Mô hình 4c trong đào tạo người làm thư viện

E-mail Print

Phát triển kinh tế thông tin là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội hiện nay, khi mà thông tin trở thành nguồn lực chính và quan trọng của sự phát triển. Thông tin với vai trò là công cụ cơ bản và là bộ phận của quản lý; nguồn lực của sự phát triển; và hàng hoá ngày càng có giá trị trong thế giới thị trường cạnh tranh. Mỗi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã và đang tiến đến vị trí dẫn đầu trong nền kinh tế thông tin. Ngân hàng Thế giới đã đo lường trình độ phát triển nền kinh tế thông tin của mỗi quốc gia dựa trên bốn trụ cột chính bao gồm: cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, hệ thống thể chế, phát minh sáng chế và đào tạo. Trong bốn trụ cột này, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các ngành nghề thuộc nền kinh tế thông tin thực sự quan trọng, giữ vị trí là một trong bốn chỉ số để đo lường nền kinh tế thông tin. Khi đó, đào tạo ngành Thư viện - Thông tin (TVTT) không nằm ngoài guồng phát triển đó.

Có thể thấy rằng, môi trường xung quanh thư viện, trung tâm thông tin đã thay đổi bởi sự thay đổi về công nghệ và xã hội với các mặt như: (1) Công nghệ thông tin là bước tiến lớn với phổ biến truy cập và sử dụng Internet toàn cầu; (2) Quy mô, khối lượng sản xuất thông tin tăng đáng kể và đặc biệt trên hệ thống web; (3) Những thay đổi nổi bật trong việc sử dụng thông tin và hệ thống thông tin; (4) Giá trị của thông tin đã được tăng cường trong tổ chức cũng như cá nhân [8]. Thực vậy, sự thay đổi về công nghệ, kinh tế, xã hội, chính trị đã tác động đến hoạt động quản lý TVTT trên thế giới và ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, sự thay đổi quản lý theo hướng cấu trúc, công nghệ, con người, chính sách, mục tiêu và chức năng của hệ thống TVTT cũng là tất yếu. Để đạt được điều này, việc đào tạo nguồn nhân lực có đầy đủ tri thức, kỹ năng và công cụ sẽ giữ vai trò quyết định cho sự phát triển của hoạt động TVTT.

Yêu cầu về năng lực của người làm thư viện

Chuyên gia thông tin là những người sử dụng thông tin trong công việc nhằm cải tiến nhiệm vụ của tổ chức, hoàn thành nhiệm vụ thông qua quá trình phát triển, triển khai, quản lý nguồn lực và dịch vụ thông tin. Chuyên gia thông tin hiểu biết sâu sắc về công nghệ như là một công cụ quan trọng để hoàn thành mục tiêu. Các chuyên gia thông tin bao gồm người làm thư viện (NLTV), nhà quản lý tri thức, nhân viên thông tin, nhà phát triển web, nhà môi giới thông tin và các nhà cố vấn [5]. Như vậy, NLTV được xem là một trong số các chuyên gia thông tin trong lĩnh vực TVTT.

Bàn về các yêu cầu về năng lực của NLTV trong suốt thời gian qua luôn được xem là vấn đề cần thiết. Với tác động của khoa học công nghệ, quá trình ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, đặc biệt là Internet, công nghệ thông tin vào hoạt động của các thư viện, trung tâm thông tin đã dẫn đến sự thay đổi tương ứng về vai trò của NLTV cùng với sự thay đổi về chương trình đào tạo đội ngũ NLTV. Hay nói cách khác, nền kinh tế thông tin đòi hỏi các cơ sở đào tạo cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực thực sự để đáp ứng được sự biến chuyển đó. Các cơ sở đào tạo lĩnh vực TVTT ở các bậc đào tạo khác nhau đã có những thay đổi, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Người học sau khi tốt nghiệp không chỉ đơn thuần là một NLTV có kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, tư duy nghề nghiệp như thu thập, xử lý, tổ chức và cung cấp thông tin, tạo lập và quản lý sản phẩm, dịch vụ thông tin điện tử; khả năng “thích ứng cao với môi trường làm việc đa dạng và luôn thay đổi” mà còn đòi hỏi người học phải có khả năng “tư duy và giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực quản trị thông tin một cách hệ thống“ [1].

Tác giả David Hyett đã đề cập đến sự thay đổi của xã hội tác động lớn đến vai trò của NLTV. Một vài sự tác động và phát triển chính có thể kể đến như sự thay đổi từ xã hội công nghiệp sang xã hội thông tin, kết quả là tầm quan trọng của thông tin ngày càng được khẳng định, xuất hiện nhiều công việc mới liên quan đến thông tin [4]. Đặc điểm chính của xã hội thông tin theo quan điểm của Nick Moore là:

- Các tổ chức định hướng thông tin sử dụng thông tin và công nghệ liên quan nhằm tăng hiệu quả và kích thích sự cải tiến.

- Lĩnh vực thông tin quan trọng.

- Sử dụng thông tin của xã hội mức độ cao.

- Xã hội học tập gắn liền với học tập suốt đời. Nhu cầu cao về kỹ năng thông tin và nhu cầu cao về giáo dục và đào tạo [13].

Với những đòi hỏi luôn biến động của nền kinh tế thông tin, các chương trình đào tạo hướng đến mục tiêu đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Do vậy, chương trình đào tạo cũng được phân chia thành các chuyên ngành khác nhau. Chẳng hạn, chương trình đào tạo của khoa Thư viện - Thông tin học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chú trọng đào tạo hai chuyên ngành gồm Thư viện - Thông tin và Quản trị thông tin. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phân chia thành hai chuyên ngành gồm Khoa học thư viện và chuyên ngành Thông tin học. Tương ứng với mỗi chuyên ngành là đào tạo đội ngũ NLTV tương lai gồm người làm chuyên môn và người làm kỹ thuật về khoa học thư viện và khoa học thông tin.

Trong thực tế, ba nhóm NLTV thường thấy gồm người làm kỹ thuật (Information technicans), người làm chuyên môn (Information professionals) và cán bộ quản lý (Information managers) [3]. Người làm kỹ thuật là những người được trang bị kiến thức và kỹ năng liên quan trực tiếp đến quá trình tác động vào cấu trúc và tổ chức của thông tin. Nhiều chương trình đào tạo của các trường ở Việt Nam đã xây dựng các khối kiến thức về chuyên ngành Khoa học Thư viện như biên mục, lưu trữ, tìm tin, xây dựng cơ sở dữ liệu. Đối với người làm chuyên môn, kiến thức và kỹ năng được trang bị chủ yếu liên quan đến nội dung và cấu trúc của thông tin như phân tích, đánh giá thông tin. Trong vai trò của người làm chuyên môn, thông tin đạt được giá trị gia tăng, hỗ trợ người dùng tin. Ngoài ra, nhóm thứ ba đó là cán bộ quản lý. Đây là đội ngũ được đào tạo chịu trách nhiệm trong sự vận hành tổ chức thông tin. Trong chương trình đào tạo, một số kiến thức nhằm hình thành đội ngũ cán bộ quản lý như tổ chức, quản lý sự nghiệp TVTT, marketing, kinh tế thông tin... Tuy vậy, với đặc thù công việc khác nhau, trên thế giới có nhiều cách phân loại đội ngũ NLTV khác nhau, tương ứng với mỗi nhóm NLTV là yêu cầu về năng lực khác nhau, bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ. 

Nhiều nghiên cứu đã phân tích ở các phương diện khác nhau về năng lực của NLTV. Một số năng lực có thể đề cập đến như là một quy chuẩn của một chuyên gia thông tin nói chung, NLTV nói riêng. Các năng lực đó bao gồm năng lực nghề nghiệp và năng lực cá nhân [19]. Hai năng lực này được xem là năng lực cốt lõi của mỗi NLTV khi làm việc trong một tổ chức thông tin.

- Năng lực chuyên môn: Liên quan đến kiến thức của người học về các nguồn tài nguyên thông tin, truy cập, công nghệ và quản lý, khả năng sử dụng kiến thức này để làm cơ sở cho việc cung cấp các dịch vụ thông tin chất lượng cao nhất. Có bốn năng lực chính, mỗi năng lực tương ứng với các kỹ năng cụ thể gồm kỹ năng quản lý tổ chức thông tin, quản trị nguồn lực thông tin, quản trị dịch vụ thông tin, ứng dụng công cụ và công nghệ thông tin.

- Năng lực cá nhân: Thể hiện ở tập hợp các thái độ, kỹ năng và giá trị cho phép người học làm việc hiệu quả và đóng góp tích cực cho các tổ chức, khách hàng và nghề nghiệp của họ. Những năng lực này thể hiện từ khả năng giao tiếp tốt đến biểu đạt giá trị những đóng góp của NLTV, đến sự linh hoạt và tích cực trong môi trường luôn biến động.

Corrall, S. và Brewerton, A. đề xuất một mô hình năng lực chuyên môn, trong đó bao gồm sáu nhóm: (1) Các kỹ năng cá nhân thông thường (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề...); (2) Kỹ năng thông tin chuyên môn/ chuyên gia (phát triển và quản lý bộ sưu tập, tổ chức tri thức...); (3) Kỹ năng công nghệ thông tin; (4) Kỹ năng kinh doanh và quản lý (kế toán, lập ngân sách và tính toán chi phí, marketing...); (5) Kiến thức tổ chức và sự hiểu biết đối tượng (văn hoá và khí hậu, thuật ngữ của lĩnh vực...); (6) Hành vi làm việc cá nhân (thành tích/ định hướng kết quả, lãnh đạo/ sáng kiến, quan điểm chiến lược...) [18].

Gorman và Corbitt chỉ ra rằng, NLTV cần có năng lực trong hiểu biết nhu cầu khách hàng, trong quản lý con người và nguồn lực, tận dụng công nghệ và năng lực tổ chức tri thức và nguồn lực tri thức [6]. Trong khi đó, Sen, Villa và Chapman đã xác định những kỹ năng cụ thể của NLTV như là biên mục, phân loại, các kiến thức về nguồn thông tin, kỹ năng kiến thức thông tin, kỹ năng quản lý, kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng sư phạm, thái độ cá nhân và kỹ năng liên cá nhân [17]. Tác giả Goulding và cộng sự cũng nhấn mạnh đến những đặc trưng về tính cách, thái độ của NLTV như chủ động, quyết đoán, cởi mở, kiên nhẫn, phê phán, năng động và đáng tin cậy [7].

Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ (ALA) cũng đã xác định những năng lực chính của NLTV bao gồm: đạo đức nghề nghiệp, xây dựng nguồn lực, tổ chức tri thức, kiến thức về công nghệ, phân phối tri thức; dịch vụ, tích luỹ tri thức; giáo dục và học tập suốt đời, tìm tòi tri thức; nghiên cứu, quản lý tổ chức.

Hiệp hội Thư viện nghiên cứu Đông Nam đã phân tích các năng lực của NLTV bao gồm kỹ năng chung cho tất các chuyên gia thông tin và đối với NLTV. Những yêu cầu năng lực bao gồm:

- Phát triển và quản lý dịch vụ thông tin hiệu quả nhằm thoả mãn nhu cầu thông tin của người dùng tin và hỗ trợ nhiệm vụ của thư viện nghiên cứu.

- Hỗ trợ hợp tác và phối hợp nhằm tăng cường dịch vụ.

- Nhận thức về thư viện trong bối cảnh giáo dục đại học và nhu cầu của sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu.

- Biết được cấu trúc, tổ chức, quá trình tạo lập, quản lý, phân phối, sử dụng và bảo quản nguồn tài nguyên thông tin mới và đang có dưới mọi loại hình.

- Thể hiện sự cam kết về giá trị và nguyên tắc của nghề thư viện.

Ngoài ra, còn có rất nhiều nghiên cứu khác về năng lực của NLTV ngoài các năng lực cốt lõi như các nghiên cứu của Middleton [12], Myburgh [14], Rehman [16], Koehler [10], Raju [15], Maceviciute [11], Irwin [9] và Tedd [20].

Mô hình 4C và định hướng đào tạo người làm thư viện

Chương trình giảng dạy Khoa học TVTT đã là chủ đề nghiên cứu trong những năm qua, đặc biệt là khi một vài chỉ số (ví dụ, phát minh máy tính và sự xuất hiện của Internet) cho thấy lĩnh vực này là trung tâm của xã hội thông tin và đóng vai trò quan trọng trong thời đại số. Một trong những nỗ lực trong khuôn khổ Chương trình ASTINFO của UNESCO, hơn 15 chuyên gia và các nhà chuyên môn đã làm việc từ năm 1995 đến 1998 trong việc phát triển hướng dẫn cho tất cả các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhằm tạo ra và cải thiện chương trình đào tạo cho xã hội thông tin [13].

Với đặc thù nghề nghiệp “liên đới tới các công việc (quá trình) sản xuất, xử lý, biến đổi, quản trị và sử dụng các dạng thông tin phục vụ cho các mục đích phát triển xã hội”, NLTV cần thể hiện bốn nhóm chức năng của nghề nghiệp với bốn chữ C gồm: tạo lập kho thông tin, kiến tạo sản phẩm thông tin, tinh chế và biến đổi thông tin, lưu thông thông tin [2]. Mỗi chức năng khác nhau tương ứng với các nhiệm vụ cụ thể liên quan đến thông tin. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cũng được xây dựng trên cơ sở các chức năng này. Mô hình quá trình quản trị thông tin là một chu kỳ liên tục với sáu hoạt động liên quan chặt chẽ nhau, gồm có xác định nhu cầu tin, bổ sung thông tin, tổ chức và lưu trữ thông tin, phát triển sản phẩm và dịch vụ thông tin, phân phối thông tin và sử dụng thông tin. Các hoạt động liên quan đến chu kỳ cần được NLTV lập kế hoạch, thiết kế, phối hợp thực hiện để cải tiến hoạt động quản trị thông tin hay quản trị nguồn lực thông tin. Mô hình quá trình quản trị thông tin này được xây dựng hướng đến người dùng tin là trung tâm, nhấn mạnh đến khía cạnh xã hội và nhận thức của quá trình tìm kiếm và sử dụng thông tin. Như vậy, chức năng quản trị thông tin của NLTV được xác định dựa trên mô hình quản trị thông tin và tương ứng với các chức năng là các nhiệm vụ cụ thể như sau:

alt

C1 - Collectors - Tạo lập kho thông tin:Mỗi thư viện, trung tâm thông tin chỉ có thể vận hành khi có được vốn tài liệu cần thiết. Từ các nguồn tài nguyên thông tin, từ các nguồn nguyên liệu thô khác nhau, NLTV thực hiện nhiệm vụ chọn lọc, xây dựng chính sách bổ sung, sắp xếp tài liệu trong thư viện, trung tâm thông tin. Chương trình đào tạo cử nhân hướng đến mục tiêu xây dựng chức năng của NLTV là thu thập, tuyển chọn, sắp xếp và hình thành bộ sưu tập cho thư viện, trung tâm thông tin. Hay nói cách khác, chức năng này đòi hỏi NLTV xây dựng bộ phận cấu thành quan trọng của mỗi thư viện, trung tâm thông tin. Ngày nay, khi thói quen sử dụng thông tin của người dùng tin càng ít ổn định, thì thư viện, trung tâm thông tin chính là một tổ chức có khả năng xác định được nhu cầu thông tin của người dùng tin. Trên cơ sở đó, NLTV có thể xây dựng chính sách bổ sung nguồn thông tin cho thư viện, trung tâm thông tin. 

C2 - Creators - Kiến tạo sản phẩm thông tin:Với chức năng kiến tạo sản phẩm thông tin, NLTV được đào tạo có khả năng thiết kế, xây dựng và tạo ra các loại hình sản phẩm, dịch vụ thông tin phục vụ cho người dùng tin từ nguồn nguyên liệu thô mà NLTV đã thu thập và từ các nguồn tin thứ cấp. Chức năng này đòi hỏi NLTV có khả năng kiến tạo, tạo lập sản phẩm và dịch vụ cần thiết để hỗ trợ cho các quá trình hoạt động của người dùng tin. Hệ thống sản phẩm, dịch vụ thông tin thường thấy trong quá trình thể hiện chức năng bao gồm: cơ sở dữ liệu, thư mục, mục lục, dịch vụ thông tin tham khảo, dịch vụ thông tin chọn lọc... Mô hình quản trị thông tin cũng phân tích đến chức năng tạo sản phẩm, dịch vụ thông tin và phân phối, cung cấp cho người dùng tin.

C3 - Consolidators - Tinh chế và biến đổi thông tin:Thông tin luôn tồn tại với cấu trúc phân tầng, ở mỗi tầng bậc khác nhau có sự chuyển hoá, thao tác nhất định. Tất cả tạo nên vòng thông tin, từ đó tạo nên sự vận động của thông tin trong xã hội. Cấu trúc phân tầng của thông tin thể hiện từ dữ liệu thô --> thông tin --> tri thức --> quyết định --> hành động (hình1).

Ở mỗi tầng bậc, NLTV cần thực hiện các khâu đoạn khác nhau từ dữ liệu đến thông tin, NLTV cần phải có thao tác xử lý. Tầng thứ 2 là tầng đi từ thông tin đến tri thức, đòi hỏi NLTV có khả năng phân tích được thông tin, biết cách chọn lọc, đánh giá được những thông tin hữu ích và có giá trị đối với người dùng tin. Kế đến, giai đoạn đòi hỏi sự mô phỏng thông tin. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc cung ứng thông tin của NLTV trong quá trình ra quyết định của người dùng tin. Hay nói cách khác, thông tin sẽ trở thành cơ sở quan trọng để người dùng tin quyết định sử dụng hay không sử dụng, quyết định sử dụng mức độ như thế nào để phục vụ cho mục tiêu của mình. Nhìn chung, dù ở bất kỳ phân tầng nào của cấu trúc thông tin thì cũng đòi hỏi NLTV chú trọng đến mối quan hệ giữa các tầng khác nhau. Bởi lẽ sự phụ thuộc khối lượng của dữ liệu và tốc độ xử lý sẽ tạo nên chất lượng của thông tin. Tương tự, tri thức phụ thuộc vào khối lượng của thông tin và tốc độ phân tích; và mặc nhiên quyết định phụ thuộc khối lượng của tri thức và tốc độ mô phỏng.

Như vậy, NLTV chính là người tinh chế của thông tin, tạo nên thông tin có giá trị gia tăng. Với sự tác động có ý thức của NLTV vào nội dung, cấu trúc của thông tin để thiết lập và tạo ra thông tin mang tính tổng hợp hơn dựa trên mối quan hệ một - nhiều để loại bỏ thông tin ít tin cậy, xác thực giá trị của thông tin để thông tin có nhiều giá trị hơn. Đặc biệt, thông tin có giá trị gia tăng này có ý nghĩa rất lớn đối với hệ thống hỗ trợ ra quyết định của các nhà quản lý, người lập chính sách phát triển.

C4 - Communicator - Lưu thông thông tin:Giá trị và ý nghĩa của thông tin được thể hiện trong quá trình hỗ trợ ra quyết định và trật tự hoá tổ chức. Hoạt động con người là hoạt động có mục tiêu. Để đạt được mục tiêu, con người cần thông tin để hỗ trợ thực hiện. Chức năng này của NLTV giúp người dùng tin có được thông tin có giá trị khi sử dụng. Có nhiều cách thức mà NLTV có thể tác động đến thông tin trong quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ thông tin khi hỗ trợ người dùng tin. Điều này giúp sản phẩm, dịch vụ thông tin tăng giá trị bao gồm tính kịp thời, dễ tiếp cận, dễ sử dụng, tính tiện dụng, chất lượng, phù hợp, đóng gói, linh hoạt, tái sử dụng. Tính kịp thời thể hiện ở vòng đời của thông tin, NLTV phải hiểu rõ vòng đời của các loại thông tin khác nhau. Tuy nhiên, người dùng tin có thể tiếp cận, sử dụng thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng. NLTV chính là người chịu trách nhiệm chính về chất lượng, tính phù hợp, linh hoạt khi sử dụng theo nhiều cách thức khác nhau của sản phẩm, dịch vụ thông tin mà họ cung cấp cho người dùng tin. Điều này quan trọng bởi lẽ chất lượng của thông tin làm tăng giá trị của thông tin khi sử dụng. Ngoài ra, thông tin có giá trị gia tăng hơn khi có thể tái sử dụng, nghĩa là thông tin đó chính là nguyên liệu, cơ sở chính để người dùng tin có thể sáng tạo ra sản phẩm thông tin mới chất lượng cao; hơn nữa, khi thông tin càng nhiều người truy cập và sử dụng thì giá trị của nó ngày càng tăng.

Xã hội thông tin ngày nay đòi hỏi sự thay đổi về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của NLTV. Với bốn nhóm chức năng nghề nghiệp cơ bản của NLTV gồm: tạo lập kho thông tin, kiến tạo sản phẩm thông tin, tinh chế và biến đổi thông tin, lưu thông thông tin, các cơ sở đào tạo có thể thiết kế chương trình đào tạo cử nhân với các khối kiến thức chính như công nghệ thông tin, năng lực quản lý thông tin, kỹ năng tổ chức thông tin, năng lực quản lý, quản lý tài chính, các kỹ năng cá nhân, giao tiếp [4].

Dựa trên những hướng dẫn và yêu cầu về năng lực của NLTV, chương trình đào tạo có thể gồm các khối kiến thức về:

- Tổ chức thông tin/ tri thức.

- Các vấn đề về chính sách, đạo đức nghề nghiệp.

- Hành vi thông tin, sử dụng và người dùng tin.

- Quản lý nguồn tài nguyên thông tin.

- Quản lý dịch vụ thông tin.

- Ứng dụng công cụ và công nghệ thông tin.

- Khả năng tìm tòi và nghiên cứu.

- Quản lý các tổ chức thông tin.

Một cách phân bổ khác đối với các khối kiến thức trong đào tạo NLTV nhằm thoả mãn bốn nhóm chức năng (4C) của NLTV bao gồm:

- Kiến thức về công nghệ thông tin: Hệ thống tìm tin, quản trị cơ sở dữ liệu, hệ thống mạng, phân tích và thiết kế hệ thống, Internet và ứng dụng web, số hoá, lưu trữ, kiến trúc thông tin.

- Kiến thức về dịch vụ: Định hướng người dùng tin, đóng gói thông tin, kiến thức thông tin.

- Kiến thức về quản trị thông tin và tri thức: Quản trị thông tin, tạo lập và thể hiện thông tin, các khía cạnh văn hoá và xã hội của quá trình phân bố tri thức, lập bản đồ tri thức, nguyên tắc phân loại, quản trị nội dung, thương mại điện tử.

- Kiến thức về quản lý: Lập kế hoạch, marketing và quan hệ công chúng, quản lý tài chính, đánh giá và đo lường, quản trị nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị.

- Đặc điểm cá nhân: Khả năng phân tích, kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp, liên cá nhân và nhóm, lãnh đạo, cải tiến, quản lý thời gian.

Dựa trên mô hình 4C, các khối kiến thức tương ứng với các môn học, khoá học trong chương trình đào tạo. Tuy nhiên, giữa mô hình 4C và các khối kiến thức nêu trên có sự tương hỗ và gắn kết. Ví dụ, đối với kiến thức về quản lý và đặc điểm cá nhân, có thể thấy tương ứng với chức năng thứ tư của NLTV - lưu thông thông tin. Để thực hiện được chức năng này, NLTV cần có khối kiến thức về quản trị thông tin và tri thức, cũng như kiến thức về dịch vụ - chức năng kiến tạo sản phẩm thông tin.

Nói tóm lại, khi chỉ số phát triển của nền kinh tế thông tin càng tăng thì đòi hỏi về năng lực của NLTV ngày càng cao. Điều này đòi hỏi NLTV không chỉ gắn liền với các vai trò, nhiệm vụ đơn giản, mà còn phải không ngừng phát triển kiến thức, kỹ năng, thái độ ở nhiều khía cạnh khác nhau, ở mức độ chuyên sâu hơn, cập nhật hơn. Để làm được điều này, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi cá nhân, thì các cơ sở đào tạo, môi trường thực tế chính là những nhân tố đóng góp lớn cho sự phát triển năng lực của mỗi NLTV. Mô hình 4C được xem là một trong những mô hình cơ bản mà mỗi NLTV thoả mãn, cũng như các cơ sở đào tạo hướng tới. Để áp dụng mô hình này trong quá trình đào tạo, giảng dạy, đòi hỏi các cơ sở đào tạo tích cực và chủ động trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá nhu cầu và yêu cầu của xã hội, học hỏi kinh nghiệm đào tạo của những quốc gia phát triển và nhiều giải pháp khác, thử nghiệm và điều chỉnh một cách phù hợp dựa trên kinh nghiệm đào tạo của chính các cơ sở đào tạo chuyên ngành. Làm được điều này, nguồn nhân lực cho ngành TVTT nói chung, đội ngũ NLTV nói riêng sẽ ngày càng khẳng định được chất lượng, đáp ứng được yêu cầu cao của xã hội thông tin ngày nay. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Khoa Thư viện - Thông tin học. Chương trình giáo dục đại học. Http://tvtth.hcmussh.edu.vn/ ?Artic- leId=0c1a72a2-73bd-4d5d-b88a-b5f4b691ccb7. Truy cập ngày 12/5/2015.

2. Nguyễn Hữu Hùng. Giáo dục và đào tạo nghề nghiệp thông tin // Tạp chí Thông tin và Tư liệu. - 1996. - Số 3. - Tr. 9-14.

3. Nguyễn Hữu Hùng. Vấn đề đào tạo cán bộ về khoa học thông tin và quản trị thông tin // Tạp chí Thông tin và Tư liệu. - 1994. - Số 2. - Tr. 3-7.

4. David Hyett. New roles and skills for librarians // Proceedings of  the 8th Blennial Meeting of EURASLIC, Aberdeen, Scotland. - 2000. - P. 15-18.

5. Eileen Abels, Rebecca Jones, John Latham, Dee Magnoni, Joanne Gard Marshall. Competencies for Information Professionals of the 21st Century. Prepared for the Special Libraries Asso- ciation Board of Directors by the Special Committee on Competencies for Special Librarians.

6. Gorman, G.E. and Corbitt, B.J. Core competencies in information management education // New Library world. - 2002. - No. 103 (1182). - P. 436-45.

7. Goulding, A. et.al. Supply and demand: the workforce needs of library and information services and personal qualities of new professionals // Journal of Librarianship and Information Science. - 1999. - No. 31 (212). - P. 1-13.

8. Hisamichi Yamazaki. Changing society, role of information professionals and strategy for libraries // World library and information congress and council, Seoul, Korea, 2006. Http://www.ifla.org/IV/ifla72/index.htm.

9. Irwin, R. Characterizing the core: what catalog descriptions of mandatory courses reveal about LIS schools and librarianship // Journal of Education for Library and Information Science. - 2002. - No. 43.

10. Koehler, W. The organizations that represent information professionals : Form, function, and professional ethics // Ethics and Electronic Informa- tion: A Festschrift for Stephen Almagno. Jefferson. - NC: McFarland. - 2003. - P. 59-73.

11. Maceviciute, E. Information management in the Baltic, Nordic and UK LIS schools // Library Review. - 2002. - No. 22. - P. 190.

12. Middleton, M. Skills expectations of library graduates // New Library World . - 2003. - No. 104. - P. 42.

13. Moore, N., et al. A curriculum for an info society: Educating & training information professionals in the Asia-Pacific Region. - Bangkok: Information & Informatics Unit, UNESCO Principal Regional Office for Asia & the Pacific, 1998. - 97p.

14. Myburgh, S. Education directions for NIPs (new Information  Professionals) // Paper presented at the Exhibition and Conference, Sydney, 21-23 January 2003. Retrieved on 11 July 2006 from: http://conferences.alia.org.au/online2003/papers/myburgh.

15. Raju, J. The “core” in library and/or information science education and training // Education for Librarianship. - 2003. - No. 21. - P. 229.

16. Rehman,S., Ansari, H. and Yousef, N. Coverage of competencies in the curriculum of information studies: an international perspective // Educa- tion for Information. - 2002. - No. 20. - P. 199.

17. Sen, B., Villa, R. and Chapman, E. The roles, skills, training needs and contributions of health library and information professionals // Journal of the European Association for Health Information and Libraries. - 2014. - No. 10 (2). - P. 11-14.

18. Sheila Corrall, Antony Brewerton. The New Professional’s Handbook: your guide to information services management // Library Associa- tion Publishing. - 1999. - P. 289-291.

19. Special Library Association. Competencies for Information Professionals of the 21st Century. Http:// www.sla.org/competencies1997.

20. Tedd, L. A. The What? And How? of education and training for information professionals in a changing world: some experiences from Wales, Slovakia and the Asia-Pacific region // Journal of Information Science. - 2003. - No. 29. - P. 79.

________________

ThS. Bùi Hà Phương

Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 2. - Tr. 26-32.


Đọc thêm cùng chuyên mục: