Chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các trung tâm thông tin khoa học và tư liệu giáo khoa trong các trường công an, nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển

Print

1. Sự cần thiết của chia sẻ nguồn lực thông tin

Các thư viện ngày nay đang phải đối mặt với hàng loạt những thách thức phức tạp xuất phát từ nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội tri thức trong thế kỷ 21: Sự bùng nổ thông tin; cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông; sự bùng nổ các tài nguyên thông tin trên web; ngân sách của thư viện ngày càng eo hẹp; giá của tài liệu in ấn ngày càng cao; nguồn thông tin số được sử dụng mức độ cao; nhu cầu người dùng tin ngày càng cao;... Những thách thức này còn được gọi là sự thay đổi quan điểm, tái thiết kế, chuyển đổi dạng thức của môi trường thông tin, của chức năng thư viện và của nghề thư viện. Thư viện ngày nay không chỉ là nơi lưu trữ thông tin mà còn là cổng thông tin, tăng cường tới việc truy cập thông tin của người dùng tin.

Chính bởi những thách thức đó mà chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện là nhu cầu cấp thiết hiện nay đối với hoạt động ngành thư viện. Khái niệm chia sẻ nguồn lực xuất hiện phổ biến ở các công trình nghiên cứu cũng như các tài liệu về thông tin thư viện và có nhiều định nghĩa khác nhau nhưng về cơ bản đều khẳng định: “Chia sẻ nguồn lực thông tin thư viện nhằm mục đích là tạo ra một mạng tác động tích cực vào người sử dụng thư viện về mặt tiếp cận được nhiều tài liệu hay dịch vụ, và nguồn kinh phí về mức độ cung cấp dịch vụ với chi phí thấp hơn, tăng dịch vụ ở một mức kinh phí hay có nhiều dịch vụ hơn với mức kinh phí thấp hơn nếu chúng hoạt động riêng lẻ” [5]. Đây là khái niệm chứa đựng nội hàm và ngoại biên đầy đủ về những gì hoạt động chia sẻ mang lại.

Về vấn đề này, các nước trên thế giới đã nghiên cứu và đưa vào áp dụng trong thực tế như tác giả Manjunatha K and D.Sharalungaia đã nghiên cứu về chia sẻ nguồn tài liệu số giữa các trường đại học, đưa ra những mặt thuận lợi và giá trị của chia sẻ nguồn tài nguyên này đối với cán bộ thư viện và sinh viên, những người hưởng thụ lợi ích từ hoạt động này [12]. Nhà nghiên cứu Daniel Gelaw đã nói về lịch sử chia sẻ nguồn lực thông tin của Ethiopia có từ những năm 60, đồng thời đưa ra những vấn đề phát triển trong hoạt động chia sẻ, khẳng định chia sẻ nguồn lực thông tin là một hoạt động cần thiết đối với tất cả các thư viện [11].

Ở nước ta, nhu cầu chia sẻ nguồn lực thông tin đã trở thành nhu cầu cấp thiết của ngành thư viện. Nhiều đề tài đã nghiên cứu về vấn đề này như: “Chia sẻ thông tin giữa các thư viện trực thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam”, Lê Minh Phương, 2010; “Hoạt động chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các trường đại học khối kỹ thuật trên địa bàn Hà Nội”, Hoàng Ngọc Chi, 2011; “Hoạt động chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện thuộc hệ thống thư viện Quân đội nhân dân Việt Nam”, Nguyễn Thúy Cúc, 2005. Các công trình nghiên cứu này đã nêu lên thực trạng của hoạt động thư viện, sự cần thiết phải chia sẻ trong giai đoạn hiện nay, cũng như nêu lên những lợi ích có được. Trước nhu cầu chung đó nhiều cuộc hội thảo về vấn đề này cũng được tổ chức, PGS.TS. Trần Thị Quý trong báo cáo tại hội thảo chia sẻ nguồn lực thông tin do Đại học Quốc gia tổ chức năm 2001 đã khẳng định “chia sẻ nguồn lực thông tin – yếu tố đảm bảo cho các thư viện đại học phát triển bền vững”. Đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng và phát triển Liên hợp thư viện Việt Nam để chia sẻ nguồn tin Khoa học và Công  nghệ” của nhóm nghiên cứu Vũ Anh Tuấn, Đặng Xuân Chế, Đào Mạnh Thắng, Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (nay là Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia) năm 2006, đã đi sâu nghiên cứu kinh nghiệm phối hợp bổ sung tài liệu điện tử của các thư viện lớn trên thế giới, các điều kiện xây dựng Liên hợp thư viện tại Việt Nam.

2. Cơ sở chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các trung tâm thông tin khoa học và tài liệu giáo khoa trong lực lượng Công an nhân dân

Trong tình hình các thư viện trên thế giới và trong nước đang có những hoạt động chia sẻ sôi nổi trên thì Bộ Công an đã ra Chỉ thị số 15/2007/CT-BCA(V21) về việc đẩy mạnh phát triển công tác thông tin khoa học và công nghệ trong lực lượng Công an nhân dân, nêu rõ “Công tác thông tin về khoa học công nghệ phát triển còn chậm, chưa kịp thời đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong thời kỳ mới, nhất là yêu cầu phát triển lý luận khoa học nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân”. Vì vậy, yêu cầu các Trung tâm Thông tin khoa học và Tư liệu giáo khoa (TTKH & TLGK) mở rộng hợp tác công tác thông tin về khoa học và công nghệ. Đây là sự chỉ đạo mang tính kịp thời cho các trung tâm TTKH & TLGK có những định hướng mở rộng hợp tác, chia sẻ và là một nhiệm vụ đặt ra cho mỗi Trung tâm trong lực lượng Công an. Gần đây, các Trung tâm TTKH & TLGK trong các trường Công an nhân dân đã tham gia vào Liên hiệp thư viện các trường đại học như: Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân,… cho thấy các thư viện đã chú trọng tới sự hợp tác, chia sẻ. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn đơn lẻ và rời rạc, vẫn chưa có sự chia sẻ chặt chẽ giữa các Trung tâm TTKH & TLGK trong lực lượng Công an nhân dân. Một số cán bộ hoạt động trong khu vực này đã có những công trình nghiên cứu đề cập và đưa ra đề xuất tăng cường hoạt động này như công trình nghiên cứu của ThS. Hoàng Thị Dung, năm 2010 về “Tăng cường hoạt động thông tin – thư viện tại trung tâm Thông tin khoa học và Tư liệu giáo khoa ở Học viện An ninh nhân dân”. Điều đó phản ánh một nhu cầu tất yếu trong tiến trình phát triển của thư viện cần phải chia sẻ nguồn lực thông tin để phát triển.

Thực tế trên cho thấy hoạt động chia sẻ nguồn lực thông tin là một nhu cầu cấp thiết hiện nay đối với các Trung tâm TTKH & TLGK, đây là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các thư viện trong ngành Công an, xuất phát từ thực tế đó tác giả đã đưa ra một số giải pháp và biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các Trung tâm TTKK & TLGK trong lực lượng Công an nhân dân.

Thứ nhất, “các trường Công an nhân dân đều chịu sự quản lý thống nhất (về mặt chuyên môn) của Trung tâm Thông tin khoa học Công an thuộc Viện chiến lược và Khoa học Công an - là cơ quan thông tin về khoa học và công nghệ đầu ngành, nên đảm bảo được sự thống nhất về mặt chuyên môn, nghiệp vụ” [1]. Đây là cơ sở có tính chất nền tảng để có thể thiết lập một hệ thống thống nhất.

Thứ hai, các trường Công an nhân dân thường chỉ tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nên sẽ dễ dàng hơn trong việc phối hợp cũng như giải quyết các vấn đề bất thường nảy sinh.

Thứ ba, một số tài liệu có giá trị khoa học cao thường tập trung ở một số trường đầu ngành hoặc một số trường khoa học cơ bản, việc phối hợp sử dụng nguồn tin này sẽ đem lại ích lợi rất lớn cho sinh viên cũng như cán bộ của các trường khác trong cùng hệ thống.

Thứ tư, cơ sở vật chất có thể coi như là một trong những điều kiện “cần” trong chiến lược chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các cơ quan thông tin - thư viện đại học: thiết bị, kho tầng, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, không gian phục vụ… có sự tương đồng về mặt bằng cơ sở do được quan tâm và đầu tư của các cấp lãnh đạo trong  mỗi đơn vị (ví dụ, Học viện Cảnh sát nhân dân đang được đầu tư xây dựng thư viện 12 tầng và trang bị các thiết bị thư viện hiện đại, Trung tâm thông tin khoa học và Công nghệ Bộ Công an có hạ tầng cơ sở hiện đại 7 tầng,…).

Về nguồn nhân lực, trước đây có một thực tế là cán bộ thư viện ở hầu hết các trường Công an nhân dân đều được chuyển từ nhiều bộ phận khác nhau tới làm việc, do vậy chuyên môn nghiệp vụ rất hạn chế, để giải quyết vấn đề này cần được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, trong vấn đề tuyển dụng cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ thông tin - thư viện, được đào tạo chính quy tại các trường đại học chuyên ngành thư viện, để đảm bảo nguồn nhân lực vận hành cho quá trình chia sẻ cũng như quá trình phát triển lâu dài. Ví dụ, nguồn nhân lực tại Học viện Cảnh sát nhân dân có 40 cán bộ thư viện trong đó chiếm 2,5% là tiến sỹ, 12,5% là thạc sỹ, 70% là cử nhân, 15% cao đẳng. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo chính quy về trình độ chuyên môn nghiệp vụ thư viện…

Những cơ sở nền tảng trên cho thấy hoạt  động chia sẻ nguồn lực thông tin là một hoạt động phù hợp trong thực tế hiện nay giữa các Trung tâm TTKH & TLGK trong lực lượng Công an nhân dân.

3. Giải pháp định hướng chia sẻ nguồn lực thông tin tại các Trung tâm TTKH & TlGK trong lực lượng Công an nhân dân

Trước tiên, cần phải xác định cơ quan chịu trách nhiệm chủ quản trong hoạt động này. Dựa vào quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an đối với Trung tâm Thông tin khoa học Công an thuộc Viện chiến lược và Khoa học Công an thì đây chính là cơ quan chủ quản trong hoạt động chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các Trung tâm trong lực lượng Công an nhân dân. Cơ quan chủ quản, cần thành lập một Ban chuyên trách đảm nhiệm nhiệm vụ hỗ trợ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ cho các thành viên, đồng thời cũng là để đảm bảo tính thống nhất về chuyên môn nghiệp vụ cho toàn bộ hệ thống. Ban chuyên trách có trách nhiệm xây dựng và phát triển các dịch vụ nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực của hệ thống. Ban chuyên trách phải xây dựng được mạng lưới cộng tác viên tại mỗi cơ sở sẽ tiến hành chia sẻ, mạng lưới cộng tác viên sẽ là những cán bộ hoạt động tại chính cơ sở đó. Có như vậy khi tiến hành các hoạt động chia sẻ sẽ thuận tiện hơn trong phân chia quyền lợi, công việc và ràng buộc về trách nhiệm. Ban chuyên trách có trách nhiệm đề xuất kinh phí hoạt động với Bộ Công an, cũng như ban hành các văn bản mang tính pháp lý, những quy định về kinh phí, thiết lập chính sách lệ phí trong hoạt động chia sẻ, đồng thời đề xuất các hoạt động chia sẻ lên cơ quan cấp trên để có được sự ủng hộ cho hoạt động này.

Để hoạt động chia sẻ được thuận lợi nên sử dụng hình thức chia sẻ phổ biến hiện đang được các cơ quan thư viện trên thế giới và trong nước áp dụng bước đầu đạt kết quả tốt như phối hợp nguồn dữ liệu thư mục. Việc phối hợp này sẽ là giữa các Trung tâm TTKH & TLGK trong lực lượng Công an nhân dân. Mỗi Trung tâm đều có một số lượng biểu ghi nhất định, sự hợp nhất giữa chúng sẽ tạo nên một ngân hàng dữ liệu phong phú và đa dạng, do đó người dùng tin sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn tài liệu. Công nghệ thông tin ngày nay hoàn toàn có khả năng tạo ra được sự trao đổi thường xuyên giữa các Trung tâm. Như vậy, cùng nhau xây dựng một ngân hàng dữ liệu chung (ngoài việc trao đổi dữ liệu thường xuyên giữa các cơ quan) sẽ tạo ra một diện truy cập rộng lớn không chỉ dành riêng cho sinh viên và cán bộ giảng dạy trong một đơn vị trường học nhất định mà còn cho cả hệ thống các trường Công an nhân dân. Mặt khác, các biểu ghi được trao đổi sẽ tránh việc mô tả bị trùng lặp, dẫn tới giảm thiểu việc biên mục mô tả trùng nhau của các Trung tâm trong ngành. Đây cũng là một trong những lợi ích thiết thực khi thực hiện trao đổi.

Bên cạnh việc chia sẻ nguồn dữ liệu thư mục, các Trung tâm cũng có thể chia sẻ các nguồn tài nguyên vật lý như: kho sách, các cơ sở dữ liệu toàn văn trên CD-ROM, các phương tiện phục vụ phổ biến thông tin, (phòng đọc, hệ thống tra cứu…) nhằm sử dụng một cách tối đa và phát huy hết hiệu quả của các nguồn tài liệu quý. Đây là một hình thức chia sẻ hoàn toàn mới tại Việt Nam nói chung và các thư viện trong Công an nhân dân nói riêng. Tuy nhiên, đó lại là vấn đề không còn mới trong hệ thống thông tin - thư viện các trường đại học ở một số nước phát triển. Đây là điều mà chúng ta cần nghiên cứu một cách nghiêm túc, bởi lẽ chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện điều này.

Tiếp theo, các Trung tâm có thể chia sẻ cơ sở dữ liệu số hóa toàn văn các tài liệu xám (luận án, luận văn, đề tài nghiên cứu khoa học, giáo trình…) mà các Trung tâm lưu trữ, để tránh sự trùng lặp các đề tài nghiên cứu trong lực lượng Công an nhân dân, đảm bảo các công trình nghiên cứu có chất lượng cao.

Hiện nay, “trong toàn ngành Công an đã xây dựng mạng nội bộ trong toàn lực lượng” [2], đây có thể xem là một yếu tố thuận lợi cho sự liên kết đạt hiệu quả, bởi một trong những hình thức kết hợp không thể thiếu được khi tham gia chia sẻ nguồn lực thông tin - thư viện là việc xây dựng một trang web chung cho toàn hệ thống ngành. Tận dụng lợi thế này để xây dựng cổng (gateway) trao đổi thông tin giữa các Trung tâm TTKH & TLGK trong lực lượng Công an. Trang web này đảm bảo các hoạt động: Trở thành điểm truy cập thông tin khoa học có uy tín và chất lượng; Trở thành cổng giao tiếp với các hệ thống khác (OPAC, OCLC…); Diễn đàn trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ thông tin - thư viện giữa các Trung tâm trong hệ thống; Diễn đàn trao đổi chuyên môn của người dùng tin (các cuộc hội thảo từ xa, thư điện tử…); Dịch vụ tư vấn người dùng tin và các dịch vụ phổ biến tin khác.

Ngoài những hình thức chia sẻ trên, các Trung tâm TTKH & TLGK nên chú trọng chia sẻ theo từng loại hình tài liệu: đưa ra quy trình chia sẻ về tài liệu in, tài liệu số; tài liệu là giáo trình hay sách tham khảo, chia sẻ theo chủ đề của tài liệu... Việc chia sẻ này cũng cần phải được bàn bạc một cách thấu đáo, bởi tuy tài liệu do cán bộ của từng đơn vị biên soạn để phục vụ giảng dạy của nhà trường, nhưng khi đưa ra chia sẻ chúng ta cần phải tính đến vấn đề bản quyền của những tài liệu đó.

Từ việc chia sẻ những nguồn lực thông tin vốn có của mỗi đơn vị, cũng cần phải tính đến việc bổ sung các nguồn tài liệu bên ngoài cho hệ thống. Trong lực lượng Công an nguồn tài liệu mang tính đặc thù nên không lưu hành trên thị trường, rất khan hiếm. Tài liệu về lĩnh vực này ở các nước khác như Anh, Pháp, Mỹ, Nga rất nhiều, song để khai thác cần có kinh phí lớn. Khi chia sẻ nguồn lực giữa các Trung tâm sẽ tiết kiệm được kinh phí bổ sung thường niên hàng năm, các kinh phí dư thừa này các thành viên nên cùng bàn bạc để thành lập nên các Consortium của liên hợp, tập trung bổ sung các tài liệu chuyên ngành bằng tiếng nước ngoài (sách, báo, tạp chí, tài liệu điện tử). Đây cũng là một trong những giải pháp hữu ích cho việc giải quyết tính khan hiếm về nguồn tài liệu ngoại văn trong các trường Công an nhân dân.

Khi chia sẻ nguồn lực thông tin đã diễn ra thuận lợi trong nội bộ các Trung tâm TTKH & TLGK trong lực lượng Công an nhân dân cần phải tính đến việc chia sẻ nguồn lực ra ngoài hệ thống. Khi tiến hành việc này, các thành viên trong hệ thống chia sẻ, phải phân định được những tài liệu nào không được chia sẻ (tài liệu mật, tài liệu nghiệp vụ ngành Công an…), các tài liệu được chia sẻ (như tài liệu các môn học đại cương, tài liệu kinh tế - xã hội – chính trị) đối với các thư viện ngoài ngành. Một bước xa hơn đó là hợp tác chia sẻ với các trường Công nhân dân trong khu vực và nước ngoài, đây là một định hướng cần được nghiên cứu cụ thể và kỹ lưỡng.

Mỗi hình thức liên kết trên đều có những mặt tích cực và hạn chế nhất định. Tuy nhiên, chúng ta có thể vận dụng mỗi hình thức này trong từng giai đoạn phù hợp, nhằm từng bước xây dựng một hệ thống thông tin - tư liệu, thống nhất trong lực lượng Công an.

Những vấn đề trên đây là những yếu tố cơ bản đảm bảo cho việc thiết lập cũng như vận hành của sự hợp tác và chia sẻ giữa các Trung tâm. Khó khăn và thách thức vẫn còn đang ở phía trước nhưng với những điều kiện đã có thì vấn đề chia sẻ giữa các Trung tâm TTKH & TLGK là một lĩnh vực hoạt động có thể thực hiện được. Tạo nên văn hóa hợp tác giữa các Trung tâm trong cùng lực lượng bao giờ cũng là chìa khoá của thành công. Việc phối hợp điều hành các dịch vụ thông tin sẽ tiết kiệm về mặt kinh phí nhằm hỗ trợ những nguồn tài nguyên bổ sung, hợp tác bổ sung tài liệu sẽ góp phần giảm bớt sự trùng lặp trong các kho tài liệu và xúc tiến quá trình tham gia sở hữu các nguồn lực điện tử; Chia sẻ cơ sở hạ tầng kỹ thuật sẽ tạo ra sự chuẩn hoá các hoạt động thông tin - thư viện, khuyến khích sự trao đổi người dùng tin, phối hợp chia sẻ các sản phẩm và dịch vụ điện tử mới cũng như hợp lý hóa trong công tác hỗ trợ kỹ thuật.

Như vậy, chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các Trung tâm TTKH & TLGK là sự phát triển tất yếu mà các đơn vị chủ quản của các Trung tâm cần phải nghĩ tới. Lợi ích của sự chia sẻ này là vô cùng lớn và cần thiết, tạo ra sự gắn kết giữa các đơn vị để cùng phát triển trong thời đại thông tin, tạo ra một lực lượng hùng hậu đáng kể để có thể tham gia vào các mối quan hệ trong và ngoài nước. Làm được điều đó, vị thế của cả một hệ thống thông tin - thư viện của lực lượng Công an nhân dân chắc chắn sẽ lớn mạnh hơn rất nhiều. Đây cũng chính là lý do các cơ quan thông tin - thư viện đại học ở một số nước cũng thường xây dựng cho riêng họ một hiệp hội để nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các mối quan hệ quốc tế. Rõ ràng, để phát triển chính mình, các Trung tâm TTKH & TLGK cần phải liên kết và hợp tác trên tất cả các lĩnh vực hoạt động đặc biệt là chia sẻ nguồn lực thông tin.

Tài liệu tham khảo

1. Chỉ thị số 15/2007/CT-BCA(V21) ngày 7/9/2007 về việc đẩy mạnh phát triển công tác thông tin về khoa học và công nghệ trong lực lượng Công an nhân dân.

2. Hoàng Ngọc Chi. Hoạt động chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các trường đại học khối kỹ thuật trên địa bàn Hà Nội: luận văn thạc sỹ, chuyên ngành thông tin – thư viện. - H.: Đại học Văn hóa Hà Nội, 2011.

3. Hoàng Thị Dung. Tăng cường hoạt động thông tin – thư viện tại Trung tâm Thông tin – Khoa học và Tư liệu giáo khoa ở Học viện An ninh nhân dân. - 2010.

4. Lê Minh Phương. Chia sẻ thông tin giữa các thư viện trực thuộc Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam: luận văn thạc sỹ, chuyên ngành thông tin – thư viện. - H.: Đại học Văn hóa Hà Nội, 2010.

5. Nguyễn Huy Chương. Chia sẻ nguồn lực thông tin – kinh nghiệm thư viện Mỹ và giải pháp cho Thư viện Việt Nam // Kỷ yếu hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển nguồn học liệu phục vụ đào tạo và nghiên cứu”. - 2007. - Tr. 45-53.

6. Nguyễn Thúy Cúc. Hoạt động chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện thuộc hệ thống thư viện Quân đội nhân dân Việt Nam: luận văn thạc sỹ, chuyên ngành Thư viện. - H.: Đại học Văn hóa Hà Nội, 2005.

7. Phạm Thế Khang, Lê Văn Viết. Tăng cường phối hợp hoạt động giữa các cơ quan Thông tin – Thư viện // Tạp chí Thư viện. - 2006. - Số 3.

8. Thông tư số 01/2013/TT-BCA, ngày 05/01/2013 Quy định về xây dựng, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung trong Công an nhân dân.

9. Trần Thị Quý. Chia sẻ nguồn lực thông tin – yếu tố đảm bảo cho các thư viện đại học phát triển bền vững // Báo cáo khoa học tại hội thảo chia sẻ nguồn lực thông tin do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 2001 - H.: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.

10. Vũ Anh Tuấn, Đặng Xuân Chế, Đào Mạnh Thắng. Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng và phát triển Liên hợp thư viện Việt Nam để chia sẻ nguồn tin Khoa học và công nghệ : Đề tài nghiên cứu cấp bộ. - H.: Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia. - 2006. - 139tr.

11. Daniel Gelaw. The role of information technology for resource sharing among academic libraries in Ethiopia, Workshop On Information Resource Sharing And Networking Among Academic Institutions In Ethiopia. - Ethiopia: Addis Ababa, 1998. - September 3 - September 6.

12. Manjunatha K and D.Sharalungaia. Electronic resource sharing in academic labraries // Annals of library and information studies. - 2003. - 50. - p.127-30.

13. Wu Xiao. The road to the digital resources sharing: cases of the Cultural Information Resources Sharing Project of China, 79 innovation in resource sharing new method, new technology, document delivery and res ource sharing.

___________

ThS. Đỗ Thu Thơm

Trung tâm TTKH & TLGK - Học viện Cảnh sát Nhân dân

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 4. - Tr. 13-18.


Đọc thêm cùng chuyên mục: