thư viện KH-CN Quốc gia thuộc Cục Thông tin KH-CN Quốc gia), Thư viện Viện Thông tin - Khoa học Xã hội (thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam).

Nghị định 159/2004/NĐ-CP ngày 31/8/2004 của Chính phủ về thông tin KH-CN cũng đã xác định hằng năm Nhà nước dành ngân sách cho việc hỗ trợ phát triển hoạt động thông tin KH-CN từ kinh phí sự nghiệp KH-CN và vốn đầu tư phát triển. Kinh phí sự nghiệp KH-CN hỗ trợ phát triển hoạt động thông tin KH-CN được ưu tiên sử dụng vào các mục đích: Tạo lập và phát triển nguồn tin KH-CN; tổ chức cung cấp thông tin KH-CN phục vụ lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý nhà nước; tuyên truyền, phổ biến thành tựu, tri thức KH-CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội miền núi vùng sâu, vùng xa. Nhà nước yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương có kế hoạch đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất-kỹ thuật theo hướng hiện đại hoá cho tổ chức dịch vụ thông tin KH-CN của mình, đồng thời khuyến khích các tổ chức thông tin KH-CN tăng cường nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ thông tin KH-CN, các giao dịch KH-CN khác; đa dạng hoá các nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho các hoạt động thông tin KH-CN.

Đối với công tác thống kê KH-CN, Nghị định 30/2006/NĐ-CP ngày 29/03/2006 của Chính phủ về thống kê KH-CN đã xác định "Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động thống kê khoa học và công nghệ; ưu tiên đầu tư cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào hoạt động thu thập, xử lý, tổng hợp, công bố thông tin, xây dựng ngân hàng dữ liệu và mạng thông tin thống kê khoa học và công nghệ. Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực thống kê khoa học và công nghệ".

Một số định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển công tác thông tin, thư viện và thống kê KH-CN

 Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015, trong đó xác định "Phát triển KH-CN thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững" [1]. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về "Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 31/10/2012 đã xác định "phát triển hạ tầng thông tin và thống kê khoa học và công nghệ quốc gia hiện đại" là một trong giải pháp phát triển KH-CN [1].

Để triển khai thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011 - 2020 và Nghị quyết 20-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược phát triển KH-CN Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020" (ban hành kèm theo Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/04/2012) đồng thời xây dựng và phê duyệt một loạt chương trình và đề án quốc gia về KH-CN. Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011 - 2020 đã khẳng định phải tăng cường tiềm lực KH-CN thông qua "nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các... trung tâm thông tin KH-CN,..." .

Tăng cường nguồn lực thông tin phục vụ hội nhập quốc tế về KH-CN là một trong những nội dung của Đề án Hội nhập quốc tế về KH-CN đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 735/QĐ-TTg ngày 18/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ). Nội dung của "Chương trình tăng cường nguồn lực thông tin phục vụ hội nhập quốc tế về KH-CN" được nêu trong đề án gồm: Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả Mạng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam - Vietnam Research and Education Network (VINAREN) nhằm chia sẻ, cập nhật kiến thức về KH-CN, sử dụng và khai thác có hiệu quả các phương tiện phục vụ nghiên cứu và phát triển; Kết nối mạng VINAREN với các mạng thông tin quốc tế về KH-CN lớn như GLORIAD (Global Ring Network for Advanced Application Development), APAN (The Asia Pacific Advandced Network),… với băng thông rộng và hiệu năng cao; Hỗ trợ các thư viện điện tử trong nước liên kết với các thư viện điện tử của các trường đại học, các viện nghiên cứu trong khu vực và trên thế giới phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, giáo dục và đào tạo; Tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới đại diện KH-CN Việt Nam ở nước ngoài.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 24/4/2012 về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 – 2015, trong đó đề cập đến "...xây dựng hệ thống thông tin quốc gia và hệ thống dự báo, cảnh báo quốc gia...".

Chương trình hành động của Bộ KH-CN triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011 - 2020 (Quyết định số 809/QĐ-BKHCN ngày 25/03/2011 của Bộ trưởng Bộ KH-CN) và Chương trình hành động của Bộ KH-CN thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 24/4/2012 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015 (Quyết định số 1427/QĐ-BKHCN ngày 25/06/2012 của Bộ trưởng Bộ KH-CN) xác định tăng cường đầu tư cho công tác thông tin, thống kê KH-CN là một trong những nhiệm vụ tăng cường tiềm lực KH-CN quốc gia. Nội dung tăng cường công tác thông tin và thống kê KH-CN gồm:

- Đầu tư xây dựng Trung tâm Thông tin KH-CN khu vực phía Nam (tại thành phố Hồ Chí Minh) và Trung tâm Thông tin khoa học và giao dịch công nghệ quốc gia (tại thành phố Hà Nội).

- Đẩy mạnh phát triển Mạng Thông tin KH-CN Việt Nam - Vietnam Information for Science and Technology Advance (VISTA), mở rộng kết nối VINAREN tới 100% các viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm trọng điểm, các trường đại học, các bệnh viện lớn, các trung tâm thông tin - thư viện đầu mối; Phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ KH-CN, đặc biệt là dịch vụ thông tin, tư vấn, môi giới, đánh giá, thẩm định, giám định công nghệ, sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng. Hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin công nghệ, mạng lưới các trung tâm chuyển giao công nghệ để hỗ trợ hoạt động nhập khẩu, đổi mới công nghệ.

- Đẩy mạnh công tác thống kê, thông tin, tuyên truyền về KH-CN. Tổ chức biên soạn niên giám thống kê KH-CN hàng năm.

Trong phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH-CN chủ yếu giai đoạn 2011 - 2015 (ban hành kèm theo Quyết định số 1244/QĐ-TTg ngày 25/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ), phát triển công tác thông tin, thống kê KH-CN được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, theo đó cần tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các trung tâm thông tin khoa học và công nghệ.

2. Một số định hướng tăng cường đầu tư phát triển công tác thông tin, thống kê KH-CN

Từ những chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển công tác thông tin, thống kê KH-CN, có thể đề ra một số định hướng tăng cường đầu tư phát triển công tác thông tin, thư viện, thống kê KH-CN thời gian tới.

Quan điểm phát triển công tác thông tin, thư viện, thống kê khoa học và công nghệ

Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở tái cấu trúc nền kinh tế theo chiều sâu, dựa trên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đi đôi với ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học và công nghệ. KH-CN nói chung, thông tin, thư viện và thống kê KH-CN nói riêng đã và đang được nhìn nhận như một động lực và nền tảng của việc phát triển nhanh và bền vững đất nước, là yếu tố hàng đầu cho phát triển kinh tế tri thức trong thời gian tới. Phát triển công tác thông tin, thư viện và thống kê KH-CN ở nước ta giai đoạn đến năm 2020 cần được nhìn nhận từ ba quan điểm cơ bản, đó là [4]:

- Phát triển tin lực KH-CN như một bộ phận cấu thành của tiềm lực KH-CN. Cùng với nhân lực, tài lực, vật lực, tin lực KH-CN là hạ tầng dẫn động của KH-CN, nền tảng của kinh tế tri thức. Tri thức là sức mạnh. Thông tin KH-CN là quyền lực cho phát triển nhanh, bền vững đất nước. Đầu tư vào công tác thông tin, thư viện và thống kê KH-CN là đầu tư phát triển, đầu tư cho hôm nay và mai sau của đất nước.

- Công tác thông tin, thư viện, thống kê KH-CN được coi là lĩnh vực dịch vụ công cần được Nhà nước đầu tư thỏa đáng kết hợp với xã hội hóa từng bước. Đáp ứng nhu cầu người dùng tin cụ thể (người dùng tin trực tiếp) vừa là mục tiêu, động lực, nguồn lực vừa là thước đo hiệu quả công tác thông tin, thư viện và thống kê KH-CN.

- Đi thẳng vào hiện đại và tương hợp quốc tế trong các khâu, lĩnh vực chủ chốt của hoạt động thông tin, thư viện và thống kê KH-CN, đặc biệt là khâu thu thập, xử lý, chia sẻ và phổ biến thông tin trong nước và quốc tế.

Một số trọng tâm đầu tư phát triển công tác thông tin KH-CN Việt Nam

Với định hướng phát triển công tác thông tin, thư viện và thống kê KH-CN của Đảng và Nhà nước như trên, có thể đề xuất một số trọng tâm cho việc đầu tư phát triển công tác thông tin KH-CN thời gian tới như sau [4]:

Thứ nhất, tăng cường đầu tư phát triển tài nguyên thông tin KH-CN của đất nước nhằm đáp ứng một cách hiệu quả nhu cầu của xã hội trên cơ sở bổ sung và đẩy mạnh khai thác các tài nguyên thông tin trọng yếu của thế giới; quản lý hiệu quả tài nguyên thông tin nội sinh.

Về bổ sung, cập nhật nguồn tin thế giới, cần tăng cường đầu tư:

- Bổ sung một cách hệ thống và chọn lọc các tạp chí, sách chuyên khảo sách tra cứu có giá trị cao về các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên phát triển của Việt Nam;

- Bổ sung và tổ chức khai thác các nguồn thông tin sáng chế và thông tin tiêu chuẩn;

- Bổ sung và cung cấp quyền truy cập, sử dụng các nguồn tin có tính công cụ định hướng nghiên cứu, đánh giá hiệu quả, tác động của các công bố khoa học quốc tế (như CSDL trên Web of knowledges, CSDL Scopus,…);

Về quản lý và phát triển các nguồn tin trong nước, cần:

- Thu thập một cách hệ thống và đầy đủ các nguồn tin KH-CN công bố trong nước: các sách, tạp chí, tài liệu hội nghị, hội thảo, tài liệu điều tra cơ bản;

- Tiếp tục đầu tư phát triển Hệ thống Thông tin Nghiên cứu và Phát triển (NC&PT) Việt Nam;

- Tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về KH-CN như nhân lực, kết quả nghiên cứu, công bố khoa học; xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ quốc gia.

Cần đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thư viện điện tử chung của các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH-CN phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh công tác điều hòa, phối hợp trong bổ sung và chia sẻ các nguồn tin KH-CN trong nước và quốc tế trên cơ sở phát triển Liên hiệp thư viện Việt Nam về nguồn tin KH-CN (Vietnam Library Consortium) phục vụ nghiên cứu, đào tạo và đổi mới sáng tạo.

Rà soát, sắp xếp lại, tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các  trung tâm thông tin KH-CN ở Trung ương và địa phương.

Thứ hai, đẩy mạnh đầu tư phát triển dịch vụ thông tin giao dịch công nghệ, góp phần phát triển thị trường công nghệ Việt Nam

Tổ chức hoạt động có hiệu quả, nâng cao giá trị thực của các chợ công nghệ và thiết bị, các sàn giao dịch công nghệ; Tổ chức Chợ công nghệ và thiết bị Quốc gia mở rộng với các đối tác quốc tế (trong các năm 2012, 2014) và các chợ công nghệ và thiết bị vùng, địa phương;

Tăng cường và thúc đẩy giao dịch mua bán công nghệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới;

Hoàn thiện và phát triển các Sàn giao dịch công nghệ trên Internet (Techmart ảo); Phát triển các sàn giao dịch công nghệ tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng;

Tổ chức và triển khai mạng thông tin công nghệ phục vụ các doanh nghiệp.

Thứ ba, duy trì và phát triển Mạng Thông tin KH-CN Việt Nam, Mạng Nghiên cứu và Đào tạo Việt Nam

Trong thời gian tới, Mạng VISTA và VINAREN cần được đầu tư phát triển và khai thác mạnh mẽ theo hướng:

- Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng tại các đơn vị thành viên trên cơ sở triển khai các chương trình hợp tác về nghiên cứu-đào tạo có sử dụng các ứng dụng và dịch vụ mạng tiên tiến, hiệu năng cao như: đào tạo từ xa, hội nghị trực tuyến, truyền hình chất lượng cao, điện toán lưới, y học từ xa, nông nghiệp điện tử, văn hóa điện tử (e-culture), khoa học điện tử (e-science)…;

- Chia sẻ thông tin và truy cập các nguồn tin trực tuyến, các thư viện điện tử trong nước và trên thế giới;

- Nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm các dịch vụ và ứng dụng mạng tiên tiến quy mô quốc gia và quốc tế;

- Duy trì đường truyền và nâng cấp về công nghệ và băng thông theo nhu cầu trong nước và hội nhập quốc tế;

- Kết nối với các mạng tiên tiến khu vực và quốc tế như APAN, GLORIAD, TEIN4 (Trans-Eurasia Information Network 4), và hợp tác song phương với các mạng nghiên cứu và đào tạo quốc gia khác;

- Phấn đấu đến năm 2020 kết nối 100% các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, phòng thí nghiệm trọng điểm, bệnh viện lớn và các trung tâm thông tin-thư viện quan trọng của cả nước.

Thứ tư,nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống thông tin, thống kê KH-CN quốc gia, tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế 

Ưu tiên đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác hiệu quả Trung tâm Thông tin khoa học và giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội[2], Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ khu vực phía Nam tại thành phố Hồ Chí Minh[3] và Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại Đà Nẵng;

Tăng cường cơ sở vật chất-kỹ thuật hiện đại cho các cơ quan thông tin khoa học và công nghệ tại các Bộ, ngành và địa phương; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thông tin, thư viện, thống kê KH-CN;

Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình tăng cường nguồn lực thông tin phục vụ hội nhập quốc tế về KH-CN và tổ chức thực hiện Chương trình sau khi được phê duyệt (tăng cường trao đổi các đoàn chuyên gia về thông tin, thư viện, thống kê KH-CN; Triển khai mạng tạp chí KH-CN Việt Nam trực tuyến (VJOL); Tham gia Cổng thông tin khoa học toàn cầu; Đẩy mạnh kết nối mạng VINAREN với các viện nghiên cứu, các trường đại học; khai thác có hiệu quả mạng VINAREN nhằm chia sẻ, cập nhật kiến thức về KH-CN, sử dụng có hiệu quả các phương tiện, thiết bị phục vụ cho nghiên cứu và phát triển);

Phát triển mạnh mẽ Liên hiệp Thư viện Việt Nam về các nguồn tin trong nước và quốc tế.

Kết luận

Công tác thông tin, thư viện, thống kê KH-CN ở nước ta được Đảng và Nhà nước quan tâm phát triển. Trong những văn bản quy phạm pháp luật như Luật KH-CN, Pháp lệnh Thư viện, một số Nghị định của Chính phủ đã khẳng định chính sách ưu tiên đầu tư của Nhà nước đối với công tác thông tin, thư viện và thống kê KH-CN.

Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mới với mô hình tăng trưởng, tăng cường hội nhập quốc tế. Đại hội toàn quốc lần XI của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 với mục tiêu tổng quát là đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để triển khai thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến 2020, Chiến lược phát triển KH-CN Việt Nam đến 2020, một số chương trình quốc gia về KH-CN, Chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ KH-CN đã được xây dựng và ban hành, trong đó đã xác định những nội dung chủ yếu phát triển công tác thông tin KH-CN.

Từ những nội dung nhiệm vụ của công tác thông tin, thư viện và thống kê KH-CN được xác định trong các chiến lược, chương trình quốc gia và chương trình hành động, có thể đề ra một số định hướng đầu tư phát triển hoạt động thông tin, thư viện và thống kê KH-CN thời gian tới, bao gồm: Tăng cường đầu tư phát triển tài nguyên thông tin KH-CN của đất nước nhằm đáp ứng một cách hiệu quả nhu cầu của xã hội trên cơ sở bổ sung và đẩy mạnh khai thác các tài nguyên thông tin trọng yếu của thế giới; Quản lý hiệu quả tài nguyên thông tin nội sinh; Đẩy mạnh đầu tư phát triển dịch vụ thông tin giao dịch công nghệ góp phần phát triển thị trường công nghệ Việt Nam; Duy trì và phát triển VISTA, VINAREN; Nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống thông tin, thống kê KH-CN quốc gia, tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế về thông tin, thư viện và thống kê KH-CN.

Để thực hiện được những nội dung đề ra, trước mắt cần nhanh chóng xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt 2 đề án quan trọng đối với phát triển hoạt động thông tin, thư viện và thống kê KH-CN là "Đề án hiện đại hoá công tác thông tin, thư viện và thống kê KH-CN đến năm 2020" và "Chương trình tăng cường nguồn lực thông tin phục vụ hội nhập quốc tế về KH-CN".

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XI. - H: Chính trị Quốc gia, 2011.

2. Quyết định số 2522/QĐ-BKHCN ngày 11/11/2009 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng. Trung tâm Thông tin Khoa học và Giao dịch Công nghệ Quốc gia.

3. Quyết định số 2538/QĐ-BKHCN ngày 31/10/2007 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng. Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ khu vực phía Nam.

4. Tạ Bá Hưng, Phan Huy Quế, Võ Thị Thu Hà. Công tác thông tin, thống kê khoa học và công nghệ Việt Nam: Hiện trạng, định hướng chiến lược đến năm 2020 và trọng tâm công tác giai đoạn 2011-2015 // Kỷ yếu Hội thảo khoa học ngành Thông tin, Thống kê Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế giai đoạn 2011-2015. -  H.: Cục Thông tin KH-CN Quốc gia, 2011. - Tr. 2-14.


[1]Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 31/10/2012 Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

[2]Bộ KH-CN đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng "Trung tâm Thông tin Khoa học và Giao dịch Công nghệ Quốc gia" với mức dự toán ban đầu là 927 tỷ đồng (Quyết định số 2522/QĐ-BKHCN ngày 11/11/2009 của Bộ trưởng Bộ KH-CN) [2].

[3]Bộ KH-CN đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng "Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ khu vực phía Nam" với dự toán kinh phí đầu tư là 498 tỷ đồng (Quyết định số 2538/QĐ-BKHCN ngày 31/10/2007). Trên thực tế, Trung tâm Thông tin KH-CN khu vực phía Nam đã được khởi công xây dựng ngày 04/11/2011 tại Tp. Hồ Chí Minh [3].

___________

ThS. Cao Minh Kiểm

Phó Cục trưởng, Cục Thông tin KHCN Quốc gia

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 3. - Tr. 30-35.


Đọc thêm cùng chuyên mục: