LRC 2.0 - mô hình ứng dụng web 2.0 cho thư viện học thuật

Print

1. Web 2.0 và Library 2.0

Được xem là giai đoạn thứ hai trong chu trình phát triển web, Web 2.0 đang dần thu hút sự chú ý của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin (TT), các tổ chức, các doanh nghiệp và cả người sử dụng. Web 2.0 còn được gọi là thế hệ web thông minh, giàu tính tương tác, xem yếu tố con người là trung tâm và là thế hệ của web đọc và viết. Không những mang lại cho công nghệ web sự tương tác, hợp tác, nhất là giữa các cá nhân trong xã hội với nhau, khai thác sự đóng góp trí tuệ của cộng đồng, mà Web 2.0 còn cho thấy nhiều cơ hội mới trong việc nâng cao chất lượng web nói chung hay phục vụ người dùng (ND) một cách hiệu quả hơn nói riêng. Trong vòng từ hai đến ba năm qua, khởi đầu bởi sự thành công của các ứng dụng xã hội dựa trên nền tảng Web 2.0 như: MySpace, Flickr và YouTube, Web 2.0 đã và đang cho ra đời ngày càng nhiều ứng dụng mới hơn nữa, điều mà trước đây chúng ta khó có thể tưởng tượng ra được. Theo các chuyên gia, Web 2.0 có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với việc chỉ khoác một giao diện ND mới vào một ứng dụng cũ. Đó là một cách suy nghĩ, một cách nhìn mới về toàn bộ nền công nghiệp phần mềm từ những ý tưởng đến việc thực hiện ý tưởng, từ marketing đến việc hỗ trợ ND.

Web 2.0 phát triển mạnh dựa vào các hiệu ứng mạng, cơ sở dữ liệu trở nên phong phú hơn, các ứng dụng ngày càng trở nên thông minh hơn vì ngày càng có nhiều người sử dụng. Quả thực, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã và đang gặt hái được những lợi ích đáng kể từ việc sử dụng công nghệ Web 2.0 này. Thư viện (TV) là một trong những tổ chức đã áp dụng và gặt hái nhiều thành công từ việc áp dụng các công nghệ tiên tiến đó. Thực tế cho thấy, các TV đã thực sự thoát khỏi bốn bức tường của toà nhà để tích cực đổi mới mình nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và luôn thay đổi của ND. Các TV đã và đang hướng đến môi trường 2.0, xem ND là trung tâm và còn được gọi là Thư viện 2.0. Đây là mô hình khá mới ở các TV tại Việt Nam, là mô hình tập trung vào các dịch vụ TV có ứng dụng mạnh công nghệ Web 2.0 để thúc đẩy ND tham gia vào việc tạo ra các mô hình môi trường TT và học tập cũng như mô hình cho các kênh giao tiếp mà họ cảm thấy hài lòng nhất. 

Như vậy Thư viện 2.0 (Library 2.0) là một khái niệm xuất phát từ Web 2.0 với một sứ mệnh là cung cấp các dịch vụ khác nhau, nhằm hướng đến đáp ứng nhu cầu và mong đợi của ND ngày nay. Với sứ mệnh này, TV phải luôn cung cấp nguồn TT và dịch vụ sẵn sàng ở mọi nơi, mọi lúc và bất cứ khi nào có ND yêu cầu, phải bảo đảm rằng ND không gặp bất kỳ trở ngại nào. Nhiều chuyên gia về lĩnh vực TV - TT có đồng quan điểm: "Thư viện 2.0 cho thấy rõ rệt sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực TV". Thư viện 2.0 tạo sự dễ dàng và khuyến khích văn hoá tham gia, thu hút sự đóng góp của cán bộ quản lý web, các đối tác kỹ thuật và cộng đồng rộng lớn hơn. Blog, Wiki và RSS vẫn là các công cụ đại diện nổi bật nhất của Web 2.0 [8]. Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, Web 2.0 có thể sử dụng để đổi mới và phát triển tốt hơn các dịch vụ TV [3,7,10]. Hiệp hội nghiên cứu về TV đại học của Mỹ (2007) cũng nhấn mạnh rằng Web 2.0 không những tạo ra nhiều cơ hội mới cho việc thiết kế và cung cấp nguồn tài liệu và dịch vụ TV, mà còn đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ cao hơn cho người làm TV. Serantes, L. C. dự báo TV có ứng dụng Web 2.0 sẽ không còn là sách hay toà nhà, vì vậy, TV cần khám phá các phương thức mới trong việc giao tiếp, cũng như thu hút ND qua việc sử dụng Web 2.0 [14]. Đa số các TV đại học lớn tại Ôxtrâylia, Canada, Anh và Mỹ đều sử dụng Web 2.0 để cải tiến các dịch vụ TV nhằm phục vụ ND được tốt hơn [4,5,9,15]. Việc ứng dụng các công cụ Web 2.0 có sự khác nhau ở mỗi khu vực. Tuỳ vào thế mạnh và sự cần thiết phát triển các dịch vụ nào của TV mà các ứng dụng Web 2.0 nào được triển khai sử dụng. Nghiên cứu về việc ứng dụng công nghệ Web 2.0 qua trang web của TV các trường đại học còn cho thấy các ứng dụng này được thiết kế cho hoạt động tin tức sự kiện và phát triển chat trực tuyến, dịch vụ tham khảo, quảng bá dịch vụ TV, cung cấp hướng dẫn kỹ năng TT, phổ biến nguồn tài liệu in ấn/ điện tử của TV và trưng cầu lấy ý kiến ND...

2. LRC 2.0

Qua khảo sát các trang web của TV học thuật trên thế giới và 136 TV đại học ở Việt Nam, kết hợp khảo sát phỏng vấn ND, người làm TV và nhân viên quản lý trang web ở 13 TV trường đại học về các vấn đề liên quan đến việc ứng dụng Web 2.0, nghiên cứu này đã đề xuất mô hình trang web có ứng dụng Web 2.0 cho TV học thuật. Trên cơ sở mô hình được đề xuất, chúng tôi đã xây dựng trang web TV đại học có ứng dụng Web 2.0 hiện đang lưu ở máy chủ Trung tâm Học liệu, Đại học Cần Thơ. Địa chỉ trang web http://ilibserv.lrc.ctu. edu.vn:8080/w7/.

alt

Hình 1: Giao diện trang chủ LRC 2.0

Tin tức - Sự kiện

Bao gồm các tab như: Giới thiệu về sản phẩm đề tài và về trang web LRC 2.0; Tin tức - Sự kiện của TV, FAQs - câu hỏi thường gặp của ND và Diễn đàn dành cho ND của TV. Phần Tin tức - Sự kiện là nơi TV có thể đăng các tin tức và sự kiện mới của TV, kèm theo phần tin tức này là lịch trực tuyến giúp người xem xác định ngày hiện hành (lịch bên cột tay trái) và các công cụ để chia sẻ tin tức như Facebook, Twitter, Email... dưới mỗi bản tin. Tin tức - Sự kiện cũng được hiển thị mặc định giữa trang web LRC 2.0.

FAQs - Câu hỏi thường gặp

Là bộ câu hỏi phổ biến thường được ND hỏi nhất. Tương ứng với từng câu hỏi là phần giải đáp cho câu hỏi đó để giúp ND có thể tự tìm câu trả lời cho mình. Tuy nhiên, nếu câu hỏi của ND không nằm trên danh mục các câu hỏi thường gặp này thì ND có thể nhập câu hỏi vào phiếu câu hỏi trực tuyến. Nhóm nghiên cứu sử dụng ứng dụng Google Form để tạo phiếu câu hỏi và người làm TV sẽ nhận được câu hỏi của ND qua phiếu này. Để cập nhật kịp thời khi ND nhập câu hỏi, nhóm cài đặt chế độ thông báo tự động qua mail – Notification rules (Email right away), nhận được TT qua email, TV sẽ trả lời ngay câu hỏi của ND.

Diễn đàn

Diễn đàn của trang LRC 2.0 là công cụ tạo môi trường tham gia năng động của ND TV và cả người làm TV. Đây là nơi trao đổi lý tưởng và không có giới hạn dành cho ND. Điều này giúp TV tạo mối quan hệ gần gũi hơn với ND và giúp TV cải tiến các hoạt động của mình qua phần đóng góp. ND chỉ cần đăng nhập với tài khoản đã đăng ký tạo thành viên cho LRC 2.0 trước đó là có thể tham gia diễn đàn. Joomla extension JFusion Bridge được sử dụng để đồng bộ ND diễn đàn với trang web LRC 2.0. Phần mềm PHPBB3 được sử dụng để tạo trang cho diễn đàn LRC 2.0. Đây là phần mềm cung cấp đầy đủ số liệu thống kê để TV đánh giá được hiệu quả hoạt động của diễn đàn này. Phía quản trị web sẽ kiểm soát nội dung ND đưa lên. Diễn đàn chủ yếu khuyến khích ND trao đổi tất cả các mặt có liên quan đến TV, TT, kinh nghiệm học tập, nghiên cứu khác. Tuy nhiên, họ cũng có thể trao đổi các vấn đề hữu ích khác bên cạnh các chủ đề này.

alt

Hình 2: Thanh menu chính của trang LRC 2.0

* Phần nội dung chính (giữa trang web)

- Các thư viện nhánh

Phía dưới menu ngang và ảnh động là phần nội dung chính của LRC 2.0. Tab đầu tiên là các TV nhánh được thể hiện mặc định trên trang web. Thông thường một trường đại học lớn sẽ có một TV trung tâm lớn và các TV nhánh của các Khoa, Viện. Nhưng đa số trang web của các TV trung tâm thường bỏ sót TT cho các TV nhánh. ND cũng cần biết nguồn tài liệu, TT, chính sách và dịch vụ của các TV nhánh này. Ở đây, các liên kết TV nhánh và giờ mở cửa của các TV nhánh sẽ được thể hiện trên trang web TV trung tâm.

- Sự kiện và hội thảo

Tại mục này ND có thể tìm thấy các sự kiện hội nghị - hội thảo được tổ chức tại TV. Các sự kiện và hội thảo tại TV sẽ được đưa lên lịch với ứng dụng của phần mềm Spider Calendar. ND có thể theo dõi tất cả các sự kiện và lịch tổ chức tại trang web TV. Phần này sẽ cho hiển thị danh mục các sự kiện đã diễn ra và sắp diễn ra theo thời gian cụ thể. Nếu muốn đăng ký tham dự sự kiện, ND có thể nhấp chọn tựa đề sự kiện và chọn Đăng ký để nhập TT đăng ký tham dự. Công cụ Đăng ký cũng được sử dụng Google Form để tạo. Nghiên cứu cũng tích hợp Google Map vào với các sự kiện để người tham dự có thể xác định được chính xác nơi mình cần đến nếu họ ở các vùng miền khác.

- Hãy hỏi chúng tôi

alt

Cung cấp tất cả các khả năng TV có thể hỗ trợ ND qua nhiều kênh khác nhau. Đó là mục “Chuyên gia” cung cấp danh mục tất cả các TT liên hệ của các chuyên gia TV – TT có thể hỗ trợ tốt nhất cho ND. Mục này còn có công cụ tìm kiếm để hỗ trợ ND tìm tên cụ thể của một chuyên gia nào đó của TV. Phần mềm Spider Contact Lite trong Joomla extension sẽ hỗ trợ tốt cho việc xây dựng công cụ tìm chuyên gia TV này. ND cũng có thể nhấp chọn mục Dịch vụ để xem tất cả các dịch vụ tiện ích của TV và chọn ra dịch vụ hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của mình. Bên cạnh đó, ND có thể đặt một cuộc hẹn với người làm TV qua “Hẹn gặp” sử dụng Breezing Forms Lite của Joomla extension để tạo phiếu đăng ký hẹn chuyên gia. Ngoài ra, TV còn cung cấp kênh “Đặt câu hỏi” để ND có thể đặt câu hỏi ngay tức khắc với nội dung câu hỏi dài hơn, phức tạp hơn nếu không thể sử dụng công cụ chat. Google Form cũng được sử dụng để đặt câu hỏi.

- Làm thế nào?

alt

Giúp ND giải quyết các thắc mắc và các vấn đề liên quan đến việc sử dụng TV như cơ sở vật chất, kỹ năng TT – trích dẫn tài liệu, gia hạn tài liệu, các dịch vụ “scan, photo, in”, sử dụng phần mềm, tra cứu tìm tin trên các cơ sở dữ liệu điện tử. Cụ thể, nếu ND muốn mượn phòng thảo luận để thảo luận nhóm thì họ cần nhấp vào liên kết “Đăng ký phòng thảo luận” để đặt phòng trước. Bên cạnh đó, nếu muốn xem các hướng dẫn về trích dẫn tài liệu và đăng ký tham dự lớp kỹ năng TT về trích dẫn tài liệu thì liên kết “Trích dẫn tài liệu” sẽ giải quyết vấn đề này của ND. Phần đăng ký cũng sử dụng Google Form để tạo. Ngoài ra, nếu họ không rõ TT về dịch vụ “scan, photo, in” ở vị trí nào của TV, giờ phục vụ và giá cả như thế nào thì mục “scan, photo, in” sẽ cho họ câu trả lời.

Phần “Hướng dẫn sử dụng phần mềm” cũng không kém phần quan trọng đối với một TV. Phần mềm TV phục vụ ND rất nhiều nhưng nếu không có sự hướng dẫn thì ND sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các phần mềm này (như phần mềm SPSS, Zotero…). Đi kèm với “Hướng dẫn sử dụng phần mềm” là mục “Video hướng dẫn sử dụng cơ sở dữ liệu”. Đây là các video hướng dẫn cách thức tra cứu các cơ sở dữ liệu tạp chí và các nguồn tài liệu khác của TV. Nếu ND không thể đến tham dự các lớp kỹ năng TT của TV thì video hướng dẫn là công cụ tốt nhất hỗ trợ cho ND. Để tạo các video hướng dẫn, nhóm nghiên cứu sử dụng phần mềm Screencast-O-Matic.

- Tin tức và blog

Trình bày các liên kết đến các trang web và blog hữu ích có sử dụng công cụ RSS. Sau khi đăng ký nhận tin với RSS, RSS sẽ tự tải tin nhanh tự động từ các trang web và blog về trình duyệt máy tính của ND. Tại danh mục “Tin tức và blog” này còn có RSS cho trang LRC 2.0. Nếu ND chọn đăng ký thì họ có thể nhận các tin tức cập nhật nhất về TV mà không cần phải vào trang web LRC 2.0 để xem. Để tạo blog Tin tức, phần mềm Blogger và FeedBurner được sử dụng để tạo blog và nhúng RRS vào blog.

* Menu phải và công cụ Feedback

- Không gian của tôi (MySpace)

Để có một tài khoản trong “Không gian của tôi”, ND cần cung cấp một số TT như họ tên, email, mật khẩu, giới tính và ảnh đại điện để tạo một tài khoản mới. Sau khi tài khoản được tạo, ND có thể điều chỉnh profile theo ý thích của mình. Đây là môi trường TT một cổng cho từng cá nhân ND chọn lọc và đưa vào trang các công cụ yêu thích, chỉnh sửa trang giao diện của cá nhân và cho hiển thị các công cụ Web 2.0 (như chat, email, blog, wiki, video, hình ảnh...) và các liên kết khác trên trang cá nhân này. Đây còn là nơi lưu trữ các lệnh tìm kiếm, các nguồn tài nguyên yêu thích theo chủ đề và có thể chia sẻ với người khác, sử dụng nguồn mở BS MyJSpace - Joomla extension.

- Chat (instant messaging)

Zopim được sử dụng để hỗ trợ ND thực hiện dịch vụ gửi tin nhắn chat 24/7 cho TV. Công cụ này có thể lưu giữ câu hỏi hay lịch sử chat của ND trong vòng 14 ngày.

- Feedback

Được đặt ở góc giữa bên phải màn hình trang chủ. Sử dụng Google Form để ghi nhận lại ý kiến của người sử dụng cho trang web demo LRC 2.0 này.

Các liên kết đến các thư viện có ứng dụng Web 2.0 trên thế giới

Vị trí này bao gồm các liên kết truy cập nhanh đến các TV trên thế giới có ứng dụng hiệu quả các công cụ Web 2.0 cho các hoạt động của TV.

Như đã đề cập ở trên, trang web này được thiết kế dựa trên việc lấy ý kiến khảo sát của ND, người làm TV, nhân viên quản lý web của 13 TV thuộc hệ thống TV trường đại học ở Việt Nam. Việc thiết kế có dựa trên nhu cầu sử dụng của các đối tượng được khảo sát, các yêu cầu của một trang web TV hiệu quả, các ứng dụng Web 2.0 nào quan trọng và các lĩnh vực của TV cần được áp dụng Web 2.0. Tính thẩm mỹ của trang web LRC 2.0 cũng đặc biệt được chú trọng khi thiết kế để dễ dàng thu hút người sử dụng. Trang web hạn chế tối đa việc sử dụng nhiều chữ viết mà thay vào đó là các biểu tượng tương ứng với các liên kết đến các công cụ Web 2.0 hữu ích được ứng dụng trong TV. Thời gian ND tương tác web được rút ngắn tối đa, dựa vào việc áp dụng các ứng dụng nhỏ gọn nhưng hiệu quả. Các công cụ Web 2.0 này cũng được giải thích và nêu rõ mục đích sử dụng trên trang web. Việc yêu cầu ND đăng nhập vào “TV của tôi” hay yêu cầu chứng thực bằng captcha (mã xác nhận) để tham gia diễn đàn, đóng góp ý kiến cho TV là cách hạn chế TT rác, tăng tính an toàn bảo mật cho TT. Các TV đại học ở Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo mô hình xây dựng và thiết kế cho TV mình một trang web ứng dụng Web 2.0 như thế.

Có thể nói, việc ứng dụng mạng xã hội hay các công cụ Web 2.0 nói chung là một xu thế tất yếu. Web 2.0 là mở, dễ dàng triển khai và sử dụng. Quan trọng là các TV trường đại học nên sớm ban hành chính sách sử dụng các ứng dụng này như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị và để Web 2.0 thật sự phát huy vai trò tích cực trong hệ thống TV học thuật của Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Abdul Aziz, R., Arif, Z., Ramly, R., Abdullah (Hj), C. Z. andHusaini, H. The implications of library 2.0 tools in Malaysian academic libraries towards reference services. Truy cập từ http://eprints.uitm.edu.my/3625/.

2. Alton Y. K. Chua, D. H. G. andH Goh, D. A study of Web 2.0 applications in library websites // Library & Information Science Research. - 2010. - No.3. - P. 203-211.

3. Bradley, P. How to use web 2.0 in your library. - London: Facet, 2007.

4. Chua, A. Y. K. andGoh, D. H. A study of Web 2.0 applications in library websites // Library & Information Science Research. - 2010. - No. 32 (3). - P. 203-211.

5. Harinarayana, N. s. andVasantha Raju, N. Web 2.0 features in university library web sites // The Electronic Library. - 2010. - No. 28 (1). - P. 69-88.

6. Hazidah Awang, N. andAbidin, M. I. Web 2.0 on academic libraries in Southeast Asia // Proceedings of the IATUL Conferences. Truy cập từ http://docs.lib.purdue. edu/iatul/2013/papers/45 (tháng 6/2014).

7. Huffman, K. Web 2.0: Beyond the concept: Practical ways to implement RSS, podcasts, and wikis // Education Libraries. - 2006. - No. 29 (1). - P. 12-19.

8. Kataria, S. andAnbu, K. Applications of Web 2.0 in the Enhancement of Services and Resource in Academic Libraries: An Experiment @ JIIT University Noida, India. Truy cập từ: http://crl.du.ac.in/ical09/papers/index_files/ical-98_130_287_1_RV.pdf(tháng 6/2014).

9. Khalid Mahmood, John V. Richardson Jr. Adoption of Web 2.0 in US academic libraries : a survey of ARL library websites // Program. - 2011. - No. 45 (4). - P. 365-375.

10. King, D. L. andPorter, M. Collaborating with wikis // Public Libraries. - 2007. -No. 46 (2). - P. 32- 35.

11. Mahmood, K. and Richardson, J. V. Adoption of Web 2.0 in US academic libraries: a survey of ARL library websites // Program. - 2011. - No. 45 (4). - P. 365-375.

12. Mahmood, K. and Richardson Jr, J. V. Impact of Web 2.0 technologies on academic libraries: A survey of ARL libraries // Electronic Library. - 2013. - No. 31. - P. 508-520.

13. Redden, C.S. Social bookmarking in academic libraries: trends and applications // Journal of Academic Librarianship. - 2010. -No. 36 (3). -P. 219-227.

14. Serantes, L. C. Untangling the relationship between libraries, young adults and Web 2.0: The necessity of a critical perspective // Library Review. - 2009. - No. 58 (3). - P. 237-251.

15. Thanuskodi, S. Awareness of Library 2.0 Applications among Library and Information Science Professionals at Annamalai University, India // International Journal of Library Science. - 2012. - No. 1 (5). - P. 75-83.

16. Tripathi, M. andKumar, S. Use of Web 2.0 tools in academic libraries: A reconnaissance of the international landscape // The International Information & Library Review. - 2010. - No. 42 (3). -P. 195-207.

______________________

Lâm Thị Hương Duyên, Nguyễn Thị Kim Tri, Lý Thành Luỹ

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2015. - Số 4. - Tr. 33-37,10.


Đọc thêm cùng chuyên mục: