Giảng dạy khung phân loại thập phân Dewey: một vài vấn đề liên quan

E-mail Print

Đặt vấn đề

Khung phân loại thập phân Dewey là một trong những môn học bắt buộc trong khối kiến thức giáo dục đại học tại các trường đào tạo chuyên nghiệp ngành Thư viện - Thông tin học (TV-TTH) tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay. Môn học có thời lượng từ 45 đến 60 tiết được phân bổ kiến thức lý thuyết và rèn luyện kỹ năng thực hành phân loại tài liệu. Xuất phát từ thực tiễn giảng dạy DDC, bài viết đề cập đến những nội dung giảng dạy DDC trong chương trình đào tạo. Bên cạnh những thuận lợi, bài viết cũng nêu lên một số khó khăn mà giảng viên (GV) đã gặp phải, làm hạn chế phần nào hiệu quả chất lượng giảng dạy của GV và học tập của sinh viên (SV). Chính vì vậy, một số biện pháp khắc phục được phân tích và ứng dụng trong thực tiễn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quá trình giảng dạy DDC.

1. Nội dung giảng dạy DDC trong chương trình giáo dục đại học

Với đặc thù DDC là khung phân loại đẳng cấp về mặt cấu trúc khung và ký hiệu phân loại, gồm các bảng chính, bảng phụ, bảng chỉ mục quan hệ với những quy tắc, hướng dẫn riêng biệt khi sử dụng DDC để phân loại tài liệu, nên việc đưa kiến thức DDC vào chương trình học cho SV cũng có những khác biệt cơ bản. Sự khác biệt đó chủ yếu là nội dung và phương pháp giảng dạy của GV, đảm bảo phù hợp giữa chương trình học, trình độ nhận thức và lĩnh hội tri thức của SV.

Ở một số nước phát triển trên thế giới, DDC được giảng dạy cho học sinh bậc tiểu học như là một chương trình hướng dẫn trẻ em cách thức sử dụng thư viện (TV) để có thể tự tìm được tài liệu mà mình cần, dựa trên những kiến thức cơ bản nhất về DDC. Nội dung chủ yếu tập trung giảng dạy tổng quan về khung DDC, giúp cho học sinh hiểu được cách tổ chức, sắp xếp tài liệu trong TV như thế nào, cách tìm được tài liệu trong TV.

Phương pháp giảng dạy cho đối tượng người học ở cấp độ này thường có yếu tố trực quan, sinh động, kết hợp với các ứng dụng công nghệ, vừa mang tính chất học tập và vừa có tính chất giải trí, phù hợp với đặc điểm tâm lý, lứa tuổi của học sinh trong giai đoạn này. Một số ví dụ minh hoạ cho nội dung và phương pháp học tập này có thể kể đến như bản nhạc Rap về cấu trúc DDC đầy yếu tố vui nhộn, trẻ trung, hoặc một số trang web sinh động khác.

Hiện nay ở Việt Nam, DDC còn được giảng dạy như một khoá đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn do một số TV, cơ quan thông tin như Thư viện Quốc gia Việt Nam - đơn vị chịu trách nhiệm giảng dạy, tập huấn cho đội ngũ cán bộ thư viện (CBTV) thuộc các hệ thống TV khác nhau trong cả nước. Các khoá đào tạo, tập huấn đảm bảo thực hiện các mục tiêu và nội dung môn học phù hợp với từng nhóm đối tượng người học, nhằm trang bị kỹ năng sử dụng DDC trong quá trình phân loại tài liệu.

Ở cấp đại học, SV được trang bị kiến thức tổng quan về khung phân loại DDC cũng như hình thành kỹ năng thực hành và sử dụng khung DDC trong phân loại tài liệu, chuẩn bị cho SV nền tảng kiến thức và kỹ năng phân loại tài liệu sau này trở thành cán bộ phân loại chuyên nghiệp. Hiện nay, các trường đại học đào tạo ngành TV-TTH trong cả nước đều giảng dạy DDC như một môn học bắt buộc. Một số trường còn giảng dạy DDC lồng ghép với kiến thức chung của môn Phân loại tài liệu và khung LCC của Thư viện Quốc hội Mỹ (trường Đại học Sài Gòn). Tại Khoa TV-TTH, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh (ĐH KHXH&NV Tp. HCM), sau khi SV học xong 30 tiết môn Phân loại tài liệu, SV sẽ học môn DDC với tổng số tiết là 45 (tương đương 3 tín chỉ). Trong đó, nội dung môn học cần đạt được sau 45 tiết dạy và học gồm có: lịch sử của khung phân loại thập phân Dewey, các ấn bản, cấu trúc (bảng chính và bảng phụ), các ghi chú thường gặp trong DDC, các dấu, phần hướng dẫn, bảng chỉ mục quan hệ và các quy tắc lựa chọn ký hiệu phân loại (KHPL) trong khung DDC ấn bản đầy đủ. Như vậy, với những nội dung nêu trên, SV lần lượt đi song song lý thuyết và thực hành, SV  được yêu cầu phải thực hành liên tục và thường xuyên trong hầu hết các buổi học.

2. Một số thuận lợi và khó khăn trong giảng dạy DDC

2.1. Thuận lợi

Sự kế thừa và tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn  về mặt chuyên môn của giảng viên

Thực tế cho thấy, Khoa TV–TTH hiện nay chỉ có một GV phụ trách giảng dạy DDC. Tuy vậy, để có được một GV đứng lớp độc lập thì đều phải trải qua quá trình trau dồi và học tập từ những GV đã đi trước, những GV có kiến thức sâu rộng, tâm huyết với nghề và có kinh nghiệm giảng dạy đã truyền đạt lại. Trong giai đoạn này, GV lớn tuổi đã giúp đỡ, hướng dẫn và chia sẻ tận tâm đối với GV trẻ, tạo điều kiện cho GV trẻ có cơ hội làm quen và có thể đứng lớp độc lập để giảng dạy môn học này.

Mặt khác, bản thân GV trẻ cũng học tập kinh nghiệm từ đội ngũ CBTV có kinh nghiệm thực tiễn, có chuyên môn sâu đang làm việc tại các TV, trung tâm thông tin (TTTT) có uy tín. Quá trình học tập này đòi hỏi sự chủ động của chính GV trẻ cũng như sự giúp đỡ, hỗ trợ của CBTV nơi GV tích luỹ kinh nghiệm thực tế. Chính vì vậy, vai trò của quá trình tích luỹ kinh nghiệm thực tế trước khi giảng dạy môn học này là thực sự quan trọng và có ý nghĩa rất lớn đối với chất lượng giảng dạy của GV. Hiện nay, bản thân GV giảng dạy DDC đang cộng tác tại Thư viện Trung tâm trong khâu biên mục tài liệu, thời gian làm việc cố định 2 ngày/ tuần.

Sự hỗ trợ của Trung tâm Thông tin - Thư viện nhà trường trong quá trình thực hành phân loại của sinh viên

Thực hành phân loại đòi hỏi SV phải tiếp cận trực tiếp tài liệu, đây là một nguyên tắc bắt buộc, nguyên tắc trực diện trong công tác phân loại. Nắm bắt được yêu cầu này, GV đã đề xuất và được sự hỗ trợ từ phía Trung tâm Thông tin – Thư viện của nhà trường trong việc cung cấp tài liệu cho SV thực hành mỗi buổi học. Nội dung và số lượng tài liệu đều được sự hỗ trợ từ CBTV trước mỗi buổi học theo yêu cầu của GV và yêu cầu của buổi thực hành. Chính sự hỗ trợ này giúp cho hoạt động dạy và học đã đạt được một số mục tiêu và hiệu quả nhất định. SV có cơ hội tiếp cận với tài liệu thực sự, khi gặp phải những vấn đề khó phân loại, SV chủ động tìm đến cách thức giải quyết vấn đề nhanh chóng, hoặc là tham khảo ý kiến của các SV trong nhóm, hoặc là hỏi ý kiến của GV để tìm được KHPL phù hợp nhất.

2.2. Khó khăn

Công cụ học tập còn thiếu thốn

SV chỉ có đủ khả năng sao chụp ấn bản rút gọn 14 để hỗ trợ quá trình học, trong khi nội dung giảng dạy lại liên quan đến ấn bản đầy đủ. Hiện nay, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã dịch và xuất bản ấn bản DDC 23 đầy đủ bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, việc Khoa trang bị cho tất cả SV ấn bản đầy đủ là điều khó có thể thực hiện được vì lý do kinh phí. Mặt khác nếu GV chỉ giảng dạy theo chương trình và cấu trúc của DDC 14 thì  đôi khi SV sẽ gặp khó khăn khi đi làm thực tế. Để giảm thiểu tình trạng gặp khó khăn khi SV tham gia thực tập giữa khoá và cuối khoá tại các TV sử dụng ấn bản đầy đủ, GV đã giảng dạy cả ấn bản rút gọn, ấn bản đầy đủ và thực hành trên ấn bản rút gọn. Ngoài ra, hiện nay một số TV sử dụng ấn bản DDC đầy đủ để phân loại tài liệu, trong khi đó với kiến thức của DDC 14 thì SV sẽ không thể biết cách sử dụng ấn bản này như thế nào trong thực tế. Việc học tập và rèn luyện kỹ năng sử dụng ấn bản đầy đủ trong quá trình làm việc sẽ tốn nhiều thời gian cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả công việc chung của hoạt động nghiệp vụ.

Khó khăn này thể hiện rõ rệt nhất là SV không có cơ hội thực hành một số bảng phụ trong DDC đầy đủ. SV không thể thực hành được bảng 5 (Dân tộc và nhóm quốc gia) và bảng 6 (Các ngôn ngữ) vì sự khác biệt về mặt cấu trúc của bảng đầy đủ và bảng rút gọn. Ngoài ra, nhiều nội dung tài liệu thuộc các chuyên ngành cụ thể đôi khi không được liệt kê đầy đủ trong bản rút gọn, thay vào đó, các đề tài này lại thuộc vào những đề tài đang ở vị trí chờ (trong ghi chú Bao gồm – Including note) và không được phép thêm các trợ ký hiệu của các bảng phụ. Điều này đôi khi làm ảnh hưởng đến việc nắm rõ cấu trúc khung phân loại DDC ấn bản đầy đủ và vị trí một số đề tài trong khung trong quá trình phân loại của SV khi học môn phân loại theo DDC và quá trình làm việc sau này.

Trình độ tiếng Anh của sinh viên còn hạn chế

Đây là một trong những hạn chế thường thấy  đối với SV trong quá trình học Khung phân loại DDC, đặc biệt trong quá trình thực hành môn học. Đối với chương trình đào tạo của Khoa, SV không cần phải có trình độ A tiếng Anh trước khi học môn này. Mặt khác, theo quan sát từ các lớp đã giảng dạy cho thấy, trước khi đăng ký học phần môn học này, khoảng hơn 50% SV chưa tích luỹ chứng chỉ tiếng Anh trong học kỳ học DDC. Chính vì vậy, những SV có trình độ tiếng Anh hạn chế sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hành với tài liệu ngoại văn cũng như sử dụng ấn bản DDC trên Web Dewey và tham khảo các nguồn tài liệu từ Internet. Từ đó, hiệu quả chọn lựa KHPL phù hợp sẽ không cao đối với SV có trình độ tiếng Anh hạn chế.

Do vậy, giải pháp khắc phục đơn giản nhất chính là SV tự trau dồi, rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ của bản thân trong suốt quá trình học tập tại trường, đặc biệt là biết cách sử dụng từ điển một cách linh hoạt, tiết kiệm thời gian. Đây là một thực trạng chung gây khó khăn và làm giảm hiệu quả học tập không chỉ môn học này mà trong cả quá trình học các môn học khác của ngành học.

Sinh viên chưa thực sự chủ động trong quá trình học tập.

Đây không hẳn là thực trạng riêng của việc giảng dạy môn DDC m  đa phần các môn học đều bị tác động bởi tình trạng này. SV còn chưa thực sự chủ động trong quá trình đọc sách, chuẩn bị bài học, tìm kiếm thông tin liên quan đến môn học. Theo quan sát cho thấy, một số ít SV vẫn mang nặng tư tưởng học để lấy điểm, học để đối phó, học không vì niềm yêu thích dẫn đến hiệu quả môn học chưa thực sự cao. Chính vì vậy, giải pháp khắc phục cho tình trạng này chính là GV phải tạo được động lực học cho SV bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó vận dụng phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập phù hợp sẽ góp phần giúp SV có cách nhìn đúng đắn và nghiêm túc hơn về môn học. Mặt khác, bản thân mỗi SV phải tự rèn cho mình ý thức tự học và có trách nhiệm với quá trình tích luỹ kiến tức của mình, điều này đóng vai trò quyết định đến hiệu quả học tập của SV.

3. Một số biện pháp nâng cao hiệu quả giảng dạy DDC

3.1. Trang bị ấn bản DDC đầy đủ để thực hành

Để giải quyết được khó khăn trong thiếu thốn công cụ học tập – bảng phân loại DDC đầy đủ, bản thân GV đã tự linh hoạt điều chỉnh nội dung thực hành bằng cách nêu lên một số chủ đề được và không được sử dụng bảng 5 và bảng 6 để ghép với ký hiệu của bảng chính. Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, SV vẫn cần có cơ hội được tiếp cận và sử dụng ấn bản DDC đầy đủ trong thực hành phân loại. Trong điều kiện hạn chế về mặt kinh phí đào tạo, việc Khoa trang bị cho mỗi SV một bản sao chụp ấn bản đầy đủ là điều rất khó thực hiện. Do vậy, giải pháp khả thi nhất chính là GV hướng dẫn cho SV cách thức lựa chọn KHPL bằng chương trình phân loại Web Dewey phiên bản dùng thử (Free Trial trong vòng 30 ngày) để hỗ trợ quá trình thực hành bảng 5 và bảng 6.

alt

alt

Giao diện Web Dewey ấn bản dùng thử miễn phí

alt

Hình 1. Giao diện tra cứu cơ bản KHPL

alt

Hình 2. Giao diện tra cứu nâng cao KHPL

Với giao diện tra cứu KHPL nâng cao, Web Dewey cho phép người sử dụng tra cứu kết hợp với các điểm truy cập khác nhau như trong tất cả các trường, bảng tra, ghi chú, chỉ số phân loại Dewey, bảng tiêu đề chủ đề của Thư viện Quốc hội Mỹ (LCSH), hay bảng tiêu đề chủ đề y học của Thư viện Quốc gia y học (MeSH). Web Dewey cung cấp những thông tin cập nhật của ấn bản DDC mới nhất và thường xuyên nhất. Đây chính là một trong những công cụ hữu ích đối với CBTV, SV học tập và người sử dụng. Do vậy, GV cần hướng dẫn SV cách sử dụng và thực hành với Web Dewey trong quá trình giảng dạy.

3.2. Xây dựng thư viện thực hành hỗ trợ môn học

Thực tế cho thấy, yêu cầu ngành học đều phân bổ thời lượng dành cho SV thực hành, làm bài tập và tự học đối với hầu hết các môn học chuyên ngành như môn Biên mục mô tả, Định từ khoá, Phân loại tài liệu, Biên mục chủ đề, Tóm tắt, chú giải, tổng luận, Thư viện số, v.v… trong đó bao gồm môn Khung phân loại thập phân Dewey. Đối với SV bậc đại học của Khoa TV-TTH, trường ĐH KHXH&NV TP. HCM, SV vừa học lý thuyết, vừa được phân bổ  thời gian thực hành tại lớp, tự học và tham quan, đi khảo sát thực tế tại các TV, TTTT theo yêu cầu của GV. Bên cạnh, SV còn phải tham gia thực tập giữa khoá với thời lượng 2 tín chỉ (tương đương 3 tuần) vào năm học thứ ba của mỗi khoá học. Trong năm học thứ ba, SV cũng được Khoa tổ chức đi thực tập thực tế tại một vài TV, TTTT trong phạm vi cả nước. Đến năm thứ 4, SV thực tập cuối khoá với thời lượng là 7 tín chỉ trong khoảng 7 tuần tại các TV, TTTT trên địa bàn thành phố. Đây là các bước chuẩn bị tương đối vững chắc cho SV dần làm quen với môi trường thực tế tại các TV, TTTT trước khi trở thành CBTV sau này. Giai đoạn này đòi hỏi SV phải biết vận dụng những kiến thức, kỹ năng thực hành môn DDC đã được học tại trường để xử lý những vấn đề nghiệp vụ trong thực tế.

Trong điều kiện hiện nay, xây dựng TV thực hành dành cho SV khoa TV-TTH tại trường ĐH KHXH&NV Tp. HCM nói riêng, một số cơ sở đào tạo ngành nói chung là mô hình TV hữu ích cho quá trình rèn luyện kỹ năng thực hành và khả năng ứng xử với điều kiện thực tế đối với SV. Để thực hiện được giải pháp này, một số yêu cầu cần thiết để tiến hành xây dựng TV thực hành bao gồm:

- Kinh phí:Khoa có thể huy động nguồn kinh phí từ phía các tổ chức từ thiện, từ nhà trường và kinh phí quyên góp của đội ngũ GV trong và ngoài Khoa. Cựu SV các khoá đang làm việc tại các tổ chức khác nhau cũng là nguồn quyên góp quỹ hoạt động của TV.

- Cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin:Để xây dựng mô hình này, các cơ sở đào tạo có thể kiến nghị nhà trường hỗ trợ về việc bố trí phòng ốc, trang thiết bị tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng trường. Bên cạnh, TV cũng có thể sử dụng các phần mềm mã nguồn mở miễn phí. Ngoài ra, Khoa cần chủ động tạo lập mối quan hệ giữa nhà cung cấp phần mềm TV để được sử dụng miễn phí phần mềm của chính các nhà cung cấp đó. Đây cũng là hoạt động có lợi cho chính nhà cung cấp phần mềm trong hoạt động quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình đến người sử dụng.

- Đội ngũ cán bộ thư viện:Để duy trì được hoạt động của mô hình TV thực hành cần có nguồn nhân lực thực hiện. Nhằm đảm bảo mục tiêu của mô hình này, TV có thể sử dụng chính nguồn nhân lực tại Khoa – đó chính là đội ngũ GV chuyên ngành trong Khoa. Đây là đội ngũ GV chịu trách nhiệm giảng dạy các phân môn. Ví dụ, trong quá trình dạy thực hành, GV chính là người hướng dẫn trực tiếp cho SV thực hành. Song song đó, GV sẽ đánh giá trực tiếp được kỹ năng làm việc, rèn luyện các kỹ năng trong quá trình làm việc tại TV với vai trò là GV phụ trách phân môn để đánh giá trực tiếp được hiệu quả tiếp thu của SV đối với bài giảng và kỹ năng vận dụng lý luận vào quá trình làm việc thực tế. Với vai trò là nhà tuyển dụng lao động tương lai, GV cũng có thể đứng ở góc độ đòi hỏi của nhà tuyển dụng đối với SV sau khi tốt nghiệp, để xem xét những điều kiện, yêu cầu cần thiết từ nhà tuyển dụng lao động. Từ đó, GV đề xuất, đóng góp ý kiến điều chỉnh chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy phù hợp không chỉ môn DDC mà còn các môn học khác trong chương trình đào tạo. Ngoài ra, đội ngũ GV đang trong giai đoạn là trợ giảng, học viên cao học, SV tình nguyện cũng được xem là đội ngũ cộng tác viên lâu dài tại TV thực hành.

- Vốn tài liệu:Trước mắt, Khoa TV-TTH tại các cơ sở đào tạo có thể tận dụng nguồn tài liệu nội sinh tại Khoa như quyên góp, biếu, tặng từ các GV trong Khoa. Mặt khác, TV thực hành có thể thu thập nguồn tài liệu xám từ các công trình nghiên cứu khoa học các cấp của GV, đề tài nghiên cứu khoa học của SV, luận văn thạc sĩ của các học viên cao học và các nguồn tài liệu từ các tổ chức từ thiện, các TV, TTTT lớn trong và ngoài nước. Thậm chí, chính nguồn tài liệu thanh lý từ các TV, TTTT cũng là một nguồn lực thông tin quan trọng đối với việc phục vụ các môn học như Tổ chức, bảo quản tài liệu để SV có cách nhìn nhận thực tế nhất giữa lý luận và thực tiễn.

Như vậy, với TV thực hành này, SV vừa có cơ hội tiếp cận và làm việc trực tiếp với tài liệu, phân loại tài liệu, vận dụng kiến thức vào quá trình hình thành kỹ năng thực hành phân loại, vừa có cơ hội tiếp cận hoàn chỉnh các khâu đoạn trong biên mục tài liệu nói riêng và trong vận hành của TV.

3.3. Vận dụng linh hoạt một số phương pháp trong giảng dạy DDC

Ngoài các phương pháp giảng dạy cơ bản như thuyết trình nêu vấn đề, GV truyền đạt và SV lĩnh hội kiến thức chủ động, có sự chuẩn bị từ trước khi đến lớp thì GV còn có thể vận dụng thêm một số phương pháp giảng dạy tương đối hiệu quả khác. Kết quả đã được kiểm chứng qua kinh nghiệm giảng dạy cá nhân.

- Phương pháp đóng vai:Trong hoạt động lớp học, GV thường vận dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau, nhằm phát huy tối đa hiệu quả học tập và giảng dạy. Với cách giảng dạy truyền thống khi GV đóng vai trò trung tâm thì hiện nay cách dạy này đôi khi không còn phù hợp. Chính vì vậy, với kinh nghiệm giảng dạy cá nhân cho thấy, việc tạo cơ hội cho SV đứng trên bục giảng – đóng vai là người điều phối hoạt động lớp học – đã giúp cho hoạt động dạy và học trở nên có tính thử thách hơn. Một số SV sẽ ghi kết quả phân loại lên bảng, sau đó một SV được GV chỉ định bất kỳ sẽ phân tích kết quả, tham khảo ý kiến của các SV khác và chọn ra kết quả chính xác và phù hợp nhất. Với phương pháp này, SV sẽ đạt được một số hiệu ứng như sau: thứ nhất, SV hiểu rõ hơn cách thức, quy trình để phân loại tài liệu hiệu quả và chính xác nhất; thứ hai, SV có thể rèn được kỹ năng nói trước đám đông, giúp SV tự tin hơn khi diễn đạt vấn đề; thứ ba, SV sẽ có cơ hội thể hiện được khả năng phân tích, nhận định và đánh giá vấn đề đóng vai và trong quá trình phân loại tài liệu. Rõ ràng, những lợi ích trên đều giúp SV có thể tự tin hơn sau khi ra trường.

- Phương pháp làm việc nhóm:Kết quả của quá trình phân loại là KHPL. Mỗi SV khi phân loại thường có những quan điểm khác nhau về một tài liệu hoặc một chủ đề có hai hoặc nhiều ký hiệu khác nhau nằm rải rác trong khung. Vấn đề quan trọng chính là SV cần thống nhất và tìm ra một lựa chọn phù hợp và tối ưu nhất. Ở phạm vi một TV, sau khi ra trường, thói quen trao đổi thông tin khi phân loại những tài liệu khó, có chủ đề phức tạp của SV sẽ giúp ích rất nhiều trong việc lựa chọn KHPL phù hợp, nhằm giảm thiểu tối đa sự thiếu thống nhất trong quá trình phân loại tài liệu, tránh trường hợp một tài liệu nhưng lại có nhiều KHPL khác nhau và sự khác biệt quá lớn dẫn đến tình trạng nhiễu tin và mất tin khi tìm kiếm.

3.4. Xác định hình thức đánh giá môn học phù hợp

DDC là một môn học có tính chất kỹ thuật, thực hành cao, đòi hỏi SV sau khi học xong phải có khả năng phân loại tài liệu. Do đó, bên cạnh việc SV nắm được một số lý thuyết cơ bản về khung DDC, thì việc SV có thể lựa chọn KHPL như thế nào và GV có thể đánh giá được SV có thực sự hiểu rõ khung phân loại này hay không thì tuỳ thuộc vào hình thức thi của mỗi GV trong từng trường đào tạo khác nhau. Quá trình đánh giá môn học đòi hỏi phải trải qua quá trình học tập của SV kết hợp với các phương thức đánh giá khác nhau. Đối với đánh giá quá trình, SV phải đảm bảo hoàn thành một số yêu cầu của GV như SV phải tham dự lớp tối thiểu 80% so với tổng thời lượng môn học và không được phép vắng trong các buổi thực hành, thái độ học tập của SV qua việc đóng góp ý kiến, phát biểu xây dựng bài, kỹ năng đặt câu hỏi phù hợp, tham gia thảo luận nhóm, bài tập thực hành cá nhân và hoàn thành bài thi giữa kỳ. Với bài thi giữa kỳ, yêu cầu SV hoàn thành 50% lý thuyết (trắc nghiệm) và 50% bài tập thực hành tại lớp. Như vậy, qua cả quá trình làm việc của SV, bước đầu GV có thể đánh giá được hiệu quả học tập của SV qua tổng điểm thi giữa kỳ (là điểm cộng trung bình của tất cả các hoạt động mà SV đã tham gia).

Với hình thức thi cuối kỳ, một số GV có thể áp dụng hình thức thi viết, vấn đáp, tiểu luận, v.v... Mỗi hình thức thi đều có ưu nhược điểm khác nhau, phụ thuộc vào quan điểm của mỗi GV. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm bản thân và kinh nghiệm của các GV đã giảng dạy DDC tại Khoa thì hình thức thi vấn đáp cuối kỳ là tương đối phù hợp và hiệu quả. Cụ thể, qua hình thức thi vấn đáp (02 GV đặt câu hỏi, mỗi SV lần lượt trả lời) thì GV có thể đánh giá được khả năng hiểu bài thực sự của mỗi SV, phân biệt được sự khác biệt giữa các nhóm SV khác nhau và mức độ tiếp thu bài, khả năng thực hành của từng SV sau khi kết thúc môn học.

Như vậy, với cách thức đánh giá này, GV sẽ nhận diện và phân biệt được các nhóm SV thuộc các trình độ khác nhau và điều chỉnh phương  pháp truyền đạt và giảng dạy một cách linh hoạt và phù hợp cho các khoá học kế tiếp. Phương pháp giảng dạy phù hợp và phương thức đánh giá là hai trong số nhiều yếu tố tạo nên chất lượng giảng dạy DDC nói riêng, giảng dạy đại học nói chung.

Nhìn chung, với những thuận lợi nêu trên, hoạt động giảng dạy DDC cũng đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, điều cần thiết để cả GV và SV cùng nỗ lực là khắc phục một số khó khăn trong quá trình học tập và giảng dạy nhằm đảm bảo hoàn thiện những mục tiêu của môn học nói riêng và nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ CBTV trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Khung chương trình đào tạo: Ngành Thư viện - Thông tin học. http://www.cdsphanoi.edu.vn.

2. Đại học Sài Gòn. Chương trình đào tạo. http://www.nsl.hcmus.edu.vn/greenstone/collect/htdhsg/index/assoc/HASH7425.dir/doc.pdf.

3. Đại học KHXH&NV Hà Nội. Khung chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Thông tin học. http://tuyensinh.ussh.edu.vn/program/thong-tinhoc/khung-chuong-trinh.

4. http://www.dewey.org/webdewey/standardSearch.html.

5. Nguyễn Trung Thành. Sử dụng Web Dewey 2.0 trong phân loại tài liệu. http://vietnamlib.net/chuyen-mon-nghiep-vu/bienmuc-xu-ly/su-dung-web-dewey-2-0-trong-phan-loaitai-lieu.

_____________

ThS. Bùi Hà Phương

Khoa Thư viện - Thông tin học, trường ĐH KHXH&NV Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2014. - Số 3. - Tr. 31-37.


Đọc thêm cùng chuyên mục: