Khoa TT-TV, Trường ĐHKHXH-NV, Đại học QGHN – 38 năm truyền thống đào tạo và 15 năm thành lập

E-mail Print

 

1. Lịch sử ra đời và phát triển của Khoa Thông tin-Thư viện

Khoa Thông tin-Thư viện là một trong những Khoa còn non trẻ so với các khoa khác trong Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHKHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Ngày 26/08/2004, Khoa Thông tin - Thư viện (TT-TV) mới được Giám đốc ĐHQGHN ký Quyết định chính thức thành lập. Nhưng trên thực tế Khoa đã được kế thừa những thành quả, những kinh nghiệm quý báu của đơn vị tiền thân là Bộ môn Thư viện - Thư mục học trực thuộc Khoa Lịch sử - Khoa có bề dày về truyền thống trong nghiên cứu khoa học và đào tạo hàng đầu cả nước của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây (nay là trường ĐHKHXH&NV).

khoa-tttv-1Quá trình hình thành và phát triển của Khoa có thể chia thành 02 giai đoạn chính như sau:

1.1. Giai đoạn từ năm 1973 – 1995

Vào năm 1973, mặc dù cả nước đang trong công cuộc chống Mỹ cứu nước còn rất nhiều khó khăn về mọi mặt, nhưng với nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của ngành Thư viện đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục & Đào tạo) đã cho phép thành lập Bộ môn Thư viện – Thư mục học tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và tổ chức đào tạo cử nhân ngành Thư viện - Thư mục học. Chủ nhiệm Khoa trong thời kỳ này là Thầy, giáo sư Phan Hữu Dật và sau đó là Thầy, GS. Lê Mậu Hãn. Đội ngũ cán bộ giảng dạy là các nhà khoa học, nhà giáo đáng kính, giàu kinh nghiệm, giàu lòng yêu nghề, yêu trò... như các thầy, cô: Cao Thị Bạch Mai, Phan Văn, Dương Thị Bích Hồng, Phạm Văn Rính, Nguyễn Văn Thịnh, Phan Thị Đém, Nguyễn Tiến Hiển, Nguyễn Xuân Mạnh, Lê Thị Chính,.... Hầu hết các thầy, cô được đào tạo ở các trường có uy tín trong và ngoài nước. Nhiều giáo trình, sách tham khảo của ngành do các thầy, cô biên soạn đã được xuất bản trong thời gian này. Chủ nhiệm Bộ môn đầu tiên là Cô giáo, tiến sĩ Cao Thị Bạch Mai. Cô đã không còn nữa, nhưng những bài giảng và giáo trình “Thư mục học đại cương” cô viết vẫn còn để lại cho lớp lớp hế hệ học trò của cô tiếp tục phát triển, đứng trên bục giảng ở Khoa cho đến hôm nay. Chỉ tiêu đào tạo thời kỳ này là 50 sinh viên/khóa. Trụ sở của Khoa tại Mễ Trì, Thanh Xuân, Hà Nội.

Từ năm 1973 - 1982, Bộ môn đã đào tạo được 05 khoá cử nhân với tổng số 251 sinh viên (từ K18 đến K22). Đến năm 1982, công tác đào tạo chuyển sang Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, vì vậy một số cán bộ giảng dạy của Bộ môn chuyển đi như thầy Phạm Văn Rính, cô Dương Bích Hồng, Thầy Nguyễn Tiến Hiển, cô  Phan Thị Đém, cô Lê Thị Chính. Một số cán bộ của Bộ môn còn lại sáp nhập vào Trung tâm Thông tin Tư liệu Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tại đây, công tác đào tạo được chuyển sang hình thức đào tạo các lớp ngắn hạn, đào tạo hệ tại chức văn bằng hai.

Từ năm 1984-1995, việc đào tạo văn bằng hai tại Trung tâm Thông tin Tư liệu Đại học Tổng hợp Hà Nội đã tiến hành được 03 khoá với tổng số 120 sinh viên. Tuy chỉ đào tạo hệ tại chức văn bằng hai, nhưng Bộ môn vẫn là cơ sở đào tạo duy nhất được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) giao nhiệm vụ bồi dưỡng và kiểm tra kiến thức chuyên ngành để tuyển chọn thực tập sinh, nghiên cứu sinh gửi đi học ở nước ngoài. Số thực tập sinh, nghiên cứu sinh được tuyển chọn trong giai đoạn này là 50 nghiên cứu sinh và hủ yếu được gửi đi đào tạo tại Liên Xô trước đây (nước Nga ngày nay) với 03 chuyên ngành cơ bản: Thông tin học, Thư viện học và Phương tiện kỹ thuật cơ giới hóa và tự động hóa công tác thông tin thư viện.

Hầu hết số sinh viên được tốt nghiệp từ cái nôi Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đến nay đều đã trưởng thành trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý. Nhiều người trong số đó đã có học hàm, học vị cao và nhiều công trình có giá trị khoa học. Hiện nay, họ là những cán bộ chủ chốt, các chuyên gia tâm huyết với nghề và đang làm việc tại các cơ quan, các cơ sở đào tạo ngành TT-TV lớn trên cả nước như: Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Quốc hội; Cục Thông tin KH & CN Quốc gia; Thư viện Quốc gia Việt Nam; Khoa TT-TV Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN; Khoa Sau đại học ĐH Văn hoá Hà Nội; Thư viện Trường ĐHKHXH&NV, TPHCM; Khoa Thư viện - Thông tin Trường ĐHKHXH&NV, TPHCM; Trung tâm TT-TV ĐHQGHN; Thư viện Đại học Luật Hà Nội; Trung tâm TT – TV Đại học Hằng hải Việt Nam...

1.2. Giai đoạn từ năm 1996 đến nay

Ngày 10/12/1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 97/CP thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội, trên cơ sở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Một trong số các trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội lúc này là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sau hơn 2 năm thành lập, nhận thức được tầm quan trọng của thông tin trong nền kinh tế tri thức, ngày 26/08/1996, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH & NV đã ra Quyết định thành lập Bộ môn Thông tin – Thư viện trực thuộc Trường.

Sau hơn 8 năm đào tạo, nghiên cứu và chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện cần thiết, ngày 26/08/2004 - một ngày  lịch sử đáng nhớ, Giám đốc ĐHQGHN ra Quyết định chính thức thành lập Khoa Thông tin – Thư viện trực  thuộc Trường ĐHKHXH & NV trên cơ sở Bộ môn Thông tin – Thư viện. Sự kiện này đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Bộ môn về mọi mặt.

15 năm (1996 - 2011) - quãng thời gian chưa phải là dài, nhưng Khoa đã có bề dày truyền thống 38 năm trong nghiên cứu và đào tạo là tiền đề hết sức quan trọng để Khoa tiếp bước phát triển. Mặc dù vậy, những ngày đầu thành lập, Khoa gặp không ít khó khăn về đội ngũ giảng dạy, về cơ sở vật chất, về chương trình đào tạo... Nhưng thầy và trò của Khoa đã khắc phục và vượt qua mọi khó khăn, đến nay đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực công tác.

- Về Công tác phát triển đội ngũ

Ngày đầu mới tái lập, đội ngũ cán bộ giảng dạy chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, chỉ có 4 cán bộ cơ hữu. Trong đó chỉ có 01 Phó giáo sư, tiến sĩ và 03 cử nhân. Sau 15 năm, Khoa đã có đội ngũ gồm 20 cán bộ cơ hữu (15 cán bộ giảng dạy, 5 chuyên viên). Trong đó 90% cán bộ viên chức và 100% cán bộ giảng dạy có trình độ sau đại học: 02 PGS.TS, 06 thạc sĩ, nghiên cứu sinh ở nước ngoài và trong nước, 09 thạc sĩ, 02 cán bộ là học viên cao học và 01 cử nhân. Ngoài ra, Khoa còn có 04 cán bộ kiêm nhiệm (trong đó có 02 PGS.TS, 02 TS) và 15 cán bộ thỉnh giảng (gồm 4 TS. và 11 ThS.) là các nhà khoa học đầu ngành có nhiều kinh nghiệm đã và đang là cán bộ quản lý, làm việc tại các trường đại học và cơ quan TT-TV lớn của đất nước. Họ là những người thầy, cô giáo có uy tín trong ngành, tâm huyết với nghề. Tích cực tham gia các Hiệp hội nghề nghiệp trong và ngoài nước như: Hội Thư viện Việt Nam, Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chi hội Thư viện Đại học Khu vực phí Bắc; Liên hiệp Quốc tế các tổ chức và Hiệp hội Thư viện - IFLA…

- Về Công tác đào tạo đại học và sau đại học

Khoa đã đa dạng hóa các loại hình đào tạo, trình độ đào tạo như: Trình độ cử nhân ( có cả chính quy và hệ vừa làm vừa học); Các lớp ngắn hạn; Trình độ thạc sĩ và đào tạo Tin học cơ sở cho tất cả sinh viên các hệ trong toàn Trường ĐHKHXH & NV.

+ Số sinh viên, học viên ngày một tăng về số lượng và nâng cao chất lượng

Về số lượng, Khoa đã đào tạo được 862 cử nhân chính quy, 692 cử nhân vừa làm vừa học; 30 học viên cao học. Hiện đang đào tạo: 365 SV chính quy; 507 sinh viên vừa làm vừa học; 120 học viên cao học. Về chất lượng, đa số sinh viên sau khi ra trường đều làm đúng ngành nghề và được các nhà tuyển dụng đánh giá cao và nhiều em đang giữ các vị trí chủ chốt tại các cơ quan thông tin, thư viện, các giảng đường đại học trên cả nước. Mặc dù còn trẻ nhưng nhiều cựu sinh viên của Khoa cũng đã có sách chuyên khảo, bài giảng, giáo trình và nhiều công trình khoa học các cấp được nghiệm thu với chất lượng tốt, nhiều bài báo khoa học được công bố ở các Hội thảo khoa học và các Tạp chí chuyên ngành ở trong và ngoài nước.

+ Số lượng Khung chương trình, bài giảng, giáo trình được biên soạn ngày một tăng và luôn cập nhật kiến thức mới theo hướng hiện đại

Khoa đã chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ từ 5 năm trước đây. Các khung chương trình bậc đại học và cao học đã được cấu trúc và biên soạn lại và cập nhật thường xuyên. Giáo trình và bài giảng cũng đã được biên soạn theo phương thức đào tạo theo tín chỉ. Đã nghiệm thu 52 đề cương bài giảng tín chỉ bậc cử nhân và 33 đề cương bài giảng sau đại học. Tất cả các bài giảng được biên soạn có ứng dụng phương tiện giảng dạy hiện đại. Đã xuất bản 14 giáo trình chuyên ngành bậc cử nhân. 02 bài giảng sau đại học. Ngoài ra, Khoa còn tham gia tư vấn nhiều chương trình đào tạo, hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ cho các đơn vị mới tiến hành đào tạo ngành TT-TV khác.

- Về Công tác nghiên cứu khoa học

Phong trào nghiên cứu khoa học của cán bộ & sinh viên đã trở thành truyền thống của Khoa. Xác định giảng dạy và nghiên cứu là hai công việc luôn gắn bó mật thiết, đặc biệt trong việc hướng tới xây dựng mô hình đại học nghiên cứu của Nhà trường, Khoa luôn chú trọng quan tâm tới việc tổ chức các hội nghị khoa học. Tập thể và nhiều thầy giáo, cô giáo, sinh viên đã được nhận giấy khen, bằng khen của các cấp lãnh đạo về thành tích nghiên cứu khoa học. Về công tác nghiên cứu khoa học của cán bộ: 15 hội thảo khoa học trong nước và quốc tế do Khoa chủ trì đã thu hút đông đảo các nhà khoa học uy tín trong nước và thế giới tham dự. Số đề tài chủ trì, đã nghiệm thu với chất lượng cao: 02 đề tài cấp Bộ, 10 đề tài cấp ĐHQGHN, 19 đề tài cấp trường. Tham gia 01 đề tài cấp Nhà nước; 10 sách chuyên khảo; 64 bài báo đã công bố trên các báo, tạp chí, kỷ yếu hội thảo trong và ngoài nước. Về nghiên cứu khoa học của sinh viên: nhiều năm liền tập thể đều đạt giải nhất, nhì, ba toàn trường. Số sinh viên đạt giải các cấp khá nhiều: Cấp trường :10 SV giải nhất,10 SV giải nhì, 20 SV giải ba; Cấp bộ: 03 giải nhì, 01 giải khuyến khích; Cấp ĐHQGHN: 01 đề tài đạt giải nhì.

- Về Công tác hợp tác quốc tế

Khoa luôn thực hiện mục tiêu: duy trì, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, trao đổi tài liệu, phát triển các hình thức phối hợp đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, tăng cường tính chủ động trong hợp tác. Cho đến nay, Khoa đã có quan hệ hợp tác và trao đổi với 12 trường đại học, viện nghiên cứu. Kết quả là: 03 cán bộ của Khoa đã và đang được đào tạo tiến sĩ tại Nga; 03 cán bộ được đào tạo các lớp ngắn hạn tại Thái lan; 01 cán bộ được đào tạo thạc sĩ ở Trường Đại học Montreal (Canada) và 01 thạc sĩ tại Trường Đại học Nam Úc (Australia) và 02 thạc sĩ tại Trường Đại học Công nghệ Queensland (Australia). Hiện nay, 04 cán bộ đang làm nghiên cứu sinh tại Úc, Nga và New Zealand, nhiều lượt cán bộ được tập huấn, dự Hội thảo khoa học quốc tế trong và ngoài nước: Thái Lan, Malaysia, New Zealand; Pháp, Canada… Ngoài ra còn nhiều hợp tác trong nghiên cứu và biên soạn các khung chương trình và bài giảng theo phương thức tín chỉ, cũng như tổ chức các Hội thảo Quốc tế.

- Về Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của cán bộ và học tập của sinh viên

Những ngày đầu thành lập, Khoa chỉ có 01 máy tính, 01 phòng làm việc 15 mét vuông. Đến nay, cơ sở vật chất đã được đổi mới theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Khoa có giảng đường với gần 200 máy tính, giảng đường có đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Tất cả các phòng làm việc của cán bộ đều được trang bị máy điều hòa, máy in, máy photocopy máy tính có kết nối Internet, mạng wifi. Phòng Hội thảo đủ các trang thiết bị như: Bàn ghế, máy điều hòa, màn hình ti vi, máy tính xách tay, máy chiếu projector, đầu đọc DVD. Phòng tư liệu chuyên ngành có máy chủ và hệ thống máy tính tra cứu dữ liệu cung cấp tài liệu rất tốt cho cán bộ và sinh viên học tập, nghiên cứu.

- Về công tác phát triển Đảng trong cán bộ và sinh viên

Khoa chú trọng công tác phát triển Đảng trong cán bộ và sinh viên. Sau 15 năm, Chi bộ đã kết nạp 07 cán bộ viên chức ưu tú,14 sinh viên được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Về công tác văn nghệ, thể thao của cán bộ và sinh viên

Hoạt động văn thể của cán bộ và sinh viên của Khoa đã trở thành truyền thống. Mặc dù đơn vị ít người, thời gian dành cho giảng dạy và nghiên cứu chiếm khá nhiều, nhưng tập thể cán bộ viên chức của Khoa vẫn luôn đam mê văn nghệ, thể thao. Chính vì vậy, nhiều năm Tập thể Khoa đều đạt nhiều giải nhất, nhì trong các đợt thi Tiếng hát công đoàn; Tiếng hát cán bộ và sinh viên do Nhà  trường tổ chức. Bóng đá sinh viên đạt cúp vàng, giải nhất bóng đá toàn Trường.

1.3. Danh hiệu và  Khen thưởng của Khoa trong 15 năm gần đây (1996-2011)

+ Về danh hiệu: 15 năm Khoa lên tục là tập thể lao động tiến tiến và lao động xuất sắc.

+ Về Khen thưởng tập thể: Khoa đã được trao 01 Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 01 Kỷ niệm Chương của ĐHQGHN, 03 Bằng khen của Bộ Văn hóa-Thông tin, 05 Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN, 01 Bằng khen của Hội Thông tin Khoa học & Công nghệ Việt Nam và 43 Giấy khen của Đảng ủy các cấp, của Hiệu trưởng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Nhà trường và của Trung ương Đoàn, Thành đoàn Hà Nội cho tập thể Liên chi đoàn của Khoa.

- Về Khen thưởng cá nhân cán bộ viên chức: có 18 lượt cán bộ được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp, 23 cán bộ được khen thưởng của các cấp như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa-Thể Thao và Du lịch; Bộ Giáo dục & Đào tạo; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và nhiều giấy khen khác của Đảng ủy, Công đoàn các cấp, Hiệu trưởng Nhà  trường.

2. Định hướng phát triển của Khoa

Trong chặng đường sắp tới, để tiếp tục hoàn thành sứ mạng vẻ vang trong nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Khoa tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, nhanh chóng trở thành một cơ sở nghiên cứu & đào tạo ngành Thông tin học và Khoa học Thư viện ở bậc đại học và sau đại học đứng hàng đầu đất nước. Để đạt được mục tiêu đó, Khoa sẽ tập trung triển khai và làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1. Thứ nhất, sẽ xây dựng lộ trình phát triển của từ năm 2011 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với yêu cầu và định hướng của Nhà trường, của ĐHQGHN, của Bộ Giáo dục& Đào tạo và của xã hội.

2. Thứ hai, tập trung phát triển đội ngũ cả về lượng và chất, nhất là chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy để có khả năng đào tạo, nghiên cứu chất lượng cao từng bước hội nhập, tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

3. Thứ ba, đổi mới căn bản về chương trình, nội dung và tiếp tục thực hiện các giải pháp để nhanh chóng quốc tế hóa, hiện đại hóa chất lượng đào tạo trên cơ sở đào tạo theo phương thức tín chỉ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học. Hoàn thành việc xây dựng chương trình đào tạo Khoa học thư viện và Thông tin học, đặc biệt chương trình đào tạo tiến sĩ, để có thể triển khai tuyển sinh vào năm học tới.

4. Thứ tư, tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác ở trong nước và quốc tế. Chủ động, tích cực nghiên cứu khoa học nhằm thiết thực phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

5. Thứ năm, coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, sinh viên. Giữ vững truyền thống của lớp lớp thầy, cô đi trước và luôn xứng đáng là một trong những thành viên của Trường đại học có truyền thống gần 70 năm trong nghiên cứu khoa học và đào tạo các ngành KHXH&NV – Đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới, đã được đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh do Đảng và Nhà nước trao tặng./.

______________________

PGS.TS.Trần Thị Quý

Bí thư Chi bộ, Chủ nhiệm Khoa Thông tin-Thư viện

Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN


Đọc thêm cùng chuyên mục: