Sống với sách

E-mail Print
Mỗi cuốn sách đều chứa đựng một phần thông tin. Sách là bản văn hữu ích theo nhiều cách khác nhau. Không chỉ gần gũi, thân quen với con người, sách còn là phẩm vật thông dụng nhất trong những đồ vật ở nhà và cũng là tài sản quý giá nhất được lưu giữ trong ngôi nhà của chúng ta. Tuy nhiên, sống với sách phải là cả một nghệ thuật. Do vậy, điều cần nhất là làm sao phối hợp nhịp nhàng giữa sách với chức năng của ngôi nhà chúng ta.

Cuốn Sống với sách của tác giả Alan Powers do Trần Hoàng Dung biên dịch đã tìm tòi và khám phá những phương cách khác nhau để sách không những được lưu trữ một cách hợp lý mà còn đóng vai trò hoàn hảo trong việc tạo cá tính cho ngôi nhà hay căn hộ của chúng ta. Cuốn sách dày 144 trang, khổ 14,5x20,5cm do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành.

svois.jpg

"Sống với sách" gồm nhiều chuyên mục. Mỗi chuyên mục hướng dẫn cho bạn đọc cách phân chia các phòng và cách sắp xếp sách ở thư viện gia đình, văn phòng, tại nhà, phòng khách, phòng ngủ, phòng tắm, bếp...
Sự ra đời của sách có 2 thời điểm tách biệt nhau: thứ nhất, sách được làm hoàn toàn bằng tay do những người chuyên sao chép lại; thứ hai, cách 1.500 năm sau, sách được in ấn theo phát minh của Johann Gutenberg tại Đức. Sau đó, nhờ kỹ thuật in ấn phát triển nên việc in sách được dễ dàng và được phổ biến rộng rãi hơn. Sách không phải là nguồn thông tin vô hồn mà là tạo tác văn hóa có ý nghĩa muôn màu muôn vẻ được tích lũy theo thời gian.
Nhà học giả Walter Benjamin đã hiểu ý nghĩa tượng trưng của cuốn sách như thế nào và giá trị không tùy thuộc vào sự tiện dụng của nó. Đối với ông, việc mượn được một cuốn sách trong thư viện có tiếng không bằng có trong tay bản sách đó. Do vậy, ông có cái cảm giác vui sướng vì sục sạo tìm mua được cuốn sách vừa ý nhất và đặc biệt đó là việc "cứu" được cuốn sách, trả tự do lại cho cuốn sách. Theo ông, tất cả các cuốn sách được hoàn toàn tự do một khi đã nằm trên kệ sách.
Mỗi cuốn sách đều có giá trị nhân bản, đó là được đóng góp vào niềm vui của người được sở hữu nó. Sách xứng đáng có vai trò thích đáng và cho chúng ta thêm nhiều niềm vui, sự yêu thích khi mình được tự tay sắp xếp, lưu giữ chúng một cách có ý thức và thích hợp. Có rất nhiều cách thức kết hợp giữa nhà cửa và sách và ngược lại, tùy thuộc vào đặc tính của ngôi nhà, cá tính của người chủ và thể loại sách. Thư viện gia đình thường có chức năng phụ là phòng học, khởi đầu nó là nơi sinh hoạt thân hữu, rồi trở thành phòng đọc sách cũng là nơi các thành viên trong gia đình tụ họp sinh hoạt mỗi khi rảnh rỗi.
 Tùy theo điều kiện từng nhà, thư viện gia đình có thể đơn giản chỉ là tận dụng khoảng không dưới mái, tận dụng ánh sáng tự nhiên, cũng có thể là một phòng khách rộng lớn. Tác giả cuốn sách đã cho chúng ta thấy cái nhìn tổng thể về việc thiết kế một thư viện gia đình, từ cách bày trí kệ sách, bàn ghế đến bày trí sách theo phong cách hiện đại. Thiết kế phòng đọc sách đẹp hay không đẹp dựa trên các kệ sách hay tủ sách mà tùy thuộc vào chất lượng ánh sáng. Đọc sách không chỉ là một hoạt động của trí óc mà còn là một hoạt động của cả cơ thể nên ánh sáng tự nhiên sẽ làm cho phòng đọc sách có một không gian tuyệt hảo. Để mở rộng khoảng không, kệ sách còn được dùng làm vách ngăn giữa thư viện và các chỗ sinh hoạt khác. Đặc biệt, đồ đạc trong phòng không nên có màu tối.
svois1.jpg
Trong một căn nhà, thật khó có thể nói rõ sự khác biệt giữa một văn phòng làm việc với một phòng đọc sách. Theo tác giả, phòng đọc sách là nơi người ta thực hiện các hoạt động như đọc, viết, vẽ cho dù có được xem là nơi thư giãn hay làm việc chuyên môn hay không. Còn văn phòng là một nơi để làm việc. Sự khác biệt rất tinh tế dựa vào sự hiện diện của máy vi tính, máy điện thoại... Sự phân định rõ ràng giữa thư viện gia đình và văn phòng phần lớn là vì lợi ích của người sử dụng, nhằm kích thích, phát triển tâm trạng làm việc nghiêm túc, tránh những ảnh hưởng khác có thể làm mất tập trung tư tưởng. Với bất cứ văn phòng nào, sách bao giờ cũng đóng một vai trò quan trọng, một ngôn ngữ đầy phong thái được tập hợp từ sự đa dạng của nhiều yếu tố. Do vậy, sự hiện diện của những cuốn sách cũng hàm ý là có những kệ sách. Đối với văn phòng thì hệ thống kệ rời rất thuận lợi: nhanh chóng lắp đặt, sắp xếp lại các kệ...
Sách cũng minh hoạ những công cụ bình thường dùng để tiết kiệm khoảng trống nhằm dành chỗ cho sách ở những nơi linh tinh như cầu thang, hành lang, lối đi lại. Trong một căn nhà có người ham đọc sách đương nhiên không có nơi nào là không thể chứa sách được. Nhưng không có nghĩa là bất cứ phòng nào, hay lối đi nào cũng đều có thể làm thư viện. Sách xuất hiện theo nhiều lối khác nhau và góp phần vào bất cứ khoảng không nào nếu như được thiết kế một cách có ý thức. Một trong những cách sống với sách trong nhà, có tính sáng tạo và hữu ích nhất là phối hợp sách với các đồ vật khác.   Sách dùng như vật trang trí và là phương tiện tạo bầu không khí sáng tạo, nhưng quan trọng hơn, có lẽ là sách có khả năng ảnh hưởng đến cấu trúc của khoảng không chung quanh chúng. Do vậy, trưng bày sách ở nơi sinh hoạt là điều mà bất cứ nhà thiết kế nào cũng phải hết sức quan tâm. Nhà thiết kế giỏi sẽ sắp xếp để tạo ra cảm giác rộng thoáng và bao bọc cùng lúc bằng cách điều chỉnh kích thước và ánh sáng trong khoảng không, thu hẹp các cạnh hoặc hạ thấp khoảng không phía trên, hoặc cả hai. Nếu việc xếp sách làm biến đổi bề mặt bức tường, cần xem việc đó đang đóng vai trò gì, một lần nữa cho thấy rằng xử lý theo cách tổng quát là tốt nhất.
Sách trong phòng ăn là người bạn tốt. Nó tạo một hậu cảnh giảm âm, đó là điều quan trọng trong nội thất hiện đại. Sách cũng hữu ích trong việc giải quyết những quan điểm về một sự kiện hoặc tìm những đoạn trích dẫn giữa bữa ăn, hoặc để giải trí khi ăn không có bè bạn, người thân.
Một nhà bếp thiết thực thì cũng cần có một kệ sách, trong đó đa số là loại sách dạy nấu ăn, những tài liệu, công thức nấu ăn cắt từ báo chí. Kệ sách có thể đặt ở trên hay dưới mặt chỗ nấu nướng miễn là thoải mái và dễ sử dụng. Người tỉ mỉ thì có thể bố trí cả một chỗ đọc. Đây là cách sắp xếp thân mật, không theo quy ước, cho ta cách hiệu quả để đến với sách.
Sách trong nhà bếp cần đặt xa chỗ làm thức ăn bề bộn. Sách làm tăng thêm vẻ thân mật và nhiều khi tựa đề và gáy sách có thể kích thích ăn ngon và khi ngồi ăn thấy vui. Đồ đạc khác trong bếp thì có thể dấu trong tủ chạn nhưng sách thì cần để chỗ dễ thấy. Điều đó chắc chắn sẽ giúp ngăn ngừa cảm giác quá sạch sẽ và hiệu quả từ cuộc sống đầy áp lực và tính cách cá nhân khỏi len vào phòng.
Ai đó đã có bộ sưu tập sách để ở nhiều nơi khác nhau trong nhà sẽ thấy phòng ngủ và phòng tắm cũng là nơi tốt để mở rộng thư viện gia đình. Sách trong phòng ngủ thật sự làm người ta thoải mái, nhất là đối với những người không thể nào đi ngủ mà không có ít svois2.jpgnhất vài ba cuốn sách bên cạnh. Sách trong phòng ngủ nên nằm trong tầm tay, có thể trải dài ở dưới hay trên đầu giường, hoặc phía lối ra vào.
Phần cuối sách nói về cách giữ gìn và bảo quản sách cùng những gợi ý về kỹ thuật hữu dụng để lên kế hoạch thiết kế kệ sách. Tác giả cuốn sách đã đưa ra những gợi ý nhỏ mang tính nguyên tắc tổng quát về sự cần thiết phải chăm sóc, bảo quản sách. Nước là kẻ thù số một của sách. Đối với những cuốn sách bị ướt, cần dùng giấy thấm xen kẽ các trang sách cho sách khô từ từ. Côn trùng là một vấn đề gây nguy hại cho sách.
Trong hơn 100 trang sách, có đến hơn 100 bức ảnh minh họa sinh động về các cách bài trí, sắp xếp một thư viện gia đình cho phù hợp, một kệ sách đơn giản mà thuận tiện. "Sống với sách" hay cũng là sống cùng sách tưởng đơn giản mà lại là cả một nghệ thuật, đòi hỏi những người yêu sách phải dụng công thiết kế, sắp đặt để sách trở thành một thành viên trong gia đình, gần gũi và rất hữu ích. Hy vọng với cuốn sách này, bạn đọc sẽ có một khái niệm để tự mình thiết kế thật đẹp những nơi lưu trữ sách, tận dụng những khoảng trống mà mình vô tình đã bỏ sót, và nhất là tạo được phong cách độc đáo cho tổ ấm gia đình của mình.

-----------------

Hồng Vân