Đầu tư vào thư viện đại học và các tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư

Print

Ở mọi quốc gia, đầu tư cho thư viện đại học luôn là một mục tiêu quan trọng trong quá trình đầu tư cho giáo dục đại học vì thư viện góp phần quan trọng trong việc tạo nên thương hiệu của mỗi trường, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo, chất lượng sản phẩm đầu ra.

Tại Hoa Kỳ vào năm 1998, Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia Hoa Kỳ (National Center for Education Statistics) đã thực hiện cuộc khảo sát về kinh phí hoạt động của 3.658 thư viện đại học trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Kết quả khảo sát cho thấy các trường đã chi khoảng 4,6 tỷ USD cho hoạt động thư viện. Con số này đến năm 2010 đã là hơn 6,8 tỷ USD (6,839,225,158 USD), trong đó mức chi cho Thư viện Đại học Harvard cao nhất với tổng kinh phí khoảng 133 triệu USD [4, 6].

Tại Ấn Độ từ năm 1997 đến năm 2006, Uỷ ban Tài trợ Đại học (The University Grants Commission – UGC, 1988) đã thiết lập Mạng lưới trung tâm Thông tin và Thư viện (Information and Library network center – INFLIBNET) nhằm mục đích hiện đại hoá thư viện đại học. Với kinh phí hơn 6,5 triệu rupi để trang bị máy tính, modem, điện thoại, phần mềm và xây dựng một CSDL biên mục chung cho toàn bộ thư viện đại học Ấn Độ. Ngân sách 1,72 triệu rupi được cấp để duy trì hệ thống trong vòng 5 năm và chuyển đổi từ biên mục thủ công sang biên mục bằng máy cho 142 thư viện trường đại học. Hiện tại, INFLIBNET đã có CSDL biên mục của 155 thư viện đại học [5].

alt

Ngân sách cho thư viện đại học Ấn Độ từ 1997-2006

 

Các dự án xây dựng thư viện điện tử, thư viện số tại các trường đại học đều được đầu tư kinh phí rất lớn. Ví dụ, dự án “Digital Library Initiative

-  DLI" (Sáng kiến thư viện số) giai đoạn 1994 – 2004 tại Hoa Kỳ, “Electronic Library Programme - eLib” (Chương trình Thư viện Điện tử) giai đoạn 1995 – 2000 tại Anh, dự án Thư viện số quốc tế NSF/JISC giai đoạn 1999 - 2001 và nhiều dự án khác như Project Gutenberg, Google Book Search, Internet Archive, Cornell University, The Library of Congress, The European Digital Library, World Digital Library, Greenstone Digital Library- University of Waikato, Carnegie Mellon University's Million  Book Project,… [3].

Ở Việt Nam, điều 45 Điều lệ trường đại học ban hành theo Quyết định số 08/2012/QĐ-TTg ngày 22/09/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định “Trường đại học phải có thư viện và các trung tâm thông tin tư liệu chuyên ngành phục vụ hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ. Thư viện và các trung tâm thông tin tư liệu có trách nhiệm quản lý, bổ sung và cung cấp thông tin, tư liệu khoa học và công nghệ ở trong nước và ngoài nước thuộc các lĩnh vực của trường, thu thập và bảo quản các sách, tạp chí, băng, đĩa, các tài liệu lưu trữ, các luận văn, luận án đã bảo vệ tại trường, các ấn phẩm của trường. Thư viện và các trung tâm thông tin tư liệu chuyên ngành hoạt động theo quy chế do Hiệu trưởng ban hành”.

Trong quyết định số 10/2007/QĐ-BVHTT ngày 04/5/2007 của Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) về Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, mục tiêu phát triển chủ yếu cho thư viện đại học được xác định là:

-  Nâng cấp thư viện các trường đại học: Xây dựng mới, tu bổ lại trụ sở thư viện, tạo cho các thư viện hiện đại về cơ sở vật chất và trang thiết bị, phong phú về tài liệu.

Tăng cường công tác bổ sung tài liệu ngoại văn. Có sự phối kết hợp trong công tác bổ sung tài liệu giữa các trường đại học với nhau, cũng như đối với các thư viện khoa học lớn trong nước, tránh bổ sung trùng lặp, tiết kiệm ngoại tệ cho nhà nước. Thực hiện việc chia sẻ nguồn lực thông tin bằng các hình thức trao đổi tài liệu, cho mượn liên thư viện, phối hợp bổ sung...

- Đảm bảo trao đổi, hợp tác thường xuyên giữa thư viện các trường đại học trong nước với thư viện các trường đại học nước ngoài.

- Bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại cán bộ thư viện đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt về công nghệ thông tin, kiến thức về marketing, các dịch vụ thông tin - thư viện và ngoại ngữ.

- Phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, lấy đó làm đòn bẩy quan trọng nhất trong quá trình hiện đại hoá thư viện.

- Dựa trên các chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ thư viện sử dụng hệ thống máy tính đã có, tiến hành quá trình tự động hoá thư viện, nâng cao chất lượng các dịch vụ truyền thống. Xây dựng một cơ sở dữ liệu tích hợp phục vụ cho mọi hoạt động của thư viện, dựa trên các hệ quản trị cơ sở dữ liệu hiện đại, tiêu chuẩn, dễ phối hợp với các công nghệ khác và dễ mở rộng, nâng cấp.

- Sử dụng các thành tựu mới nhất của ngành công nghệ thông tin, nhất là các công nghệ Internet, nâng cao chất lượng của vốn tài liệu và phát triển các dịch vụ thông tin - thư viện hiện đại, phục vụ cho nhiều đối tượng bạn đọc với các phương tiện thông tin khác nhau.

- Xây dựng một hệ thống thư viện đại học mạnh, phát triển theo hướng hiện đại thư viện điện tử, thư viện số. Có khả năng đáp ứng các nhu cầu thông tin của người sử dụng một cách dễ dàng, nhanh chóng.

- Số hoá các giáo trình của các môn học cơ bản bậc đại học và trên đại học của nước ta để cung cấp trên mạng.

Trong báo cáo số 760/BC-BGDĐT ngày 29/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học, phần các giải pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo nêu rõ: “Thông qua Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng và trưởng khoa cùng nhóm ngành, các trường xây dựng đề án hình thành hệ thống thư viện điện tử chuẩn hoá, hiện  đại,  liên  thông”.  Trong  Quyết  định  số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/07/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020 cũng đề ra nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp: “Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện ở các trường; hình thành hệ thống thư viện điện tử kết nối các trường trên cùng địa bàn, cùng một vùng và trên phạm vi toàn quốc; Thiết lập mạng thông tin toàn cầu và mở rộng giao lưu quốc tế cho tất cả các trường đại học, cao đẳng trong nước; Quy hoạch, sắp xếp lại công tác xuất bản giáo trình, sách và tài liệu tham khảo”.

Trong những năm gần đây, việc đầu tư cho các thư viện đại học là một trong những quan tâm hàng đầu của lãnh đạo nhiều trường. Vì vậy, thư viện đại học đã có những khởi sắc đáng kể. Một số thư viện đại học đã được đầu tư hoặc từ nguồn kinh phí nhà nước, hoặc từ vốn vay Ngân hàng thế giới, hoặc từ nguồn tài trợ nước ngoài hoặc từ nguồn vốn tự có. Dự án giáo dục đại học I đã đầu tư cho 25 trường đại học với gần 1/3 tổng số tiền của dự án. Kinh phí đầu tư cho thư viện đại học qua dự án này tăng dần từ 500.000 USD đến hơn 3 triệu USD.

Từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước với tổng kinh phí đầu tư gần 200 tỷ đồng, thư viện điện tử trường Đại học Bách khoa Hà Nội có toà nhà 10 tầng và các trang thiết bị hiện đại. Từ nguồn tài trợ nước ngoài của tổ chức Atlantic Philanthrophies (Quỹ từ thiện Đại Tây Dương) và quỹ Đông Tây hội ngộ (East Meets West) có 4 trung tâm học liệu lớn được xây dựng theo chuẩn quốc tế về kiến trúc thư viện với tổng kinh phí xấp xỉ trong khoảng từ 4 triệu USD đến gần 10 triệu USD. Ví dụ: Ðại học Huế (5,5 triệu USD, 7.000m2, hoạt động từ năm 2004), Ðại học Cần Thơ (hơn 9  triệu  USD,  7.200m2,  hoạt  động  từ  tháng 4/2006), Ðại học Thái Nguyên (4 triệu USD, 9.000m2, hoạt động từ tháng 11/2007), Ðại học Ðà Nẵng (5.830.000 USD, 7.900m2, hoạt động từ tháng 7/2005). Để phát triển bền vững, Nhà nước đã đầu tư tiếp tục nâng cấp Trung tâm Học liệu Đại học Huế từ năm 2009-2011 thêm 846.000 USD; Trung tâm Học liệu Đại học Ðà Nẵng được cấp thêm 876.000 USD từ tháng 11/2006-2008;

Trung tâm Học liệu Đại học Cần Thơ được cấp thêm 870.000 USD từ năm 2006-2008. Ngoài ra, ở một số trường đại học trọng điểm khác và các thư viện đại học có yếu tố nước ngoài, thư viện trường đại học tư thục chất lượng cao cũng được đầu tư khá hiện đại.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần đánh giá chính xác hiệu quả đầu tư để tạo điều kiện cho đầu tư tiếp tục, đầu tư nâng cao (đối với những thư viện đã được đầu tư) và các thư viện đang chuẩn bị được đầu tư hình dung trước các kết quả dự kiến khi làm các dự án đầu tư.

Trong thực tế, muốn đánh giá hiệu quả đầu tư phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Phải xuất phát từ mục tiêu của đầu tư. Hoạt động đầu tư không thể xem là có hiệu quả khi không đạt mục tiêu đề ra. Việc đánh giá hiệu quả phải luôn gắn với mục tiêu, xem xét có biểu hiện của lãng phí không? Có tình trạng tập trung quá nhiều nhân lực, vật lực một cách chưa thật sự cần thiết không? Chi kinh phí có hợp lý không?

- Phải xác định tiêu chuẩn hiệu quả để đánh giá hiệu quả đầu tư. Tiêu chuẩn hiệu quả được xem là thước đo thực hiện các mục tiêu của hoạt động đầu tư.

- Cần chú ý đến độ trễ thời gian trong đầu tư để phản ánh chính xác các kết quả đạt được và chi phí bỏ ra để thực hiện đầu tư. Ví dụ: Trong quá trình thực hiện các hợp đồng, thời gian có bị kéo dài không? Chi phí có đội lên không?...

- Cần sử dụng một hệ thống các chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả của đầu tư.

- Phải đảm bảo tính khoa học và thực tiễn khi đánh giá hiệu quả của đầu tư [2]. Ví dụ: Có thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện không? Định kỳ thời gian bao nhiêu lâu kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện và đo lường chất lượng của các hoạt động đã thực hiện?

Nhìn chung, những thư viện đại học nào được đầu tư (nguồn vốn đầu tư có thể khác nhau) đều có thể đo lường được hiệu quả đầu tư qua các tiêu chuẩn sau:

Thư viện trở thành nơi cung cấp và đáp ứng yêu cầu sử dụng của cán bộ, giảng viên và người học về những nguồn thông tin quan trọng nhất, đầy đủ, toàn diện, phong phú, đa dạng nhất cả trong và ngoài nước

Tiêu chuẩn này đòi hỏi những nguồn thông tin do thư viện cung cấp, đảm bảo các thông tin đã được sàng lọc qua nhiều khâu, có cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học, được lưu trữ lâu dài, được kiểm soát. Là những nguồn thông tin phù hợp với nhu cầu và thói quen sử dụng của sinh viên, giảng viên. Các chỉ tiêu cụ thể để đo lường thể hiện qua số lượng các cơ sở dữ liệu, các bộ sưu tập số, các bản thư mục, các ấn phẩm thông tin thư mục, các liên kết trang web...

Thư viện trở thành điểm kết nối giữa nguồn thông tin của xã hội và nhu cầu thông tin của sinh viên, giảng viên

Tiêu chuẩn này đòi hỏi khi khối lượng, phạm vi và chất lượng của nhu cầu tin trong sinh viên, giảng viên gia tăng nhanh chóng, thư viện phải tiến hành chọn lọc, tinh chế, bao gói thông tin. Phát hiện, xác định và kiến tạo nhu cầu thông tin của sinh viên, sau đó trình bày, giới thiệu và cung ứng thông tin mang tính định hướng cá nhân cho sinh viên, giảng viên. Các chỉ tiêu cụ thể để đo lường thể hiện qua số lượng phiếu điều tra nghiên cứu nhu cầu hàng năm, các bảng tổng hợp kết quả phân tích nhu cầu của sinh viên, giảng viên; Số lượng và chất lượng các sản phẩm và dịch vụ cung cấp cho sinh viên, giảng viên…

Thư viện trở thành môi trường rèn luyện các kỹ năng và phát huy năng lực độc lập trong việc khám phá tri thức và tư duy sáng tạo của sinh viên

Tiêu chuẩn này đòi hỏi thư viện mở ra một môi trường tri thức rộng lớn, thông thoáng và đa dạng để sinh viên mở rộng tầm nhìn và ước mơ của mình. Tại thư viện, sinh viên định hướng, xác định mục tiêu của công cuộc khám phá tri thức, rèn luyện kỹ năng nghiên cứu và trau dồi khả năng phân tích, tổng hợp các tư liệu tự sưu tầm được, khả năng tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Thư viện là điểm đến cần thiết để sinh viên tập dượt khả năng diễn đạt hiểu biết của mình một cách rõ ràng, mạch lạc cho người khác trong các phòng thảo luận nhóm với đầy đủ các thiết bị hỗ trợ trình chiếu các sản phẩm do sinh viên tạo ra. Các chỉ tiêu cụ thể để đo lường thể hiện qua số lượt sinh viên đến thư viện, số lượt sinh viên đọc, mượn tài liệu in ấn và số lượt sinh viên truy cập thư viện điện tử, số lượt sinh viên sử dụng các phòng thảo luận nhóm, phòng đa phương tiện, truy cập Internet...

Thư viện trở thành môi trường học tập thoải mái, thân thiện, địa điểm lý tưởng tạo ra các cơ hội học tập và giao lưu cho sinh viên

Tiêu chuẩn này đòi hỏi không gian thư viện phải thật thân thiện, tạo tâm lý thoải mái cho người sử dụng. Vì vậy, ở nhiều trường đại học nước ngoài hiện nay, không gian thư viện đại học được gọi là không gian học tập cộng đồng/ không gian thông tin cộng đồng hay còn được gọi là không gian học tập mở. Không gian này nhằm tạo ra những điều kiện cần thiết nhất để hỗ trợ những kỹ năng học tập, kỹ năng khai thác thông tin, kỹ năng tư duy phản biện, làm việc hợp tác, sáng tạo và thưởng thức việc đọc sách. Không gian học tập mở là không gian có đầy đủ dịch vụ cho học tập, nghiên cứu và dự án của sinh viên. Trong khuôn viên của thư viện có những khu vực là nơi mà sinh viên có thể sắp xếp lại bàn ghế cho phù hợp với các buổi thảo luận ngẫu hứng hoặc đã định trước, có những khu vực đọc đảm bảo sự yên tĩnh tuyệt đối để làm việc cá nhân, có khu vực dành cho sinh viên thư giãn và trao đổi với bạn bè, có khu vực cho sinh viên tổ chức những buổi diễn thuyết, trình diễn thời trang, triển lãm, sinh hoạt câu lạc bộ theo sở thích… Các chỉ tiêu cụ thể để đo lường thể hiện qua bảng tổng hợp các thông tin phản hồi của sinh viên, giảng viên. Số lượng và chất lượng các sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho sinh viên, giảng viên...

Thư viện là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho phương pháp dạy tích cực, học chủ động

Tiêu chuẩn này liên quan đến việc thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa thư viện và đội ngũ giảng viên của các khoa, bộ môn trong trường. Giảng viên đã nghiên cứu kỹ trước các tài liệu có trong nguồn tài nguyên thông tin của thư viện, khi đến lớp áp dụng các phương pháp dạy học đa dạng và nêu ra các vấn đề mà sinh viên cần tìm hiểu, các bài tập phải làm trên cơ sở chỉ ra những nguồn tài liệu mà sinh viên cần nghiên cứu tham khảo. Sinh viên đến thư viện tìm tài liệu liên quan đến vấn đề cần nghiên cứu, thảo luận, làm bài tập. Những điều sinh viên phát kiến, tìm tòi được sẽ khắc sâu vào tâm trí của sinh viên, vì đó là những điều họ tự tìm ra chứ không phải là những điều mà họ phải cố nhớ.

Khi nói đến hiệu quả đầu tư cho thư viện đại học là nói đến phạm trù kinh tế biểu hiện quan hệ so sánh giữa các kết quả kinh tế - xã hội đã đạt được của sự đầu tư với các chi phí phải bỏ ra để có các kết quả đó trong một thời kỳ nhất định.

Như vậy, muốn đánh giá chính xác hiệu quả đầu tư cho thư viện đại học cần phải xem xét một hệ thống các tiêu chí và trả lời hàng loạt các câu hỏi:

1.   Tiêu chí về mục tiêu đầu tư

Đầu tư có đạt mục tiêu đề ra không? Hiệu quả đầu tư được xem xét qua việc thực hiện mục tiêu như thế nào? Thoả mãn nhu cầu của giảng viên, sinh viên ở mức độ nào? Thông tin phản hồi như thế nào? Đã tạo ra một thư viện như thế nào? Có tác động gì đến giảng viên và sinh viên? Tác động như thế nào đến phương pháp dạy và phương pháp học? Các kết quả đạt được có bền vững không? Trả lời được các câu hỏi này sẽ làm rõ được sự tương quan giữa kết quả đạt được trên thực tế so với mục tiêu đầu tư đã được xác định trước.

2.  Tiêu chí về hệ thống chỉ tiêu đánh giá

Các chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả đầu tư là những chỉ tiêu nào? Chỉ tiêu về số lượng là những chỉ tiêu nào? Chỉ tiêu về chất lượng là những chỉ tiêu nào? Chỉ tiêu nào là chỉ tiêu định tính? Chỉ tiêu định lượng là những chỉ tiêu nào?

Ví dụ: Số lượng đầu sách/ bản sách in được bổ sung? Số lượng cơ sở dữ liệu nội sinh được xây dựng? Số lượng cơ sở dữ liệu mua quyền truy cập, số lượng máy móc được trang bị, số lượng nhân viên được đào tạo nâng cao trình độ? Các chỉ số gia tăng về năng suất lao động? Các chỉ số gia tăng về số lượng giảng viên, sinh viên khai thác sử dụng tài liệu của thư viện? Số lượng tài liệu được lưu hành, các cuộc thi, hội nghị, hội thảo, các sự kiện được tổ chức… Các chỉ số gia tăng về vòng quay của tài liệu? Chất lượng dịch vụ thư viện cải thiện như thế nào? Mức độ thành thạo về kỹ năng tư vấn, huấn luyện sinh viên về kiến thức thông tin? Chất lượng nội dung các chương trình hướng dẫn sử dụng thư viện trực tuyến? Mức độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin? Mức độ gắn kết với các khoa? Mối quan hệ với cộng đồng: phục vụ đối tượng bên ngoài?...

alt

Các hệ số tăng trưởng này cần tiếp tục được thể hiện trong các báo cáo tổng kết hoạt động thư viện hàng năm. Căn cứ vào các con số này sẽ đánh giá tác động của đầu tư trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ, từ 3-5 năm), sau đó các thư viện có thể được tiếp tục đầu tư.

Bên cạnh việc tính các hệ số khác nhau, khi đánh giá hiệu quả đầu tư còn phải trả lời các câu hỏi như thư viện có thực hiện việc tổng hợp các số liệu từ các phiếu thăm dò ý kiến giảng viên, sinh viên về tinh thần thái độ phục vụ, mức độ hài lòng, về nhu cầu không? Thư viện có tiến hành phân tích dữ liệu về chất lượng của việc tổ chức các cuộc thi, hội thảo, sự kiện không? Giảng viên, sinh viên đánh giá như thế nào về các sản phẩm, dịch vụ của thư viện? Có nhiều giảng viên, sinh viên đã tận dụng được những tiện ích của cơ sở vật chất, trang thiết bị hay không? Các tiện ích và thái độ phục vụ, tính chuyên nghiệp của nhân viên thư viện đã ảnh hưởng như thế nào đến hành vi của giảng viên, sinh viên và việc lựa chọn tài liệu, tìm kiếm thông tin của họ?...

Ngoài ra, việc xác định các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư vào thư viện đại học có thể được xem xét như hiệu quả đầu tư đối với các doanh nghiệp hoạt động công ích, cụ thể là một số chỉ tiêu sau:

- Sự thay đổi (biến động) của chi phí.

- Tỷ lệ chi phí cố định cho mỗi hạng mục.

- Tỷ lệ sử dụng các nguồn lực được đầu tư.

1. Tiêu chí về hiệu quả tài chính

Hiệu quả tài chính của đầu tư là gì? Có sinh lời từ vốn đầu tư không? Có thực hiện các dịch vụ có thu không? Thời gian khấu hao máy móc thiết bị? Tỷ số lợi ích – chi phí? Thời gian hoàn vốn? Thời gian thu hồi vốn đầu tư? Mức tăng trưởng hiệu quả kinh tế trong thực hiện phục vụ người sử dụng đến thư viện sau khi đầu tư có thể đo bằng cách tính chi phí thời gian trung bình của một nhân viên cho việc phục vụ một người dùng hoặc số lượng người đến sử dụng thư viện tăng lên hàng năm nhưng không tăng nhân viên phục vụ.

2. Tiêu chí về hiệu quả kinh tế - xã hội

Hiệu quả kinh tế - xã hội đạt được từ góc độ nhà đầu tư và góc độ quản lý nhà nước là gì? Từ góc độ nhà đầu tư (nhà nước, tổ chức phi chính phủ, tư nhân…) bao gồm các chỉ tiêu: các dịch vụ có thu đóng góp cho ngân sách, lượt đến, lượt đọc tăng lên, mức độ tăng năng suất lao động của nhân viên thư viện, mức nâng cao trình độ nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp, năng lực tác nghiệp của nhân viên thư viện, tạo cơ hội cho sinh viên được học tập và nghiên cứu trong môi trường mới, nâng cao trình độ quản lý của lãnh đạo thư viện, các tác động đối với cộng đồng…

Đứng trên góc độ quản lý nhà nước, các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh tế - xã hội là số lượng thư viện hiện đại tăng lên, chỉ số lao động có trình độ cao tăng, lượng thông tin luân chuyển trong xã hội tăng, mức giá trị gia tăng hưởng thụ tri thức và thông tin không chỉ trong sinh viên mà cả cộng đồng, chỉ tiêu mức tiết kiệm ngoại tệ trong bổ sung tài liệu trong hệ thống thư viện đại học, chỉ tiêu tăng khả năng hội nhập quốc tế.

Trong thực tế thường sử dụng một số phương pháp sau để đánh giá hiệu quả đầu tư tại thư viện đại học:

* Phương pháp phân tích tình trạng và xu hướng biến đổi của các chỉ số hiệu quả:

- Phân tích tỷ lệ tài liệu/ tổng các ngành đào tạo, tài liệu/ sinh viên, tài liệu/ giảng viên…, sự biến đổi theo tỷ lệ của các chỉ số này hàng năm sẽ đánh giá một cách khách quan về hiệu quả đầu tư vào thư viện đại học.

Phân tích cơ cấu chi phí để thấy rõ sự khác biệt trong quá trình đầu tư. Tại mỗi thư viện tuy có những chính sách đầu tư khác nhau nhưng sự phân chia chi phí theo cơ cấu hợp lý sẽ tạo nên hiệu quả cao nhất. Cơ cấu chi phí có thể thay đổi hàng năm, phù hợp với mục tiêu trước mắt và lâu dài.

- Phân tích tình trạng sử dụng các hạng mục được đầu tư (cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn tài nguyên thông tin, nhân lực).

* Phương pháp so sánh các chỉ số hiệu quả trong thư viện hoặc giữa các thư viện với nhau:

- So sánh các hạng mục đầu tư của các thư viện, hiệu quả đầu tư cao hơn thuộc về chi phí đơn vị nhỏ hơn.

- Khi có cùng chi phí đơn vị thì phải chỉ ra chất lượng đầu tư ở thư viện nào cao hơn.

- So sánh chỉ số cụ thể của hoạt động đầu tư vào thư viện với một con số trung bình của hoạt động đầu tư vào một hạng mục khác của trường.

Vấn đề đầu tư cho thư viện đại học ở Việt Nam là rất cần thiết, quan trọng và cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh đào tạo theo học chế tín chỉ. Việc đầu tư tại các thư viện đại học trong vòng 10 năm trở lại đây được nhiều lãnh đạo đại học quan tâm nhưng mức độ đầu tư rất khác nhau. Những thư viện đại học đã được đầu tư nhìn bên ngoài đều có trụ sở khang trang, tạo khả năng thực hiện được nhiều dịch vụ tiện ích hơn, lượng sinh viên đến sử dụng thư viện nhiều hơn, thư viện có vị thế tốt hơn trong con mắt của giảng viên, sinh viên và cộng đồng.

Trong Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 711/QĐ- TTg ngày 13/06/2012 của Thủ tướng Chính phủ, phần đánh giá những bất cập, yếu kém đã xác định “Thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn và các phương tiện dạy học chưa đảm bảo về số lượng, chủng loại và chất lượng so với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là ở các trường đại học”. Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ ngày 06/01/2010 của Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2010 -2012 cũng chỉ rõ “Thư viện các trường còn nghèo nàn, giáo trình tài liệu chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng”.

Nhìn chung, hiệu quả đầu tư cho thư viện đại học hiện nay là một vấn đề nhạy cảm, đặc biệt với các trường đại học công lập. Chính vì vậy, các thư viện đại học muốn thuyết phục các cơ quan có thẩm quyền và các cấp lãnh đạo đầu tư cần xác định rõ ràng mục tiêu đầu tư và làm rõ được các thay đổi cũng như các tác động đến giảng viên, sinh viên và cộng đồng. Bên cạnh đó, khi đã được chấp thuận đầu tư thì tăng cường giám sát chặt chẽ quá trình triển khai dự án đầu tư, có biện pháp chế tài, xử lý nghiêm khắc các hạng mục đầu tư còn kém hiệu quả và giáo dục ý thức sử dụng tiết kiệm, khai thác triệt để các nguồn lực đã được đầu tư cho nhân viên thư viện và người sử dụng thư viện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Loan Thuỳ, Đào Hoàng Thuý. Tổ chức quản lý công tác thông tin thư viện. - Tp. Hồ Chí Minh : Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1998.

2. Nguyễn Bạch Nguyệt, Từ Quang Phương. Giáo trình Kinh tế đầu tư. - H.: Đại học Kinh tế Quốc dân, 2007.

3. Bawden, D. and Rowlands, I.. Understanding Digital Libraries : towards a concep- tual framework. - British Library Research and Innovation Centre, 1999.

4. John Martin Cooper. Strategic financial planning for research libraries : Alternative financial scenarios for Harvard College Library beyond the year 2000. - Harvard University. - 2000. - 141p.

5. Prem Chand, Suresh K. Chauhan. The union catalogue of academic libraries in India: an ini- tiative by Inflibnet // Interlending & Document Supply. - 2008. - No. 36 (3). - p. 142-148.

http://homepage.data-planet.com/.

______________________________

 

PGS.TSKH. Bùi Loan Thuỳ - ThS. Ngô Thị Bích Phương 

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2014. - Số 1. - Tr. 22-28.


Đọc thêm cùng chuyên mục: