Hiện đại hoá hoạt động thông tin - thư viện các trường đại học trong thời đại công nghệ góp phần đổi mới chất lượng giáo dục đại học Việt Nam

E-mail Print

1. Đặt vấn đề

Giáo dục đại học Việt Nam hiện nay đang được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, điều này được thể hiện bằng các văn bản quy phạm pháp luật của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian gần đây như: Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020; Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Đặc biệt là đề án Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Có thể khẳng định rằng các văn bản quy phạm pháp luật này chính là hành lang pháp lý để các trường đại học Việt Nam có những căn cứ pháp lý và điều kiện cần thiết để xây dựng hệ thống thông tin - thư viện (TTTV) hiện đại nhằm phục vụ đắc lực cho công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, thực hiện sứ mệnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam.

Hiện đại hoá hoạt động TTTV trong các trường đại học hiện nay là:

- Đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại cho thư viện.

- Ứng dụng công nghệ mới hoạt động TTTV.

- Ưu tiên kinh phí bổ sung nguồn tài liệu, đặc biệt là tài liệu điện tử, tiến tới số hoá nguồn tài liệu.

- Một yếu tố không kém phần quan trọng đó là con người - người làm thư viện (NLTV) đủ trình độ, năng lực, kịp thời nắm bắt khoa học công nghệ tiên tiến vào hoạt động TTTV.

Bởi vậy, hiện đại hoá hoạt động TTTV thực chất là xác định mục tiêu, phương thức thực hiện việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ NLTV, ưu tiên bổ sung nguồn tài liệu, ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào tổ chức quản lý hoạt động TTTV, hỗ trợ đắc lực cho công tác giảng dạy học tập và nghiên cứu khoa học trong môi trường giáo dục đại học của thời đại khoa học công nghệ phát triển.

2. Tính tất yếu khách quan trước yêu cầu thực hiện hiện đại hoá hoạt động thông tin - thư viện trong môi trường giáo dục đại học hiện nay

Hoạt động TTTV trong các trường đại học có tính chất đặc thù, năng động, ngày càng được quan tâm đầu tư. Mục tiêu của mỗi trường là vươn tới những mô hình tiên tiến, hiện đại. Điều này được thể hiện khá rõ trong chiến lược riêng của từng trường, trung tâm TTTV là một mắt xích không thể thiếu, đặc biệt đó là một trong các yếu tố thẩm định chất lượng đào tạo, là nơi dễ nhìn nhận và phản ánh cái nhìn trực quan để xem xét tiềm lực của một trường đại học. Công nghệ tiên tiến góp phần giúp cho việc tổ chức các dịch vụ để phục vụ thông tin trở nên nhanh chóng, chính xác, có quy trình chặt chẽ hơn, tạo ra sự kết nối dễ dàng, thân thiện hơn giữa thư viện và người dùng tin.

Trong môi trường giáo dục đại học: nhiều ứng dụng công nghệ được triển khai trong thời đại công nghệ với các loại bài giảng điện tử (hoạt động dạy học đều được chương trình hoá, do giảng viên điều khiển thông qua môi trường đa phương tiện với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, e-learning (học qua mạng), e-book (sách điện tử)… Thư viện cần đồng hành trong tiến trình phát triển giáo dục đại học của thời đại ứng dụng công nghệ, đáp ứng yêu cầu quản trị thông tin và phục vụ bạn đọc/ người dùng tin.

Công nghệ và trang thiết bị hiện đại ngày càng đem lại nhiều tiện ích giúp hoạt động TTTV dần thoát khỏi quan niệm lạc hậu, giản đơn và thủ công để tiến tới chuẩn hoá, hội nhập, góp phần nâng cao chất lượng công tác phục vụ giảng dạy và học tập. Thế giới hôm nay đang bước vào kỷ nguyên truyền thông mới, Internet và phương tiện truyền thông trực tuyến hiện đại đang tiếp tục thu hút ngày càng nhiều người sử dụng hơn với những tính năng cung cấp thông tin nhanh nhạy, toàn diện và trực tiếp. Điều đó cho thấy khả năng tham gia hoạt động truyền thông của người dùng tin, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên ngày càng nhiều. Trong thời đại ngày nay, sự bao phủ của công nghệ, các phương tiện truyền thông kỹ thuật số đang mở ra nhiều hoạt động cuốn hút sinh viên, giảng viên và tạo ra nhiều cách thức kết nối giữa người dạy, người học và thư viện.

Một yếu tố tích cực nữa là, cùng với việc ứng dụng phần mềm quản lý thư viện và các trang thiết bị hiện đại đã tạo ra sự thuận tiện, chính xác trong quá trình cung ứng các dịch vụ phục vụ nhu cầu tin cho giảng viên và sinh viên. Phần mềm và hệ thống trang thiết bị hỗ trợ: hệ thống máy tính, hệ thống mạng, các loại máy móc chuyên dụng trong lĩnh vực thư viện là điều kiện cho hoạt động TTTV trở nên hiện đại, chuyên nghiệp hơn, tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận cho các thư viện đại học muốn thay đổi cách quản lý, vận hành đã tụt hậu.

3. Một số giải pháp nhằm thực hiện hiện đại hoá hoạt động thông tin - thư viện trong các trường đại học

Cần có chính sách đầu tư thích đáng cho thư viện.Trước đây, nhiều trường luôn quan niệm thư viện chỉ là một phòng/ ban phải có trong bộ máy của trường, không có vai trò và ảnh hưởng gì đến guồng quay của hệ thống. Vì vậy, thư viện là bộ phận ít được quan tâm đầu tư nhất cả về công nghệ lẫn con người. Hiện nay, để nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu của nhà trường, thư viện trường đại học được quan tâm đầu tư thích đáng, nhiều trường được hưởng lợi từ dự án phát triển giáo dục đại học đã xây dựng thư viện điện tử. Sự quan tâm đầu tư của các trường thể hiện ở việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động TTTV. Vì vậy, phải có chính sách đầu tư thích đáng để thư viện đại học hoạt động đúng chức năng và vai trò của mình trong trường đại học. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại như: không gian thư viện, phần mềm, thiết bị số hoá – scanner, hệ thống máy móc kỹ thuật… luôn cần nguồn tài trợ lớn về mặt tài chính. Tiếp sau quá trình đầu tư về phương diện vật chất, là quá trình đầu tư về công nghệ, cách thức quản lý, vận hành, duy trì hệ thống một cách hiệu quả. Các trường muốn thay đổi căn bản các vấn đề vẫn còn tồn tại trong hoạt động thư viện đại học, cần có sự quan tâm và chính sách đầu tư cho thư viện. Chỉ có vậy mới thúc đẩy quá trình phát triển thư viện, tạo điều kiện cho hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Chính sách đầu tư phải toàn diện, nghĩa là không thể chỉ đầu tư về trang thiết bị mà không quan tâm đầu tư hay chuẩn bị các tiền đề quan trọng khác như con người vận hành, lựa chọn công nghệ, các chuẩn nghiệp vụ phù hợp, xây dựng các quy trình quản lý thư viện hiện đại.

Cần lựa chọn ứng dụng công nghệ phù hợp, từ công nghệ thông dụng đến công nghệ hiện đại nhất một cách đồng bộ. Tổ chức thử nghiệm và đánh giá công nghệ trên cơ sở đảm bảo các yếu tố có thể duy trì hệ thống phát triển đồng bộ từ cơ sở vật chất, con người đến quy trình thực hiện, tổ chức dịch vụ. Hiện nay, hầu hết các trường đã sử dụng các phần mềm điện tử, phần mềm số trong nước với công nghệ mã vạch. Tuy nhiên, một số Trung tâm TTTV của những trường đại học lớn lựa chọn công nghệ tiên tiến như: Công nghệ RFID (Radio Frequency Identification – Nhận dạng bằng sóng vô tuyến) nhằm nâng cao hoạt động thư viện. Đây là một công nghệ mới, tiên tiến hơn so với công nghệ mã vạch đang được sử dụng phổ biến hiện nay, tạo ra một môi trường thư viện hiện đại, tự động hoá.

Công nghệ tần số vô tuyến (RFID) trong lĩnh vực thư viện, sử dụng kỹ thuật RFID bằng cách truyền không dây trong dải tần sóng vô tuyến để truyền dữ liệu từ các thẻ RFID gắn với tài liệu đến đầu đọc. Khi tài liệu gắn thẻ RFID đi qua tần số của ăng-ten quét, nó phát hiện các tín hiệu kích hoạt và có thể chuyển dữ liệu đến máy tính điều khiển đọc thông tin về tài liệu. Một số ưu điểm của công nghệ RFID so với công nghệ mã vạch như: Có thể đọc thẻ RFID gắn trên tài liệu từ một khoảng cách lớn hơn so với công nghệ mã vạch. Thẻ RFID không cần phải đặt trong một đường ngắm với máy quét mã vạch, có thể được đọc với một tốc độ nhanh, khoảng cách lớn hơn nhiều so với mã vạch, giúp tăng yếu tố tự động hoá trong công tác quản lý và kiểm kê tài liệu. RFID có mức độ an ninh cao, dữ liệu có thể được mã hoá, thẻ RFID được tái sử dụng nhiều lần…

Việc chuyển đổi từ công nghệ mã vạch sang công nghệ RFID sẽ đem lại cho thư viện trường đại học cách thức vận hành, quản lý mới, giúp cho hoạt động TTTV ngày càng hoàn thiện hơn theo hướng hiện đại, đồng thời giảm tải thời gian, sức lao động do các yếu tố tự động hoá mà công nghệ này mang lại. Tuy nhiên, công nghệ không có nghĩa là bỏ ra chi phí đầu tư lớn mà các trường không thể tiếp cận được, mà quan trọng là quan điểm, sự quan tâm muốn ứng dụng công nghệ ở mức nào, nhằm thay đổi cách thức thủ công trong quản lý hoạt động TTTV.

Xây đựng đội ngũ người làm thư việnnăng động, sáng tạo và hiểu các vấn đề công nghệ, có kỹ năng tốt. Ngoài việc trau dồi các kiến thức chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình làm việc, NLTV thời đại công nghệ làm việc trong môi trường giáo dục đại học cần trang bị thêm kỹ năng chuyên môn hiện đại, cập nhật, kỹ năng sống và giao tiếp với bạn đọc trẻ - những người có trình độ và có xu hướng sử dụng công nghệ trong khai thác tìm tin. Ngày nay, những ứng dụng của phần mềm, các giải pháp số hoá, trang thiết bị máy móc hiện đại, sự chiếm lĩnh của web đang biến mọi thông tin, cách thức sử dụng thông tin trở nên vừa dễ dàng tìm kiếm, nhưng vừa khó quản trị, kiểm định. Với bạn đọc/ người dùng tin ngày càng thích sự tiện lợi do công nghệ mang lại, đội ngũ NLTV đại học cần hình thành tư duy năng động và rèn luyện các kỹ năng cần thiết để vận hành một thư viện có thể cung ứng các sản phẩm dịch vụ hiện đại nếu không muốn vô tình từng bước tụt hậu trong thời đại công nghệ. Vì vậy, NLTV cần xem các ứng dụng công nghệ, truyền thông là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho hoạt động TTTV trong việc giảm tải công việc, cải tiến quy trình và quản lý chuyên nghiệp.

Các trường cần có lộ trình cụ thể về phát triển nguồn nhân lực có chất lượng tham gia công tác TTTV. Trước tiên, là sự quan tâm đầu tư và tạo điều kiện cho NLTV tham gia đào tạo dưới nhiều hình thức, chú trọng các nội dung, chương trình liên quan đến quản lý thư viện hiện đại, để thay đổi suy nghĩ, tư duy, nhận thức và thực hành, rèn luyện kỹ năng. Một yếu tố quan trọng trong chiến lược đầu tư vào nguồn nhân lực là ban lãnh đạo các trường đại học cần quan tâm tuyển dụng và sử dụng nhân tài cho nguồn nhân lực tham gia công tác quản lý thư viện. 

Ưu tiên phát triển nguồn tài liệu điện tử song song với các giải pháp số hoá và xây dựng các bộ sưu tập số trong thư viện các trường đại học. Phát triển và đầu tư bổ sung các loại hình tài liệu mới: cơ sở dữ liệu trực tuyến, sách, báo điện tử nhằm mở rộng nguồn lực thông tin theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, các trường cần xem xét các giải pháp đi kèm để khai thác tốt nguồn tài liệu điện tử (đặc biệt là các cơ sở dữ liệu ngoại văn trực tuyến) như: trình độ sử dụng ngoại ngữ của người dùng tin, mức độ phù hợp với các chuyên ngành đào tạo, chủ đề môn học, tổ chức các dịch vụ sử dụng nguồn tài liệu điện tử. Các tài liệu, cơ sở dữ liệu miễn phí trên Internet đang được nhiều người dùng tin trẻ ưa chuộng cũng khiến cho việc quản lý và sử dụng nguồn tài liệu điện tử tại các trường đại học bị hạn chế. Thư viện trong quá trình hiện đại hoá cần quan tâm đến nguồn tài liệu điện tử như nguồn tài liệu quan trọng trong việc tổ chức các dịch vụ thông tin chuyên ngành.

Các trường đại học chưa có nhiều kinh phí đầu tư có thể lựa chọn các phần mềm mã nguồn mở miễn phí như: Greenstone, DSpace, Koha… hoặc điều chỉnh những phần mềm này theo yêu cầu phục vụ cho các bộ sưu tập nhỏ, thật sự thiết thực. Hiện đại hoá hoạt động TTTV nghĩa là tạo ra một môi trường chuyên nghiệp, sáng tạo, phá vỡ hạn chế về không gian và thời gian, lấy người dùng tin làm "trung tâm" và thoả mãn nhu cầu thực tại đang chuyển dần sang tiện ích của tài liệu số. Lượng bạn đọc/ người dùng tin là sinh viên tại các trường đại học đang có xu hướng thích truy cập từ xa, khai thác tài liệu số tăng lên nhanh chóng, đặc biệt khi Internet và máy tính xách tay ngày càng trở nên phổ biến. Về lâu dài, thư viện sẽ tiết kiệm thời gian và kinh phí cho nhiều hoạt động liên quan đến phục vụ nguồn tài liệu tại chỗ. Bạn đọc/ người dùng tin có thể tìm kiếm thông tin thuận tiện, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc. Nguồn nhân lực thư viện sẽ được phân bổ vào các dịch vụ năng động và có nhiều thời gian tập trung vào những nhu cầu tin chuyên sâu, bỏ qua hình thức phục vụ đại trà với các loại dịch vụ giản đơn, mất sức lao động như hiện nay. Ngoài ra, giải pháp số hoá và phát triển các dịch vụ thông tin số cũng cần các trường đại học chia sẻ kinh nghiệm và tạo thành liên thư viện số giúp nguồn lực thông tin số trở nên dồi dào, góp phần hiện đại hoá hoạt động thư viện đại học.

Dịch vụ thông tin năng động tiếp cận với sinh viên, gần gũi, thân thiện với các ứng dụng Web, chú trọng tới yếu tố công nghệ trên nền tảng các ứng dụng của web vì mục đích cộng đồng trong tổ chức các dịch vụ thông tin. Cần đổi mới cách thức tổ chức, giới thiệu và quảng bá các dịch vụ TTTV tiện ích đến bạn đọc. Ứng dụng web là một cách tiếp cận mới, như là một nền tảng nơi mà NLTV cung cấp và phản hồi thông tin cho người dùng tin và cùng nhau tham gia vào việc tạo lập, chỉnh sửa, xuất bản thông tin thông qua những công cụ sáng tạo nội dung trên nền web. Ví dụ, Web 2.0, Web 3.0 liên quan tới người dùng không phải chỉ ở chỗ người dùng tạo ra nội dung mà người dùng giúp thu thập, tổ chức, mô tả, cập nhật, chia sẻ, truyền bá, sắp xếp lại, bình luận, hiệu đính và đóng gói nội dung, tạo ra môi trường bình đẳng (không bị chi phối bởi các yếu tố không gian, thời gian, cảm xúc trong cách thức giao tiếp trực tiếp face to face). Nhiều thư viện trường đã ứng dụng Web 2.0, Web 3.0 nhằm nâng cao dịch vụ tra cứu, kết nối tư vấn thông tin cho sinh viên một cách thân thiện, gần gũi... đã chú trọng vào vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng Internet trong việc chủ động tiếp cận người sử dụng thông tin, tăng khả năng tương tác giữa người dùng tin và thư viện – người dùng tin cùng trao đổi đánh giá và phản hồi lại các vấn đề nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, sử dụng các ứng dụng web trong việc tăng cường quảng bá hình ảnh thư viện và các sản phẩm dịch vụ hiện đại thông qua công nghệ truyền thông đa phương tiện. Do mỗi trường đại học và cao đẳng có những mục tiêu khác nhau, việc ứng dụng công nghệ này tuỳ thuộc vào từng thư viện cho phù hợp với nhu cầu của trường mình. Tuy nhiên, việc quản trị thông tin thông qua các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử… cũng cần chú ý đến cơ chế kiểm soát nguồn tin, đảm bảo thông tin đăng tải đúng với nguồn tin, các nội dung thông tin lành mạnh, tích cực.

Thời gian gần đây, hoạt động TTTV tại các trường đại học đang có những bước đi mạnh mẽ hơn, năng động hơn. Hiện đại hoá thư viện trong bối cảnh phát triển của công nghệ là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, tuỳ vào đặc điểm của từng trường như: sự quan tâm đầu tư, kinh phí cấp hàng năm, cơ sở vật chất trang thiết bị, nguồn lực thông tin, nguồn nhân lực… để quyết định nên hiện đại hoá ở mức nào là cần thiết.

4. Kết luận

Việc ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, xây dựng đội ngũ NLTV có năng lực, kỹ năng tốt, bổ sung và số hoá nguồn tài liệu, áp dụng công nghệ mới, hiện đại hoá thư viện trường đại học chính là đảm bảo chất lượng công tác phục vụ đào tạo, nâng cao vị thế và thương hiệu của trường đại học và góp phần thực hiện sứ mệnh đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đại học Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nghị quyết 49/CP của Chính phủ về phát triển công nghệ thông tin ở nước ta.

2. Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020.

3. Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

4. Isto Huvila. Information Services and Digital Literacy: In Search of the Boundaries of Knowing (Chandos Information Professional Series). - Chandos Publishing, 2012.

5. http://ungdungrfid.com/news/Tim-hieu-ve-RFID/ truy cập ngày 08/04/2014.

6. http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/mo-hinh-ung-dung-web-2.0-cho-trung-tam-thong-tin-%E2%80%93-thu-vien-truong-dai-hoc.html truy cập ngày 05/04/2014.

___________________

ThS. Nguyễn Thanh Trà

Thư viện Học viện Ngân hàng

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2015. - Số 2. - Tr. 16-20.


Đọc thêm cùng chuyên mục: